THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 May 2011

Cảnh báo thực phẩm kém chất lượng tại trường học

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-05-23
Liên ngành giáo dục, đào tạo và y tế phối hợp kiểm tra các trường học tại TPHCM đã ghi nhận nhiều trường hợp bán bánh kẹo không rõ xuất xứ, không đề hạn sử dụng.

RFA PHOTO
Một Em bé bán bánh cam ở TPHCM, ảnh chụp tháng 4 năm 2011.
 

Giá rẻ - chất lượng kém

Theo các báo thì phần lớn các trường trung học cơ sở, trường tiểu học thuộc các quận huyện trong phạm vi thành phố Hồ Chí  Minh, đều có những xe hay quầy hàng lưu động bày bán đồ chơi, quà bánh kẹo, được gọi là hàng trôi nổi, tuy bề ngoài trông đẹp mắt, màu sắc rực rỡ nhưng không ghi nhãn hiệu, công ty sản xuất, thời hạn.
Mấy thức ăn đó, không có nhãn, không hạn sử dụng, đồ ăn có tên hiệu không rõ ràng thì nhiều lắm, mình phải tự biết, không ăn chứ không ai ngăn cản.
Em Tú
Những người bán hàng rong cho biết, các món hàng này bán rất chạy, vừa túi tiền học trò, từ 500 đồng đến 2.000 đồng tùy từng loại. Bên cạnh những xe đó, các trường cũng lập những quầy hàng giao cho nhà thầu quản lý và kinh doanh, được gọi là căn-tin, bán xôi, bánh mì thịt, cháo, hủ tiếu mì, kem, các loại nước uống, sinh tố trái cây, kẹo mứt.
Các xe lưu động hay căn-tin đều do tư nhân kinh doanh tự do, mà không qua sự kiểm tra hay chi phối của ban giám hiệu nhà  trường hay thầy cô có trách nhiệm.   
Các bậc phụ huynh lo ngại vì biết rằng hàng hóa đó là nhập từ nước ngoài, mua bán từng  khối lượng lớn, giá rẻ, tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài sẽ có tác hại về sức khỏe đối với con trẻ, có thói quen ăn quà bánh vào giờ giải lao, tan trường.
Thống kê ngành y tế cho hay trên toàn thành phố, có trên một ngàn căn-tin, tính từ bậc mầm non đến trung học, hầu hết các căn-tin đều có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đối với các xe lưu động bán hàng quanh  khu vực học đường, thì không thể nào kiểm soát họ được.
DSC_0017-200.jpg
Một người bán hàng rong ở TPHCM. RFA PHOTO.
Khi gọi đến sở giáo dục, đào tạo, thành phố Hồ Chí Minh, nhân viên chỉ qua ngành kinh tế:
"Anh phải hỏi những bộ phận về quản lý kinh tế, thị trường, đây là giáo dục, làm sao biết đường trả lời."
Qua liên lạc với sở Kinh tế , thì được nhân viên giải thích:
"Vui lòng gọi qua thanh tra, muốn cần thông tin thì bác cứ tới thanh tra sở, 59 Nguyễn Thị Minh Khai, có sếp tiếp và trả lời những thông tin này, chứ hỏi qua điện thoại phòng này sẽ không trả lời gì đâu."

Khó ngăn cản

Theo tờ Lao Động thì thông tin về việc căn-tin bán hàng trôi nổi do ngành an toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện và lên tiếng báo động. Trong câu chuyện với một chuyên viên về vệ sinh y tế công cộng, ông cho biết các quy định về xét nghiệm, tuy nhiên theo ông thì việc ngăn chặn hàng trôi nổi tại các căn-tin khó thực hiện:
"Bán đồ ăn mà nhiễm độc cho quần chúng, cho cộng đồng là không được, cần phải xét nghiệm, đó là an toàn thực phẩm, vệ sinh, y tế công cộng. Bán hàng trôi nổi, ăn thua do nhà nước, mình đâu có rành, không phải dân thương mại. Bán hàng trôi nôi không có phép thì đưa ra chánh quyền giải quyết thôi. Có xét nghiệm, an toàn mới cho phép bán các món hàng đó. Người bán hỏi lý do nào cấm tôi bán,  cho nên có lý do mới cấm được họ,  vì tôi nghi ngờ, tôi xét nghiệm, cơ quan nhà nước chứng nhận an toàn hay không an toàn. Phải phù hợp với pháp lý, cần có chứng cớ đàng hoàng."
Trường của con, chuyện ngộ độc thực phẩm, bệnh nặng phải nhập viện, thì chưa có, nhưng ở mấy trường khác thì có.
Em Tú


Em Tú, một học sinh trung học ở Sài Gòn nói, muốn bảo đảm sức khỏe thì phải tự mình lo liệu, chứ nhà trường không ngăn được những loại hàng hóa thiếu an toàn:
"Nhà trường không can thiệp chuyện căn-tin bán cái gì, chỉ cho phép mở quán bán thức ăn cho học sinh, thầy cô hay hiệu trưởng không để ý tới chuyện đó. Trường của con, chuyện ngộ độc thực phẩm, bệnh nặng phải nhập viện, thì chưa có, nhưng ở mấy trường khác thì có. Mấy thức ăn đó, không có nhãn, không hạn sử dụng, đồ ăn có tên hiệu không rõ ràng thì nhiều lắm, mình phải tự biết, không ăn chứ không ai ngăn cản."
Theo các sở giáo dục và y tế thì trong năm học này, căn-tin trường nào chưa có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm thì sẽ bị đóng cửa, trên thực tế thì cho dù được cấp giấy chứng nhận hơp lệ , nhưng rất nhiều căn-tin vẫn tiêu thụ mạnh các loại hàng trôi nổi, khi có đoàn thanh tra  đến thì họ nhanh chóng phi tang. Hơn nữa, nếu đóng cửa các căn-tin thì lập tức các quán hàng rong lại nổi lên gấp bội.
Báo chí và người dân Việt Nam vẫn thường nói,  bất cứ trong lãnh vực nào, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, dường như nhà nước chỉ đề nghị, ai chấp hành hay không chấp hành cũng không sao, có nghĩa là "vá víu" hay "đối phó"  hoặc  "chữa cháy",  chứ không giải quyết dứt khoát bất cứ vấn đề gì, mà chuyện căn-tin là một việc nhỏ, trong toàn bộ ngành giáo dục nước nhà.

Theo dòng thời sự: