THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 October 2011

Tác giả bộ ảnh Mỹ Lai: 'Vụ thảm sát day dứt mãi đời tôi'


Hơn 40 năm kể từ khi lính Mỹ thảm sát 504 thường dân Sơn Mỹ, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle, người chụp 60 bức ảnh về cảnh kinh hoàng ấy, chưa một lần dám công khai trở lại Việt Nam vì e sợ thù hận.
Tác giả bộ ảnh thảm sát trở lại Mỹ Lai
Diễn biến vụ thảm sát Mỹ Lai

Cho đến sáng 24/10, với tâm trạng vẫn còn ám ảnh bởi cảnh tượng vụ Mỹ Lai, anh cùng một người Việt Nam sống sót sau vụ thảm sát, trở lại hiện trường xưa.

Sau chiến tranh, từng đến Việt Nam một lần với tư cách là khách du lịch, tác giả bộ ảnh thảm sát Sơn Mỹ không dám đến Quảng Ngãi cũng như tiết lộ mình là nhân chứng lịch sử trước cái chết của 504 thường dân trên mảnh đất này.

"Tôi không biết mình có được họ rộng lòng tha thứ hay không", Ronald Haeberle tâm sự.

Sáng 16/3/1968, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle theo chân một đơn vị quân đội Mỹ tiến vào làng Sơn Mỹ. Khắp nơi đồng lúa chín vàng. Trên cánh đồng lô nhô nông dân đang làm việc, trong đó có nhiều phụ nữ, người già và cả trẻ con. Những người lính Mỹ lạnh lùng xả súng bắn chết hàng trăm nông dân, còn vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết ông già, đàn bà, trẻ con. Cuộc thảm sát diễn ra trong vòng 4 tiếng đồng hồ.

Lính Mỹ bình thản xem như không có gì xảy ra sau khi thực hiện tội ác giết hại 504 thường dân vô tội vào buổi sáng 16/3/1968 ở làng quê Mỹ Lai. Ảnh: Ronald Haeberle.
Bức ảnh ghi lại hình ảnh lính Mỹ đi trên đường làng sau vụ thảm sát 504 thường dân sáng 16/3/1968 ở Mỹ Lai. Ảnh: Ronald Haeberle

Một trong những bức ảnh Ronald Haeberle ghi lại cảnh hai đứa trẻ dường như là anh em, trườn mình trên bờ ruộng lúa để tránh đạn, đứa lớn hơn đang che chở cho em nhỏ. Cách đó vài chục mét, khoảng 21 xác người (hầu hết phụ nữ, trẻ em) vừa bị lính Mỹ sát hại. Một bức ảnh trắng đen khác cho thấy nhiều lính Mỹ bình thản bên bờ ruộng lúa sau cuộc thảm sát.

"Là phóng viên chiến trường, lúc ấy tôi có mặt trong nhiều cuộc hành quân ở miền Trung Việt Nam để ghi lại những gì mà quân đội Mỹ đã làm.

Vụ thảm sát Mỹ Lai đã ám ảnh, day dứt mãi đời tôi", Ronald Haeberle nói vớiVnExpress.net.

Mỗi lần nhớ lại, lương tâm Haeberle cắn rứt không yên. "Tôi nhớ người dân nơi ấy gần gũi, thân thiện, nhớ nhất là nụ cười của trẻ em luôn vẫy tay chào mỗi khi được chụp ảnh. Chính điều này đã thúc giục tôi phải công bố sự thật".

Ronald Haeberle kể về việc chụp ảnh buổi sáng hôm diễn ra cuộc thảm sát, trong khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Trí Tín

Cuối năm 1969, bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai được ông đăng trên tạp chí Life, lần đầu tiên công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội. Haeberle nhớ lại cảm xúc khi quyết định công bố bộ ảnh: "Ấy là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường. Một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn".

Hôm 24/10, lần đầu tiên Ronald Haeberle chính thức trở lại Sơn Mỹ với tư cách nhân chứng sống và là người đưa vụ thảm sát ra công luận thế giới bằng việc công bố bộ ảnh đau thương.

Ấn tượng đầu tiên với Haeberle khi trở lại là màu xanh ngút của đồng lúa, những thân dừa vươn cao đu đưa trong buổi sáng sớm yên bình. Bước chậm trên con đường chi chít dấu giày, ông quan sát tỉ mỉ từng đoạn mương năm xưa mình đã chụp bức ảnh ngập xác người, căn hầm trú ẩn, nền nhà của dân làng nham nhở vì bị lính Mỹ đốt cháy... được phục dựng lại bối cảnh vụ thảm sát tàn khốc 43 năm về trước.

Ông đứng trầm ngâm trước tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ, tưởng nhớ những nạn nhân vụ thảm sát. Và Ronald Haeberle bất ngờ bởi người dân nơi đây đã mở rộng vòng tay chào đón ông: "Tôi thật sự cảm phục người dân Sơn Mỹ, họ có nghị lực phi thường vượt qua mất mát, biến mảnh đất đau thương hồi sinh, phát triển như ngày nay".

Chính cậu bé lớn hơn trong bức ảnh hai đứa trẻ tránh đạn bên bờ ruộng kia cũng đi cùng ông lần này. Ông là Trần Văn Đức. Sau vụ thảm sát, cậu bé Đức khi đó được các tổ chức nhân đạo đưa ra nước ngoài sinh sống. Ông Đức cũng đưa cả cậu con trai 18 tuổi. Để có được chuyến đi này, ông Đức đã sang tận Mỹ tìm người phóng viên ảnh và mời ông trở về Việt Nam.

Cha con ông Trần Văn Đức tại khu tưởng niệm Sơn Mỹ. Ảnh: Trí Tín.
Cha con ông Trần Văn Đức tại khu tưởng niệm Sơn Mỹ. Ảnh: Trí Tín.

Ông Đức xúc động hồi tưởng: "Mẹ tôi bị lính Mỹ bắn bị thương nặng. Mẹ bảo tôi ôm em Trần Thị Hà mà về nhà bà ngoại kẻo bị giết. Anh em đi, tôi vừa lấy thân che cho em vừa trườn trên bờ ruộng trong khói đạn mịt mù. Hai anh em về được nhà ngoại nên thoát chết".

Ông chăm chú xem bức ảnh hai đứa trẻ mà Ronald Haeberle chụp hình ảnh của hai anh em trong giờ phút sống chết ấy. Chú thích ảnh viết rằng hai anh em đã chết, trong khi sự thật thì khác, nên nhân vật trong bức ảnh muốn làm "đính chính lịch sử". Thế là ông Đức cất công tìm kiếm Ronald Haeberle.

Phải mất hơn một năm, qua các kênh truyền hình quốc tế, tạp chí và Facebook, anh Đức mới có thể tìm được địa chỉ của Ronald Haeberle ở Mỹ và mời ông cùng trở lại Sơn Mỹ.

Trong cuộc gặp gỡ thân mật hôm 25/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã cảm ơn Ronald L. Haeberle về những bức ảnh lịch sử ghi lại cuộc thảm sát Mỹ Lai. Tỉnh cũng đề nghị người cựu phóng viên chiến trường giúp bổ sung thêm những tư liệu, hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Trí Tín