THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 July 2011

Phân Hóa Nội Bộ - Hoa Kỳ Chửa Đánh Đã Thắng.





Ngày 27/5/2011, Đài Truyền Hình Việt Nam đưa tin tầu Bình Minh 02 đang thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam thì bị ba tầu hải giám Trung Quốc bao vây tấn công cắt dây cáp của tầu Bình Minh 02. Được biết tầu Bình Minh 02 có tầu Hải Quân theo bảo vệ. Nhưng không thấy Hải Quân có phản ứng gì khi tầu Bình Minh 02 bị tầu Trung cộng tấn công.


Ngày 9/6/2011, tầu thăm dò Viking 2 lại bị tấn công. Nghe nói tầu Hải Quân ViệtNam đã bắt giữ tầu Trung cộng. Nhưng sau đó có lệnh từ bên trên lại phải thả. Người viết sẽ mở rộng đề tài này khi bàn đến vai trò của Nguyễn Phú Trọng.


Các tin tức dồn dập tạo ra không ít hoang mang và phẫn nộ trong quần chúng ViệtNam. Người lo sợ chiến tranh sẽ xảy tới. Người khác cho rằng đảng Cộng sản đã bán đứng Việt  Nam . Nhìn chung một cao trào yêu nước dậy lên trong cộng đồng người Việt trong và ngòai nước. Lần đầu tiên và liên tiếp nhiều cuộc biểu tình đã được đồng bào Hà Nội, Sài Gòn, Bà Rịa… tự động tổ chức. Nhà cầm quyền cộng sản mặc dù lo sợ Cách mạng Hoa Lài phải tìm mọi cách ngăn cản, nhưng chẳng dám thẳng tay đàn áp như những cuộc biểu tình trước đây.


Để ra vẻ chiến tranh đã kề cận nhà cầm quyền Hà Nội ra dấu hiệu Tổng Động Viên và cho Hải Quân Việt  Nam thao diễn sử dụng đạn thật. Các trận "võ mồm" giữa 2 giới ngọai giao Tầu Việt liên tục xảy ra. Tình hình căng thẳng đến nỗi ngày 25/6/2011 vừa qua, nhà cầm quyền Bắc Kinh phải triệu hồi giới chức Việt đến Bắc Kinh chỉ để nhỏ nhẹn khuyên răn tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị … "theo đúng phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".


Bài viết xin nêu ra 2 vấn đề (1) đảng Cộng sản Việt Nam đang trong thời kỳ phân hóa nội bộ trầm trọng và (2) Hoa Kỳ chửa đánh đã thắng cả Việt cộng lẫn Trung cộng. Nhận ra điều này để từ đó chúng ta có thể xem xét việc cần phải làm để sớm mang tự do đến cho dân tộc Việt  Nam .


Trung Cộng rất ngạc nhiên trước phản ứng của Việt cộng ?


Trong cuộc Hội thảo về An ninh ở Biển Đông diễn ra tại Washington ngày 20 và 21 tháng 6 vừa qua phóng viên của đài Á Châu Tự Do tham dự hội thảo cho biết giáo sư Su Hao đại diện cho Trung cộng tỏ ra ngạc nhiên về phản ứng của Việt cộng. Từ những năm 2007, Trung cộng đã từng có hành động cắt dây cáp tầu Việt Nam và tầu Ngọai Quốc thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt  Nam . Nhưng không ai biết hay biết mà để ý đến. Nhưng bây giờ khi cắt cáp tầu Bình Minh 02 và tầu Viking 02 lại bị người Việt cả trong lẫn ngoài nước phản đối dữ dội.


Phóng viên Hà Giang Báo Người Việt đã Phỏng vấn Giáo sư Su Hao của Trung Quốc và được vị giáo sư trả lời như sau: "Chúng tôi cắt dây cáp, nhưng dây cáp này nằm ở đâu? Lãnh hải của Trung Quốc và Việt Nam chồng chéo lên nhau. Và trong quá khứ, chúng tôi đã từng làm như thế khi tầu Việt Nam đi đến vùng đánh cá của chúng tôi, đi vào vùng biển của chúng tôi, nhưng lần này Việt Nam phản ứng rất dữ dội hơn hẳn với truyền thống hành xử của họ. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước phản ứng này." Phóng viên Hà Giang hỏi tiếp: "Xin hỏi lại, theo ông thì Trung Quốc rất ngạc nhiên trước phản ứng mạnh mẽ vừa rồi của Việt  Nam khi hai lần bị cắt dây cáp, có phải không ạ?" giáo sư Su Hao trả lời: "Ðúng như vậy!" Lời xác nhận của giáo sư Su Hao đặt cho chúng ta nhiều câu hỏi về những mua bán giữa hai đảng cộng sản Việt – Trung để đến nỗi Bộ Chính Trị đảng Cộng sản không dám công khai hay phải làm ngơ trước những hành động xấm lấn thềm lục địa Việt Nam.


Giáo sư Su Hao còn cho biết: "Tôi có một nhận xét nữa là tuy Hoa Kỳ không là một quốc gia liên quan trong tranh chấp Biển Ðông, nhưng cuộc hội thảo này lại được tổ chức trên đất Hoa Kỳ. Tôi đoán có lẽ vì Hoa Kỳ là một cường quốc, cho nên quyền lợi của họ nằm ở khắp nơi. Hai nữa, tôi không hiểu tại sao tôi là diễn giả duy nhất từ Bắc Kinh được mời đến, trong khi đó Việt Nam được mời đến những ba diễn giả và nhiều viên chức của họ cũng đến tham dự. Ðiều này khá lý thú." Giáo sư Su Hao chắc đã rõ tại Diễn đàn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ở Singapore năm ngoái, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ chống lại tất cả các hành động đe dọa các công ty hoạt động trên biển. Lời tuyên bố này ám chỉ việc Các công ty dầu khí Hoa Kỳ và Anh Quốc đã phải từ bỏ nhiều hợp đồng dò tìm dầu khí với Việt Nam sau khi bị Trung cộng đe dọa.


Từ năm 2007, công ty BP của Anh quốc đã phải bỏ chạy khi đang thăm dò tại Nam Côn Sơn. Đến năm 2008, công Exxon Mobil của Hoa Kỳ cũng đã phải từ bỏ dò tìm dầu khí tại khu vực Tư Chính – Vũng Mây cũng thuộc Nam Côn Sơn. Cả hai công ty BP và Exxon Mobil đều cho biết đã bỏ dự án trên vì bị áp lực của phía Trung cộng. Vừa rồi khi công ty dầu khí Gia Nã Đại Talisman loan báo trong năm 2011 sẽ khoan thăm dò tại Nam Côn Sơn, Trung cộng lại tuyên bố địa điểm nằm trong vùng "Lưỡi Bò" do họ đơn phương vẽ ra.


Còn việc Tầu Trung cộng liên tiếp tấn công tầu thăm dò dầu khí ngay trước ngày khai mạc Diễn đàn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Hội thảo về An ninh ở Biển Đông để thăm dò phản ứng của đàn em cộng sản Việt Nam và thế lực thù địch Hoa Kỳ. Trung Cộng ngạc nhiên là phải. Họ đã tốn phí bao công bao của để cài đặt và mua chuộc người từ Bộ Chính Trị đến hạ tầng cơ sở, nay lại gặp phải những phản ứng bất lợi. Nhưng nhờ các phản ứng này chúng ta mới nhận ra đảng Cộng sản hiện đang trong thời kỳ phân hóa trầm trọng. Các đảng viên đảng Cộng sản Việt  Nam đang ở giữa hai còn đường phải chọn một: "theo Tầu thì mất nước, theo Mỹ thì mất đảng". Nhiều dấu hiệu cho thấy theo Mỹ là con đường đang được đa số muốn theo.


Phản Ứng của thành viên Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam


Nếu cho rằng Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt  Nam có người theo Tầu có người theo Mỹthì chắc sẽ gặp không ít phản đối. Bởi lẽ cả 14 thành viên đều đã được đảng Cộng sản Tầu chọn lựa kỹ càng. Nhưng sự kiện Bình Minh 2 – Viking 2 phần nào chỉ thấy 14 thành viên này đã công khai biểu lộ sự khác biệt trong phương cách phục vụ đảng Cộng sản Tàu.


Trương Tấn Sang, người đã tự ví đảng Cộng sản như "một bầy sâu làm 'chết' cái đất nước này". Nghe thế có người tin rằng Trương Tấn Sang có thể sẽ trở thành một Yetsin Việt  Nam . Thế nhưng đất nước này là đất nước nào ? Đất nước ViệtNam do ông cha ta để lại hay lại là đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa mà Việt  Nam chỉ là một tỉnh nhỏ của Tàu.


Trong những ngày qua chẳng thấy Trương Tấn Sang lên tiếng. Chỉ thấy ngày21/6/2011 vừa qua, nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cộng Sản, Trương Tấn Sang lại tiếp tục lải nhải giọng điệu phải: "… tuyên truyền đấu tranh chống âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch " Thật khó hiểu Sang vì phía Trung cộng lại luôn luôn tỏ ra rằng quốc gia này rất tôn trọng hòa bình. Thí dụ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Hồng Lỗi tuyên bố "Trung Quốc luôn cam kết gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông" hay Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt thì nói Bắc Kinh "sẽ nỗ lực vì "hoà bình", ổn định ở biển Đông"… Trong bài diễn văn tại Singapore Lương Quang Liệt đã 27 lần nhắc đến chữ "hoà bình". Không biết Yetsin Việt Nam Trương Tấn Sang muốn gì.


Còn Nguyễn Minh Triết, vào năm 2009 khi thăm  Cuba từng tuyên bố "Có Người (Hồ chí Minh) ví von, Việt  Nam  Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì  Cuba nghỉ." Lời tuyên bố trên đã dẫn đến câu hỏi Việt Nam canh gác ai ? hay canh gác cho ai ? Trung cộng ?


Ngày 7/6/2011, khi đến thăm huyện đảo Cô Tô, Nguyễn Minh Triết cho biết: "Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hi sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo". Nguyễn Minh Triết đã bị lọai khỏi Bộ Chính Trị trong lần Đại Hội 11 vừa qua. Thử hỏi ông Triết có sẵn sàng hiến dâng "đảng" để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo hay không ?


Nguyễn Tấn Dũng, ngày 8/6/2011 tại Nha Trang tuyên bố: "Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa … Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình". Nói thì cứng đấy, thì đúng đấy nhưng liệu đảng Cộng sản Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình hay không ?


Dường như ván cờ hiện nay do chính Nguyễn Tấn Dũng dàn dựng. Hiện tại cái ghế Thủ Tướng Việt Cộng của Nguyễn Tấn Dũng đang bị "thế lực thù địch" dòm ngó. Trong vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Việt  Nam , Dũng phải tạo ra những biến động để mọi người tạm quên đi khả năng điều hành kinh tế đã đưa Việt Nam vào cơn khủng hỏang trầm trọng đang dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.


Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Cộng sản Đại tướng Phùng Quang Thanh thì thay vì ra lệnh cho Hải Quân phải bảo vệ lãnh thổ, ngày 3/6/2011 tại Diễn đàn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Phùng Quang Thanh chỉ rất nhỏ nhẹ tuyên bố: "Đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hai bên không mong muốn…hai bên cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực." Phùng Quang Thanh đề nghị "quân đội hai nước cần bình tĩnh, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, gương mẫu thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là phấn đấu trở thành những người đồng chí, láng giềng, bạn bè, đối tác tốt của nhau".


Lời tuyên bố bên trên Phùng Quang Thanh gián tiếp xác nhận Trung cộng vẫn thường xuyên vi phạm chủ quyền Việt  Nam . Thế mà chưa lần nào trong tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Quang Thanh lên tiếng phản đối đàn anh. Xem ra Phùng Quang Thanh rất ngạc nhiên về việc vụ cắt cáp Tầu Bình Minh 2 đã được đưa lên truyền hình. Bà con ta thừơng xem 3 tên Phùng Quang Thanh, Nguyễn chí Vịnh và Nguyễn Phú Trọng là ba tên đã bán cả linh hồn cho Tầu cộng.


Nguyễn Phú Trọng ở đâu rồi nhỉ ?


Người cao nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến hôm nay vẫn im hơi lặng tiếng đến nỗi nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc phải viết bài đặt câu hỏi : "Nguyễn Phú Trọng ở đâu rồi nhỉ ?". Câu hỏi dễ làm người đọc có cảm tưởng khi thấy bà con Hà Nội Sài Gòn xuống đường Nguyễn Phú Trọng đã phải vội vã "bỏ cả ấn tín" chạy về Tàu.


Theo cơ cấu tổ chức của đảng Cộng sản, Nguyễn Phú Trọng ngòai vai trò Bí Thư Trung Ương Đảng còn giữ vai trò Quân uỷ Trung ương trong Hội đồng Quốc phòng. Chính Trọng là người có thẩm quyền cao nhất trong việc hoạch định kế hoạch, chính sách và biện pháp an ninh quốc phòng của Việt  Nam .


Có tin cho rằng chính Quân uỷ Trung ương đã ngăn cản không cho phép các đơn vị Hải Quân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn tầu Trung cộng để bảo vệ hữu hiệu tầu Bình mình 02, sau đó ra lệnh thả tầu Trung cộng bị bắt trong vụ Viking 02, cũng như cấm cản các đơn vị quân đội Việt Nam làm phận sự bào vệ lãnh thổ và hải phận Việt Nam.


Đại Hội Đảng lần thứ 11 vừa qua, các phe cánh trong đảng đã công khai đấm đá lẫn nhau để cuối cùng Nguyễn Phú Trọng được tấn phong. "Ngài" Tân Tổng Bí Thư lại được dân Hà Nội kêu là "người lú", "Trọng lú" và bây giờ là "Ngài Tổng Lú". Người lú là người kém trí nhớ, mất trí nhớ thường không hiểu mình nói cái gì. Một người lú lại đại diện cho đảng cầm quyền thì thật hết cỡ nói. Vì Nguyễn Phú Trọng bị lú nên các vây cánh trong đảng đã đưa ông lên làm bù nhìn để dễ dàng bịt miệng như trong vụ tầu Trung cộng lấn chiếm hải phận Việt Nam .


Ngay cả các cơ quan truyền thông của đảng bao gồm tờ "Quân đội Nhân dân" cơ quan ngôn luận của Quân uỷ Trung ương và bộ Quốc phòng, và tờ "Nhân dân" cơ quan ngôn luận trung ương của đảng Cộng sản lần này cũng bị lú phải im lặng trước việc Trung cộng xâm phạm chủ quyền Việt Nam.


Nguyễn Chí Vịnh - Nguyễn Phương Nga chửi nhau


Phân tích trận giặc mồm sẽ thấy phân hóa rõ rệt nhất là giữa các giới chức ngọai giao và quốc phòng. Đầu tiên cần phải nhắc đến Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Ông này cũng vừa bị lọai ra khỏi Bộ chính Trị và sẽ về hưu trong tháng 7 này. Hiện nay Bộ Ngọai giao không có thành viên trong Bộ Chính Trị. Vào ngày 8/6/2011, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu (ASEM) tại Hungary, Phạm Gia Khiêm một cách ngọai giao phát biểu "một số vụ việc trên Biển Đông gần đây khiến các quốc gia thêm quan ngại về an toàn, an ninh trên biển". Đây là cách nói rất ngọai giao để quốc tế hóa Biển Đông.


Ngay khi trận giặc mồm bắt đầu, bình luận gia Ngô Nhân Dụng đã thấy ngay việc "Nguyễn Chí Vịnh nói ngược Nguyễn Phương Nga". Thật vậy, ngay sau vụ Bình Minh 2, Nguyễn Phương Nga cứng rắn tuyên bố "Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền,… đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam. Hải Quân Việt  Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt  Nam ."


Nguyễn Chí Vịnh sửa lưng Phương Nga như sau: "Quân đội đương nhiên có trách nhiệm bảo vệ vùng biển, vùng trời và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đây là sự va chạm giữa hai con tầu dân sự. Đây là vụ va chạm dân sự, nên hai chủ thể va chạm phải giải quyết với nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế và báo cáo lên các cơ quan luật pháp, cơ quan quản lý của hai nước. Tuy nhiên, quân đội phải theo dõi sát tình hình, không để sự việc diễn biến phức tạp, leo thang. Còn nếu với một hành động là bạo lực vũ trang thì dứt khoát quân đội sẽ tham gia bảo vệ."


Chí Vịnh cũng nói là: "Quân đội theo dõi, giám sát chặt chẽ không để vụ việc leo thang nhưng không tham gia giải quyết… Như vụ tầu hải giám Trung Quốc cắt cáp tầu Bình Minh 02 vừa rồi, ta không đưa hải quân trở thành chủ thể giải quyết. Khác nhiều nước ở chỗ ấy." Cho đến nay đảng Cộng sản và Hải quân Việt Nam vẫn làm ngơ khi "tầu lạ" bắn, giết, cướp, bắt ngư dân Việt Nam chuộc khi bị họ bắt cóc trên hải phận Việt Nam. Nhiều người còn tin rằng đảng Cộng sản Việt  Nam đã bán đứt lãnh hải Việt  Nam cho Tàu. Có thế mà Phương Nga không chịu tìm hiểu.


Chí Vịnh còn bước xa hơn một bước dạy cho Phương Nga ăn nói phải lập luận theo đúng lập trường của Trung cộng. Vịnh dạy Nga rằng: "Trung Quốc vẫn là nước bạn" còn về việc Biển Đông chỉ nên thảo luận song phương: "Chúng ta giải quyết trực tiếp với nước có tranh chấp, không lôi ai vào đây để cùng giải quyết, không nhờ vả ai để tạo lợi thế trong giải quyết vấn đề." Nhân đây xin đề cập đến việc tòan Quần đảo Hòang sa và phần lớn quần đảo Trường Sa là của Việt  Nam . Trung cộng là quốc gia xâm lược. Người Việt chúng ta không tranh chấp với Trung cộng mà bằng mọi giá chúng ta phải lấy lại Hòang Sa, Trường Sa và Biển Đông.


Học Giả Việt  Nam tặng Bộ Chính Trị năm cái tát


Phía Việt Nam đã gởi 3 học gỉa đến tham dự Hội thảo về An ninh ở Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS) tổ chức tại Washington ngày 20 và 21 tháng 6: Tiến Sĩ Trần Trường Thủy, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Ðông, thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế, Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý và Luật Sư Nguyễn Duy Chiến thuộc giám đốc Học Viện Ngoại Giao. Cả ba đã hòan thành xuất sắc vai trò trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi Việt  Nam .


Được Phóng Viên Nguyễn Hường của Báo Giáo Duc phỏng vấn, tiến sỹ Trần Trường Thủy cho biết: "Chúng tôi tham dự hội nghị lần này gồm có 3 người. Một người tham gia trình bày về các lập trường, các quan điểm cũng như các cơ sở pháp lý của Việt  Nam trong việc khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông. Người thứ hai tham gia bảo vệ các quan điểm trên trước các lập luận trái với hoặc ngược với lợi ích của Việt  Nam . Thứ 3 là nêu rõ các chính sách của ta dựa trên luật pháp quốc tế. Ngoài ra thì bên lề hội thảo các thành viên trong đoàn cũng tranh thủ tiếng nói ủng hộ Việt  Nam cũng như phê phán các hành động trái với luật pháp quốc tế của các bên có liên quan." Những điểm chính mà phái đòan đã nêu ra là (1) Trung cộng xâm lấn Việt Nam; (2) Việt Nam cần sự can thiệp Quốc Tế nhất là của Hoa Kỳ; (3) Bác bỏ đường lưỡi bò của Trung cộng (4) Biển Đông thuộc về Quốc Tế và (5) Biển Đông không phải là chuyện song phương giữa Trung cộng và Việt Nam. 5 lập luận trên như 5 cái tát vào các khuôn mặt bán nước của Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt  Nam .


Báo Người Việt cho biết trong cuộc Hội Thảo Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý khẳng định : "Tôi muốn cho quý vị được rõ là vào năm 1974 khi đất nước chúng còn đang bị phân đôi, trong trận hải chiến Hoàng Sa, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực để cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa trong tay quân đội miền Nam Việt Nam. Một lần nữa, xin nhắc lại, lúc đó  Nam Bắc chia đôi. Chính cuộc chiến này, là minh chứng hùng hồn rằng Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Ðây là một dữ kiện vô cùng quan trọng mà chúng tôi muốn ghi vào sử sách (put in the record)."Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý thừa nhận rằng đây là lần đầu tiên nhà cầm quyền Hà Nội đề cập đến sự kiện lịch sử này.


Luật Sư Nguyễn Duy Chiến giải thích lý do tại sao từ trước đến giờ Trung cộng và Việt Nam không tranh chấp chủ quyền trên biển là vì luật cũ của quốc tế phân định lãnh hải của các quốc gia là 3 hải lý từ bờ, cho nên 'ngư dân hai nước từ ngàn xưa vẫn cùng đánh cá trên Biển Ðông. Ông cho biết "Hiệp Ước Luật Biển (UNCLOS) ra đời năm 1982 quy định chủ quyền của mỗi quốc gia là 200 hải lý từ bờ. Việt Nam và Trung Quốc cùng phê chuẩn UNCLOS, và ngay sau đó cũng chưa có tranh chấp, cho đến khi Trung Quốc âm thầm cho ra đời bản đồ lưỡi bò, và đơn phương thiết lập luật cấm đánh cá trên vùng biển này, cũng như đánh bắt ngư dân và phá thuyền của ngư dân Việt Nam. …Việt Nam vẫn luôn luôn tôn trọng luật biển mà mình đã ký, còn Trung Quốc thì liên tục vi phạm UNCLOS, và vi phạm lãnh hải Việt  Nam ."


Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý đã khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi "trên vùng đặc quyền kinh tế của mình," và nếu Trung Quốc cứ tiếp tục những hành động lấn át, thì tình hình Ðông Nam Á sẽ rất bất ổn, vì "bất cứ một động thái nhỏ nào cũng có thể biến thành chuyện lớn."


Báo Người Việt còn cho biết một viên chức đại sứ Trung Quốc đặt câu hỏi: "Nếu Hoa Kỳ không đứng đằng sau lưng, thì các anh có phản ứng mạnh như thế không? Tôi muốn hỏi thẳng là Việt  Nam kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò gì trong tranh chấp này?" Luật Sư Nguyễn Duy Chiến trả lời: "Hoa Kỳ là một cường quốc, và vai trò của một cường quốc là bảo vệ hòa bình thế giới, trong đó có hòa bình ở Ðông Nam Á."
Hội thảo về An ninh ở Biển Đông vừa chấm dứt Bắc kinh đã cho triệu hồi nhà cầm quyền Hà Nội để trấn an dư luận. Ngày 25/6 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, để "chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây." Một Thông Báo chung đã ra đời theo đó : "Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực." Đúng là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
 
Ngày 28/6/2011 người phát ngôn phía Trung Cộng Hồng Lỗi đò hỏi Việt Nam phải thực hiện những gì lãnh đạo cao cấp hai bên đã thỏa thuận trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bà thúc giục Việt Nam phải ''nghiêm túc'' thực thi cái gọi là ''nhận thức chung'' giữa lãnh đạo cao cấp hai bên. Qua Thông Tấn Xã Việt NamThứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, ''Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10/2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc'' Nói theo người Phương Tây là hũ dòi hai đảng Cộng sản Trung Việt đang được khui ra và con dòi "Nguyễn Tấn Dũng" đã được nêu danh.
 
Hoa Kỳ và Việt  Nam Thông Báo Chung về Biển Đông
 
Ngày thứ Sáu 17/06 tại Thủ Đô Washington, một cuộc đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng Việt Mỹ lần thứ tư do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các Vấn đề Chính trị và Quân sự Andrew Shapiro chủ trì. Sau cuộc Đối Thọai hai bên đã phổ biến một bản Thông báo chung để "kêu gọi tự do lưu thông hàng hải và phản đối việc dùng vũ lực tại Biển Đông" và "việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế". Thông cáo còn nêu rõ: "Tất cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao, không sử dụng vũ lực".


Cũng cần nhắc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng tự do lưu thông ở Biển Đông là "quyền lợi quốc gia" của Mỹ. Bà còn tiên đóan rằng "Chế độ của Trung Quốc chắc chắn sẽ sụp đổ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây đang làm "những việc vô ích như những gã hề." Khu vực Bắc Phi Trung Đông nay đã bình ổn. Hoa Kỳ đã rút quân khỏi A Phú Hãn để dồn nỗ lự vào việc giải quyết Biển Đông và 4 quốc gia đang bị cộng sản chiếm đóng: Trung cộng, Bắc Hàn, Lào và ViệtNam.


Hoa Kỳ chưa ra quân thế mà đã được công nhận "Hoa Kỳ là một cường quốc, và vai trò của một cường quốc là bảo vệ hòa bình thế giới, trong đó có hòa bình ở Ðông  Nam Á." Thế có phải là chửa đánh đã thắng không nào ?


Hoa Kỳ Đồng Minh hay Liên Minh với Việt Cộng


Mới đầu năm nay tùy viên chính trị Christian Marchant của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt  Nam khi thăm viếng Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế đã bị công an cộng sản 'xô đẩy và vật xuống đất' rồi khống chế đưa ông ra một xe van. Hình ảnh này có khác với Blogger Phan Nguyên trong cuộc biểu tình ngày 12/6/2011 tại Sài Gòn vì anh Nguyên chỉ nặng trên 40 ký trong khi ông Marchant có thể nặng gấp ba lần và cần bốn người khiêng. Ngay sau đó ông Marchant đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trao giải thưởng về Nhân Quyền.


Đến ngày Khối 8406 kỷ niệm Đệ Ngũ Chu Niên, 8 tháng 4 năm 2011, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại cho phát hành Bản Báo Cáo Về Tình Hình Nhân Quyền tại Việt Nam. Bản Báo Cáo nêu đích danh "Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam , ..., (chỉ) là một nhà nước độc tài do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo", người dân chẳng có một thứ quyền gì cả. Các cuộc biểu tình tại Sài Gòn lại càng xác định người dân mất cả quyền tự do ôn hòa biểu lộ quyền yêu nước.


Đến đây hy vọng bạn đọc đã thấy rõ 2 vấn đề (1) đảng Cộng sản Việt Nam đang trong thời kỳ phân hóa nội bộ trầm trọng và (2) Hoa Kỳ chửa đánh đã thắng cả Việt cộng lẫn Trung cộng. Việc các phe cánh trong đảng Cộng sản muốn tìm đến Hoa Kỳ như đồng minh hay liên minh là một chuyện không tưởng. Vì vậy bà con ta mới thường bảo nhau "theo Tầu thì mất nước, theo Mỹ thì mất đảng".


Vẫn biết Hoa Kỳ trở lại Biển Đông và Việt Nam vì quyền lợi của Hoa Kỳ. Nhưng cũng cần biết cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ gần 2 triệu người luôn tha thiết hướng về quê hương. Với hằng triệu lá phiếu được tận dụng đúng mức sẽ rút ngắn Ngày Việt  Nam có Tự Do.


Biển Đông đang dậy sóng vụ tầu Trung cộng tấn công tầu Bình Minh 02 cũng dậy lên một cao trào yêu nứơc để "dẹp nội thù, chống ngọai xâm". Các cuộc biểu tình đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra trên thế giới và nhất là tại Việt Nam đóng góp rất nhiều cho ngày Tòan Dân Nổi Dậy Giải Thể Cộng Sản xây dựng Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam .


Nói đến biểu tình mà không nói đến các cuộc đình công của Công nhân Việt Nam là một điều vô cùng thiếu sót. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2011 có 331 vụ đình công. Đặc biệt là cuộc đình công đã dẫn đến nổi lọan của 65.000 công nhân công ty Pou Yuen, Đài Loan. Cuộc đình công bắt đầu từ hôm 21/06/2011 cho đến nay, có thể nói đây là cuộc đình công lớn nhất dài nhất và cương quyết nhất tại Việt Nam . Thử hỏi nếu các công nhân sẽ đồng lọat xuống đường, đồng bào nông thôn kéo lên thành thị, các Tổ chức Tôn Giáo chính thức kêu gọi tín đồ gia nhập biểu tình thì đúng là Cách Mạng Hoa Lài đã đến với Việt Nam.


Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
30/6/2011
 


Ngày 18/1/2010, nhà cầm quyền Bắc Kinh và Hà Nội kỷ niệm 60 năm chính thức trao đổi ngoại giao. Trong 60 năm có lúc hai đảng xem nhau như đồng chí, như anh em. Cũng có lúc đảng Cộng sản Việt Nam xem Trung Quốc như "kẻ thù truyền kiếp của dân tộc". Mối liên hệ hiện thời được diễn tả ngắn gọn như sau: Trung Quốc phẩy tay, "Đảng chỉ tay, Chính phủ phủi tay, Mặt trận vỗ tay, Quốc hội giơ tay, dân trắng tay" (trích Chỉ thị số 34-CT/TW)

Mối liên hệ nêu trên thật ra chỉ được một thiểu số cầm quyền ra công củng cố. Đại đa số dân Việt ngược lại đang vận động để Việt Nam thoát khỏi kiếp chư hầu Trung Quốc. Giới luật gia trí thức vận động quốc tế hóa Biển Đông. Giới báo chí mang thông tin, tạo quan tâm đến quần chúng đồng bào. Giới quân đội đòi chuyên môn hóa, hiện đại hoá quân đội, để giữ nước, để bảo vệ dân chài không bị quân đội Trung Quốc áp bức. Giới sinh viên thanh niên xuống đường đòi trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam .

Ngày 17/3/2009, Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Tranh chấp chủ quyển tại Biển Đông: Lịch sử, Địa lý, chính trị và Luật pháp quốc tế" Điện báo Tuần Việt Nam cho biết hội thảo đã đề ra một số khuyến nghị sau:
1. Chính sách của Việt Nam về Biển Đông phải đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại toàn diện, bao gồm cả an ninh, phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Phải đặt vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo dõi các động thái của Trung Quốc, quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc- các nước ASEAN, quan hệ Trung-Đài.

2. Phải xây dựng được hồ sơ pháp lý đầy đủ về vấn đề này dùng để đấu tranh chính trị, tuyên truyền, đàm phán và lúc cần cho việc phân xử tại Tòa án quốc tế.

3. Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Chính phủ cần có chiến lược biển toàn diện và đồng bộ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó chú ý đến việc hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh răn đe.

4. Nên 4 hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông: Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóa và Phi nhạy cảm hóa.

5. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông dựa trên hai sức mạnh là dân tộc và thời đại. Dân tộc: là khối đại đoàn kết dân tộc (trong và ngoài nước); và Thời đại là luật pháp quốc tế, tính chính nghĩa của Việt Nam .

6. Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học về Biển Đông. Cấp học bổng đi học tại nước ngoài. Tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc của các thế hệ mai sau, coi đó là một chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của ta.

Ngày 04/12/2009, Tại Hà Nội một cuộc hội thảo khác về Biển Đông do Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế, Khoa Luật, Đại Học Quốc gia, Hà Nội, tổ chức nhằm: "Xây dựng hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" đã được tiến hành. Khai mạc hội thảo, Phó giáo sư Tiến Sỹ Nguyễn Bá Diến nêu rõ trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp đòi hỏi phải xây dựng một hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo nói chung, đối với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng, để đấu tranh bảo vệ chủ quyền và tiến tới việc trình lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quốc tế có chức năng xét xử như: Tòa án công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về luật biển, Trọng tài quốc tế.
Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang cố gắng hành xử vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 để lôi kéo quốc gia ASEAN ngăn chặn chiến lược lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Xưa nay các diễn biến về chủ quyền lãnh thổ chỉ diễn ra dưới hình thức tranh biện qua các lời tuyên bố, thông cáo, văn thư hay bạch thư giữa hai bên. Với Trung Quốc việc quốc tế hoá Biển Đông là một điều không thể chấp nhận được.

Nhân Ngày Hoàng Sa 19/1/2010, người viết xin được đề cập lại chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, điểm qua một số sự việc đang xảy ra, dựa trên những lập luận từ phía Trung Quốc để xem lại gỉai pháp về Biển Đông và góp vài nhận định cá nhân đến bạn đọc xa gần đang quan tâm đến chủ quyền dân tộc.

Biển Đông trong chiến lược toàn cầu
Tháng 10/1979, Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chính thức công bố văn kiện "Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua (1949-79)". Văn kiện này vạch rõ chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền của Trung Quốc:
"Chiến lược của những người lãnh đạo Trung Quốc có những thay đổi rất lớn. Nhưng có một điều không thay đổi: đó là mục tiêu chiến lược muốn nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác.
Tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956, Chủ tich Mao Trạch Đông đã nói: 'Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hoá, khoa học kỹ thuật và công nghiệp…Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới'
Sau đó, tháng 9 năm 1959, tại Hội nghị của Quân uỷ trung ương, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: 'Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta'"

Văn kiện này cho biết theo tài liệu "Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc" của Mao Trạch Đông viết năm 1939 do hiệu sách Tân Hoa thư điếm (Dực Nam) tái bản tháng 6 năm 1949, trong đó có đoạn viết:
"Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Nêpan và Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam …"

Đường vẽ chấm là "biên giới" của Trung Quốc theo quan điểm bành trướng, những vùng đánh số là những lãnh thổ mà nhà cầm quyền Bắc Kinh cho là đã bị nước ngoài "chiếm mất" bao gồm: một phần lớn đất vùng Viễn Đông và Trung Á của Liên Xô (số 1, 17, 18), Át Xam (số 6), Xích Kim (số 4), Butan (số 5), Miến Điện (số 7), Nêpan (số 3), Thái Lan (số 10), Việt Nam (số 11), Lào, Campuchia…
Văn kiện trên cho biết:"Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ."

Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc đã nhiều lần tấn công và chiếm đóng biển đảo của Việt Nam . Năm 1956, khi quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc cho quân chiếm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, lợi dụng Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam , Trung Quốc oanh tạc quần đảo Hoàng Sa và chiếm các đảo phía Tây, do quân Việt Nam Cộng hoà đang đóng giữ. Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc. Năm 1988, khi Liên Sô muốn rời khỏi Đông Dương, Trung Quốc lại tấn công quần đảo Trường Sa. Sáu đảo đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Từ đó đến nay họ tiếp tục lấn chiếm các đảo nhỏ của Việt Nam khi có điều kiện.

Năm 1982 cùng với 118 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Theo Công Ước, Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của các quốc gia là 200 hải lý để đánh cá hay khai thác dầu khí.
Ngay sau đó Trung Quốc đưa ra thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Bò Trung Quốc. Lưỡi Bò Trung Quốc liếm sát bờ biển các quốc gia Đông Nam Á, cách Quảng Ngãi, Việt Nam 40 hải lý, cách Natuna, Nam Dương 30 hải lý, cách Sarawak, Mã Lai và Palawan, Phi Luật Tân, 25 hải lý. Chiếm trọn 3 túi dầu khí đang khai thác là Bãi Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Bãi Natuna của Nam Dương và Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân. Bao trùm hơn 80% Biển Đông.

Luật sư Nguyễn Hữu Thống cho biết: "… vì thuyết Biển Lịch Sử chỉ là một chính sách giả tưởng hay một khẩu thuyết vô bằng, không căn cứ vào các điều khoản của các hiệp ước và công ước quốc tế, kể cả Luật Biển và Luật Tục Lệ Quốc Tế. Vì biết rõ điều đó nên, từ thập niên 1990 khi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được ban hành, Trung Quốc không bao giờ dám chấp nhận để Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế thụ lý những vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."
Hoàng Sa thì đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Còn Trường Sa thì hiện nay đang bị 6 quốc gia chiếm giữ là: Phi Luật Tân, Việt Nam , Đài Loan, Trung Quốc, Mã Lai Á và Brunây. Nhiều mỏ dầu và khí lớn đã được phát hiện trên thềm lục điạ các quốc gia trong vùng. Biển đông lại nằm trên trục giao thông hàng hải quốc tế và trên một vị trí chiến lược quân sự. Bởi thế các tranh chấp về đảo và lãnh hải sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Năm hữu nghị Việt-Trung
Ngay đầu năm nay, ngày 2/1/2010, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng phản đối khi Quốc vụ viện Trung Quốc công bố một kế hoạch phát triển kỹ nghệ du lịch trong vùng Hải Nam thành một nơi du lịch quốc tế lớn, bao gồm dự án phát triển du lịch Hoàng Sa là. Bà Nga tuyên bố việc làm của phía Trung Quốc là "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ." Ngay sau đó, ngày 4/1/2010, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Jiang Yu đã bác bỏ những lời tuyên bố phiá Việt Nam, và cho rằng Trung Quốc "có chủ quyền không thể tranh cãi được" trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước đó ngày 26/12/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua "Luật bảo vệ hải đảo" đặt hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bà Nguyễn Phương Nga trả lời báo chí rằng luật Bảo vệ hải đảo mà Trung Quốc vừa thông qua liên quan tới vùng Biển Đông là "hoàn toàn không có giá trị pháp lý".

Ngày 6/1/2010, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường cho biết, lãnh đạo hai nước đã "nhất trí" lấy năm 2010 làm "Năm hữu nghị Việt-Trung". Ông Tường cho rằng giải pháp thiết thực hiện nay là tạm gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết, trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước. Ông Tường đã vượt quá vai trò của nhà ngoại giao lên giọng bắt nạt "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại"! Câu bắt nạt trên tóm gọn chiến lược của Trung Quốc dành cho Việt Nam .

Ngày 12/1/2010, bài "Thuyết phục để Trung Quốc không thành kẻ bắt nạt thế giới" trên điện báo vietnamnet.vn, sau ít tiếng đồng hồ đã bị gỡ xuống không cho biết lý do. Bài báo viết về cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo sư Joseph Nye, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, về câu chuyện phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu khủng hoảng và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giáo sư Nye dẫn lại lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama: Mỹ vừa muốn hợp tác với Trung Quốc, vừa tăng cường liên minh với Nhật Bản, hợp tác với Ấn Độ "giữ không để Trung Quốc thành kẻ bắt nạt thế giới", vì lợi ích của thế giới và của chính Trung Quốc. Ông Dũng đáp lời cho rằng: "Mọi hành vi bắt nạt nước khác đã lỗi thời. Bất kỳ quốc gia nào muốn đứng trên bắt nạt dân tộc khác thì thời đại này cũng khó thực hiện được và không có lợi cho bất kỳ ai".

Người Việt chúng ta hẳn chưa quên hai bài học về "hợp tác" giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam . Bài học thứ nhất là "Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc" ký ngày 30-12-1999, ta mất ải Nam Quan, thác Bản Giốc và nhiều phần đất ông cha để lại. Bài học thứ hai là "Hiệp ước phân định lãnh hải" ký ngày 25-12-2000, so với các Hiệp Định về biên giới Pháp-Trung trước đây, Việt Nam mất khoảng 10,000 Km2 lãnh hải Vịnh Bắc Việt.

Những tuyên bố trước đây của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không giá trị về pháp lý
Tạ Quốc Tuấn nghiên-cứu các lời tuyên-bố của hai chính-phủ Bắc-kinh và Đài-bắc liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1951 đến nay, đã đi đến kết luận: "… cả hai chính-phủ này có luận-cứ vu-vơ, mơ-hồ và võ-đoán. Họ chỉ nói đi nói lại nhiều lần là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị hay chủ-quyền hợp-pháp và chủ-quyền đó có từ xa-xưa lắm rồi, nhưng lại không đưa ra được một bằng-chứng cụ-thể nào, căn-cứ vào các tiêu-chuẩn lịch-sử, địa-lý hay luật quốc-tế, để chứng-minh là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc." Chính vì thế ngay từ thời Pháp, đã hai lần người Pháp đề nghị (năm 1932 và năm 1947) nhờ Quốc Tế phân xử tranh chấp lãnh hải đều bị Trung Hoa từ chối.

Luật sư Nguyễn Hữu Thống nghiên cứu Công Pháp Quốc Tế cho biết Trung Quốc hoàn toàn không có lý lẽ gì để xác minh Hoàng Sa Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ. Ông Thống còn cho biết năm 1995 đã gửi một Bản Tường Trình đến 7 vị nguyên thủ các Quốc Gia trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á để trình bày nhận định nêu trên.

Khi phân tích lập luận của hai phía Trung Quốc – Việt Nam, Tiến sĩ Luật học Đặng Minh Thu đặt biệt chú ý đến việc: Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa vì những lời tuyên bố trước đây của phiá Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Ngày 15/ 6/1956, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ông Ung văn Khiêm đã nói với ông Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam "theo những tài liệu của Việt Nam, trên phương diện lịch sử, Xisha và Nansha thuộc lãnh thổ của Trung Quốc." Xử lý thường vụ Giám đốc Phòng Á châu Sự vụ Việt Nam ông Lê Lộc, đã nói thêm: "Trên mặt lịch sử, các đảo Tây Sa và Nam Sa đã là đất đai của Trung Quốc từ đời Nhà Tống (960-1279)".

Ngày 14/9/1958, Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai xác nhận "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc." và "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể." Nhiều điều trong Bản tuyên bố ngày 4/9/1958 đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc. Năm 1977, Phạm Văn Đồng đã phải xác nhận rằng: "Lúc đó là thời kỳ chiến tranh nên tôi phải nói như thế!".
Ngày 9/5/1965, nhà cầm quyền Hà Nội đã chỉ trích Mỹ vi phạm "hải phận Trung Quốc chung quanh các đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa)". Thêm vào đó báo Nhân Dân nhiều lần đề cập đến không phận Trung Quốc trên đảo Hoàng Sa.
Tiến sỹ Đặng Minh Thu lập luận "Những lời tuyên bố trên không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hoà luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo."  "…đứng trên phương diện thuần pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hoà và Philippin. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp."

Mặc dù khi quân đội Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã một lòng hy sinh cố giữ lãnh thổ ông cha, nhà cầm quyền Hà Nội đã lặng im đồng lõa cho sự kiện. Sau này khi bị Trung Quốc tấn công, đảng Cộng sản mới tuyên bố khác đi. Như điều 4 của Tuyên bố do Bộ Ngoại giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa (7/8/1979) nhấn mạnh:
"…Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự, lúc đó vẫn dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã tuyên bố rõ ràng cương vị của họ như sau:
- Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những câu hỏi thiêng liêng cho tất cả mọi quốc gia;
- Những khó khăn về biên giới lãnh thổ, thường tồn tại trong các cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng do lịch sử để lại, có thể vô cùng rắc rối và nên được nghiên cứu kỹ càng; và
- Các quốc gia quan tâm nên cứu xét vấn đề này trong tinh thần công bằng, tôn trọng lẫn nhau, hòa nhã, láng giềng tốt và giải quyết vấn đề bằng sự thương lượng."

Tiến sỹ Đặng Minh Thu đi xa hơn lập luận: "Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực... vì Trung Quốc đã không bị thiệt hại gì, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hưởng lợi gì qua những lời tuyên bố đó. Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là một lời hứa bị tác động bởi hoàn cảnh chiến tranh. Cuối cùng, nếu xem ba lời tuyên bố này như là của Việt Nam nói chung, thì nó thiếu tính liên tục và trường kỳ để có thể làm mất đi chủ quyền của Việt Nam, với tư cách là một chủ thể duy nhất, đã hành xử và khẳng định quyết liệt từ hơn ba thế kỷ nay… muốn bảo đảm cho sự chiếm hữu của Trung Quốc không thể tạo ra chủ quyền được, thì Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa nữa). Việt Nam cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Toà án Quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý."Nói tóm lại các tuyên bố của nhà cầm quyền Hà nội khi ấy chỉ có giá trị chính trị và hòan tòan không có giá trị về pháp lý.

Tiến sỹ Đặng Minh Thu không tin việc Trung Quốc sẽ chấp nhận giải pháp nhờ Quốc tế phân xử nên đề nghị :"Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là Việt Nam đem ra khối ASEAN hoặc Liên hợp quốc để giải quyết. Liên hợp quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự vào. Hơn nữa, trường hợp Liên hợp quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong việc giải quyết, Liên hợp quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Toà án quốc tế và yêu cầu Toà cho ý kiến (avis consultatif) mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. "Thủ tục cho ý kiến" của Toà án Quốc tế không có hiệu lực quyết định như một bản án thực sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận thế giới."

Cũng cần nhắc đến nhiều cá nhân (như Luật Sư Nguyễn Hữu Thống) hay tổ chức Cộng Đồng Hải Ngọai (như Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali) hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa vẫn không ngừng lên tiếng trước Quốc Tế để tạo dư luận Hòang Sa – Trường Sa thuộc Việt Nam. Người Việt tự do cũng luôn luôn nhắc nhở nhau hướng về quê cha đất tổ, nơi một phần quê hương đang bị ngọai bang xâm chiếm. Các công trình nghiên cứu cá nhân nêu trên đã được thực hiện và phổ biến rộng rãi trên mạng lưới toàn cầu nhiều năm nay, cũng do tấm lòng hướng về quê hương của đàn con nơi đất khách quê người.

Về phía nhà cầm quyền Việt Nam , họ đã để mất nhiều cơ hội Quốc tế hoá Biển Đông. Và tình trạng Việt Nam mất Biển Đông càng trở nên trầm trọng hơn. Đến đây chúng ta có thể thấy việc công khai hoá và quốc tế hoá tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc là điều tối cần thiết phải làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên để dành lại chủ quyền dân tộc chính trị vẫn là vấn đề chủ yếu.

Vấn đề chủ yếu: Chính Trị

Việt Nam là một quốc gia cộng sản và vẫn là một mối đe doạ cho nền hoà bình thế giới. Thế nên khi Việt Nam vưà sắm vũ khí tân trang quân đội, các quốc gia trong vùng đã lo sợ và lên tiếng. Các tài liệu công khai và chính thức cộng sản Việt Nam luôn một cách vu vơ coi các quốc gia cổ vũ tự do là các thế lực thù địch. Lãnh đạo công sản thì tự ví mình như tên lính giữ đồn cho Trung Quốc, như Nguyễn Minh Triết từng tuyên bố "Việt Nam và Cu Ba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cu Ba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cu Ba nghỉ". Tên lính tiên phong thực hiện chiến lược tòan cầu cho Trung Quốc, trong đó "Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược" của Trung Quốc đã được đề cập trong văn kiện "Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc…".

Về đối nội, Luật sư Lê Công Định một trong rất ít người Việt có khả năng tranh tụng Quốc Tế. Ông Định có thể đại diện Việt Nam đưa Trung Quốc ra toà vì bất hợp pháp xâm phạm lãnh thổ Việt Nam . Trái ngược lại, vì những hành động ôn hòa nhưng tích cực dành lại tự do và dân chủ cho dân tộc, giành lại chủ quyền cho đất nước, ông đang bị tù và sắp ra toà cộng sản Việt Nam .

Ngày nay dưới mắt dân chúng, người cầm quyền Việt Nam do chính Trung Quốc sắp đặt. Trước Đại Hội lần thứ X, tháng 11-2005, Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam . Sau đó những nguồn tin không chính thức đưa ra chính Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu gặp toàn thể Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam . Tại cuộc gặp này, chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói một cách đại ý như sau: Trung Quốc không can dự vào việc sắp xếp nhân sự sắp tới của Đại hội X, nhưng chỉ yêu cầu "một điều", là "không thay đổi tổng bí thư". Tháng 4-2006, Nông Đức Mạnh lại được chọn làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam . Thế cho nên Nông đức Mạnh chỉ phục vụ lợi quyền Trung Quốc, Bauxite Tây Nguyên là một thí dụ điển hình.

Trước Đại Hội lần thứ XI, giới cầm quyền cộng sản đang phải đối đầu với đòi hỏi thay đổi chính trị và thoát ly ách chư hầu Trung Quốc, từ ngay bên trong đảng Cộng sản, trong quân đội, trong giới khoa bảng trí thức, trong giới ngoại giao. Những đòi hỏi này lan rộng đến mọi tầng lớp dân chúng trong và ngoài nước. Sau Năm hữu nghị Việt-Trung có thể sẽ có những thay đổi lớn về nhân sự đảng Cộng sản để từng bước dẫn đến thay đổi chính trị thực sự một cách hoà bình.

Trong một cuộc phỏng vấn do Nhã Trân, phóng viên Á Châu Tự Do thực hiện Luật sư Nguyễn Hữu Thống cho biết :"Vấn đề lãnh thổ - lãnh hải là do quốc dân. Dân mới quan trọng chứ không phải đảng. Đảng phải trả lại quyền cho dân thì dân mới đòi lại được chủ quyền đó. Đảng cộng sản như thế là vi phạm quyền của người dân. Đảng cộng sản đã toa rập với Trung Quốc rồi thì bây giờ phải trả lại cho quốc dân quyền đó. Phải cho người dân trở lại với chế độ dân chủ, với quyền dân tộc tự quyết, cho người dân bầu chính phủ dân cử của họ thì lúc đó mới có thể đấu tranh trên trường quốc tế được. Tức là trả lại quyền dân tộc tự quyết cho dân, đại diện quốc dân là quốc hội, tức là dân phải bầu lại quốc hội khác. Quốc hội dân cử đó lúc đó sẽ có lập trường về vấn đề đó. Quốc hội phải lên tiếng huỷ bỏ công hàm Phạm Văn Đồng."

Qủa thật, khi chưa thực sự có tự do ngôn luận thì sự thực vẫn là nhưng bí mật giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam – Trung Quốc. Khi chưa có tự do phát biểu chính kiến thì ngụy biện yêu nước vẫn là độc quyền của đảng Cộng sản. Khi chưa có tự do bầu cử chưa có một Hiến Pháp Tự Do một Quốc Hội Độc Lập, thì Trung Quốc vẫn đứng trong hậu trường để thu xếp để lèo lái giới cầm quyền Việt Nam, để giới này thực thi chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền cho Trung Quốc. Như vậy muốn giữ Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, Việt Nam phải có tự do và dân chủ.

Trong Tuyên bố ngày 7-8-1979, nhắc đến bên trên, đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức xác nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đặt "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những câu hỏi thiêng liêng cho tất cả mọi quốc gia."
Nhân ngày Hoàng Sa năm nay (19-1-2010) người viết ước mong sẽ có những người lãnh đạo Việt Nam chính thức vinh danh những chiến sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã anh dũng hy sinh đền nợ nước trong trận đánh Hoàng Sa. Nỗ lực nhỏ này sẽ hàn gắn vết thương nội chiến đã chấm dứt gần 35 năm. Sẽ là đầu cầu cho cuộc hòa giải dân tộc. Sẽ là căn bản cho đồng thuận dân tộc để xây dựng một Hiến Pháp Tự Do, một Quốc Hội Độc Lập, để dồn tổng lực giữ và giành lại các phần đất cha ông để lại. Đừng để mất Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông.

Melbourne, Úc Đại Lợi
15/1/2010


Tài Liệu Tham Khảo Chính:

Bộ Ngoại giao nước Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua (1949-79), Nhà Xuất Bản Sự Thật Hà Nội.
Đặng Minh Thu (1995) Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc, Tạp Chí Thời Đại Mới, Số 11 - Tháng 7/2007
Nguyễn Hữu Thống (1995) "Hoàng Sa Trường Sa Theo Công Pháp Quốc Tế."

Nhã Trân, phóng viên RFA phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hữu Thống "Sự thật về công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng".

Trần Trường Thủy (2009), Những Kiến Nghị sau Hội Thảo Biển Đông, tuanvietnam.net

Tạ Quốc Tuấn, Vấn-đề chủ-quyền đối với hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa: Vài nhận-xét về lập luận của hai chính-phủ Bắc-Kinh và Đài-Loan, mạng Internet.

Nguyễn Quang Duy