THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 January 2011

Hà Nội: "Rộn ràng" thị trường vàng mã cúng Táo quân


15/01/2011 22:00:23

 - Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết ông Công ông Táo, tại Hà Nội thị trường vàng mã đã vào mùa, người dân "rục rịch" đi mua sắm dù giá của các mặt hàng này đều "nhích" lên so với mọi năm.

TIN LIÊN QUAN

Giá cả tăng 10 – 40%

Tại phố Hàng Mã, nhiều cửa hàng bán đồ lễ đã bày những mặt hàng âm phủ tràn ngập trên vỉa hè. Cảnh mua sắm, chen lấn, lựa chọn đồ cúng diễn ra khá tấp nập. Ngoài các chủ hàng lấy buôn để bỏ mối, rất nhiều người dân đã đến đây để sắm mặt hàng này.

Đa chủng loại các mặt hàng cúng ông Công, ông Táo
Đa chủng loại các mặt hàng cúng ông Công, ông Táo

Chị Lan, chủ 1 cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết: "Từ đầu tháng 1, người dân đã đi mua sắm rồi. Một phần cũng là muốn để treo trong nhà cho đẹp và cũng là để đỡ cập rập hơn vào những ngày cận Tết ông Công, ông Táo. Sợ hôm ấy mua quýnh quáng hết hàng lại phải chọn đồ xấu".

Theo chị, các mặt hàng cúng Tết ông Táo năm nay đẹp hơn, kỳ công hơn vì thế giá cả cũng tăng từ 10-40% so với năm ngoái. Một bộ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm: mũ, quần áo, giày, chú cá chép giấy năm ngoái có giá dao động từ 60 – 80.000 đồng/cặp, năm nay giá lên tới 100.000 - 150.000 đồng/cặp (to, nhỏ tùy loại). Trong bộ đồ của ông Công nếu lấy thêm còn có: hia, gươm, ngựa, quần áo với giá 70.000 đồng/bộ.

"Đấy là những loại đẹp, chất lượng, loại 150.000 đồng thường khách phải đặt trước thì chúng tôi mới lấy. Hàng chủ yếu lấy từ Thuận Thành, Bắc Ninh nên mẫu mã đẹp khiến khách hàng rất thích. Nhà tôi từ đầu mùa tới giờ bán được hơn 50 bộ thôi, tầm này họ chưa mua nhiều đâu, phải từ rằm trở ra cận Tết ông Táo mới chen nhau mua nhiều". Chị Lan cho biết.

Chị Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: "Cả năm mới có một ngày Tết ông Công, ông Táo nên mình tiến lễ cũng phải đàng hoàng. Giá có đắt một chút cũng không sao, miễn là đẹp. Ở Long Biên, chỉ có 25 – 50/bộ cúng thôi nhưng mà chất liệu không thể bằng được, giấy thì toàn giấy dán chứ không như ở Hàng Mã, họ thêu hoa văn nổi nhìn rất sang".

Đa dạng các mặt hàng "âm phủ"

Bên cạnh những mặt hàng như ông Công, ông Táo được nhiều người mua thì các loại như: tiền, vàng, sớ, quần, áo, giày dép… cũng không thể thiếu trong danh sách mua đồ  lễ trong dịp Tết Táo quân này. Trọn bộ tiền, vàng, đồng xu, đô la loại nhỏ có giá 10 – 15.000 đồng. Loại vàng hoa có giá 50 – 55.000 đồng/bộ. Quần áo loại thường có giá dao động từ 20 – 50.000 đồng/bộ, trong đó những bộ đồ Complet có giá 70 – 80.000 đồng/bộ.

Với quan niệm "trần sao âm vậy" các mặt hàng đồ cúng lễ ngày Tết ông Công, ông Táo cũng khá đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các vật dụng hiện đại như ô tô, xe máy, nhà lầu, điện thoại di động, thậm chí răng giả, ô sin, xe lăn, chăn ga gối đệm đều rất đầy đủ. Giá cả các mặt hàng này giao động từ 50 – 200.000 đồng to, nhỏ tùy loại.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhu cầu mua sắm các loại mặt hàng như vậy dịp Tết này không được nhiều, chỉ lác đác vài người hỏi mua.

Chị Thủy, chủ buôn các loại mặt hàng mã tại Thuận Thành, Bắc Ninh cho hay: "Tết cũng có người đặt các mặt hàng hiện đại như vậy nhưng không nhiều so với ngày rằm. Chỉ nhà nào có giỗ, có công việc thì mới mua thôi. Mà mặt hàng này làm rất cầu kỳ, mất nhiều thời gian nên phải đặt trước mới có. Cũng chỉ vì quan niệm gia đình làm ăn thuận lợi, mong gia tiên đón 1 cái Tết sung túc nên việc sắm lễ cũng là để tưởng nhớ, "tạ ơn" những người đã khuất mà thôi".

Giang