THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 November 2010

Thủy điện xả lũ: mạnh ai nấy làm

T - Thời gian qua, liên tục các vụ thủy điện xả lũ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Liên quan tới vấn đề này, ông PHẠM HỒNG GIANG - chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, phó chủ tịch Hội Đập lớn thế giới - nói:

>> Nước lũ xé nát quốc lộ 1A

Ông PHẠM HỒNG GIANG - chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, phó chủ tịch Hội Đập lớn thế giới

- Qua thực tế việc xả lũ của các hồ thủy điện, tôi thấy chúng ta đang có bất cập trong quản lý, vận hành các hồ thủy điện, đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống lũ. Người dân ở hạ du nhiều nơi bị ảnh hưởng sau khi các hồ thủy điện xả lũ. Chuyện này năm ngoái đã nói nhưng đến nay vẫn thấy còn rất nhiều lỗ hổng. Tôi ngại rằng giờ đang lũ thì còn có ai đó nói chuyện trách nhiệm, hết lũ thì mọi việc lại đâu vào đấy, chẳng ai để ý cả.

Trước đây chúng ta có Bộ Thủy lợi chịu trách nhiệm về tất cả vấn đề liên quan đến nước. Bây giờ Bộ Công thương chỉ quản phần của bộ như thủy điện, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản các hồ sử dụng cho nhiều mục đích, Bộ Giao thông vận tải thì lo chuyện đường sông. Vì thế, mạnh ai nấy làm. Địa phương thì lũ đến mới đi chống lũ. Tôi cho rằng chúng ta phải có một cơ quan chính thức của Nhà nước quản lý các nguồn nước một cách đồng bộ, chặt chẽ và có sự điều chỉnh hợp lý giữa các ngành

Ông Phạm Hồng Giang

* Thưa ông, thường chủ đầu tư nhà máy điện nói lũ về thì phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập, còn lãnh đạo địa phương cho rằng hồ thủy điện xả không đúng quy trình. Ý kiến của ông về chuyện này thế nào?

- Giữ đảm bảo an toàn cho đập thủy điện là đúng, nhưng lẽ ra phải dự báo tốt về mưa lũ để xả nước trong hồ trước khi lũ về, vừa để đảm bảo an toàn cho hồ vừa không ảnh hưởng tới hạ du. Chủ đầu tư bao giờ cũng muốn giữ mực nước hồ rất cao để ưu tiên cho sản xuất điện. Khi lũ cao thì mới xả, mà khi xả lại không thông báo cho người dân dưới hạ du nên không những không góp phần giảm nhẹ lũ mà còn làm thiệt hại cho người dân hạ du. Đấy là do chúng ta làm không tốt khâu quản lý vận hành hồ. Giữa địa phương và chủ đầu tư chưa có sự phối hợp trong công tác phòng chống lụt bão. Khi hồ thủy điện xả nước, tỉnh không nhận được thông tin và người dân lại càng thiếu thông tin.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở việc quản lý vận hành hồ mà còn có cả từ khâu quy hoạch. Chúng tôi biết chẳng có ai tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về quy hoạch thủy điện, cứ có dự án xây dựng thủy điện là phê duyệt. Hiện có rất nhiều thành phần kinh tế đầu tư làm thủy điện nhưng chúng ta lại thiếu sót trong quy hoạch. Cả lưu vực sông như vậy thì phải tính xem những chỗ nào có thể làm thủy điện, chỗ nào không nên làm và công suất nhà máy bao nhiêu để đảm bảo cho phòng tránh lũ, tưới tiêu, phát điện, giảm diện tích ngập, bảo vệ môi trường, nhất là rừng... Nhưng quy hoạch hoặc là rất sơ sài, hoặc là chưa có. Một thiếu sót nữa là về mặt kỹ thuật. Nhiều đập thủy điện được phê duyệt nhưng chưa đảm bảo an toàn đập. Sự cố nghiêm trọng, kể cả vỡ đập ở một số đập nhỏ vừa qua cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục tình trạng này.

Chính phủ đã ban hành nghị định về an toàn đập nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt. Bình thường thì không ai quan tâm, đến khi lũ về thì không kịp nữa. Số lượng cán bộ chuyên môn tại địa phương rất ít, chuyên môn không vững. Sở Công thương là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo tỉnh vấn đề này nhưng lại thiếu chuyên gia giỏi về thủy văn, về dòng chảy, về an toàn đập.

* Đối với hoạt động của nhiều hồ thủy điện trên một lưu vực sông thì sao, thưa ông?

- Vấn đề này đúng là phải có quy định vì trên một dòng sông mà hồ ở trên xả vô tội vạ thì hồ bên dưới sẽ vỡ đập ngay. Hoặc nếu hồ trên xả, hồ bên dưới cũng xả thì người dân ở hạ du phải hứng chịu hết. Nếu các thủy điện trên một lưu vực sông của cùng một chủ đầu tư thì có thể đỡ phức tạp, còn của nhiều chủ đầu tư thì ai sẽ nghe ai? Do đó quy trình vận hành liên hồ cần phải có. Hay với một dòng sông đi qua nhiều tỉnh và nhà máy thủy điện ở tỉnh này, hạ du thuộc tỉnh kia thì quy trình vận hành phải được phê duyệt sao cho thể hiện được lợi ích và trách nhiệm của các địa phương. Điều này đã xảy ra đối với thủy điện Hố Hô, địa điểm đặt đập ở Quảng Bình, còn hạ du là Hà Tĩnh. Cách đây hơn một năm, chúng tôi có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến vận hành cũng như an toàn đập của thủy điện Hố Hô để hạn chế tác hại khi lũ về. Rất tiếc là sự cố vừa qua ở đập thủy điện Hố Hô đã gây nhiều thiệt hại.

* Ông nghĩ sao khi người dân không kiện được chủ đầu tư các nhà máy thủy điện vì không có quy định?

- Tôi cho rằng lẽ ra luật phải quy định vấn đề này để nếu một nhà máy thủy điện vận hành không tuân theo quy trình, làm ảnh hưởng đến hạ du thì phải bồi thường.

* Như ông nói thì Bộ Công thương sẽ phải là cơ quan chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của các đập thủy điện, cũng như việc quản lý quy trình vận hành hồ thủy điện?

- Bộ Công thương chịu trách nhiệm về quản lý quy hoạch, kỹ thuật và vận hành thủy điện theo chức năng và nhiệm vụ được Chính phủ quy định. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này nên bộ phải có trách nhiệm trả lời trước dân. Bộ lo xây dựng một số nhà máy thủy điện lớn. Tuy nhiên việc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương quản lý các nhà máy thủy điện nhỏ còn hạn chế. Các nhà máy thủy điện lớn đương nhiên có những vấn đề lớn và phức tạp, nhưng lại có điều kiện tập trung chuyên gia giỏi để giải quyết, thậm chí có tư vấn nước ngoài tham gia nên thường được nghiên cứu kỹ và vì thế có thể phần nào không đáng lo lắm. Trong khi đó ở địa phương thì như tôi đã nói, rất thiếu cán bộ có chuyên môn vững.

Khi đọc thông tin liên quan đến ảnh hưởng ở hạ du do thủy điện xả lũ, chúng tôi rất lo ngại nhưng cũng không thể làm gì hơn được vì ở nước ta chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và những yêu cầu của xã hội đối với các hội khoa học, kỹ thuật chuyên ngành.

Không thể nói vô can

Trước thông tin từ hội thảo về công tác vận hành hồ chứa thủy điện do Bộ Công thương tổ chức ngày 13-11 cho rằng các thủy điện xả lũ không gây ngập lụt nặng, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã có ý kiến tỏ ra không đồng tình, đồng thời cho rằng không thể nói thủy điện vô can trước tình trạng lũ ngày càng hung hãn hơn.

TP Tuy Hòa ngập trong nước sau khi thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ vào ngày 2-11-2009 (ảnh chụp sáng 5-11-2009 từ máy bay trực thăng) - Ảnh: DUY THANH

Chiều 14-11, ông Nguyễn Bá Lộc - phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên - cho biết: "Tôi đã nói và giờ khẳng định lại rằng, ngày 2-11 thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ không báo cáo chính thức cho UBND tỉnh Phú Yên là sai quy trình vận hành liên hồ đã được Chính phủ ban hành".

Ông Lộc nói trước đây, hằng năm Phú Yên đều có lũ nhưng lượng nước đến và nước đi trên sông là bình thường. Còn trong hai năm 2009, 2010 lũ xuất hiện đột ngột, hung hãn hơn do có liên quan đến thủy điện xả lũ. Ông Lộc phân tích: "Nếu thủy điện theo dõi tốt dự báo thủy văn thì có thể đoán lũ và xả lũ trước khi lũ về để vừa đảm bảo lượng nước chứa trong hồ, vừa cắt lũ hiệu quả cho hạ du. Còn với cách làm như vừa rồi của thủy điện Sông Ba Hạ là giữ nước đến cao trình - có lẽ để đảm bảo lượng nước chạy máy - đến khi thấy lũ về lớn thì giật mình xả ào ạt khiến hạ du lãnh đủ. Cách làm như vậy là chỉ nghĩ đến lợi ích của thủy điện, trong khi vấn đề rất quan trọng là mệnh hệ của dân cư vùng hạ du chưa được họ quan tâm".

Ông Trần Công Danh, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, cũng nói hai đợt lũ đầu tháng 11 vừa qua ở sông Ba đều liên quan đến việc thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ.

Theo một thống kê, đỉnh lũ và lượng mưa trong vòng 10 năm, từ năm 2000 đến tháng 10-2010, được đo tại Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên cung cấp, có thể thấy rõ ràng sự tác động của thủy điện đến lũ trên sông Ba. Thống kê này cho biết năm 2008 (khi thủy điện Sông Ba Hạ chưa hoạt động), lượng mưa cao nhất là 1.763,9mm thì đỉnh lũ trên sông Ba chỉ đạt hơn 3,4m. Nhưng năm 2009, lượng mưa chỉ 886mm, đỉnh lũ đạt đến 3,765m vào ngày 4-11, vùng hạ du phía nam tỉnh Phú Yên bị nhấn chìm một ngày sau khi thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ. Còn mùa lũ năm 2010, chỉ tính đến tháng 11 lượng mưa mới đạt 571,7mm, nhưng đỉnh lũ trên sông Ba đã đạt 3,485m vào ngày 2-11, ngày mà thủy điện Sông Ba Hạ xả với lưu lượng hơn 6.000m3/giây cùng thủy điện Sông Hinh xả 2.500m3/giây.

DUY THANH - ANH PHƯƠNG

Bà TRỊNH THỊ NGA (trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên): Cử tri rất bức xúc

"Tôi không đồng ý với ý kiến nói thủy điện không làm lũ hung hãn hơn ở hạ du. Thực tế tại Phú Yên thời gian qua cho thấy biến đổi khí hậu có làm tình hình lũ lụt căng thẳng nhưng thủy điện xả lũ khiến lũ ngày càng hung dữ hơn. Trong thảo luận về tình hình tài chính ngân sách tại kỳ họp thứ tám này, tôi đã có ý kiến về việc thủy điện xả lũ không có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương gây nguy hiểm cho hạ du. Thêm vào đó, đầu tư xây dựng thủy điện còn mang tính lợi ích cục bộ, địa phương chỉ thu tài nguyên nước, còn lại toàn bộ do trung ương thu. Đó là chưa nói khi thủy điện xả lũ, hệ thống đê kè chưa có kinh phí để kiên cố nên bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến chăn nuôi, trồng trọt của người dân vùng hạ du.

Tôi sẽ chất vấn trước Quốc hội về việc thủy điện xả lũ. Đấy là điều cử tri rất bức xúc, vì lũ về tự nhiên thì người dân có thể chủ động, nhưng khi có các nhà máy thủy điện thì người dân vùng hạ du luôn bị bất ngờ khi xả lũ, hoặc có được biết cũng không kịp trở tay do nước lũ về quá nhanh".

KHIẾT HƯNG thực hiện