THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 October 2011

Làm dâu xứ Hàn - Kỳ cuối: Nẻo đường phía trước


TT - Tiếp chúng tôi tại Trung tâm bình đẳng giới Seoul, bà giám đốc Han Kuk Yom liên tục xin lỗi về chuyện những cô dâu Việt bị sát hại vừa qua. Bà bức xúc: "Đó không chỉ là nỗi đau của các bạn, mà chúng tôi cũng vô cùng đau buồn và hổ thẹn trước những việc đáng tiếc vừa qua. Tất cả chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để những sự việc đáng tiếc đó không còn lặp lại...".

>> Kỳ 1Lạc lối ở Seoul
>> Kỳ 2Chuyện từ nhà tạm lánh
>> Kỳ 3: Tiền và cạm bẫy
>> Kỳ 4: Hạnh phúc bình dị 
>> Kỳ 5: Đổi thay số phận 

Chị Lê Thị Anh Thư (bìa phải) trong vai trò tình nguyện viên giúp đỡ cộng đồng tại Cục Xuất nhập cảnh Incheon - Ảnh: Thế Anh

Đây là một trung tâm chuyên hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi các phụ nữ nhập cư ở Hàn Quốc. Không chỉ thường xuyên mở các khóa đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa cho các cô dâu, trung tâm còn là nơi bảo trợ cho nhiều người bị nạn bạo hành, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cô dâu. Nhân viên trung tâm chủ yếu là những cô dâu đủ mọi quốc tịch...

Cảnh giác với công ty môi giới!

"Hiện luật pháp Hàn Quốc quy định trước khi kết hôn với người nước ngoài, chú rể phải học một tháng về văn hóa và ngôn ngữ quê vợ. Nhưng tôi nghĩ điều đó vẫn chưa đủ vì phần lớn chú rể và gia đình vẫn nghĩ rằng việc học văn hóa, ngôn ngữ là nghĩa vụ của người vợ. Nếu chỉ một mình cô dâu cố gắng thôi thì không thể khỏa lấp được những khác biệt, đừng để các cô dâu đơn độc trên con đường tìm kiếm hạnh phúc!".

Giáo sư So Quang Suk, người thỉnh giảng tại một lớp học cho gia đình đa văn hóa.

Với bề dày kinh nghiệm của mình, bà Han Kuk Yom chia sẻ: "Phần lớn cô dâu VN kết hôn thông qua các công ty môi giới. Điều nguy hiểm là họ hoàn toàn thiếu thông tin về người chồng, về cuộc sống thực ở Hàn Quốc. Trong khi đó các công ty môi giới chỉ nhắm đến lợi nhuận, thêm một cuộc hôn nhân nghĩa là họ có thêm thu nhập. Vì thế, khi giới thiệu các chú rể Hàn Quốc, một số công ty đã đưa thông tin không chính xác.

Vấn đề không chỉ ở những công ty môi giới tại Hàn Quốc, nó còn liên quan đến những công ty môi giới bất hợp pháp ở VN nữa. Ở Hàn Quốc đã có luật quản lý các công ty môi giới, trong luật này có quy định không được đưa thông tin giả, thông tin không chính xác.

Nếu trường hợp công ty môi giới cung cấp thông tin giả sẽ bị xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, luật này lại không có tác dụng đối với những đối tác của họ ở VN. Điều trước tiên tôi khuyên các cô dâu là không nên quá tin lời các công ty môi giới!".

Cô dâu Lê Thị Mai Thu, một nhân viên tại đây, chia sẻ: "Các công ty môi giới thường không cho các cô dâu thời gian để suy nghĩ. Trước áp lực sợ đánh mất cơ hội, nhiều cô dâu đã nhắm mắt đánh liều. Có trường hợp gặp nhau buổi sáng thì buổi chiều đã làm đám cưới để kịp cho chú rể về nước. Do thiếu hiểu biết nên phần lớn cô dâu không hỏi kỹ thông tin chú rể trước khi đưa ra quyết định. Trong giấc mơ đổi đời này, chúng tôi thật sự đơn độc ngay từ những ngày đầu ở VN. Tôi nghĩ các cô dâu phải tự cứu lấy mình trước khi mong đợi ai đó giúp đỡ...".

Được thành lập vào năm 2006, trung tâm hỗ trợ khẩn cấp là một địa chỉ quen thuộc với những cô dâu gặp rắc rối trên đất Hàn. Đây là trung tâm ra đời sớm nhất trong các trung tâm hỗ trợ người nước ngoài trực thuộc quản lý của Chính phủ Hàn.

Hiện trung tâm có đến sáu chi nhánh trên toàn quốc, là nơi duy nhất tư vấn qua điện thoại cho các cô dâu 24/24 giờ. Trụ sở của trung tâm tại Seoul có đến 14 tư vấn viên là người Việt. Các chị đều là những cô dâu Việt lấy chồng Hàn, đã trải qua một thời gian dài làm dâu, làm vợ nên có nhiều kinh nghiệm và sự đồng cảm để sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ.

Trong căn phòng làm việc của trung tâm chuông điện thoại liên tục reo lên, phần lớn các cuộc gọi đến từ các làng quê, nơi có số đông người Việt về làm dâu. Người thì gặp rắc rối với mẹ chồng, người thì bị chồng đánh, người thì nhờ trung tâm nói hộ với gia đình chồng điều gì đó mà mình không đủ ngôn từ để diễn đạt... Theo thống kê, số cô dâu Việt gọi đến trung tâm cầu cứu chiếm đến 46% trong tổng số các cuộc gọi của các cô dâu người nước ngoài tại Hàn Quốc.

Mở rộng vòng tay

Điều đáng mừng là thời gian gần đây hình ảnh của các cô dâu trên đất khách đã phần nào được cải thiện nhờ những nỗ lực của chính những người Việt trên đất Hàn. Đó là những du học sinh, những cô dâu dày dạn kinh nghiệm muốn xây dựng một hình ảnh mới cho các cô dâu Việt nơi xứ người.

Ở Hàn Quốc, khi nhắc đến MC Minh Ngọc trên kênh Radio Kiss thì nhiều cô dâu Việt sẽ biết. Đây là kênh thông tin duy nhất phát bằng tiếng Việt thuộc dự án hỗ trợ gia đình đa văn hóa của Chính phủ Hàn Quốc. Là một du học sinh, cô đến với nghề MC cũng hết sức tình cờ.

Từng là người dẫn chương trình cho Đài truyền hình KBS một thời gian, sau đó cô chuyển qua làm MC cho chương trình tiếng Việt của Đài Radio Kiss đến nay. Cô tâm sự: "Tôi muốn làm một điều gì đó cho các chị là cô dâu Việt tại Hàn Quốc.

Hình ảnh các chị ở đây không chỉ bị xem thường từ cuộc sống mà họ còn bị đưa lên cả phim ảnh Hàn Quốc với một cái nhìn lệch lạc. Tôi sẽ tranh thủ tất cả các diễn đàn truyền thông để nói với mọi người rằng các cô dâu Việt không như họ nghĩ. Đúng là họ đến đây vì muốn đổi đời, nhưng mưu cầu hạnh phúc chẳng bao giờ có lỗi cả! Phải hiểu, phải chia sẻ và giúp họ có được hạnh phúc mới là điều hai phía cần phải làm...".

Để giúp các cô dâu Việt hiểu hơn về cuộc sống, quyền lợi và pháp luật tại Hàn Quốc, trong chương trình của mình Minh Ngọc thường xuyên mời những chuyên gia đến tư vấn, chuyện trò cùng các cô dâu thông qua kênh Radio Internet. Với vốn tiếng Hàn lưu loát, khả năng ăn nói trời phú, lại có vóc dáng và trí thông minh, Minh Ngọc luôn được giới truyền thông Hàn chú ý mỗi khi nói về cộng đồng người Việt tại đây. Ý thức được việc này, Minh Ngọc luôn tranh thủ các diễn đàn để nói cho những người bạn Hàn hiểu hơn về đất nước và con người VN.

Chị Lê Thị Anh Thư, nguyên phó chủ tịch Hội Người Việt tại Hàn Quốc, vốn là một cô dâu Việt. Ngoài công việc ở trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại Incheon, chị là người có mặt ở nhiều phiên tòa để phiên dịch miễn phí, tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho các cô dâu.

Nhiều cô dâu bị ngược đãi ở xa đến vài trăm cây số, khi họ cần chị cũng chẳng ngại ngần đi xa. Sau nhiều năm lăn lộn với những thân phận nổi trôi của các cô dâu, chị Thư trăn trở: "Tôi nghĩ ở VN cần có nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức hơn để hỗ trợ các cô dâu trước khi kết hôn.

Và một điều quan trọng nữa, mọi người cần rộng lượng để dang tay đón nhận những cô dâu không may mắn trở về. Ở đây tôi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng lắm! Vì chỉ sợ sự đàm tiếu của gia đình, chòm xóm mà nhiều cô dâu sau khi tan vỡ hạnh phúc không dám trở về quê nhà, chấp nhận một cuộc sống đầy rủi ro nơi xứ lạ...".

THẾ ANH