THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 December 2011

Khám bệnh siêu tốc ở Việt Nam: 1 phút 1 người!

Khám bệnh siêu tốc ở Việt Nam: 1 phút 1 người!
Cập nhật lúc 05-12-2011 19:01:47 (GMT+1)


Tại nhiều bệnh viện trung ương, tình trạng quá tải đã khiến nảy sinh chuyện “khám bệnh siêu tốc”: Mỗi bệnh nhân chỉ có được 1 đến vài phút để bác sỹ khám. Thậm chí có nhiều bác sỹ còn cho bệnh nhân xét nghiệm, chụp chiếu ngay mà không chú trọng đến khám lâm sàng. Việc khám nhanh và “đùn đẩy” khâu chẩn bệnh cho máy móc đã khiến những sai sót y khoa ngày một nhiều lên.

1 phút 1 người!

Từng đưa con đi khám bệnh về đường tiêu hóa tại bệnh viện Nhi TW, chị Oanh cho biết, chị rất lo lắng về cách khám chữa bệnh hiện nay: “Bác sỹ gặp cháu hỏi sơ sơ là cháu bị làm sao, vừa hỏi bác sỹ vừa ghi chép điều gì đó, thi thoảng mới quay sang nhìn. Nói chuyện được vài câu thì bác sỹ chỉ định đi xét nghiệm, siêu âm ổ bụng mà không có giải thích gì để gia đình biết là cháu có thể bị bệnh gì”.

Khi chị Oanh hỏi về chuyện bệnh tật của con mình, vị bác sỹ trả lời ngắn gọn: “Cứ đi xét nghiệm, siêu âm đi rồi quay lại đây”. Tính ra, thời gian từ lúc chị vào gặp bác sỹ đến lúc đưa con ra để đi xét nghiệm có khi chưa đến 1 phút!

Mỗi ngày 1 bác sỹ của BV Nhi TƯ khám trung bình cho 60-70 cháu, ngày cao điểm lên tới 100-110 cháu (Ảnh chụp tại BV Nhi TƯ)
Sau gần 2 tiếng chờ đợi để lấy các kết quả xét nghiệm, siêu âm, chị Oanh mang con quay lại phòng khám. Bác sỹ xem xong liền kê đơn thuốc cho cháu bé.
Lo lắng, chị Oanh “đánh liều” hỏi xem con bị làm sao (dùng từ “đánh liều” vì lúc này vị bác sỹ trông rất mệt mỏi, mặt mũi cau có khó chịu) thì vị bác sỹ nói: “Sa trực tràng”.

Nghĩ rằng con phải “làm sao” thì mới bị sa trực tràng, chị Oanh càng lo lắng nên hỏi tiếp. Đến lúc này vị bác sỹ cáu ra mặt: “Tại chị để con bị táo bón hoặc tiêu chảy dài ngày nên mới ra nông nỗi này chứ sao?”.
Đến đây, chị Oanh không dám hỏi thêm, cầm đơn thuốc (mà chị không đọc nổi chữ) đi ra ngoài tìm hiệu thuốc.

Đi khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai vào ngày thứ 7 vừa qua (với hi vọng sẽ không quá đông như ngày thường) nhưng cuối cùng, anh Vũ (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng vẫn chịu cảnh chờ đợi rồi khám, siêu âm rất nhanh chóng.

“Tôi thường xuyên bị đau đầu, vào khoa thần kinh, bác sỹ hỏi han vài câu rồi chỉ định tôi đi làm điện não đồ. Bác sỹ cũng không khai thác xem tôi đau kiểu như thế nào, từ khi nào, có gì bất thường không v..v… Tôi hỏi bác sỹ sau khi khám xem mình bị làm sao thì bác sỹ không trả lời, bảo chưa điện não đồ thì chưa thể biết được đó là bệnh gì!”, anh Vũ thuật lại.

Nói đến đây, anh Vũ băn khoăn: “Trước đây chưa có máy móc hiện đại như bây giờ. Không biết bác sỹ thời đó chẩn bệnh như thế nào nếu khám theo kiểu như thế này?”. Tuy lo lắng và không được thỏa mãn với vị bác sỹ, nhưng anh Vũ cũng đành phải nghe theo chỉ định của bác sĩ, vì bên ngoài phòng đợi là hàng chục bệnh nhân đang chờ tới lượt mình.

Khám kỹ: Không dễ!

Một bác sỹ làm việc tại khoa khám bệnh của bệnh viện Nhi TW thành thực: “Muốn tư vấn, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân cũng khó lắm. Ngày nào tôi khám ít là 60-70 cháu, đợt nào rộ lên dịch bệnh hay thời tiết thất thường là có ngày phải khám đến 100-110 cháu. Như vậy thì không thể nào giải thích cho bệnh nhân được”.

Với tình trạng quá tải nặng nề như hiện nay, bác sỹ khó có thể thăm khám kỹ càng hoặc giải thích kỹ càng, cặn kẽ cho người bệnh (Ảnh chụp tại bệnh viện K)
Vị bác sỹ này cũng làm phép tính: Mỗi bác sỹ làm việc 8 tiếng/ngày (tức 480 phút). Trong khi đó, nếu khám cho 60-70 bệnh nhân thì tính ra, nếu không bị việc gì phát sinh hay chi phối thì mỗi bệnh nhân được gặp bác sỹ trong vòng 6-7 phút. Nhưng với ngày có tới 100-110 bệnh nhân khám thì mỗi người cùng lắm có lẽ chỉ được 3-4 phút.

“Thời gian này có khi chưa đủ để mà khám lâm sàng, lấy đâu ra để giải thích cho người bệnh”, vị bác sỹ nói. Cũng chính vì mật độ khám dày đặc nên những quyền lợi của bệnh nhân như được tư vấn, được trấn an về tinh thần, vv… đều bị loại bỏ.
Bởi nếu muốn làm được tất cả những việc đó (khám lâm sàng, giải thích, tư vấn, hướng dẫn, an ủi, động viên, …) thì ít nhất mỗi bệnh nhân cũng phải có 30 phút! Nếu mỗi bệnh nhân có 30 phút thì mỗi ngày, với 480 phút làm việc, mỗi bác sỹ chỉ có thể khám được cho … 16 người (bằng 1/8 nhu cầu thực tế)!

“Khám như vậy rồi mà người bệnh vẫn phải chờ đợi mệt mỏi. Nếu khám 30 phút một người có lẽ không thể thực hiện được trong tình cảnh hiện nay”, vị bác sỹ nhận định.

Đây cũng là tình trạng chung ở các bệnh viện lớn như bệnh viện K, 1 số khoa của bệnh viện Bạch Mai (Nhi, Ung bướu, tim mạch,vv…). Tại những nơi này, mỗi ngày bác sỹ làm việc căng thẳng từ 6h30 sáng đến hết giờ chiều và ngày nào cũng có ít nhất 60-70 bệnh nhân, ngày nào nhiều cũng lên tới cả trăm người.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài chuyện quá tải trầm trọng khiến chuyện “khám bệnh siêu tốc” phát sinh thì còn một lý do khá “tế nhị”, đó là chuyện các bác sỹ vì thu nhập từ bệnh viện không đảm bảo đời sống nên nhiều người “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Hiện nay, nhiều bác sỹ sau giờ làm ở bệnh viện công đã ra các phòng khám tư để làm ngoài giờ và thu nhập của họ từ việc làm thêm cao hơn nhiều lần so với thu nhập chính thức từ bệnh viện. Do đó, có chuyện có một bộ phận bác sỹ “làm qua loa”, giữ sức, không tận tình với người bệnh.
Bác sỹ thường xuyên không giải thích với bệnh nhân

Theo nghiên cứu đề tài cấp bộ về “Thực trạng nhận thức và thực hành y đức của bác sĩ ở ba tuyến bệnh viện trung ương, tỉnh và huyện” của Trường đại học Y Hà Nội ở ba miền Bắc, Trung, Nam thì chỉ có 24,3% bác sĩ được hỏi cho rằng mình không có thiếu sót về y đức.
Những người trả lời đã liệt kê một số thiếu sót về thực hành y đức như: chưa giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân, đôi khi còn gây khó khăn cho bệnh nhân…
Các bác sỹ được hỏi cho rằng nguyên nhân là do tình trạng quá tải bệnh nhân, áp lực công việc căng thẳng, lương thấp.