THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 August 2011

Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh Huyền thoại về cái gọi là "Hồ Chí Minh đoàn kết dân tộc"

Hồ Chí Minh luôn luôn hô hào đoàn kết dân tộc.  Một trong những khẩu hiệu ưng ý của họ Hồ là "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công."(33)  Sau đây là các cách thức đoàn kết của Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam.

1.  Ðoàn kết là tiêu diệt tất cả mọi người bất đồng chính kiến bằng bất cứ giá nào để giành quyền lực:  Khoảng giữa tháng 11-1924, Hồ Chí Minh, lúc đó có tên là Lý Thụy, đáp tàu từ Vladivostok (viễn đông Liên Xô) đi Quảng Châu (Trung Hoa) với vai trò thông ngôn của phái bộ cố vấn Borodin bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên trong thời kỳ liên minh quốc cộng đầu tiên ở Trung Hoa.  Ðến Quảng Châu, Lý Thụy bắt đầu gây dựng cơ sở đảng Cộng Sản Việt Nam.  Nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam uy tín nhất ở Trung Hoa thời bấy giờ là Phan Bội Châu.  Ðể giành lấy tổ chức của Phan Bội Châu, một trong những việc làm đầu tiên của Lý Thụy ở Quảng Châu là bán tin tức cho Pháp bắt Phan Bội Châu khi ông Phan đi từ Hàng Châu đến Thượng Hải ngày 1-7-1925.(34)  Từ đó, những người hoạt động cách mạng ở Trung Hoa thiếu người lãnh đạo, dần dần ngả về theo nhóm cộng sản của Lý Thụy.  Chẳng những chỉ một mình Phan Bội Châu, mà những cán bộ cách mạng nào không theo phe Lý Thụy, đều bị Lý Thụy bán tin cho Pháp bắt trên đường về Việt Nam hoạt động.(35)
               Trong cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng năm 1930, các đảng viên cộng sản áp dụng đúng sách vở của Lý Thụy, rải truyền đơn tố cáo Quốc Dân Ðảng sẽ tấn công Bắc Kỳ để Pháp đề phòng và lùng bắt các đảng viên QDÐ.  Nguyễn Thị Giang đã đưa các tờ truyền đơn nầy cho Nguyễn Thái Học xem, nhưng Nguyễn Thái Học vẫn không tin là những đảng phái cách mạng Việt Nam cùng chống Pháp lại có thể hại nhau như thế.(36) 
               Năm 1945, Nhật Bản thất trận và đầu hàng Ðồng Minh.  Tại hội nghị Potsdam (thị trấn ngoại ô Berlin), đại diện các nước Ðồng Minh đưa ra tối hậu thư cho Nhật, trong đó quyết định về vấn đề Ðông Dương như sau: quân đội Nhật sẽ bị giải giới do người Trung Hoa (Quốc Dân Ðảng) ở phía bắc vĩ tuyến 16, và do người Anh ở phía nam vĩ tuyến 16.  Tối hậu thư không nói ai sẽ cầm quyền sau khi quân đội Nhật bị giải giới.  Lợi dụng khoảng trống chính trị nầy, Mặt trận Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, gồm nòng cốt là đảng viên cộng sản, tổ chức cướp chính quyền.  Việt Minh đã giết hại và thủ tiêu vô số người yêu nước không đi theo chủ trương đường lối của Việt Minh.  Những tên tuổi lớn đều bị Việt Minh giết hại như Phạm Quỳnh (1945), Ngô Ðình Khôi (1945), Tạ Thu Thâu (1945), Bùi Quang Chiêu (1945), Phan Văn Hùm (1945), Trương Tử Anh (1946), Huỳnh Phú Sổ (1947), Khái Hưng (1947)...  Việt Minh thủ tiêu hàng loạt các đảng viên Quốc Dân Ðảng, các nhà trí thức khác, bà hàng ngàn tín đồ đạo Cao Ðài.(37)  Việt Minh thủ tiêu tất cả những ai có thể tranh quyền với Việt Minh, từ trung ương, ở các thành phố lớn, đến những đơn vị nhỏ nhất ở các làng xã.
               Như vậy, ý nghĩa thứ nhất về việc đoàn kết và liên hiệp đối với Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, là sự sáp nhập hay tiêu diệt tất cả các phe nhóm hay cá nhân đối lập với Cộng Sản bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ phương tiện gì, để chỉ còn lại những ai chịu "đoàn kết" chấp nhận vâng phục cộng sản.  Chỉ khi nào thất thế, gặp nhiều trở lực, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản mới sử dụng cách đoàn kết thứ nhì.

2.   Ðoàn kết là tạm thời nhượng bộ, liên minh giai đoạn để vượt khó khăn:  Cũng trong năm 1945, sau khi lập chính phủ đầu tiên ngày 2-9, gồm đại đa số đảng viên cộng sản, Hồ Chí Minh gặp nhiều trở ngại về phía người Pháp theo chân người Anh đến Ðông Dương, và từ từ tiến ra Bắc; về phía người Trung Hoa (Quốc Dân Ðảng) đang từ biên giới tiến xuống Hà Nội theo thỏa ước Potsdam; và về phía những đảng phái cách mạng Việt Nam như Việt Nam Quốc Dân Ðảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội (Việt Cách).  Hồ Chí Minh đành phải nhượng bộ, tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 11-11-1945, thực chất là đảng Cộng Sản rút vào hoạt động bí mật.(38)  Họ Hồ tổ chức tổng tuyển cử ngày 6-1, và thành lập chính phủ liên hiệp ngày 2-3-1946 gồm cả những lãnh tụ Việt Cách và Việt Quốc như Nguyễn Hải Thần, Trương Ðình Tri, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Chu Bá Phượng, Nghiêm Kế Tổ ...  Ngay sau khi ký kết được với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3, tạm hòa hoãn với Pháp, và mua chuộc được các tướng lãnh Trung Hoa để họ rút quân về nước, nghĩa là vừa thoát qua được khó khăn, Hồ Chí Minh thẳng tay loại bỏ ngay các lãnh tụ không phải là Việt Minh ra khỏi chính phủ, khủng bố, giết hại nhân viên các đảng phái quốc gia, nuốt chửng những kẻ đã từng liên hiệp với họ. 
Sách lược nầy được ứng dụng thêm một lần nữa với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành lập ngày 20-12-1960.  Lúc đầu, mặt trận nầy gồm một số đảng viên cộng sản làm nòng cốt và một số người chống chế độ Ngô Ðình Diệm.  Sau đó, những người không thuộc đảng Cộng Sản bị loại dần cho đến khi mặt trận chỉ còn lại những người của Cộng Sản Ðảng mà thôi.
               Những người trước đây bất đồng chính kiến, nhưng khi gặp Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, chịu khuất phục và chịu đi theo họ Hồ thì được sử dụng trong những giai đoạn và hoàn cảnh cần thiết.  Ví dụ Trần Huy Liệu (1901-1969), chủ bút Ðông Pháp Thời Báo (1925-1927), chi bộ trưởng chi bộ đặc biệt của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở Sài Gòn, bị Pháp bắt đày Côn Ðảo trong năm năm.  Mãn hạn tù, ông ra bắc năm 1935 và gia nhập đảng Cộng Sản năm 1936.  Năm 1939, ông bị Pháp bắt trở lại, đày đi Sơn La, rồi an trí năm 1942 ở Thái Nguyên, và Yên Bái.  Năm 1945, ông trốn về Hà Nội làm báo Cứu Quốc của Việt Minh trong vòng bí mật.  Khi Việt Minh cướp chính quyền ngày 2-9, ông được Hồ Chí Minh giao làm bộ trưởng bộ Tuyên Truyền trong chính phủ Việt Minh đầu tiên.  Ông được cử làm trưởng phái đoàn Việt Minh gồm cả Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (tức nhà thơ Huy Cận) vào Huế chứng kiến việc thoái vị của vua Bảo Ðại tại cửa Ngọ Môn ngày 30-8-1945.
               Hồ Chí Minh giao Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ Tuyên Truyền không phải vì tín nhiệm Trần Huy Liệu mà vì họ Hồ cần uy tín chính trị của ông.  Trần Huy Liệu vốn là chi bộ trưởng chi bộ đặc biệt Quốc Dân Ðảng tại Sài Gòn.  Hồ Chí Minh sử dụng Trần Huy Liệu để tuyên truyền cho cái gọi là chính sách đoàn kết đảng phái của Việt Minh, nhắm lôi cuốn quần chúng theo họ, nhất là lôi cuốn các đảng viên Quốc Dân Ðảng.  Lúc bấy giờ do những hy sinh to lớn của Nguyễn Thái Học và các đồng chí, Quốc Dân Ðảng rất có uy tín chính trị trên toàn quốc.  Khi đã qua khỏi giai đoạn cần thiết, năm 1946, Hồ Chí Minh cử Trần Huy Liệu làm uỷ viên thường trực Quốc Hội.  Cuối cùng, năm 1953, Trần Huy Liệu trở thành trưởng ban Nghiên cứu Sử Ðịa của nhà cầm quyền cộng sản, một chức vụ không có quyền hành.
               Không chỉ riêng trường hợp Trần Huy Liệu, mà còn nhiều nhân vật tiếng tăm khác cũng rơi vào trường hợp ông, như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Nguyễn Phương Thảo (tức tướng Nguyễn Bình), Nguyễn Hữu Thọ...  Như thế, ý nghĩa thứ nhì của việc đoàn kết với Hồ Chí Minh có nghĩa là quy thuận họ Hồ, theo đuôi đảng Cộng Sản và làm bù nhìn trong những thời điểm cần thiết cho họ Hồ hay nói cách khác là chỉ được họ Hồ liên minh giai đoạn.  Thử kiểm điểm danh sách những lãnh tụ cộng sản từ trước đến nay, chỉ những người gia nhập đảng Cộng Sản ngay từ khi bước vào hoạt động chính trị, thuộc thành phần trung kiên mới nắm giữ thực quyền.  Những người đã theo các đảng khác rồi sau đó gia nhập đảng Cộng Sản, hoặc những người ngoài đảng mà có công lao, chỉ giữ những chức vụ tượng trưng mà thôi, như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình ...

3.  Ðoàn kết là sự vâng phục tuyệt đối lãnh đạo đảng:  Ngày 2-9-1969, Hồ Chí Minh qua đời tại Hà Nội.  Trong di chúc, Hồ Chí Minh nhắn nhủ với các đảng viên đảng Cộng Sản: "...Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình..."(39)  Vậy sự "đoàn kết nhất trí" trong nội bộ đảng là gì? 
               Trong sinh hoạt đảng Cộng Sản Việt Nam, khi các cấp lãnh đạo đưa ra những vấn đề thảo luận, nếu một đảng viên trình bày những ý kiến cấp tiến mới mẻ, thì được lãnh đạo gọi là "thành phần xét lại".  Ngược lại, có những đảng viên không muốn thực hiện các cuộc cải đổi quan trọng, thì được đánh giá là "bảo thủ, trì trệ".  Nói một cách khác, bất cứ ai có ý kiến gì cũng đều bị chụp mũ là tả khuynh hoặc hữu khuynh, lệch lạc hoặc xét lại, trừ ý kiến của lãnh đạo đảng.  Ðảng viên chỉ còn một giải pháp duy nhất là gật đầu vâng lệnh thượng cấp.
Như vậy, sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam là sự tuyệt đối vâng phục và trung thành của đảng viên đối với lãnh đạo đảng.  Nếu không vâng phục lãnh đạo đảng, kết quả nhẹ nhất là sự trù dập, kỷ luật, và nặng nhất là thanh trừng. 
Ở Việt Nam có một câu thành ngữ thời danh minh họa sự đoàn kết của Cộng Sản: "Ðảng gọi thì dạ; đảng không gọi thì không dạ.  Ðảng gọi mà không dạ không được; đảng không gọi mà dạ cũng không được." Nói trắng ra, ý nghĩa thứ ba của sự đoàn kết theo quan điểm của đảng Cộng Sản có nghĩa là phải chịu sự lãnh đạo độc tài, độc đảng, và tuyệt đối vâng phục trung kiên với đảng Cộng Sản.  Ðiều nầy đưa đến một kết quả tại hại là các đảng viên bị xơ cứng trí óc, sẽ không còn sáng kiến để làm việc. 
Ðiểm đặc biệt là Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản chấp nhận một người trước đây chống đối họ, nhưng khi đã theo họ thì phải vâng phục tuyệt đối.  Ngược lại, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản không bao giờ chấp nhận những người trước đây đã từng hoàn toàn phục tùng họ, mà sau đó lại có ý muốn cải cách theo chiều hướng nhân bản, dân chủ, tự do, dù vẫn tuân phục đảng và chủ nghĩa xã hội.  Những người nầy cũng bị coi là kẻ thù và chắc chắn bị loại bỏ.  Ðó là trường hợp Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Ðộ, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương ...
Có lẽ cũng nên thêm một điểm nữa rất dễ thấy trong lịch sử, là đảng CSVN không bao giờ tôn trọng những hiệp ước quốc tế do họ ký kết.  Hiệp ước là giải pháp thỏa thuận giữa các bên về một cuộc tranh chấp, cũng có nghĩa là một sự giải hòa giữa các bên, bước đầu để tiến dần dần đến sự đoàn kết thống nhất.  Ðối với đảng CSVN, ký kết hiệp ước chỉ là đánh lừa dư luận, tạm ngưng tranh chấp, nhắm dưỡng sức và củng cố nội bộ, để rồi tiếp tục bành trướng.  Ví dụ rõ nét nhất là hiệp định Genève ngày 20-7-1954 và hiệp định Paris ngày 27-1-1973.  Ðảng CSVN ký kết hai  hiệp ước nầy với sự chứng kiến của các nước trên thế giới, mà họ còn trắng trợn vi phạm, xé bỏ hiệp ước, huống gì là sự cam kết giữa họ với những cá nhân hay những đoàn thể người Việt khác.
               Do đó, hòa giải, liên hiệp và đoàn kết với cộng sản trước sau cũng sẽ bị cộng sản kiếm cách khống chế và hoàn toàn mất tự do.  Những ai muốn hòa hợp, liên hiệp, đoàn kết với cộng sản, nên nhớ câu nói bất hủ của Hồ Chí Minh với Daniel Guérin trong một lần gặp mặt ở Paris: "... Tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều sẽ bị bẻ gãy..."(40)

4.  Ðoàn kết là vắt chanh bỏ vỏ:  Lúc Việt Minh cộng sản phát động chiến tranh chống Pháp, nhiều người yêu nước đã đứng lên hưởng ứng công cuộc kháng chiến.  Chẳng những nhiều thanh niên lên đường theo tiếng gọi của quê hương, mà những người ở lại hậu phương cũng cố gắng đem tài vật ủng hộ công cuộc đấu tranh chống Pháp.  Việt Minh đã xưng tụng những người nầy là những nhàø "hằng tâm hằng sản"(có lòng và có của).  Một khi tạm đứng vững, và nhất là khi được Trung Cộng viện trợ ào ạt từ năm 1951 trở đi, cộng sản Việt Nam mở cuộc cải cách ruộng đất từ 1953, và quay mặt với những kẻ đã nuôi dưỡng mình từ khi còn trứng nước, coi họ như kẻ thù, tố cáo những nông dân " hằng tâm hằng sản" là địa chủ, đánh đập, hành hạ và giết họ mà không cho chôn xác.  Một tác giả đã từng sống gần Hồ Chí Minh, kể lại rằng bà Nguyễn Thị Năm ở huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có nhà là nơi căn cứ giao liên, đã nuôi nhiều cán bộ cao cấp qua lại, từ Hồ Chí Minh, đến Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang); thế mà bà là một trong những người đầu tiên bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, và đặc biệt đã kêu cứu đến tận tai Hồ Chí Minh mà ông lờ đi, để cho người ta giết bà.(41)  Như vậy, với cộng sản, đoàn kết có nghĩa là lợi dụng một chiều theo giai đoạn, xong việc rồi "vắt chanh bỏ vỏ".  Việc "vắt chanh bỏ vỏ" được thấy rõ nhất trong việc Hồ Chí Minh đối xử với bà Nông Thị Xuân.  Hồ Chí Minh sống với bà Xuân như vợ chồng, và có với bà nầy một đứa con trai.  Khi đã chán bà Xuân, ông Hồ để cho viên bộ trưởng công an là Trần Quốc Hoàn tự do hiếp dâm bà Xuân, rồi giết vứt xác bà Xuân ngoài đường để ngụy tạo một tai nạn.(42)  Ðối xử với người đã từng sống với mình và có với mình một đứa con, mà còn tàn bạo như vậy, thử hỏi Hồ Chí Minh còn có thể nói là chuyện tình nghĩa đoàn kết với ai được?  Từ vụ cải cách ruộng đất năm 1953 đến vụ án "chống đảng" do Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ khởi xướng ở Bắc Việt khoảng giữa thập niên 1960, vì muốn bảo vệ địa vị của riêng mình, Hồ Chí Minh đã im tiếng không can thiệp, để mặc cho các đồng chí thân thiết của ông ta bị thanh trừng, tù đày, hay tàn sát.(43)  Chẳng những Hồ Chí Minh, mà Võ Nguyên Giáp cũng thế.  Những tướng lãnh và sĩ quan thân cận của viên tướng nầy lần lượt bị thanh trừng mà ông ta không dám lên tiếng để bảo vệ sự thật.  Như vậy, chẳng những trên phương diện chính trị đảng phái, mà cả trên phương diện cá nhân, đoàn kết với những người cộng sản chỉ có nghĩa là để cho họ lợi dụng xong rồi bị loại bỏ.(còn tiếp)  
CHÚ THÍCH:
33.   Hồ Chí Minh đưa ra khẩu hiệu nầy trong hội nghị ngày 3-3-1951, hợp nhất hai mặt trận của đảng Cộng Sản là Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt. (BNCLSÐ, sđd. tr. 110.)
34.   Thượng Huyền, "Giới thiệu sách: Hồ Chí Minh tại Trung Quốc" [của tác giả Tưởng Vĩnh Kinh, người Ðài Loan], nguyệt san Thế Kỷ 21, Garden Grove, California, số 108, tháng 4-1998. 
Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại tập 2:1925-1945, Nxb. Văn Hóa, Houston, tt. 32-33.  Charles Fenn, Ho Chi Minh: a biographical introduction, Studio Vista, London, 1973, tr. 50; phần chú thích, trích dẫn P. J. Honey viết trên báoTime ngày 12-9-1971.
35.   Ngoài các tài liệu trong chú thích số 34, xin lưu ý câu chót của Trần Trọng Kim trong trích dẫn ở chú thích số 22 làm ví dụ.
36.   Hoàng Văn Ðào, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, tái bản kỳ 2, Sài Gòn, 1970, tr. 108.
37.   Trong Bạch thư Cao Ðài giáo công bố San Bernardino ngày 9-4-1999, vị đại diện Cao Ðài giáo Ngọc Sách Thanh cho biết rằng tại tỉnh Quảng Ngãi, chỉ trong ba tuần lễ kể tứ 19-8-1945, Việt Minh sát hại và chôn sống 2791 chức sắc, chức việc, và tín hữu Cao Ðài giáo. 
38.   Cộng sản thay thế đảng Cộng Sản Ðông Dương bằng hội Nghiên Cứu Mác-xít do cựu tổng bí thư đảng Lao Ðộng là Trường Chinh Ðặng Xuân Khu làm chủ tịch.  Trong cuộc gặp gỡ Stalin năm 1950 tại Moscow, trả lời câu hỏi của Stalin tại sao giải tán đảng Cộng Sản, Hồ Chí Minh giải thích rằng việc giải tán đảng Cộng Sản cuối năm 1945 chỉ là giải tán giả, trên thực tế là đảng lùi vào hoạt động bí mật. (Thành Tín, Mặt Thật, tt. 67-68.)  Sau cuộc gặp nầy trở về, Hồ Chí Minh tái tổ chức đảng dưới một danh xưng mới là đảng Lao Ðộng ngày 19-2-1951, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trường Chinh làm tổng bí thư.(Chính Ðạo, Việt Nam niên biểu, 1939-1975 (tập B: 1947-1954), Nxb. Văn Hóa, Houston, 1997, tr. 230.)
39.   BNCLSÐ, sđd. tr. 170.
40.   Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Peter Wiles dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, Nxb. Penguin Books, Harmondsworth, 1969, p. 130.  Nguyên văn: "All those who do not follow the line which I have laid down will be broken."  Linh mục Cao Văn Luận, trong sách Bên giòng lịch sử Việt Nam, 1940-1975, Tantu Research, Sacramento, California, 1983, tt. 60-61 có tường thuật lại đầy đủ buổi tiếp tân  ngày 25-6-1946 tại Paris, trong đó Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến trên đây.  Lúc đó, họ Hồ qua Pháp theo phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Ðồng dẫn đầu tham dự hội nghị Fontainebleau.  Trong cuộc tiếp tân nầy, có một số người Việt tham dự, trong đó có linh mục Cao Văn Luận.
41.   Vũ Thư Hiên, sđd. tr. 222.
42.   Vũ Thư Hiên, sđd. tr. 607.
43.   Một trong những nạn nhân nổi tiếng trong vụ nầy là ông Vũ Ðình Huỳnh, người cộng tác thân tín của ông Hồ, phụ thân của tác giả Vũ Thư Hiên, đã được ông Hiên trình bày câu chuyện bạc đãi xuyên suốt trong tác phẩm Ðêm giữa ban ngày.