THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 November 2010

Facebook bị chặn và những cơ hội thay đổi xã hội




1–1
superstar - founder
796 posts

Caffe Latte
Bài viết được tác giả chia sẻ cùng Dân Luận. Nếu độc giả Dân Luận chia sẻ quan điểm của bài viết, các bạn có thể sử dụng "Cẩm nang vượt tường lửa" do Dân Luận soạn để tuyên truyền kiến thức này tới cộng đồng...
Từ những quan sát và nhận xét của cá nhân tôi, việc các ISP chính của Việt Nam chặn mạng xã hội Facebook, nếu được kiểm chứng đầy đủ là do chính sách của chính quyền chứ không phải do trục trặc kỹ thuật, sẽ là một cơ hội rất tốt mà phong trào dân chủ không nên bỏ qua.

1. Đánh giá tình hình

Phản ứng của giới netizen Việt Nam khi Facebook bị chặn, theo quan điểm của tôi, sẽ rất khác với phản ứng khi Yahoo! 360 bị đóng cửa.
Khi Yahoo! 360 bị đóng cửa, những netizen sử dụng dịch vụ này có thể rất bực tức, nhưng họ không thể trút nỗi bực tức đó lên chính quyền, vì trách nhiệm rõ ràng không thuộc về chính quyền mà thuộc về nhà cung cấp dịch vụ Yahoo! Và do dịch vụ không còn được cung cấp nữa, họ buộc phải chuyển sang dùng các dịch vụ mạng xã hội khác (vì có muốn bám trụ cũng còn trụ đâu mà bám). Dẫu sao thì qua sự kiện Yahoo! 360, các netizen mạng xã hội ở VN đã tỏ ra chung thủy (hoặc "có sức ỳ lớn") hiếm thấy với một dịch vụ mà họ đã quen sử dụng.
Còn trong trường hợp của Facebook hiện nay, công ty Facebook vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người dùng chứ không hề chấm dứt hoạt động. Nó chỉ bị các ISP Việt Nam chặn theo lệnh của chính quyền [chưa được kiểm chứng], và do đó, ai có khả năng vượt qua bức tường kỹ thuật ngăn chặn này vẫn có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ của Facebook như thường. Do đó, tôi tin rằng, với lòng chung thủy hoặc sức ỳ hiếm có của mình, các netizen Việt Nam sẽ thà vượt tường lửa để tiếp tục sử dụng dịch vụ Facebook với tất cả những mối quan hệ sẵn có, còn hơn là đi tìm một dịch vụ mạng xã hội khác kém phổ biến hơn, kém chất lượng hơn, để bắt đầu xây dựng các mối quan hệ lại từ đầu.

2. Có mấy điểm cần phải phân tích rõ hơn:

Điểm thứ nhất, đó là việc ngăn chặn Facebook là một đòn mạnh giáng vào giới netizen Việt Nam, những người đã quen coi đó là hệ thống mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Nó không còn là việc ngăn chặn một vài trang web phản động hải ngoại xa xôi với toàn những lời chửi rủa của những người chống cộng cực đoan, hay một vài diễn đàn của giới trí thức tháp ngà phát ngôn những điều cao siêu mà bình dân không ai hiểu cả... Nhưng Facebook đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống thường ngày của một netizen, bên cạnh những email, yahoo messenger, vân vân. Các netizen dùng Facebook trong liên lạc bạn bè, lưu giữ quan hệ, sắp đặt kế hoạch, tổ chức sự kiện, và vô vàn công việc thiết yếu khác (không kể những vấn đề dường như lặt vặt như làm trang trại hay chăm sóc thú nuôi mà tôi không muốn nhắc đến), và hiển nhiên là họ không thể nào thờ ơ với việc chính quyền ra lệnh chặn Facebook như là đã chặn x-cafevn hay talawas được.
Điểm qua thái độ của các netizen trước sự việc này, chúng ta có thể phác họa được một dải liên tục, hay một "continuum": Ở một thái cực, những netizen phản động dường như không ngạc nhiên mấy trước sự việc, dường như do đã thấu hiểu bản chất chuyên chế của chế độ nên họ biết rõ một chính quyền chuyên chế hoàn toàn có thể thực hiện một nước đi như thế. Ở một thái cực khác, những netizen yêu chế độ là những người thật sự bị sốc nhất. Còn gì đau đớn hơn là bị chính cái chế độ mà mình ủng hộ nó đá đít? Còn gì khiến người ta sáng mắt hơn là chính cái chế độ mà mình tin tưởng là tốt đẹp, là đúng đắn, bây giờ nó lại chơi xấu mình? Và ở giữa khoảng continuum đó là phần lớn các netizen vốn thờ ơ với chính trị, cho rằng chính trị, kiểm duyệt, tường lửa là những điều xa xôi không liên quan đến mình, nhưng giờ đây họ đã có thể trải nghiệm sự hà khắc của chế độ phủ lên cuộc sống hàng ngày của họ, và sự bất mãn giận dữ là cảm giác được nhiều người chia sẻ.
Điểm thứ hai, như tôi đã đề cập đến, những facebooker sẽ tìm cách vượt qua sự ngăn chặn của ISP để tiếp tục sử dụng dịch vụ của Facebook, và từ đó họ sẽ tìm hiểu và quen thuộc với các phương pháp và và công cụ chống kiểm duyệt, sẽ biết cách vượt tường lửa, vả do tính chất đặc biệt của mạng xã hội, các kiến thức này sẽ được lan truyền nhanh chóng trong xã hội netizen (điều này đã được kiểm định trong vài ngày qua, khi kỹ thuật vượt kiểm duyệt bằng OpenDNS được phổ biến rộng rãi khắp nơi). Điều này tạo nên một môi trường thuận lợi hơn trước cho công cuộc "khai sáng". Dạo trước, mỗi khi tôi gửi một đường link "phản động" cho bạn bè mà không kèm hướng dẫn vượt tường lửa, thì y như rằng sẽ nhận được phản hồi đại loại như "không vào được", "link hư", và người nhận cũng không buồn vượt tường lửa để xem, có thể vì họ không biết vượt tường lửa, có thể vì diều đó không quan hệ với mấy họ. Nhưng tôi tin rằng, một khi thông tin về các kỹ thuật vượt kiểm duyệt đã được phổ biến, thì các netizen sẽ dễ dàng xử lý các đường link bị chặn, và qua đó tiếp nhận với nhiều nguồn thông tin lề trái hơn.
Tuy nhiên, nói một cách công tâm thì việc chặn Facebook cũng không khỏi có những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cộng đồng facebooker ở Việt Nam nói riêng và cộng đồng netizen Việt Nam nói chung, những đối tượng đầu tiên mà công cuộc "khai sáng" nhắm tới. Nếu như việc ngăn chặn không bóp chết được sự phổ biến của facebook, thì ít nhất nó cũng sẽ làm giảm tốc độ phát triển của hệ thống mạng xã hội này. Quan hệ giữa các cá nhân đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển của một mạng xã hội, và khi việc gia nhập mạng trở nên khó khăn hơn, thì tốc độ phát triển của mạng giảm đi là điều có thể hiểu được. Do mạng là môi trường thuận lợi nhất của việc "khai sáng" và truyền bá "dân chủ", nên việc ảnh hưởng của môi trường mạng giảm đi cũng sẽ khiến những việc đó trở nên khó khăn và ít hiệu quả hơn.

3. Phải làm gì?

Dựa trên những phân tích trên, tôi đề xuất một số điều mà công cuộc "khai sáng", phong trào "dân chủ", lực lượng "bất đồng chính kiến" (hoặc bất kỳ tên gọi gì khác để chỉ bọn phản động) nên tập trung khai thác. Điều đầu tiên và quan trọng nhất, đó là sự bất mãn và vỡ mộng của nhiều netizen yêu đảng hoặc thờ ơ với chính trị qua sự kiện này, đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cần phải nhắm đến tức thì khi những tình cảm đó còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Ngay khi các netizen vừa nhận ra bàn tay của chế độ, cần phải nhân đó làm sáng tỏ bản chất hà khắc, chuyên chế của chế độ đó, nói cách khác, cần lợi dụng một vấn đề như chặn Facebook để đề cập đến những vấn đề bao quát hơn, tạo ra sự đổi mới trong tư duy của cộng đồng mạng. Với sự vụng về trong cách hành xử của chính quyền, nếu như bọn phản động cũng không thể thu hút được những cảm tình viên từ lớp netizen đang bất mãn này, thì quả là hết nói...
Việc phổ biến các kỹ năng chống kiểm duyệt cho các netizen cần vượt tường lửa để truy cập facebook cũng là một điều cấp thiết, thậm chí theo ý kiến riêng của tôi, đó là vấn đề thiết thực nhất có thể làm và cần làm ngay. Thay vì chỉ thuần túy rao giảng những vấn đề chính trị, khai sáng, công cuộc "khai sáng" hoàn toàn có thể truyền bá một cách tích cực hơn những vấn đề kỹ thuật như OpenDNS, open proxy, tường lửa, kiểm duyệt, vân vân, những vấn đề được coi là thuần túy kỹ thuật và do đó không gắn với hai chữ "phản động" thường khiến nhiều người e dè. Qua đó, không những ta giúp cho các netizen tiếp tục sử dụng các dịch vụ mạng xã hội (vốn là một môi trường tốt để "khai sáng") mà những kỹ thuật chống kiểm duyệt cũng giúp cho họ dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn thông tin lề trái trước nay vốn bị ngăn chặn ở bên kia bức tường lửa, như danluan.orgx-cafevn.orgtalawas.org, vân vân; khi mọi người đã quen với việc vượt tường lửa (đầu tiên là để truy cập facebook) thì việc phổ biến các thông tin lề trái kia sẽ chẳng còn là một vấn đề lớn. Hơn nữa, việc vượt tường lửa cũng sẽ là một biểu hiện của tinh thần phản kháng, cũng như thúc đẩy tinh thần phản kháng, trong giới netizen, đại loại như ý nói: "Cấm thì cứ cấm, chặn thì cứ chặn, ông đây vẫn cứ vào". Nếu tình hình có thể phát triển như thế, phản kháng, phản động sẽ trở thành "thời thượng", vượt tường lửa sẽ trở thành "sành điệu", như thế không tốt hay sao? :)
Bên cạnh việc khai thác tối đa tình hình, tôi cho rằng cũng cần phải phản ứng lại những ảnh hưởng tiêu cực mà việc chặn facebook chắc chắn sẽ tác động đến cộng đồng facebooker nói riêng và netizen nói chung. Tôi chưa nghĩ ra biện pháp gì thật sự hiệu quả, ngoại trừ việc tích cực phổ biến các kỹ thuật chống kiểm duyệt. Mong rằng nhiều người khác sẽ có ý tưởng hay hơn.
Một tình huống xấu khác có thể xảy ra, đó là một số hồng vệ binh thay vì phản ứng với chính quyền và các ISP dưới tay họ, lại quay sang trút giận lên lực lượng phản động, cho rằng chính vì những hoạt động của họ mà facebook mới bị chặn. Tôi đã bắt gặp một vài thái độ như thế, và tuy tôi không cho rằng đây sẽ là một thái độ phổ biến, nhưng việc chuẩn bị trước cũng là một điều nên làm.

4. Kết luận

Trước khi viết những dòng này, trong những ngày qua bản thân tôi tôi đã tích cực hết sức mình để truyền bá những kỹ thuật vượt tường lửa đến cho những bạn bè xung quanh, và khuyến khích họ cũng lan truyền những kỹ thuật đó cho những facebooker quen biết. Và tự nhiên tôi có một giấc mơ, tôi mơ rằng hết thảy người dân Việt Nam đều biết vượt tường lửa, dùng proxy, đổi DNS server, và thông thạo mọi kỹ thuật chống kiểm duyệt khác. Nhưng đây không chỉ là giấc mơ, bởi tôi tin giấc mơ đó có thể thành sự thật nếu chúng ta cố gắng, và tôi cố gắng đóng góp phần mình trong việc hiện thực hóa giấc mơ đó. Nếu mỗi người đều có thể chỉ cho mười người khác biết cách vượt tường lửa, thì chẳng mấy chốc vượt tường lửa sẽ là chuyện mà netizen nào cũng biết… Và tôi tin rằng, cũng như những người Đức ngày xưa đã từng vượt qua bức tường Berlin do chính quyền chuyên chế dựng lên thế nào, thì người Việt Nam ngày nay cũng có thể vượt qua bức tường lửa do chế độ hà khắc lập ra như vậy.
Caffe Latte