THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 November 2010

Gặp thầy giáo trong nhà lao Phú Quốc


25/11/2010 20:53:57

 - Tôi đã được học và gặp rất nhiều thầy cô giáo để có thể trưởng thành như ngày hôm nay. Thế nhưng, gặp gỡ và trò chuyện cùng một người thầy giáo của nhà lao Phú Quốc khét tiếng một thời thì  có lẽ phải là cơ duyên. Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông khiến cho tất cả những người như tôi thêm kính trọng nghề giáo. 
 
Biến "địa ngục" thành trường học


Anh thanh niên Hoàng Gia Lượng vốn là một sinh viên của Trường Trung cấp Sư phạm  Đông Phù ở thị xã Sơn Tây - Hà Tây (cũ). Sau khi học xong, tháng 7/1967 Hoàng Gia Lượng viết huyết thư xin được lên đường cầm súng đánh giặc, anh vào Lữ đoàn 368, Trung đoàn Đồng Nai. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 1968 anh bị bắt trong trận tập kích vào cầu Bình Lợi - Sài Gòn. Sau 7 ngày giao tranh, anh nhận nhiệm vụ đánh lạc hướng kẻ địch và bị bắt trên một con kênh nhỏ, lúc đó anh quyết tử cùng cường địch phía trước bằng 300 viên đạn AK và hai quả lựu đạn. Anh bị trọng thương và bị địch bắt. Khi tỉnh anh thấy trong các vết thương có những con giòi ngoe nguẩy bò ra từ thịt. Kẻ thù đã không thèm quan tâm cứu chữa cho tù binh. Ngay sau đó thì địch đày anh ra "địa ngục trần gian" Phú Quốc.

Có sẵn nghề sư phạm, lại có cái tâm của một người thầy, ông đã bàn bạc với anh em tù binh để mở các lớp học. Nhưng muốn dạy học thì phải có "giáo trình", phải soạn "giáo án". Để có được những cuốn sách nhỏ dạy học cho anh em tù binh, ông cùng với các đồng chí của mình đã bí mật lấy những bìa các tông địch vất đi, sau đó mang ngâm nước trong nhiều ngày cho nhũn ra, rồi bóc ra từng lớp giấy một. 

f
Những người dạy học cũng bị đày ra chuồng cọp (ảnh minh họa).

Công đoạn tiếp theo là phơi khô giấy, tráng nước cơm, lấy cà mèn (một dụng cụ đựng cơm cho tù binh Phú Quốc) là phẳng, sau đó lại hong khô rồi cắt thành từng miếng giấy nhỏ chỉ bằng bao thuốc lá. Công việc hoàn tất, anh em tù binh rút sợi vải từ quần áo làm chỉ, rồi lấy que thép nhỏ mài thành kim khâu, đóng thành quyển sách hoàn chỉnh. Một số quyển sách dạy triết học, hay chính trị học thì chỉ làm nhỏ bằng đốt ngón tay. Khi di chuyển anh em tù binh giắt vào tóc hoặc cho vào kẽ răng để địch không phát hiện.

Bút mực cũng được ông cùng anh em tù binh làm rất công phu. Họ lấy chiếc cà mèn gò mỏng rồi uốn thành những chiếc bút nhỏ. Còn mực do địch "ban tặng". Ông Lượng kể: Trong thức ăn hằng ngày của anh em tù binh thỉnh thoảng có lẫn vài con mực, các anh em gom lấy mực dùng để viết. Ngoài ra, anh em còn lấy nhựa cây tràm đem hòa với gỉ sắt sẽ được loại mực tốt có thể để mấy chục năm không phai.

Sau khi đã có giấy, mực, bút, ông cùng một số anh em tù binh ngồi lại với nhau để biên soạn chương trình dạy thích hợp, ai thuộc lĩnh vực nào như toán, văn, ngoại ngữ, y học... thì viết về nội dung đó. Người biết nhiều dạy người biết ít... Cứ như thế ông và các đồng chí của mình dần biến nhà tù "địa ngục" Phú Quốc thành trường học. 

"Học phí" bằng máu

Theo ông Lượng trong các môn học của ta trong nhà lao, địch đặc biệt "ghét" môn triết học và chính trị. Chúng theo dõi và đã nhiều lần biến những buổi học của tù binh thành máu. Thậm chí năm 1969 địch còn cho người xả súng vào trại A5 khi các anh em tù binh đang học bài. Những "thầy giáo" trong nhà lao Phú Quốc thường bị biệt giam. Để ngụy trang kẻ địch, những người thầy ở nhà lao Phú Quốc đã nghĩ ra cách dạy học trên cát, hễ thấy địch đến thì xóa đi.
 

"Tôi thấy, hiện nay, lỗ hổng lớn nhất trong giáo dục của chúng ta là phương pháp dạy học. Nhiều thầy cô chỉ biết đọc cho học sinh chép y như sách, trong khi đó, phương pháp học để học sinh tiếp thu một cách nhẹ nhàng lại không có - đó mới là điều quan trọng nhất".

Ông Hoàng Gia Lượng

Thế nhưng, những khó khăn đó cũng chẳng khiến những người thầy và những học trò ở đây "rời bỏ ghế nhà trường". Ông kể: "Chưa bao giờ tôi thấy tinh thần học cao như trong tù Phú Quốc. Các anh em ở đây thực sự thèm học, khát học và học thực sự. Như anh Trần Bá Hoành ở Hưng Yên khi vào tù trình độ chỉ lớp 3, sau đó được dạy đến trình độ lớp 10 ngay trong nhà tù, khi trở về với cách mạng có thể đảm nhận ngay nhiệm vụ mới. Hay như một anh quê Thanh Hóa, vì "thèm học" bị địch bắt tra tấn, anh liền giả câm suốt 5 năm liền không nói một câu. Địch cho là anh bị câm thật nên không cần đàn áp học tập đối với anh".

Để có được chương trình dạy nhanh, hiệu quả học tập cao, tránh những trận đàn áp của địch, thầy giáo Hoàng Gia Lượng đã nghĩ ra nhiều cách làm sách và dạy học sao cho hiệu quả nhất. Đối với môn học như lịch sử ông chỉ cần vẽ một trục thẳng, trong đó ghi những mốc thời gian lịch sử, như thời kỳ nguyên thủy, thời kỳ Bắc thuộc, Triều Lý, Trần, Lê... Các anh em chỉ cần nhớ được các mốc thời gian lịch sử, sau đó tự phân tích ra.  

Phương pháp "bộ óc đầy"

Sau khi ra tù (22/7/1973) ông trở về làm hiệu trưởng Trường THCS Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Tây (cũ). Khi tôi hỏi tâm sự của ông về ngành giáo dục hiện nay, ông buông tiếng thở dài: Hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình dạy học theo kiểu "bộ óc đầy", tức là nhồi nhét vào đầu học sinh tất cả thứ gì có thể, chứ không phải đào tạo theo kiểu "bộ óc thông minh". "Bộ óc đầy" là bộ óc khốn khổ, nó cũng giống như người đi trong sương mù, khiến cho người học lơ mơ, học trước quên sau, học đến chỗ nào hay chỗ ấy, sau đó lại trả hết cho thầy.

r
Quyển sách Duy vật Lịch sử này từng bị địch truy lùng ráo riết nhưng anh em tù binh vẫn quyết tâm giữ.

Đó cũng là nguyên nhân tại sao chúng ta bắt học sinh cõng trên lưng hàng tá sách theo kiểu mù quáng mà không biết đến tác hại của nó, và gây áp lực đối với học sinh. Còn dạy một bộ óc "thông minh" là chỉ cho người ta phương pháp học đúng nhất, để học sinh tự vận dụng những phương pháp đó vào thực tế. Cách dạy thông minh cũng giống như "chiếc gậy như ý" của Tôn Ngộ Không, lúc cần co thì co, lúc cần giãn thì giãn.

Năm 1968, gia đình ông Lượng nhận được bức thư của một người bạn cùng đơn vị có đoạn viết: "Anh Lượng đã dũng cảm nhận nhiệm vụ mở đường máu để đánh lạc hướng kẻ thù, anh ấy đã hy sinh". Thế nhưng, phải đến ngày 22/2/1973 gia đình ông mới nhận được giấy báo tử và lập bàn thờ ông.

Gia đình ông còn được hướng dẫn đi nhận phần mộ (mặc dù chưa có hài cốt, nhưng những gia đình có người hy sinh khi đó đều được nhận một phần mộ cho người thân mình ở nghĩa trang Sơn Tây). Không ngờ, ngày 22/2 cũng là ngày anh được trả tự do. Anh trở về trước sự ngỡ ngàng và niềm vui sướng của gia đình, đặc biệt là cô hàng xóm vẫn bao năm đợi chờ...

Quách Dương