THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 July 2011

Trung Quốc định 'cắt cáp' lần ba?


Tàu Bình Minh 2 đã bị phía Trung Quốc cắt cáp hồi cuối tháng Năm ở vùng lãnh hải được cho là thuộc Việt Nam, khiến người dân Việt Nam giận dữ xuống đường biểu tình phản đối.

Các nguồn tin chưa được kiểm chứng từ Việt Nam cho BBC hay một tháng sau vụ tàu Bình Minh 2, phía Trung Quốc lại có hành động định 'cắt cáp' của một tàu thăm dò địa chấn Việt Nam ngoài Biển Đông.

Sự việc xảy ra với tàu của PetroVietnam nhưng không để lại hậu quả vì, theo mô tả của ba nguồn tin khác nhau, "các tàu hộ tống của Việt Nam đã vào kịp thời".

Tàu của phía Trung Quốc vì thế đã đổi hướng nên hai bên không gây ra va chạm.

Một số nhà báo tại Việt Nam tin rằng đây là một lần nữa, Trung Quốc "thử nắn gân" phía Việt Nam đúng lúc các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chúc mừng "sinh nhật" 90 của đảng Cộng sản Trung Quốc.

BBC hôm 30/6 đã liên lạc với một quan chức PetroVietnam nhưng vị này từ chối trả lời điện thoại.

Cũng vì thời điểm bị coi là nhạy cảm, phía Việt Nam, theo một nhà báo giấu tên từ Hà Nội, không muốn công bố vụ việc cho báo chí.

Đến tối 1/7 giờ London, BBC cũng chưa ghi nhận được gì từ phía Trung Quốc xung quanh tin rằng chuyện này thực sự đến mức nào hoặc phía Trung Quốc coi đó là gì.

Lãnh đạo hai đảng cộng sản có vẻ như đang muốn làm giảm độ nóng của mối quan hệ sau hai vụ tàu Trung Quốc bị phía Việt Nam cáo buộc là "gây hấn".

Đặc biệt, một số nhà nghiên cứu Biển Đông tin rằng nơi xảy ra vụ "định cắt cáp" lần thứ ba gần với nơi tàu Viking của Việt Nam thuê bị phía Trung Quốc cắt cáp.

Trong các lần trước, phía Trung Quốc nói các vụ "va chạm" xảy ra trong vùng thuộc chủ quyền của họ, điều bị Việt Nam bác bỏ.

Mặt khác, phía chính quyền Việt Nam cũng lo ngại không khí bức xúc, đòi tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc có thể diễn ra lần nữa vào cuối tuần này ở Hà Nội.

Vụ Bình Minh 02 xảy ra hôm 26/5 và vụ tàu Viking 09/6 đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận Việt Nam.

Trung Quốc hiện đang kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo Nhân dân cho hay Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đã gửi điện mừng đến Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc nhân sự kiện này.

Tuy nhiên, bức điện của phía Việt Nam, trong các phần được trích đăng trên báo Nhân Dân, không thấy nhắc tới phương châm 16 Chữ Vàng cho quan hệ hữu nghị Trung-Việt.

Đề nghị phạt Bùi Tiến Dũng 11-12 năm tù


TTO - Sáng 1-7, đại diện Viện KSND Hà Nội đề nghị chuyển tội danh truy tố Bùi Tiến Dũng từ "tham ô tài sản" sang "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đề nghị phạt bị cáo này 11-12 năm tù.

Bị cáo Bùi Tiến Dũng nguyên là tổng giám đốc PMU18.

>> Read this on Tuoitrenews.vn
>> Bộ GTVT không đòi bồi thường thiệt hại

Bị cáo Bùi Tiến Dũng - Ảnh: M. Quang

Tại phiên tòa xử vụ tham nhũng tại dự án cầu Bãi Cháy sáng nay, bị cáo Đỗ Kim Quý (nguyên phó tổng giám đốc PMU18) bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Các bị can còn lại đều bị truy tố về hành vi tham ô tài sản. Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị phạt Nguyễn Vũ Nam (nguyên trưởng phòng triển khai dự án 6 - PID 6) từ 9-10 năm tù; Nguyễn Công Dũng (chuyên viên PID 6) từ 4-5 năm tù; Nghiêm Phú Sơn (phó phòng PID 6) và Lê Minh Giang (phó phòng PID 5) từ 6-7 năm tù; Nguyễn Hữu Minh (kỹ sư Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, giám đốc điều hành gói thầu BC1 tại dự án cầu Bãi Cháy) 16-17 năm tù; Nguyễn Hữu Long (giám đốc điều hành gói thầu BC3) 13-14 năm tù; Trần Đức Hùng (chánh văn phòng tư vấn dự án cầu Bãi Cháy) từ 3-4 năm tù.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, qua xét hỏi tại tòa cho thấy hành vi của Bùi Tiến Dũng không phạm vào tội tham ô tài sản mà phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì vậy chuyển truy tố ở tội danh này là đúng người, đúng tội. Viện Kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng nên cần phải có mức án phạt thích đáng để răn đe.

Trước đó, trong bốn ngày từ 27 đến 30-6 hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát và luật sư đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo nhằm làm rõ việc các bị cáo thực hiện dự án đã lập khống danh sách nhân viên tư vấn bổ sung nhằm chiếm đoạt hơn 3,4 tỉ đồng; việc chi 500 triệu đồng làm quà cho bị cáo Đỗ Kim Quý khi về hưu. Tuy nhiên, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Ngay sau phần Viện Kiểm sát luận tội, các luật sư bắt đầu bào chữa cho thân chủ của mình.

MINH QUANG

Xếp hàng thâu đêm không xin được suất học mầm non


TTO - Đó là tình cảnh của rất nhiều phụ huynh muốn xin cho con vào học lớp nhà trẻ và mẫu giáo bé tại trường mầm non Thành Công A (Hà Nội).

Lớp nhà trẻ cho bé sinh năm 2009, lớp mẫu giáo bé cho bé sinh năm 2008 đều tuyển sinh 70 bé/ khối lớp, nhưng danh sách chờ đợi lên đến 200 bé (có hai danh sách cho hai khối)!

Đã gần 10 giờ trưa, nhưng những phụ huynh vẫn xếp hàng với hy vọng ghi tên cho con vào trường mần non Thành Công A, quận Ba Đình, Hà Nội  - Ảnh: Tiến Thành

Dù 8g30 sáng nay 1-7 mới bắt đầu phát hồ sơ, nhưng hàng trăm người đã chầu chực nhiều ngày qua trước cổng trường với hi vọng con mình lọt vào "danh sách chốt".

Theo chị Nguyễn Thị M. - mẹ bé N.D.A. (sinh năm 2008), để giành được vị trí số 2 trong danh sách phát hồ sơ, cả tuần nay, gia đình chị phải đôn đáo, cắt cử người thay phiên nhau đến đăng ký. "Danh sách được lập đi lập lại rất nhiều lần trong cả tuần qua, ngày nào nhà tôi cũng có người ra "cập nhật". Đặc biệt từ 16g chiều hôm qua đến sáng nay, bố mẹ chồng tôi túc trực thường xuyên ở đây để đăng ký học cho cháu nội", chị M. cho biết. 

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có được sự trợ giúp từ ông bà trong việc xếp hàng, giữ chỗ. Nhiều người phải xin nghỉ làm về sớm vì việc xếp hàng bắt đầu từ cuối giờ chiều. Chị H.M.A (Láng Hạ) có con ghi danh vào lớp nhà trẻ cho bé sinh năm 2009 đến trường xếp hàng từ 17g chiều ngày 30-6 cho hay: "Con đầu tôi cũng cho học ở Mầm non Thành Công A nên quá hiểu "truyền thống" xếp hàng ghi danh. Việc ghi danh sách đã xuất hiện từ ngày 25-6, nhưng xếp thành hàng dài thì bắt đầu từ chiều qua. Vội vàng gửi đứa đầu sang nhà bà ngoại, tôi chạy kịp đến đây để ghi vào "tốp đầu". Không dám rời vị trí một phút nào vì người đứng ra lập danh sách yêu cầu "điểm danh" liên tục. Đến 12 giờ đêm, mệt mỏi và đói, tôi phải gọi chồng ra đứng thế", chị A. nói.

Dù nhà trường đọc tên những bé cuối cùng được phát hồ sơ, nhiều bậc phụ huynh có con nằm ngoài số chỉ tiêu vẫn cố chờ vì "nhỡ đâu người khác bỏ thì sẽ đến lượt mình" - Ảnh: Ngọc Hà

Cảnh tượng xếp hàng mòn mỏi trước cổng trường suốt đêm chờ xin suất học mầm non cho con không chỉ diễn ra ở trường mầm non Thành Công A mà còn tái diễn nhiều năm ở trường Mầm non Bình Minh (quận Tây Hồ).

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh- phó trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo quận Tây Hồ, cho biết trên địa bàn quận hiện có 8 trường mầm non công lập, nhưng năm nay chỉ có bảy trường tuyển sinh do trường mầm non Phú Thượng sửa chữa, xây mới. Toàn bộ học sinh của trường Mầm non Phú Thượng sẽ phải tự túc tìm học tại các trường tư thục, không được chuyển học trái tuyến, gây gánh nặng cho các trường khác.

Tuy nhiên, bảy trường tuyển sinh với chỉ tiêu tuyển mới là 800 bé cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của dân cư.Trường Mầm non Quảng An được đánh giá là đáp ứng gần hết nhu cầu học của con em trong khu dân cư nếu không nhận học sinh trái tuyến, nhưng các trường còn lại "gồng" sức tải lên cũng không có đủ chỗ học cho các bé.

NGỌC HÀ

Rước gà địch về chuồng ta gáy

Dân Làm Báo - Nó cướp đất nhà mình, lãnh đạo nhà mình chính thức hóa
bằng ký hiệp ước cột mốc. Nó bắn nó bắt dân mình, lãnh đạo mình rụt
rè... tàu lạ. Nó cắt cáp cắt dây, lè cái lưỡi bò khắp lãnh hải cha
ông, lãnh đạo mình cho âm binh xách cổ, đập đầu dân khi dân ta xuống
đường phản đối. Bây giờ nó kỷ niệm 90 ngày thành lập đảng nó, lãnh đạo
mình mời nó vào chuồng nhà mình và gáy.

Cái chuồng đó lại là cái chuồng mang tên Quân Đội Nhân Dân.


Trước khi nó gáy thì chuồng QĐND ta gáy mở màn dùm nó:

Từ ngày đầu thành lập với hơn 50 đảng viên, cho tới nay Đảng Cộng sản
(ĐCS) Trung Quốc đã có đội ngũ hùng hậu gồm hơn 80 triệu đảng viên.
Trải qua hàng chục năm đấu tranh, ĐCS Trung Quốc đã lãnh đạo cách mạng
Trung Quốc giành nhiều thắng lợi quan trọng, lập lên một nước Trung
Quốc mới vào năm 1949. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, nay Trung Quốc
đã trở thành nền kinh tế thứ hai của thế giới.

Và nó gáy rằng:

ĐCS Trung Quốc đã đoàn kết lãnh đạo toàn thể nhân dân Trung Quốc giành
được những thắng lợi vĩ đại

ĐCS Trung Quốc đã lớn mạnh không ngừng. Cho đến nay ĐCS Trung Quốc đã
có đội ngũ hơn 80 triệu đảng viên.

ĐCS Trung Quốc luôn kiên trì phương châm lập Đảng vì dân, chấp chính
vì dân, toàn tâm toàn ý mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

ĐCS Trung Quốc dũng cảm kiên trì bảo vệ chân lý, sửa chữa khuyết điểm...

ĐCS Trung Quốc luôn kiên trì cùng đảng phái dân chủ, những người yêu
nước có cùng chí hướng, đồng tâm đồng đức, không ngừng phát triển mở
rộng mặt trận thống nhất nhân dân; kiên trì hòa bình hữu hảo, có chính
sách đối ngoại rộng mở bao dung; kiên trì con đường độc lập tự chủ, tự
lực cánh sinh, kiên định theo con đường đã chọn.

Và sau khi làm trời làm đất ở biển đông, báo chí của nó tuyên truyền,
kích động VN là tên gây hấn thì từ chuồng gà QĐND nó gáy ra:

Lãnh đạo hai nước cần đạt được nhận thức chung về các vấn đề quan
trọng, nhìn xa trông rộng để có thể xử lý tốt vấn đề này... Chúng tôi
nguyện cùng Việt Nam thực hiện điều này, tăng cường các chuyến thăm
cấp cao, không ngừng nâng cao tin tưởng chính trị, mở rộng hợp tác
kinh tế thương mại, mưu cầu cùng phát triển phồn vinh; đi sâu giao lưu
nhân văn xã hội, làm phong phú nội hàm quan hệ hai nước, tiếp tục viết
lên một chương mới huy hoàng hơn trong quan hệ... không ngừng tăng
cường lòng tin, những vấn đề còn tồn tại trong lịch sử giữa hai nước
sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.

Người thực hiện cho con gà đại diện xâm lăng phương bắc vào ngồi chồm
hổm giữa lòng tờ báo Quân Đội Nhân Dân - Tiếng nói của Lực lượng Vũ
trang và Nhân dân Việt Nam có tên Việt Nam là Nguyễn Hòa.

Úc bắt 6 quan chức liên quan tới vụ in tiền polymer

TTO - Ngày 1-7, cảnh sát liên bang Úc (AFP) đã buộc tội hai công ty
con của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) là Securency International và NPA
cùng với một số cựu giám đốc cao cấp chuyên về in tiền polymer tội đưa
hối lộ cho các quan chức nước ngoài để giành các hợp đồng cung cấp
tiền polymer.

>> Nghi án hối lộ in tiền polymer: Phối hợp điều tra
>> Vụ doanh nghiệp nước ngoài hối lộ quan chức VN: Đang tiến hành thu thập tài liệu

Việc đưa ra những cáo buộc và bắt giữ nói trên đánh dấu một cột mốc
quan trọng trong quá trình điều tra kéo dài 2 năm qua, liên quan tới
vụ bê bối hối lộ lớn nhất lịch sử Úc ở nước ngoài.

Cùng ngày, cảnh sát liên bang Úc đã bắt giữ sáu cựu giám đốc cao cấp
của Securency và NPA ở thủ phủ Melbourne thuộc tiểu bang Victoria. Các
cựu giám đốc này bị cáo buộc đưa hàng triệu USD tiền hoa hồng cho các
quan chức cao cấp ở một số nước châu Á để giành hợp đồng in tiền
polymer trong giai đoạn 1999-2005.

Đó là cựu giám đốc điều hành Securency Myles Curtis, cựu giám đốc điều
hành NPA John Leckenby, cựu giám đốc tài chính của Securency Mitchell
Anderson, cựu giám đốc tài chính của NPA Peter Hutchinson, cựu giám
đốc bán hàng của Securency Ron Marchant và cựu giám đốc bán hàng của
NPA Barry Brady.

Họ sẽ được tại ngoại sau khi xuất hiện ở tòa án để dự một buổi điều
trần. Thẩm phán Donna Bakos đã ra lệnh họ trở lại tòa án vào tháng
9-2011 để điều trần tiếp theo.

Trong một diễn biến liên quan, các cơ quan thực thi pháp luật nước
ngoài cũng truy lùng những người tình nghi ở Malaysia và bắt giữ hai
người. Những người bị bắt giữ hiện không còn làm việc cho hai công ty
này nữa.

Securency là công ty in tiền, có 50% vốn là của RBA và 50% còn lại là
của Công ty Anh Innovia.

K.L. (Theo The Age)

Một người dân nhặt được 85 phiếu bầu cử

Thứ Năm, 30/06/2011, 07:49 (GMT+7)

TT - Chiều 29-6, ông Lê Huỳnh Kỳ, phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, cho
biết thường trực HĐND tỉnh đã nhận được đơn và 85 phiếu bầu do bà
Trịnh Kim Hoa (ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời)
gửi đến.

>> Read this on Tuoitrenews.vn

"Đây là vụ việc phức tạp, chúng tôi sẽ kiểm tra để sớm có kết luận" -
ông Kỳ nói.

Hồ sơ và phiếu bầu mà bà Trịnh Kim Hoa tố cáo - Ảnh: P.Vân

Ngày 28-6, bà Trịnh Kim Hoa tìm đến Phòng dân nguyện - văn phòng Đoàn
đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Cà Mau để giao nộp 85 phiếu bầu cử HĐND
cấp xã (nhiệm kỳ 2011-2016) do bà nhặt được, đồng thời tố cáo tổ bầu
cử gian lận để một ứng cử viên trúng cử vào HĐND xã Khánh Bình Tây.

Theo bà Hoa, ngày 22-5 (ngày diễn ra bầu cử), trên đường đi bán cá bà
nhặt được bịch nilông màu đen, giở ra thấy xấp phiếu bầu cử HĐND cấp
xã nhiệm kỳ 2011-2015, tổ bầu cử số 9 (ấp Kinh Hòn và ấp Kinh Hòn
Bắc).

Phiếu bầu gồm sáu ứng cử viên, cử tri bầu lấy bốn, có đóng dấu đỏ. Bà
Hoa mang về nhà, tự kiểm phiếu với kết quả của 85 phiếu thì ứng cử
viên nói trên chỉ được một phiếu bầu (ấp Kinh Hòn có 776 cử tri).

Bà Hoa còn cho biết: "Sau khi mang đơn tố giác nhiều nơi, đến ngày
22-6 tôi tiếp tục mang 85 phiếu bầu đã lượm được cho thường trực HĐND
tỉnh Cà Mau xem xét và người tiếp đơn chỉ hứa sẽ giải quyết".

Chiều 29-6, ông Thái Hồng Tư - phó bí thư, chủ tịch HĐND xã Khánh Bình
Tây - nói: "Phiếu của bà Hoa lượm được có thể là phiếu dự phòng được
tổ bầu cử đóng dấu sẵn. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại số phiếu phát ra, số
phiếu thu vào và số phiếu dự phòng mới biết được 85 phiếu này thất lạc
ở khâu nào. Sự thiếu sót ấy cần phải làm rõ. Đồng thời chúng tôi sẽ
kiểm tra lại toàn bộ quy trình giới thiệu, bầu cử và lý lịch của ứng
cử viên mà bà Hoa tố cáo".

Tổ bầu cử số 9 được đặt tại trụ sở Ban nhân dân ấp Kinh Hòn.

PHONG VÂN
Source : http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/444487/Mot-nguoi-dan-nhat-duoc-85-phieu-bau-cu.html

Mua đất “vàng” với giá hời

TT - Trong khi không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đến Đà
Nẵng phải mua đất theo giá thị trường thì một số doanh nghiệp dễ dàng
sở hữu những khu đất "vàng" với giá rất hời.

Khu đất "vàng" 4.900m2 ba mặt phố trên đường Như Nguyệt đã được TP Đà
Nẵng giao cho Công ty 586 với giá 15,7 triệu đồng/m2 - Ảnh: ĐĂNG NAM

Sau hơn năm năm triển khai, giờ đây khu biệt thự Đảo Xanh (P.Hòa Cường
Bắc, Q.Hải Châu) đã trở thành một khu VIP số 1 của Đà Nẵng với những
ngôi biệt thự lộng lẫy nhất TP.

Mua nhiều, tính ít

Theo ông Thân An - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát
triển hạ tầng Nam Việt Á đồng thời là chủ đầu tư khu biệt thự Đảo
Xanh, toàn bộ đất nền ở dự án rộng hơn 3ha này được bán hết từ lâu.
Còn theo một khảo sát thị trường vào giữa tháng 5-2011, đất tại Đảo
Xanh giao dịch không dưới 30 triệu đồng/m2.

Ngày 31-5, phát biểu tại hội nghị quản lý và sử dụng đất đai trên địa
bàn TP Đà Nẵng năm 2011, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi
trường TP Đà Nẵng, cho rằng: "Việc quy định giá đất để đàm phán, kêu
gọi đầu tư của TP Đà Nẵng đã đáp ứng kịp thời thông tin, tạo điều kiện
cho các nhà đầu tư tính toán hiệu quả, cân nhắc đầu tư. Tuy nhiên,
điều này không phù hợp với quy định của trung ương và đề nghị trung
ương nên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế".
Với mong muốn biến quỹ đất dọc hai bên sông Hàn thành những điểm nhấn
của TP, sau khi kết thúc dự án khu biệt thự Đảo Xanh, Viện Quy hoạch
đô thị Đà Nẵng tiếp tục quy hoạch khu đất rộng hơn 71.463m2 ở phía tây
bắc công viên Đông Nam Đài Tưởng Niệm thành khu biệt thự, nhà vườn cao
cấp, trong đó 44.428m2 (tương đương 62%) đất sẽ dùng làm nhà vườn,
biệt thự, phần diện tích còn lại làm hạ tầng giao thông, công viên cây
xanh. Như vậy căn cứ trên quy hoạch đã lập sẽ có 66 nền biệt thự nhà
vườn (mỗi nền 500-700m2) được xác lập chờ người mua.

Ngày 17-2-2011, TP Đà Nẵng ra quyết định quy định giá đất ở để kêu gọi
đầu tư vào khu đất với giá 7 triệu đồng/m2. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà
- chủ tịch Hội đồng thẩm định giá TP, giá đất được hội đồng định giá
dựa trên giá chuyển nhượng của thị trường tại khu vực này là 13 triệu
đồng/m2. Sau khi phân tích, tính toán hội đồng đã đưa ra mức giá khởi
điểm 7 triệu đồng/m2, được áp dụng cho toàn bộ khu đất rộng 71.463m2.
Chưa đầy hai tháng sau, khu đất nhà vườn biệt thự cao cấp trên đã
chính thức có chủ và chủ nhân không ai khác chính là Công ty Nam Việt
Á.

Theo lời ông Nguyễn Văn Cán - chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, sau một
thời gian kêu gọi đầu tư, chỉ có Công ty Nam Việt Á quan tâm đến khu
đất. "Vì thế TP đồng ý chuyển quyền khu đất cho doanh nghiệp với giá 7
triệu đồng/m2".

Điều hết sức khó hiểu là UBND TP Đà Nẵng chỉ thu tiền sử dụng đất đối
với phần diện tích 44.428m2, không thu trọn gói diện tích (71.463m2)
như trong quyết định ban đầu để kêu gọi đầu tư. Theo tìm hiểu, giá đất
chuyển nhượng cho Công ty Nam Việt Á còn thấp hơn cả giá đất UBND TP
Đà Nẵng ban hành năm 2011 ở khu vực này là 7,9 triệu đồng/m2, trong
khi giá đất nền giao dịch trên thị trường tại đây không dưới 25 triệu
đồng/m2.

Theo bà Hà, giá 7 triệu đồng/m2 được hội đồng định giá cho toàn bộ khu
đất 71.463m2. "Nguyên tắc xác định giá đất dự án là cho toàn bộ diện
tích chứ không phải một phần diện tích đất ở. Còn nếu chỉ thu tiền sử
dụng đất trên diện tích 62% thì giá đất phải là 13 triệu đồng/m2". Như
vậy chỉ riêng việc thay đổi cách thức tính thu tiền sử dụng đất, nhà
đầu tư đã hưởng lợi không dưới 190 tỉ đồng.

Không định giá đất quá cao

Ngày 18-11-2010, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có công văn
về việc triển khai thực hiện thông báo số 13 (ban hành ngày
10-11-2010) của Thành ủy Đà Nẵng về đấu giá quyền sử dụng đất trong
thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó, "đối với đất quốc phòng cần cân nhắc, tính toán xác định ở
mức chấp nhận được để tạo mối quan hệ trong việc giải quyết thủ tục
thu hồi đất, giao đất quốc phòng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế
của TP. Đối với diện tích đất chuyển quyền cho các nhà đầu tư xây dựng
dự án phát triển kinh tế và du lịch, xây dựng trường học nên xem xét
từng trường hợp cụ thể (không nên xác định giá quá cao) để tạo điều
kiện cho các nhà đầu tư góp phần cùng TP phát triển kinh tế - xã hội".

Theo ông Thân An, "khu đất này ban đầu có ba người tham gia nhưng sau
đó TP Đà Nẵng vận động ủng hộ thêm quỹ pháo hoa và quỹ bệnh viện ung
thư nên họ tự rút lui. Khi chúng tôi được chuyển quyền khu đất cũng
phải đóng 7 tỉ đồng cho cả hai quỹ".

Trong khi ông An xác nhận "toàn bộ hạ tầng bên trong dự án đều do phía
TP làm" thì ông Nguyễn Văn Cán một mực khẳng định TP chỉ đầu tư hạ
tầng ngoài khu đất, còn Công ty Nam Việt Á đầu tư hạ tầng bên trong
khu đất (71.463m2). Ông Cán cũng xác nhận giá 7 triệu đồng/m2 được áp
dụng cho toàn bộ diện tích đất.

Khi chúng tôi đưa quyết định của TP chỉ thu tiền 62% diện tích, ông
Cán lại nói: "Phần đất dùng chung (phần xây dựng hạ tầng) không được
cấp sổ đỏ nên TP chỉ tính giá trên phần diện tích được cấp sổ đỏ".

Giao đất không đấu giá

Cuối năm 2010, sau khi hoàn tất việc giải tỏa và xây dựng hạ tầng,
đường Như Nguyệt (đường Bạch Đằng nối dài chạy quanh chân cầu Thuận
Phước) bỗng trở nên đắc địa bởi mặt tiền đường được quy hoạch là bến
du thuyền. Vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2011, giá đất thị trường
tại khu vực này dao động trên dưới 30 triệu đồng/m2.

Trong lúc các doanh nghiệp bất động sản đang săn chờ thông tin về các
khu đất thì họ bất ngờ nhận được tin: một trong các khu đất "vàng" ba
mặt tiền này đã được TP giao cho Công ty cổ phần xây dựng công trình
giao thông 586 (Cienco 5). Theo tìm hiểu, ngày 13-4-2011, Phó chủ tịch
UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương ký quyết định quy định giá đất ở đối với
khu đất rộng 4.900m2 cho Công ty 586 với giá 15,7 triệu đồng/m2 để xây
dựng khu thương mại khách sạn.

Lý giải vì sao TP không đấu giá khu đất mà lại giao thẳng cho doanh
nghiệp với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường? Ông Nguyễn Văn Cán cho
rằng năm 2008 TP có chuyển quyền cho Công ty 586 một khu đất rộng
2.400m2 gần đó. Đến cuối năm 2010, do điều chỉnh quy hoạch nên TP đã
thu hồi khu đất trên dùng làm đảo giao thông. Để bù lại thiệt thòi,
phía TP thống nhất hoán đổi khu đất rộng 4.900m2 gần đó cho Công ty
586.

Ông Cán cũng cho rằng: "Nếu không xảy ra chuyện thu hồi khu đất đã bán
cho Công ty 586 trước đó, khu đất 4.900m2 này sẽ được đưa ra đấu giá.
Nhưng vì có chuyện thu hồi đất của doanh nghiệp nên giờ tính toán làm
sao để doanh nghiệp không bị thiệt thòi".

ĐĂNG NAM - VIỆT HÙNG

Vụ Đau gối phải, mổ gối trái: Bệnh nhân khẳng định bác sĩ không hề khám gối trái!


Bệnh nhân Nguyễn Phạm Khánh Chi (27 tuổi, ở TP Cam Ranh, Khánh Hòa) bị đau gối chân phải, nhưng bác sĩ mổ gối chân trái. Sau khi Thanh Niên đưa tin, đã có phản hồi từ hai phía.
 

Bệnh nhân Chi tại bệnh viện - ảnh: Thiện Nhân

Chị Chi bức xúc: "Tôi chỉ đau gối chân phải, còn gối chân trái chưa hề có triệu chứng đau nhức. Từ khi nhập viện đến khi mổ, các bác sĩ chỉ khám, chụp MRI gối phải và chưa hề khám gối chân trái. Vậy dựa trên cơ sở nào để mổ gối trái? Tôi được biết, dù tiểu phẫu thì bệnh viện vẫn yêu cầu người nhà hoặc bệnh nhân đồng ý mới tiến hành mổ. Vì vậy, tôi yêu cầu bệnh viện đưa ra bằng chứng là bác sĩ đã khám gối trái của tôi".

Bác sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng khoa ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa cho rằng, đối với trường hợp trên, không chụp MRI vẫn khám được, bởi vì bác sĩ chuyên khoa khám trên lâm sàng, nghi ngờ dập sụn, rách bao khớp thì tiến hành nội soi thăm dò. "Trong khi nội soi, bác sĩ phát hiện tổn thương thì tiến hành phẫu thuật luôn. Nhưng vì bệnh viện chưa trang bị máy quay ghi lại hình ảnh trong khi mổ nên không có hình ảnh ca phẫu thuật để chứng minh cho người nhà bệnh nhân" (?!).

Chiều 30.6, gia đình chị Chi nhận được báo cáo y khoa của bác sĩ Phan Vương Huy Đổng (Phó chủ tịch Hội Y học TDTT TP.HCM), người trực tiếp phẫu thuật, trong đó nêu: "Bệnh nhân Chi được phẫu thuật nội soi gối phải cắt hoạt mạc viêm bằng đầu đốt cao tần; gối trái được phẫu thuật nội soi cắt hoạt mạc viêm, sửa chữa sụn dập bằng đầu đốt cao tần. Qua hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành chấn thương thể thao và nội soi khớp, chúng tôi xin tiên lượng gối trái bệnh nhân Chi sẽ phục hồi tốt và không có biến chứng do phẫu thuật". Chị Chi nói hoàn toàn không đồng ý với nội dung báo cáo, vì phía bệnh viện không cam kết chịu trách nhiệm nếu gối trái chị có biến chứng.

Thiện Nhân

Báo Người Việt: Sinh viên VN ở Bỉ kêu gọi biểu tình phản đối TQ

Thứ Sáu - 1 Tháng 7, 2011
LIEGE, Bỉ (NV) -Phản đối việc Trung Quốc lấn chiếm biển Ðông, hội sinh
viên Việt Nam tại Bỉ kêu gọi biểu tình vào Thứ Bảy này, trong một bản
thông cáo viết bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp gởi ra tuần qua.

Bản thông cáo kêu gọi biểu tình ở Brussels, trước cửa tòa Ðại Sứ Trung
Quốc tại địa chỉ 443-445 Ave., Tervuren, vào Thứ Bảy 2 tháng 7 từ
10:30 sáng tới 12:30 trưa.

Trong bản thông cáo, ban chấp hành Hội Sinh Viên Việt Nam tại Bỉ tố
cáo Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Ðông mà "không có căn
bản, pháp lý hay lịch sử." Bản thông cáo kêu gọi:

"1. Lên án mạnh mẽ trước dư luận Bỉ, Âu Châu và thế giới, những hành
động thô bạo của Trung Quốc tại vùng biển Ðông Nam Á....

"2. Hết sức bác bỏ các đòi hỏi vô căn cứ và bất hợp pháp của Trung
Quốc, nhất là với vùng chữ U (quen gọi là 'đường lưỡi bò') trong vùng
biển Ðông Nam Á.

"3. Ðòi hỏi chính quyền Trung Quốc ngưng gây rối tình hình ở ngoài
khơi Ðông Nam Á....

"4. Ðòi hỏi phía Trung Quốc ngay lập tức ngưng và không lập lại những
vi phạm trong thềm lục địa và đặc khu kinh tế của Việt Nam....

"5. Kêu gọi các tổ chức sinh viên các nước ASEAN, Bỉ, Châu Âu và trên
toàn thế giới kể cả người Trung Quốc tiến bộ, đoàn kết để bảo vệ công
lý và luật pháp quốc tế, tôn trọng nền độc lập, tự chủ, và chủ quyền
lãnh thổ của các nước..."

Vì những lý do này, bản thông cáo viết, "chúng tôi quyết định biểu tình."

Mỹ-Việt tập luyện hải quân từ 15/07


Tàu USS Chung-Hoon ngoài khơi Philippines tuần này

Tin cho hay hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ bắt đầu đợt hoạt động chung từ ngày 15/07 tới ở ngoài khơi Đà Nẵng.

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh nói trong một thông báo ra hôm thứ Sáu, rằng "Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ thực hiện các hoạt động trao đổi giữa hải quân hai nước tại thành phố Đà Nẵng bắt đầu từ ngày 15/07/2011".

Hoạt động này được gọi một cách danh chính ngôn thuận là "giao lưu hải quân".

Thông báo cũng cho biết sẽ có một lễ đón chính thức và một buổi họp báo trên tàu USS Chung-Hoon tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào ngày 15/07.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận tàu chiến Hoa Kỳ sẽ vào thăm Việt Nam và "tăng cường quan hệ" cùng hải quân nước chủ nhà nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Theo cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ, khi ở Việt Nam các thủy thủ Mỹ sẽ tham gia hoạt động cộng đồng, các buổi huấn luyện về tìm kiếm và cứu nạn, kiểm soát thiệt hại, lặn và cứu hộ với hải quân Việt Nam.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói việc tàu chiến Mỹ cập cảng Việt Nam là 'hoạt động bình thường'.

Bà nói: "Việt Nam có các hoạt động hợp tác, giao lưu giữa hải quân Việt Nam với hải quân của một số nước. Và việc tàu hải quân của các nước tới thăm cảng của Việt Nam cũng là việc bình thường và cũng đã được tiến hành trong một số năm gần đây".

"Những hoạt động sắp tới của Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam cũng là hoạt động định kỳ hàng năm và cũng đã được trao đổi, thỏa thuận trước nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước".

Căng thẳng Biển Đông

Chưa rõ tàu chiến Mỹ sẽ ở Việt Nam trong thời gian bao lâu.

Tháng Tám năm ngoái, Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ đã có các hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam kéo dài trong một tuần.

Tuy nhiên sự kiện năm 2010 mang tính chất đặc biệt vì nó trùng dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

Tàu USS Chung Hoon

Sự kiện Hải quân Mỹ diễn tập với Philippines và sau là với Việt Nam đang được Trung Quốc quan sát kỹ

Trước đó tàu chiến của Mỹ đã có nhiều chuyến thăm đến Việt Nam, trong đó hai chuyến vào năm 2008, hai chuyến năm 2009.

Trong tháng 2 và 3 năm 2010, tàu tìm kiếm cứu hộ USNS Safeguard (T-ARS 50) và tàu USNS Richard E. Byrd (T-AKE 4) đã được sửa chữa tại xưởng đóng tàu Cam Ranh (cảng Hòn Khói, vịnh Vân Phong).

Hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực được nhiều người nhìn nhận như đối trọng với Trung Quốc và đã bị Bắc Kinh phản đối.

Lần này khu trục hạm thuộc loại tối tân USS Chung-Hoon sẽ tới Việt Nam sau khi đã tham gia cuộc tập trận chung CARAT kéo dài 11 ngày với hải quân Philippines.

Mỹ và Philippines đều tuyên bố rằng cuộc tập trận là hoạt động thường niên nhằm tăng cường quan hệ đồng minh, chứ không liên quan tới các tranh chấp chủ quyền cũng như quan ngại về Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát nói chung đánh giá đây là hành động biểu thị sự liên kết giữa hai quốc gia đồng minh trong tình hình mới.

Thời gian qua, cả Philippines và Việt Nam đều đã bày tỏ quan ngại trước các hành động mà hai nước này nói là Trung Quốc gây hấn trong các vùng biển chủ quyền của hai nước gần Biển Đông.

Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đang khiến các quốc gia trong khu vực tăng cường hoạt động và nâng cao năng lực hải quân.

Ngân hàng Nhà nước 'úp mở' lãi suất huy động thực



Trong báo cáo hoạt động tuần công bố sáng nay, Ngân hàng Nhà nước không đề cập gì tới lãi suất huy động tiền đồng như thường lệ, mà chỉ nói tới lãi suất USD và lãi suất cho vay VNĐ.
> Ngân hàng vẫn 'đi đêm' lãi suất với khách quenKhách lạ cũng được ngân hàng 'đi đêm' lãi suất

Trong báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đề cập đến lãi suất cho vay và lãi suất huy động USD mà không nhắc đến huy động Việt Nam. Theo thông báo này, lãi suất USD tương đối ổn định, huy động ở mức sát trần quy định.

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định chưa phát hiện trường hợp lãi suất huy động vượt trần. Và trong các báo cáo thường kỳ của mình, cơ quan này công bố lãi suất niêm yết của ngân hàng vẫn tuân thủ đúng trần 14%.

Việc Ngân hàng Nhà nước không thống kê lãi suất VNĐ trong báo cáo tuần này cũng như báo cáo sơ kết 6 tháng, cho thấy những chuyển biến nhất định trong việc nhìn nhận diễn biến thị trường hiện nay.

Không đưa ra số liệu trong báo cáo hoạt động tuần, song Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái nhìn nhận lãi suất huy động VNĐ đã vượt trần 14%. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Không đưa ra số liệu trong báo cáo hoạt động tuần, song Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái nhìn nhận lãi suất huy động VNĐ đã vượt trần 14%. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.

Trong cuộc họp "Điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 và định hướng trong thời gian tới", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết hiện tại, lãi suất huy động VNĐ bình quân 15,15% một năm, tăng 3% so với cuối năm 2010. Theo ông Bình, trong 6 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động và cho vay bằng đồng Việt Nam vẫn ở mức cao. Ngoài ra, giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn có sự cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Đây là lần đầu tiên và cũng là lãnh đạo đầu tiên ở Ngân hàng Nhà nước thừa nhận chuyện vượt trần lãi suất. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng thừa nhận tại nhiều tổ chức tín dụng, tình trạng cạnh tranh bằng việc thỏa thuận trả thêm chi phí cho người gửi tiền vẫn xảy ra. Theo ông Bình, nguyên nhân là sức ép của lạm phát tăng, kinh tế vĩ mô có diễn biến chưa ổn định và nhu cầu vốn đầu tư của toàn xã hội vẫn ở mức cao.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 21/6 cũng đề cập đến chuyện lãi suất huy động VNĐ vượt trần. Không nêu chi tiết, song Bộ này cho hay bình quân huy động bằng đồng Việt Nam hiện nay là 15,5%, cao hơn 3% so với cuối năm 2010. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, hiện tại, mức lãi suất đối với huy động đầu vào bằng VNĐ thực tế đã 18-19% một năm.

Theo quy định của Ngân hàng Trung ương, lãi suất huy động bằng VNĐ cao nhất các tổ chức tín dụng được áp dụng chỉ 14% một năm. Nhưng thực tế, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng mức lãi vượt xa nhiều so với trần quy định. Tại một số ngân hàng thương mại, huy động đầu vào còn có lãi suất lên 18- 20% một năm. Điều này khiến cho lãi suất cho vay ngày càng tăng mạnh, phổ biến trên 20%, có khi lên tới 25- 27% một năm.

Cũng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tuần từ 18/6 đến 24/6, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm bằng đồng Việt Nam thể hiện xu hướng giảm mạnh. Hiện tại, mức bình quân lãi suất loại này đạt 11,84% một năm, giảm 0,91% so với tuần trước. Các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 6 tháng.. có xu hướng giảm từ 0,02 đến 0,91% một năm.

Tuệ Minh

Tài xế ôtô biển xanh bồi thường cho nạn nhân 4 triệu đồng


Sáng 1/7, Cảnh sát giao thông quận 3, TP HCM, cho biết đã tạm giữ các giấy tờ xe và bằng lái của tài xế Tăng Từ Thảo (34 tuổi), người lái ôtô biển xanh của Hội nhạc sĩ Việt Nam gây nạn rồi bỏ chạy hôm 29/6.
Ôtô biển xanh bị dân rượt đuổi sau khi gây tai nạn

Tài xế ôtô biển xanh không chịu ra ngoài bất chấp yêu cầu của công an mà nhoẻn miệng cười. Ảnh: An Nhơn.
Chiếc ôtô biển xanh của Hội nhạc sĩ Việt Nam gây tai nạn rồi bỏ chạy hôm 29/6. Ảnh: An Nhơn.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông quận 3, sáng 1/7 cơ quan này đã mời 3 bên gồm tài xế ôtô biển xanh của Hội nhạc sĩ Việt Nam, hai nạn nhân điều khiển xe máy đến để giải quyết. Sau khi thương lượng, tài xế Tăng Từ Thảo chấp nhận bồi thường sửa chữa xe cho anh Nguyễn Phú Thịnh, người tham gia truy đuổi bị tài xế Thảo đâm vào và kéo lê xe đi đoạn đường 50 m.

"Chúng tôi đang làm rõ vi phạm của tài xế Thảo là gây tai nạn nhưng không giữ hiện trường, vượt đèn tín hiệu giao thông. Nếu điều tra đúng thì chúng tôi sẽ tạm giữ bằng lái của tài xế này trong 60 ngày, xử phạt hành chính", ông Vũ khẳng định.

Sau khi kiểm tra mức độ hư hại, xe máy của anh Thịnh bị bể đầu, hư dàn ngoài… phía tài xế Thảo đã bồi thường cho anh Thịnh 4 triệu đồng để sửa chữa.

"Hiện cảnh sát giao thông vẫn còn giữ giấy xe của tôi và hẹn 4/7 đến để tiếp tục giải quyết. Tôi chấp nhận bồi thường, nhưng vấn đề ở đây là hành vi của người điều khiển xe công", anh Thịnh cho biết.

Gây tai nạn xong, tài xế không chịu ra bất chấp yêu cầu của công an. Ảnh: An Nhơn.
Gây tai nạn xong, tài xế không chịu xuống xe bất chấp yêu cầu của công an. Ảnh: An Nhơn.

Trước đó, chiều 29/6, tại ngã tư Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP HCM), xe 4 chỗ biển xanh của Hội nhạc sĩ Việt Nam cố tình vượt đèn đỏ và đụng vào xe máy làm ông Trần Thanh Giàu (42 tuổi) té ngã.

Sau đó, xe biển số xanh bỏ chạy. Bức xúc, nhiều người dân đã tham gia rượt theo yêu cầu tài xế dừng lại giải quyết vụ việc. Khi ôtô chạy đến đường Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu thì đâm thẳng vào xe thanh niên truy đuổi Nguyễn Phú Thịnh (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh).

Anh Thịnh văng ra đường nhưng chiếc xe máy vẫn còn nằm trước đầu ôtô. Tiếp tục chạy, ôtô biển số xanh ủn xe máy của anh Thịnh trước đầu xe khoảng 50 m, tới gần ngã tư Cách Mạng Tháng 8 - Võ Văn Tần, do không thể chạy tiếp cùng với việc quá nhiều người dân rượt đuổi, chiếc xe biển xanh mới dừng lại.

Lúc này, người đàn ông đi cùng tài xế là một nhạc sĩ nổi tiếng bước xuống xe, sau vài câu đã bỏ đi. Trong khi đó, tài xế Thảo đóng chặt cửa ngồi bên trong, không chịu bước xuống xe, trong sự bức xúc của hàng trăm người dân đi đường.

Ngay sau đó cảnh sát giao thông quận 3, công an đã có mặt hiện trường lập biên bản, yêu cầu tài xế Thảo ra ngoài làm việc nhưng người đàn ông này vẫn ngồi trong xe nhoẻn miệng cười.

An Nhơn

Chiêu lừa đảo của những hacker


Đánh cắp mật khẩu email hay nick chat, nhiều hacker đã mạo danh chủ tài khoản lừa hàng trăm triệu đồng từ những người thân, bạn gái của nạn nhân.
Hacker lừa đảo 400 triệu đồng qua mạng bị bắt

Học chưa hết cấp 2, nhưng Nguyễn Quý Phúc (19 tuổi) và Phùng Ngọc Tuấn (21 tuổi) ở Hải Phòng đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo tinh vi bằng công nghệ cao. Trung tuần tháng 6, ăn trộm được mật khẩu hòm thư của ông Lê (51 tuổi, cán bộ ngoại giao), Phúc nhanh chóng đổi pass. Anh ta giả danh chủ hòm thư để trao đổi với một người bạn của ông này, hỏi vay 110 triệu đồng.

"Tưởng là ông Lê đang gặp khó khăn về tài chính, người bạn của ông đã chụp ảnh thẻ tín dụng, hộ chiếu, hộ khẩu... gửi qua nick chat. Chỉ chờ có vậy, kẻ lừa đảo đã tiến hành các thủ tục rút tiền ngân hàng", một cảnh sát công nghệ cao nói.

Cảnh sát phát hiện, sau phi vụ trên, Phúc còn đánh cắp nick chat của một thanh niên đang học tại Trung Quốc. Phúc giả danh anh này, nhắn nhủ cô người yêu ở Quảng Ninh gửi tiền chu cấp. Sau khi nhận 50 triệu đồng, Phúc tiếp tục "nhập vai" chàng thanh niên đang du học, bảo người yêu đưa tiền để anh chăm sóc mẹ tại bệnh viện. Do quá tin tưởng lời người yêu, cô gái chẳng chút nghi ngờ đã làm theo.

Sau khi bị cảnh sát công nghệ cao Hà Nội lật tẩy hành vi, Phúc cùng Tuấn khai với thủ đoạn trên đã lừa được khoảng 400 triệu đồng của hàng chục người.

Phúc và Tuấn cho biết, họ dễ dàng ăn trộm được mật khẩu hộp thư, nick chat của người khác là nhờ được cho 2 tài khoản thư điện tử. Đây là nơi chứa thông tin (bao gồm cả mật khẩu, tên truy cập) được gửi đến từ các máy tính bị cài một phần mềm gián điệp. Người sử dụng khi mở thư tại máy tính này sẽ bị lưu lại dữ liệu cá nhân, sau đó những thông tin trên sẽ tự động gửi về 2 hộp thư của Phúc và Tuấn.

Những nghi phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo bị công an Đà Nẵng bắt giữ. Ảnh: Minh Nhật.
Những nghi phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo bị công an Đà Nẵng triệu tập. Ảnh: Minh Nhật.

Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia an ninh mạng cho biết tình trạng đánh cắp mật khẩu Yahoo xuất hiện phổ biến ở Việt Nam từ năm 2006. Tuy nhiên, sau một thời gian trầm lắng, đến nay hiện tượng này lại rộ lên.

Chị Thanh (nhân viên công ty truyền thông) kể, chỉ trong 2 tiếng, bạn bè liên tục nhận được tin chat từ nick của chị "tiết lộ" có một hãng viễn thông đang áp dụng khuyến mãi trong thời gian cực ngắn là nạp tiền 200.000 đồng nhưng được nhận tới 750.0000 đồng. Kèm theo đó là địa chỉ trang web hướng dẫn nạp tiền.

Tại giao diện của trang web này, logo của hãng viễn thông được hiển thị to, rõ ràng. Hai bên sườn là các hình ảnh hoạt động của nhà mạng, và phần giữa hướng dẫn "Nạp tiền điện thoại cho thuê bao trả trước và trả sau".

Tưởng đây là trang web của hãng viễn thông này, cùng lời giới thiệu của người thân nên nhiều người bạn của chị Thanh đã mua thẻ điện thoại để mong nhận khuyến mại khủng. Tuy nhiên, sau đó họ mới biết đã mắc bẫy những kẻ lừa đảo. "Tôi nhận được hàng loạt trách móc của bạn bè vì ai cũng nghĩ mình là người lừa đảo", chị Thanh bức xúc.

Không chỉ lừa nạp tiền điện thoại theo cách trên, có nhóm haker còn lập trang web để ăn cắp mật khẩu phục vụ cho việc lừa đảo. Đầu tháng 6, lần đầu tiên ở Việt Nam, Công an Công an Đà Nẵng, Công an Quảng Trị phối hợp với Công an TP HCM đã phát hiện ra những nghi can liên quan việc này.

Tại cơ quan điều tra, Phan Thành Phát (19 tuổi, đang học công nghệ thông tin tại Đà Nẵng) thừa nhận đã thiết kế và triển khai hàng loạt các trang web có đăng nhập tương tự các trang đang được sử dụng phổ biến rồi gửi đường link qua các blog và diễn đàn. Anh ta cũng làm trang web khuyến mại quà tặng, người dùng truy cập, đăng nhập thì những dữ liệu này sẽ được gửi tới một server đặt tại nước ngoài và tiếp tục được gửi về cho Phát.

Với giá 150.000-200.000 đồng, Phát đã bán cho một nhóm cùng quê. Anh ta trực tiếp thuê server ở nước ngoài, mỗi server có 28-32 trang web. Hơn một năm qua, Phát sử dụng liên tục 4 server. Từ lời khai của Phát, cơ quan điều tra đã triệu tập một số người liên quan để làm việc và họ thừa nhận sử dụng "công nghệ" của Phát để lừa đảo, trộm tiền trên mạng từ tháng 5/2010 đến nay.

Những thanh niên chưa đủ 18 tuổi này khai khi biết được mật mã, tài khoản của nạn nhân nào đó, họ đọc thư của họ để biết ai là bạn bè, người thân rồi mạo danh gửi thư nói mượn tiền bằng hình thức mua thẻ nạp tiền điện thoại…

"Do bị những kẻ lừa đảo đánh trúng tâm lý nên nhiều người mất cảnh giác. Thấy bạn bè gặp khó khăn, gửi thư hoặc nhắn tin nhờ giúp đỡ, ai nỡ từ chối giúp đỡ", một điều tra viên về tội phạm sử dụng công nghệ cao công an Hà Nội nói.

Ông Nguyễn Minh Đức (Giám đốc bộ phận an ninh mạng, Bkav) khuyến cáo, khi nhận qua chat, emal thông tin về việc người quen hết tiền điện thoại, nhờ nạp hộ; hay du học hay công tác ở nước ngoài bị mất hết hành lý để nhờ chuyển tiền... bạn cần xác minh bằng cách gọi điện thoại cho người gửi để xem thực hư chuyện này là thế nào. Đây là cách đơn giản để trách mắc bẫy những kẻ lừa đảo.

Công ty an ninh mạng Bkav tổng kết, có 4 cách phổ biến mà hacker sử dụng để đánh cắp mật khẩu. Thứ nhất, tin tặc tạo một trang web có giao diện giống hệt với giao diện của trang đăng nhập Yahoo để lừa người dùng điền mật khẩu. Mật khẩu sau đó được chuyển thẳng tới hệ thống của hacker. Cách thứ hai là giả mạo người thân hỏi mượn mật khẩu. Thứ ba, hacker cài trojan, keylog (phần mềm gián điệp ghi lại các thao tác trên bàn phím) trong quá trình người dùng tải phần mềm không rõ nguồn gốc nào đó từ Internet về máy tính. Cách thứ tư, hacker đã đoán được mật khẩu vì người sử dụng đặt password quá đơn giản.

* Tên nạn nhân đã được thay đổi.

Thái Thịnh

Rau Đà Lạt bất ngờ tăng giá gấp đôi


01/07/2011 08:07:47

 - Những ngày gần đây, nhiều loại rau ăn lá tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tăng giá lên gấp đôi so với cách đây khoảng nửa tháng.

Theo đó, các loại rau được thương lái thu mua như cô rôn tăng từ 3.000 lên từ 6.500 – 7.000 đ/kg, bắp cải từ 1.200 tăng lên 2.000 đ/cái, cải cúc, bó xôi từ 5.000 tăng lên 12.000 đ/kg, ớt ngọt cũng tăng từ 7.0000 lên 10.000 đ/kg.

Trước đó, nhiều loại rau ăn lá tại Lâm Đồng bị rớt giá mạnh khiến cho không ít nhà vườn phải nhổ bỏ hoặc bán với giá rất rẻ.

Nguyên nhân khiến rau tăng giá mạnh trong thời gian gần đây được một số thương lái chuyên thu mua nông sản vận chuyển đi TP HCM và các tỉnh miền Trung tại Đà Lat cho biết, do thời gian qua có mưa trên diện rộng làm nhiều vùng trồng rau bị giảm năng suất. Hơn nữa, nhu cầu xuất khẩu rau sang thị trường các nước Đài Loạn, Singapore… cũng đang tăng mạnh.

Tuy nhiên, một số mặt hàng ăn củ như khoai tây, hành tây giá có xu hướng giảm nhẹ so với thời điểm chính vụ cách đây khoảng 3 tháng.

Hiện tại giá khoai tây vẫn đang giao động ở mức từ 9.500 – 12.000 đ/kg, hành tây từ 3.500 – 3.800 đ/kg.

Nguyên nhân được nhiều người cho biết là do các mặt hàng này của Đà Lạt đang phải cạnh trang với hàng cùng loại của Trung Quốc có giá rẻ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó do giá hành tây và khoang tây đầu vụ cao nên không ít người dân đã để lại dự trữ khiến cho hàng tồn đọng đang còn khá nhiều.

Khắc Lịch

Giáo dân xứ Cồn Dầu kêu cứu


2011-06-30

Hôm 26-6, 150 hộ dân của Giáo xứ Cồn Dầu đã làm đơn kêu cứu gửi đến Giám mục Nguyễn Thái Hợp để xin cứu những hộ giáo dân đang bị chính quyền Đà Nẵng uy hiếp, buộc phải di dời bằng nhiều hình thức khác nhau.

Photo courtesy of giaophandanang.org

Giáo dân xứ Cồn Dầu - Đà Nẵng.

Khánh An hỏi chuyện một số người dân tại Cồn Dầu và được biết tình hình hiện nay:

Hoảng sợ và lo lắng

Thật sự bây giờ người ta chỉ với tính cách vận động là chính, ngoài vận động thì người ta có sự bắt buộc, bắt buộc phải nhận tiền nhà và phải đập nhà, giao mặt bằng. Người ta đã gửi giấy thông báo là nếu không đi đến cơ quan của Ban Dự án số 2 nhận tiền, người ta sẽ lấy số tiền đó đưa vào Ngân hàng Nhà Nước và người ta sẽ tính chuyện cưỡng chế. Tất cả chi phí về vấn đề cưỡng chế sau này người chủ nhà phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, tất cả các thông báo đó người ta đã gửi cho toàn dân ở đây rồi.

Một trong số 150 hộ dân của Giáo xứ Cồn Dầu cho biết tình hình căng thẳng trên đã khiến cho các giáo dân ở đây rơi vào tình trạng hoảng sợ, lo lắng:

"Hắn làm cho người dân bây giờ rất hoảng sợ, thứ nhất là vấn đề áp lực, thứ hai là người ta cũng có một nguyện vọng rất chính đáng từ khi bắt đầu công việc giải tỏa. Vì đây là một giáo xứ tôn giáo (Công giáo) hết, có cuộc sống tổ tiên ở đây từ hơn 135 năm, họ có một ước muốn rất chính đáng mà tôi tin là tất cả những người có lương tâm, có tấm lòng nhiệt huyết chắc chắn sẽ can thiệp giúp cho người dân ở đây, bởi vì lý do chính đáng của người ta, thứ nhất là địa phương này từ 135 năm nay là người Công Giáo hoàn toàn.

Thứ hai, thánh đường này được tạo dựng lên bởi người Công Giáo ở đây cũng như những người Công Giáo ở khắp nơi quan tâm đến đã giúp xây dựng ngôi thánh đường này. Vậy tại sao giáo dân ở đây phải mất nhà, mất đất, mất đi đời sống kinh tế của họ, buộc họ phải đi nơi khác, không phải là quê hương của họ? 

Hơn nữa, đi đến nơi khác thì họ làm gì để sống? Mà nếu chấp nhận 2 điều kiện đó thì ít ra người ta còn tình quê hương, tôn giáo của họ. Nếu buộc người dân phải đi nơi khác, không có nơi thờ phượng, mà đất này lại bán cho những người không tôn giáo được ở trên đất này, như vậy giáo xứ này có tồn tại được hay không? 

Điều đó là một vấn đề quan tâm đối với họ, nhưng cái quan trọng nhất là người ta sống bằng cách nào và dùng phương tiện gì để đi nhà thờ nhà thánh? Khó cho các cụ già và rất khó khăn cho các em thơ."

Sau khi vụ việc giáo dân giáo xứ Cồn Dầu quyết chôn một giáo dân trong nghĩa trang của giáo xứ vào tháng 5/2010 vừa qua, chính quyền Đà Nẵng đã ra tay đàn áp khiến cho 1 người thiệt mạng sau đó, 6 người bị truy tố và nhiều người dân phải bỏ trốn khỏi quê hương. Trong thời gian hơn 1 năm qua, giáo dân Cồn Dầu liên tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chính quyền và giáo hội Việt Nam để xin can thiệp hoặc có giải pháp khác để được ở lại xung quanh nhà thờ, nhưng tất cả mọi nỗ lực của họ đều không thành công. 

Nguyện vọng của giáo dân

Những người ký tên trong các lá đơn kiến nghị, cầu cứu sau đó còn bị chính quyền mời lên làm việc hoặc gây khó dễ. Chính vì vậy, trong số 400 hộ dân nay đã quá nửa chấp nhận nhận tiền và dời đi để được yên ổn, chỉ còn lại 150 hộ cương quyết bám trụ lại mảnh đất của tổ tiên.


Một chị giáo dân còn ở lại cho biết:

"Oan ức lắm chị ơi! Oan ức lắm, nuốt không được! Thấy ép dân dễ sợ, ước nguyện xin được ở lại đây mà không được. Họ cứ tới hù chừng chừng, rớt được ai thì rớt. Còn đất nghĩa đây thì không chôn được nhưng (giáo dân) cũng có nguyện vọng là làm khu di tích mà chừ đến ngày 10/7 này là họ đến họ dời bàn thờ đi rồi họ ký, họ đập, mà dân thì chỉ dám đứng xa mà ngó thôi chứ không dám nói. Buồn lắm chị ơi, thấy mà chẳng biết nói răng chi hết trơn!" 

Theo đơn kêu cứu hôm 26/6 của giáo dân Cồn Dầu, mục đích chính của chính quyền trong việc giải tỏa, di dời nghĩa trang và toàn bộ các hộ dân xung quanh nhà thờ Cồn Dầu là nhằm xóa sổ giáo xứ. Người dân ở đây cho biết, đất của họ được nhà nước đền bù với giá rẻ mạt, khác xa với giá thị trường. Cụ thể, đất ruộng được bồi thường với giá 50.000 đồng/m2, tức một sào ruộng 500m2 chỉ nhận được 25 triệu tiền bồi thường, riêng đất thổ cư được bồi thường với giá 350.000 đồng/m2. Nhưng điều vô lý là hiện nay đất của những hộ đã di dời lại được rao bán lại trên thị trường với giá 1 tỷ đồng/lô đất 100m2 và những người dân của giáo xứ lại không được phép mua lại đất rao bán trên:

"Mình quê ở đây mà nói mua là họ không bán, họ không cho mình tái định cư tại đây. Chừ mình nói bằng mọi giá mình mua mà họ không cho, họ cứ biểu mình đi thôi chứ không cho mình ở lại. Quê ở Cồn Dầu là họ không cho mình mua."

Với nguyện vọng chính là được ở lại xung quanh nhà thờ, giữ lại giáo xứ nên các hộ giáo dân Cồn Dầu đã đề nghị chính quyền cho tái định cư tại chỗ, tức là được quyền mua lại chính mảnh đất của họ với giá mới, nhưng đề nghị này cho đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Một trong các giáo dân cho biết:

"Chuyện đất đai thì không phải chỉ tôi mà tất cả mọi người họ đều không đồng tình. Bây giờ từ đất đai, nhà cửa, nghĩa địa, nhà thờ thì người dân đều không đồng tình, nhưng tiếng của người dân, họ thấp cổ bé miệng nói không thấu trời, cô ơi. Bây giờ nguyện vọng của người dân là cũng giống như cái đơn là họ xin được định cư tại chỗ, sau thời gian gửi thì anh em tụi tui bị công an kêu lên kêu xuống nhiều lần lắm rồi, nhưng đâu có được gì đâu."

Bây giờ nguyện vọng của người dân là cũng giống như cái đơn là họ xin được định cư tại chỗ, sau thời gian gửi thì anh em tụi tui bị công an kêu lên kêu xuống nhiều lần lắm rồi, nhưng đâu có được gì đâu.

Một giáo dân

Hiện nay, tất cả số hộ còn lại của giáo xứ Cồn Dầu đã nhận được thong báo về hạn chót nhận tiền bồi thường và giao mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây cho biết, ngay cả khi chính quyền áp dụng lệnh cưỡng chế và xung số tiền bồi thường vào kho bạc nhà nước, thì họ vẫn cương quyết bám trụ lại cho đến khi các yêu cầu được thỏa mãn.

"Nếu xảy ra thì tiền họ dâng cho ngân hàng thì họ dâng thôi, chứ người dân đâu có quyền chi đâu, nhưng chúng tôi là chúng tôi không chịu. Tôi vẫn giữ vững lập trường là nếu cái chi thỏa mãn dân thì tôi nghe, còn không thì tụi tôi vẫn đứng nguyên. Riêng bản thân gia đình tôi là vậy đó, không thỏa mãn thì chúng tôi trụ tại chỗ. Quyết tâm!"

Hoang mang, thất vọng

Vào ngày 19/6, sau khi Giám mục Giáo phận Đà Nẵng Châu Ngọc Tri chính thức lên tiếng khuyên bảo giáo dân nên hợp tác với chính quyền, chấp nhận tiền đền bù và mau chóng di dời cũng như đưa mồ mả ông bà đi nơi khác cho kịp tiến độ thi công thì các hộ giáo dân còn lại của giáo xứ rất hoang mang, thất vọng và bức xúc. Họ đã gửi thư kêu cứu đến Hội đồng Giám mục Việt Nam và Ủy ban Công lý và Hòa Bình như một nỗ lực cuối cùng để giữ lại giáo xứ. Một giáo dân nói:

"Vấn đề áp lực chính quyền là một sự đau đớn. Chính bản thân tôi và nhiều người khác rất đau đớn trong việc này. Nhiều người bị bắt bớ, tù đày, đau khổ, rồi nhiều phải bỏ quê hương, cha mẹ ở lại mà ly tán, không biết ngày mai, ngày mốt của họ sẽ ra sao. Nhưng cái đau đớn nữa là hôm nay, vị giám mục của giáo phận Đà Nẵng là người tiếp tay trong việc này. Ngày 19/6, ông về đây và nói với giáo dân nên giao mặt bằng sớm cho dự án để tiến độ thi công tốt đẹp, đừng để người chết làm phiền người sống, tức là ông muốn (giáo dân) hốt mả mồ để giao đất chứ không để làm trì trệ. 

Thật ra dân rất bức xúc, nguyện ước của họ là bao lá đơn gửi lên Trung ương, gửi đến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mà cũng không được giúp đỡ. Tất cả đều nằm trên giấy. Bây giờ vị giám mục này lại đem đến đau khổ cho dân, người ta rất bức xúc!"

Vấn đề áp lực chính quyền là một sự đau đớn. Nhưng cái đau đớn nữa là hôm nay, vị giám mục của giáo phận Đà Nẵng là người tiếp tay trong việc này.

Một giáo dân

Hiện vẫn chưa có câu trả lời từ phía Giáo hội Việt Nam về lá đơn kêu cứu trên của các giáo dân Cồn Dầu, nhưng trong các lần trả lời trước đây trên các phương tiện truyền thông, quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho rằng việc khiếu kiện đất đai đang xảy ra ở khắp nơi trên đất nước và để giải quyết vấn đề, nhà nước cần phải thay đổi Luật đất đai. 

Riêng trong vụ Cồn Dầu, trong một lần trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình nói rằng có nhiều điểm chưa được sáng tỏ trong vấn đề giá cả đền bù và các chính sách liên quan đến việc thu hồi đất đai. 


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.