THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 October 2011

Những lương y xem nhẹ chiếc phong bì


Trong khi "lót tay" đã trở thành một thủ tục ở nhiều bệnh viện thì vẫn còn những cơ sở y tế mà người thày thuốc ở đó làm việc thực sự bằng cái tâm, dù đời sống của họ còn chật vật. 
Cựu bộ trưởng y tế: 'Còn quá tải bệnh viện thì còn phong bì'

Đưa mẹ vào Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai điều trị vì cụ bị tràn dịch màng phổi, chị Nhan (xã Đồng Tâm, Ninh Giang, Hải Dương) tìm tới đưa phong bì cho bác sĩ điều trị nhưng bị từ chối thẳng thắn.

"Bác ấy bảo, nếu mình có ý tốt thì cứ để khi mẹ khỏi, mang tới tặng giữa phòng, trước mặt mọi người, bác sẽ nhận ngay. Mình thực sự cảm động", chị Nhan kể. Chị cho biết, hiện mẹ chị nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, phải thở máy và được các y bác sĩ đến kiểm tra, chăm sóc tận tình.

Cũng tại Trung tâm chống độc, chị Mai (Đông Triều, Quảng Ninh) đi chăm chồng bị rắn cắn nằm điều trị nửa tháng, nay muốn biếu chút tiền cho bác sĩ, nhưng hỏi những người đã nằm viện từ trước, ai cũng bảo chị không nên, vì sẽ chẳng ai nhận.

"Từ đó đến nay, thấy không ai đưa nên em cũng thôi, với lại em thấy các bác ở đây rất nhiệt tình, dù ngày hay đêm, bất cứ khi nào cần, gọi là có ngay", chị Mai thổ lộ.

Các bác sĩ, y tá Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân nặng. Ảnh: Minh Thùy.

Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đội ngũ y bác sĩ ở đây đã thực hiện nghiêm túc với "nói không với phong bì" từ nhiều năm trước, tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ khi bệnh nhân bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn.

Chỉ tay về phía chiếc bàn họp có đủ cả sữa chua, hoa quả và bánh, tiến sĩ Duệ cho biết, đây là quà của bệnh nhân vừa ra viện. "Đấy, nhiều khi không nhận phong bì cũng hóa gây phiền cho người bệnh vì họ lại phải chạy đi mua những thứ khác để cám ơn", ông nói.

Ông cho rằng, phong bì có nhiều loại. "Có những người vừa đưa xong là quay ra chửi sau lưng bác sĩ, phong bì ấy ai muốn nhận?". Ông tâm sự có nhiều người nhà bệnh nhân vào phòng riêng của ông rồi nhất định giúi tiền, từ chối không được, có khi phải cáu, quát mới cầm lại, đi ra. Cũng có những y bác sĩ ở trung tâm từ chối phong bì của bệnh nhân mãi không được, phải dẫn vào phòng giám đốc xin ý kiến.

Trìu mến gọi Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai là "tổ ấm", nhiều bệnh nhân nghèo của khoa này cho biết, họ coi các bác sĩ như người thân và ngược lại.

Điều trị suy thận mãn đã 13 năm, anh Phương (40 tuổi) ở Yên Mỹ, Hưng Yên cho biết, anh gặp các bác sĩ nhiều hơn bố mẹ, người thân vì mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, mỗi lần 4 tiếng, và hai bên hiểu hết về nhau.

"Bố mẹ ở quê thì già rồi, mình ngoài lúc chữa bệnh thì chạy xe ôm, nhặt rác kiếm tiền trả viện. Thấy các bác vô cùng nhiệt tình, quá tốt, mình cũng muốn có chút cảm ơn, nhưng lấy đâu ra. Mà nói thật, có đưa tiền thì thể nào cũng bị các bác mắng thêm", anh bộc bạch.

Các bệnh nhân khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai luôn trân trọng trước thái độ làm việc vô tư, nhiệt tình của các bác sĩ. Ảnh: Minh Thùy.

Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, trưởng khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ khi thành lập (1972) đến nay, khoa luôn xác định "không để bệnh nhân nghèo chết" và càng không thể lấy thêm tiền của họ.

Phần lớn bệnh nhân của khoa thận nhân tạo là người nghèo, trong khi chi phí chữa bệnh của họ lại cao. Vì thế, bệnh viện có riêng chính sách miễn giảm chi phí cho những trường hợp khó khăn, đồng thời các bác sĩ trong khoa cũng thường xuyên kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ. Nhiều người bệnh không có tiền nhờ đó mà duy trì cuộc sống được lâu hơn.

"Thật ra, mỗi lần đưa bệnh án cho mình duyệt, hầu như ai cũng kẹp theo một phong bì, một ngày ít cũng 1-3 cái. Mình không lấy, họ vẫn cố đưa, tới lúc mình phải hỏi 'bác giàu hay nghèo', rồi bảo họ giữ lấy còn chữa bệnh lâu dài, ăn uống... mới thôi", bác sĩ Luận tâm sự.

Tuy nhiên, nói không với phong bì cũng là một cuộc đấu tranh của người thày thuốc.

"Lương bác sĩ theo ngạch nhà nước mỗi tháng tầm hơn 3 triệu, nếu nhận phong bì của bệnh nhân, chỉ cần 10 người đã có thể được 3 triệu. Một năm có khoảng 2.000 người điều trị tại đây, muốn được đút tiền là có ngay, chỉ cần lơ đi chút, không cho thuốc, tỏ thái độ... Nhưng làm thế là thất đức", tiến sĩ Phạm Duệ chia sẻ.

Ông cho biết, bản thân ông cũng nhiều lần phải chần chừ trước chiếc phong bì khi "con đang thiếu tiền đóng học, mình thì thỉnh thoảng lại được hỏi "Sao mày cứ giả nghèo giả khổ" vì ròng rã mấy năm trên chiếc cup 81 cũ, rồi bố, mẹ, vợ con chịu khổ. Nhưng lương tâm và sự tự ái của người thày thuốc vẫn thắng.

Là một đơn vị nhận được rất nhiều ghi nhận tích cực của bệnh nhân, các bác sĩ Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường để vững tâm làm nhiệm vụ. Nhiều người, sau khi từ chối những chiếc phong bì của bệnh nhân, phải tìm nhiều cách khác mưu sinh, trong lúc đồng lương không đảm bảo cuộc sống.

Bác sĩ Vũ Đình Phú, phó khoa Cấp cứu tích cực, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia. Ảnh: Minh Thùy.

Theo thạc sĩ Vũ Đình Phú, phó khoa Cấp cứu tích cực, làm trong môi trường cấp cứu không thể gây nhũng nhiễu cho bệnh nhân, không ai có thể chần chừ lưỡng lự khi thăm khám cho những người đang mấp mé bên bờ vực giữa sự sống và cái chết, có khi, chỉ cần chậm vài phút là mất đi một sinh mạng.

Anh Phú cho biết, tại nơi anh làm việc, hầu như không ai từng nhận phong bì của bệnh nhân, có chăng là một vài tấm lòng cảm ơn khi họ đã được cứu sống. "Cái lớn nhất chúng mình nhận được chính là những thành quả của lao động, đó là sinh mạng, sức khỏe của người bệnh", bác sĩ nói.

Bản thân anh, sau 14 năm ra trường, vẫn chỉ có mức lương hệ số 3,67 với thu nhập eo hẹp. "Cũng may hai vợ chồng mình đều đi làm, lại chỉ có một con nên đủ sống, chỉ không có tích lũy thôi. Nhà thì được hưởng lại từ cha ông nên cũng đỡ một khoản lo", anh Phú chia sẻ.

Anh cho biết, ngoài khám, chữa cho bệnh nhân, cũng như các bác sĩ trong khoa, anh phải tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, rồi đi tuyến dưới theo đề án tăng cường y tế cơ sở của Bộ Y tế...

"Ai đi làm cũng mong có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Nhưng trong điều kiện nhà nước và hệ thống của mình bây giờ, phải biết chấp nhận. Đồng lương của mình ít nhưng vẫn nhiều hơn người nông dân, họ sống được, mình cũng sống được, liệu cơm mà gắp mắm thôi", người bác sĩ gày gò thổ lộ.

Anh cho biết, nhiều đồng nghiệp của mình phải đi làm thêm.

Chẳng hạn, bác sĩ Đinh Công Tiến, Khoa Cấp cứu tích cực, đã tốt nghiệp đại học 12 năm và gắn bó với khoa hơn 4 năm. Mỗi tháng anh lĩnh hơn 2 triệu từ lương nhà nước, cộng thêm hơn một triệu phụ cấp của bệnh viện và khoảng 200 nghìn tiền trực 4 đêm một tháng, tổng cộng thu nhập khoảng trên 4 triệu đồng. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, cuối tuần anh lại đi làm thêm (siêu âm) cho một phòng khám tư trên đường Nguyễn Khuyến, và kiếm được 400.000 đồng mỗi ngày.

"Vất vả lắm chứ, nhưng lòng mình thanh thản, vì đó là đồng tiền do mình lao động chân chính mà ra", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, để chấm dứt hẳn nạn phong bì, người đầu tiên cần nói không là bệnh nhân: "Nếu mọi người đều kiên quyết không phong bì, những anh nhũng nhiễu sẽ lòi ra và bị xử lý nặng". Còn các y bác sĩ cũng cần đảm bảo đời sống để chuyên tâm với công việc.

Tại khoa thận nhân tạo, để cải thiện thu nhập cho nhân viên, khoa đã thực hiện theo chủ trương khoán, ký quỹ của bệnh viện, từ đó lấy thu bù chi, đồng thời tiết kiệm, chống thất thoát, mở ra các dịch vụ tăng nguồn thu, cải tiến kỹ thuật...

Tương tự, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tiến sĩ Phạm Duệ cho biết, để đảm bảo đời sống nhân viên, ngoài những cách trên, trung tâm tạo điều kiện cho các bác sĩ trong khoa làm thêm, tăng thu nhập bằng cách ký hợp đồng khám chữa, tư vấn với các đơn vị khác...

Chia sẻ trên Vnexpress.net, độc giả Đỗ Văn Hùng cho biết, năm 2010, khi đưa mẹ đi mổ thoát vị đĩa đệm cột sống tại Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức, anh có đưa phong bì cho các y bác sĩ khi làm các thủ tục... nhưng tuyệt nhiên không ai nhận và mẹ anh vẫn được xếp lịch mổ như những người khác.

Mẹ anh được bác sĩ Nguyễn Văn Thạch (trưởng khoa) mổ và ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khi mẹ xuất viện, anh tìm bác sĩ Thạch để cám ơn và gửi một chiếc "phong bì". Bác sĩ Thạch thay mặt thay mặt khoa cám ơn gia đình và gọi một cô hộ lý vào và bảo cô bóc phòng bì, nhận tiền của anh và ghi số tiền vào sổ của khoa.

"Tôi thấy đây là một cách làm các khoa khác, bệnh viện khác nên học tập. Khoa nhận phong bì một cách công khai minh bạch do người nhà bệnh nhân tự nguyện cám ơn sau khi mọi việc đã tốt đẹp để đưa vào quỹ của khoa và sau này chi thưởng, lễ, tết... cho cán bộ nhân viên trong khoa. Hành động này hoàn toàn chính đáng".

Minh Thùy