THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 May 2011

Chứng khoán Hà Thành siết nợ tài sản cá nhân cựu Chủ tịch

Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Hà Thành- Bùi Quang Hùng cho biết, tài sản cá nhân của người tiền nhiệm (ông Trương Duy Sơn) sẽ bị xử lý để bù đắp khoản thâm hụt hơn 100 tỷ đồng do ông này gây ra.
> Chủ tịch chứng khoán bặt tăm với khoản thâm hụt 100 tỷ đồng

- Chủ tịch cũ không thể liên lạc được với số tiền âm tài khoản hơn 100 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của công ty còn chưa tới 100 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Công ty chứng khoán Hà Thành (HASC)?
- Ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HASC không đến cơ quan làm việc kể từ ngày 4/4/2011. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi được biết, ông Sơn không đến cơ quan làm việc vì nhiều lý do khác nhau chứ không chỉ với một lý do là vấn đề tài chính ông đã gây ra tại HASC.
Để đảm bảo công ty hoạt động bình thường, căn cứ Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty, và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HĐQT HASC đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch và tư cách người đại diện theo pháp luật đối với ông Trương Duy Sơn kể từ ngày 17/4/2011 và bầu người thay thế. Hiện nay, HASC hoạt động bình thường, đảm bảo việc giao dịch chứng khoán và nộp, rút, chuyển khoản tiền của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán tụt dốc, khủng hoảng xảy ra tại nhiều công ty chứng khoán. Ảnh: Hoàng Hà
Giá cổ phiếu tụt dốc, khủng hoảng xảy ra tại nhiều công ty chứng khoán. Ảnh: Hoàng Hà
- Người chủ tài khoản bị âm không thể liên lạc được, HASC làm thế nào để xử lý được khoản nợ hơn 100 tỷ đồng với các tổ chức tín dụng?
- Ông Sơn và những người có liên quan đến vụ việc HASC bảo lãnh cho khách hàng vay tiền kinh doanh chứng khoán trên một số tài khoản cá nhân gây ra khoản thâm hụt cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính là việc làm chủ yếu mang tính cá nhân.
Những người này phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền và pháp luật. Hiện nay, cơ quan chức năng đang xem xét giải quyết theo quy định. Trong các cuộc họp của HĐQT, ông Sơn đã nhận trách nhiệm cá nhân đối với khoản thâm hụt, đồng thời đề nghị phương án giải quyết bằng tài sản như nhà cửa, đất đai và cổ phiếu của cá nhân và gia đình ông. Hiện nay, HASC đang phối hợp với gia đình và các bên liên quan giải quyết hậu quả vụ việc.
Sự việc nêu trên của ông Sơn xảy ra trong năm 2010. Vào cuối năm 2010, Ban giám đốc HASC đã làm việc với ông Sơn về việc xử lý khoản bảo lãnh cá nhân và yêu cầu xuất trình các văn bản chứng minh khả năng tài chính có thể bù đắp khỏan thâm hụt trên. Giữa tháng 2 năm 2011, Ban giám đốc chính thức báo cáo HĐQT về tình hình các tài khoản đầu tư do ông Sơn bảo lãnh để có biện pháp xử lý.
- Tiền của các nhà đầu tư khác bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự kiện này?
- Hiện tại, ban lãnh đạo và cổ đông lớn của công ty đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi của ông Sơn. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũng trực tiếp giám sát hoạt động và bóc tách trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến hành vi của ông Sơn để đảm bảo hoạt động ổn định của công ty, bảo vệ tài sản của cổ đông. Công ty đang phối hợp với gia đình ông Sơn và các bên có liên quan xử lý tài sản của ông Sơn nhằm khắc phục hậu quả.
- Ngành điện lực thiếu vốn để đầu tư nhưng lại đổ tiền vào những lĩnh vực tài chính đầy rủi ro, nơi ngành điện không có kinh nghiệm. Ông thấy gì từ việc đó?
- Bốn đơn vị thuộc EVN tham gia góp vốn vào HASC từ năm 2007, chiếm khoảng 16,5 % vốn điều lệ. Vào thời điểm này, nhiều công ty cổ phần và TNHH một thành viên của EVN được thành lập, ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện, các đơn vị này mong muốn đầu tư thêm vào một số lĩnh vực khác để có thêm lợi nhuận.
Lúc đó, kinh doanh chứng khoán có lãi và xu hướng phát triển thị trường tại Việt Nam khá tốt; do vậy, các đơn vị trên của EVN đã tham gia góp vốn vào HASC. Từ năm 2009 đến nay, EVN đã chỉ đạo các đơn vị không đầu tư ra ngoài ngành nữa để tập trung cho lĩnh vực đầu tư, sản xuất và kinh doanh điện năng.
Trong cơ cấu cổ đông cùa Công ty chứng khoán Hà Thành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 3 công ty con khác nắm giữ 17,17% cổ phần. Trong số đó, EVN giữ 5% (tương dương 750.000 cổ phiếu), Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa 5%, Công ty Điện lực 3 giữ 4,5% (675.000 cổ phiếu), Công ty Điện lực Đà Nẵng 2,67% (400.000 cổ phiếu).
Ông Bùi Quang Hùng - người mới được bầu làm tân Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty chứng khoán Hà Thành là đại diện cho các cổ đông điện lực tại đây. Đại diện của EVN được bầu sau khi người tiền nhiệm (ông Trương Duy Sơn) "mất tích" cùng khoản thâm hụt trên tài khoản hơn 100 tỷ đồng. Trước đó, ông Sơn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 29,81% vốn điều lệ.
Hoàng Ly