THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 September 2011

An Giang, Đồng Tháp: Đê vỡ liên tiếp, nhiều tài sản bị nước nhấn chìm

(Dân trí)- Nước lũ lên nhanh làm nhiều tuyến đê xung yếu ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp bị vỡ gây thiệt hại lớn cho người dân. Trong khi đó, ngành giáo dục 2 tỉnh này đã phải đóng cửa thêm nhiều trường học.

Lũ “nhấn chìm” nhiều tỷ đồng

Tại Đồng Tháp, rạng sáng ngày 28/9, một tuyến đê tại xã Tân Thành A (huyện Tân Hồng) bất ngờ bị vỡ khiến hơn 500 ha lúa của dân bị ngập, ước tính thiệt hại trên dưới 5 tỷ đồng.
 
Ngay sau khi vỡ đê, ngành chức năng huyện Tân Hồng đã cử lực lượng đến khắc phục và tiếp tục gia cố thêm cho các tuyến đê xung yếu còn lại cũng đang có nguy cơ bị vỡ nếu nước lũ lên nhanh hơn.

 Một tuyến đê bị vỡ ngày 28/9 tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp)
                                                           
 Còn tại tỉnh An Giang, Đại tá Lê Mạnh Thường- Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS kiêm Phó Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh, cho biết trong ngày 27 và 28/9 có các tuyến đê bị vỡ tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), xã Vĩnh Hanh (Châu Thành), xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), xã Ô Long Vĩ (Châu Phú) làm tổng cộng 1.720 ha lúa bị nhấn chìm, ước tính thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Theo Đại tá Thường, quyết tâm của tỉnh và các huyện là khắc phục các khu vực sạt lở để cứu lúa; còn các khu vực khác vẫn sẽ tiếp tục tập trung gia cố thêm. Dự báo của ngành khí tượng thủy văn cho biết, nước lũ ngày càng lên nhanh (mỗi ngày có thể tăng từ 5-7cm) nên các tuyến đê bao đều phải liên tục được gia cố, tôn cao hơn mặt nước. Nếu làm kịp thời sẽ hạn chế phần nào tình trạng vỡ đê hoặc ít ra cũng tránh bị thiệt hại nặng nề hơn. Toàn tỉnh An Giang đã cho huy động hơn 3.000 lao động để tập trung gia cố đê bao.

40 trường phải tạm đóng cửa
Thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh đã có 40 trường tại 5 huyện, thị xã phải tạm đóng cửa cho trên 6.300 học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của nước lũ.

Tại tỉnh An Giang, lãnh đạo ngành Giáo dục huyện An Phú cho biết, hiện có khoảng 2.000 học sinh đi học trên những tuyến đường bị ngập sâu. Trong đó, có khoảng 1.100 học sinh là con em Việt kiều từ Campuchia về đi học tập trung tại 2 xã Khánh An và Khánh Bình. Còn lại hơn 800 em học sinh thuộc các xã Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Lộc, Phú Hội, Vĩnh Hậu phải đi học bằng xuồng.

Học sinh đầu nguồn huyện An Phú phải đi học bằng xuồng vì nước lũ lên cao

 
Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh An Giang, cho biết mấy ngày qua nước lũ lên nhanh nên các em học sinh chỉ có thể đi học bằng xuồng. Sở cũng đã vận động được hơn 1.000 áo phao để trang bị cho các em học sinh tại huyện đầu nguồn An Phú và thị xã Tân Châu. Đến chiều ngày 28/9, có thêm 2 điểm trường mầm non ở huyện An Phú phải đóng cửa.
 
Giám đốc Sở GD-ĐT 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đều cho biết, Sở đã chỉ đạo khẩn các Phòng giáo dục, Ban giám hiệu các trường phải thường xuyên theo dõi tình hình lũ để kịp thời ứng phó. Những ngày tới đây, nếu lũ tiếp tục lên nhanh hơn, các điểm trường sẽ chủ động đóng cửa tạm nghỉ để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, giáo viên và tài sản của trường.                                                                                                                                                                          

Huỳnh Hải - Ngô Nguyễn

Thủ tướng CSVN đề xuất xây dựng Luật Biểu tình!

(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình để điều chỉnh vấn đề thực tế đang đòi hỏi. Thủ tướng đã giao Bộ Công an soạn thảo luật này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần sớm có Luật Biểu tình (ảnh: Việt Hưng).
 
Trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII tại UB Thường vụ QH chiều nay, 28/9, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị xem xét 115 dự án (trong đó có 3 bộ luật, 104 luật, 6 pháp lệnh). Luật Biểu tình là 1 trong số 19 dự án luật được đề xuất trong lĩnh vực xây dựng luật điều chỉnh về quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
 
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến trong UB tán thành đưa dự án Luật Biểu tình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII. Việc ban hành luật này được nhận định là cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.

Tất nhiên, nếu ban hành Luật này cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm xem xét, thông qua, điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng kích động quần chúng biểu tình gây rối trật tự an ninh.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chưa ban hành Luật Biểu tình và cho rằng việc ban hành luật này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng biểu tình chống phá chế độ.

Mặt khác, đã có Luật Biểu tình thì phải điều chỉnh cụ thể các điều kiện đăng ký biểu tình (nội dung, thời gian, địa điểm). Ngược lại, các cơ quan nhà nước cũng phải bảo đảm tạo điều kiện để người biểu tình thực hiện hoạt động tập thể của mình. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho địa phương, nhất là các thành phố lớn có diện tích các địa điểm tập trung chật hẹp, giao thông tắc nghẽn như hiện nay. 

Trước những ý kiến còn băn khoăn, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày thêm: “Khi Chính phủ bàn về những luật liên quan đến vấn đề này như Luật về Hội, Luật hội họp, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình. Thủ tướng đề nghị, cần thiết có luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình vì thực tế đang đòi hỏi. Sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công an soạn thảo luật này”. 

Chốt lại, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, đa số các ý kiến đều đồng tình phải nhanh chóng xây dựng luật này vì đây là vấn đề thực tế đòi hỏi, cũng là việc cụ thể hóa quy định tại Hiến pháp 1992. Ông Lưu yêu cầu xem xét đưa Luật Biểu tình vào chương trình vào thời gian thích hợp.


Lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế nhà nước có các dự án luật liên quan đến việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992.

Lĩnh vực dân sự, kinh tế sẽ có Luật quản lý thuế đã có trong chương trình năm 2012, Luật quản lý Giá đã có trong chương trình năm 2011, luật Hàng không.

Luật Thủ đô và Luật Đô thị cùng có trong chương trình năm 2012 trong lĩnh vực chính sách xã hội.

Luật Biển, Luật Cơ yếu có trong lịch của lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

 
P.Thảo

Chuyện một thiếu tá TQLC Mỹ gốc Việt


Monday, September 26, 2011 2:17:19 PM 
Bookmark and Share

 

Chuyện xưa bỏ qua được, chuyện nay mới là đau xót


Huy Phương/Người Việt


Phạm Trần Anh Tuấn ra đời năm 1970 tại quận Ðất Ðỏ, Phước Tuy trong một gia đình nông dân nghèo, mà kẻ thù mấy đời của gia đình là Việt Minh Cộng Sản. Ông Cố của Tuấn đã bị Việt Minh giết, ông Nội bị chặt đầu bỏ ngoài đường lộ và thân phụ của ông, một sĩ quan VNCH bị tử thương vì Việt Cộng phục kích trong một lần hành quân mở đường tại Chi Khu Ðất Ðỏ. 

Tuy vậy, khi nói về những người đã gây tang tóc cho mấy đời gia đình ông, Thiếu Tá Anh Tuấn cho rằng có thể ông không thù hận Việt Cộng vì đó là mối thù cá nhân, nhưng ông ghét Việt Cộng vì chế độ này đã đưa dân tộc Việt Nam đến bên bờ vực thẳm. Ông đã có chú, bác bị tập trung trong các nhà tù Cộng Sản sau tháng 4, 1975, gia đình ông đã trải qua những ngày khốn khổ trong vùng kinh tế mới, tuy vậy những gì mà ông thấy xẩy ra trên đất nước bây giờ làm cho lòng ông đau xót.

Thiếu tá Phạm Trần Anh Tuấn. (Ảnh: Huy Phương/Người Việt)

Trong thời gian ở Việt Nam, tuy chỉ theo học được đến lớp 7, hiện nay Thiếu Tá Tuấn đọc và viết được tiếng Việt rất giỏi và luôn luôn theo dõi tình hình thời sự, nhất là những gì đang xẩy ra tại Việt Nam. Suy nghĩ về chế độ đang cai trị đất nước, ông cho rằng, tuy chiến thắng năm 1975, Cộng Sản đã chọn con đường sai lầm mà không bao giờ nhận khuyết điểm, không những đưa dân tộc đến chỗ nghèo đói mà còn làm cho xã hội tha hóa về mặt đạo đức.

Thân phụ của Phạm Trần Anh Tuấn là Trung Úy Phạm Ngọc Châu, xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và tốt nghiệp khóa 24 SQTB Thủ Ðức, phục vụ trong Lực Lượng Ðặc biệt VNCH, Biệt Kích Lôi Hổ ở Ðà Nẵng. Ðầu năm 1972, trong thời gian "Việt Nam Hóa Chiến Tranh," Trung Úy Phạm Ngọc Châu được đưa về TK Phước Tuy, và vì muốn gần gũi gia đình, Trung Úy Châu tình nguyện về Chi Khu Ðất Ðỏ. Chỉ trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ dẫn trung đội mở đường, Trung Úy Châu đã bị phục kích tử thương. Lúc bấy giờ Phạm Trần Anh Tuấn chỉ mới được 18 tháng tuổi.

Sau tháng 4, 1975, gia đình của Cố Ðại Úy Phạm Ngọc Châu bị bắt đi vùng kinh tế mới Bà Tô, thuộc tỉnh Xuyên Mộc. Sau bốn năm chịu cảnh thiếu thốn ở chốn rừng thiêng nước độc và các con không có cơ hội đến trường, tháng 12, 1979, bà mẹ của Phạm Trần Anh Tuấn quyết định đưa các con trốn về lại Bà Rịa và dẫn đứa con trai lớn vượt biển. Cuộc ra đi tìm đường sống thành công, hai mẹ con bà đến định cư tại San Francisco, không thân thích, không tài sản, không Anh ngữ, sống đã khó, còn lo chuyện làm sao đem các con từ bên nhà sang. Mãi đến 8 năm sau (1986), bà mới bảo lãnh cho ba đứa con còn lại, trong đó có Phạm Trần Anh Tuấn sang Mỹ. Lúc mẹ và anh ra đi, Tuấn chỉ mới lên 9 tuổi, hằng ngày phải theo ông ngoại, ra sông, vào những lúc thủy triều xuống chài cá, tôm để kiếm sống, mỗi đêm thường khóc vì thương mẹ, không bao giờ mơ ước mình có ngày đến Mỹ, tốt nghiệp đại học BA (International Relations), MBA (Financial Management), và trở thành một sĩ quan của một quân đội hàng đầu của thế giới.

Phạm Trần Anh Tuấn đến Mỹ năm 1986 và được vào lớp 10. Khác với những học khu khác trên đất Mỹ, San Francisco có trường học đặc biệt cho di dân mới đến, Tuấn vào trường Newcomer High School, rồi tốt nghiệp trung học George W. High năm 1989. Ngay tháng 11 năm đó, Anh Tuấn nối tiếp con đường binh nghiệp của cha anh, tình nguyện vào binh chủng TQLC Hoa Kỳ. (Người anh cả vượt biên theo mẹ, Phạm Ngọc Tuân cũng đã phục vụ trong binh chủng TQLC Mỹ 4 năm). Tuấn bắt đầu binh nghiệp với ngành pháo binh, sau đó chuyển sang ngành tài chánh khi được thăng cấp sĩ quan năm 1997. Trong gần 20 năm quân ngũ, PT Anh Tuấn đã có mặt trên các chiến trường Kuwait trong chiến dịch Bão Sa Mạc, Ðông Timor, Iraq, Afghanistan... Tuấn đã từng làm cố vấn cho một tiểu đoàn Cảnh Sát Dã Chiến ở Baghdad, sĩ quan đặc trách cho chương trình Xây Dựng Nông Thôn tại Helmand, Afghanistan. Hiện nay Thiếu Tá PT Anh Tuấn giữ chức vụ thanh tra và huấn luyện viên thuộc Trung Ðoàn 23, Sư Ðoàn 4 TQLC Trừ Bị tại San Bruno, California.

Trong ngày Ðại Hội Gia Ðình Mũ Ðỏ tổ chức tại Nam Cali vào tháng 8, 2011, Ðại Tá Nhảy Dù Lương Xuân Việt hiện diện trên sân khấu cùng với Thiếu Tá TQLC Phạm Trần Anh Tuấn, khi trao lá cờ Mỹ đã treo tại Afghanistan cho ban tổ chức, đã giới thiệu ông là hậu duệ của TQLC-VNCH phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, và Thiếu Tá Tuấn là hậu duệ của Biệt Kích Dù phục vụ trong binh chủng TQLC.

Thiếu Tá PT Anh Tuấn luôn luôn nhớ đến người mẹ, một quả phụ VNCH, trong số phận ngặt nghèo, đã vươn lên, vượt qua bao nhiêu khó khăn để tìm con đường sống cho những đứa con. Không có bà, Phạm Trần Anh Tuấn mãi mãi là anh dân quê, chài lưới ven con sông Thủ Lựu, Bà Rịa, Vũng Tàu, ngày ngày kiếm sống, không hề có chút tương lai. Phạm Trần Anh Tuấn mang ơn nước Mỹ và muốn phục vụ đất nước này một cách trực tiếp, hữu hiệu trong vai trò một người lính TQLC hiện dịch.


Các tân bộ trưởng đã dám thể hiện cá tính


Thứ ba, 27/9/2011, 11:17 GMT+7



Chưa khi nào dấu ấn về tuyên ngôn của các bộ trưởng lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông... lại mạnh mẽ như nhiệm kỳ này là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
>Bộ Tài chính - Công Thương tranh cãi về giá xăngBộ trưởng Đinh La Thăng muốn 'toàn quyền lĩnh vực giao thông'

Khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Giao thông Vận tải - ông Đinh La Thăng chia sẻ vớiVnExpress.net: "Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi". Sau đó, một số vị lãnh đạo khác cũng lần lượt đưa ra quan điểm khá sắc bén, nhấn mạnh thông điệp của người đứng đầu Chính phủ: Sẵn sàng làm công bộc của dân.

Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng gây ấn tượng bởi phát biểu: Sẽ đưa lãi suất về 17-19% trong vòng hai tháng kể từ ngày nhậm chức. Trong lịch sử, chưa có vị thống đốc nào đưa ra một cam kết như vậy.

Tuyên bố của ông Bình đã đánh trúng vào những vấn đề bức xúc hiện nay là lãi suất quá cao, doanh nghiệp đói vốn. Đi kèm với thông điệp mạnh mẽ về lãi suất, vị tân thống đốc cũng đưa ra một loạt chính sách, biện pháp mạnh tay đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm. Kết quả là 2 tháng sau ngày nhậm chức, lãi suất cho vay đã bắt đầu hạ dù chưa thiết lập một mặt bằng ổn định.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng để lại dấu ấn cá nhân khá mạnh mẽ trong tuyên bố sẽ lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu, công khai minh bạch các khoản lỗ lãi trong lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu và điện.

Ông Huệ gây ấn tượng mạnh mẽ hơn khi tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm trước quyết định giảm giá bán xăng dầu. "Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước", ông Huệ tỏ thái độ.

Giới chuyên gia nhìn nhận những tuyên bố này thể hiện sự cởi mở hơn của nhà lãnh đạo, các thành viên Chính phủ trong thời kỳ mới và phù hợp hơn với điều kiện thực tế của đất nước.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông - Mai Liêm Trực: "Thể hiện quan điểm riêng ở những vấn đề dư luận bức xúc".

Nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực

"Tôi rất ấn tượng và ủng hộ với những phát biểu của một số Bộ trưởng đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Các bộ trưởng đã thể hiện được quan điểm riêng của mình về những vấn đề bức xúc mà dư luận đặc biệt quan tâm. Điều này thể hiện ở 2 khía cạnh, một là những vấn đề mà dư luận bức xúc và đặc biệt quan tâm, trực tiếp liên quan đến đời sống người dân như giao thông, ngân hàng, giá cả, xăng dầu, điện nước... Hai là bối cảnh xã hội hiện nay cũng đòi hỏi cách thể hiện trách nhiệm cá nhân rõ ràng và minh bạch hơn.

Cơ chế hiện nay là lãnh đạo tập thể nên nhiều khi không thể hiện được trách nhiệm của người đứng đầu, thường là né tránh dư luận. Nhiều bộ ngành chỉ cho người phát ngôn là cấp dưới phát biểu chứ lãnh đạo không đứng ra trực tiếp. Thậm chí khi phát biểu thì lời lẽ cũng rất e dè. Khi sự cố, trục trặc xảy ra, không ai chịu trách nhiệm vì cơ chế lãnh đạo tập thể, quy trách nhiệm rất khó khăn. Tôi rất ủng hộ việc các Bộ trưởng nêu quan điểm cá nhân và dám chịu trách nhiệm như vậy.

Tôi hy vọng rằng đây là bản lĩnh và trách nhiệm của một số lãnh đạo trẻ trong Chính phủ. Trước đây, một số lãnh đạo từng phát biểu nhưng cuối nhiệm kỳ, họ đã không làm được như những gì họ tuyên bố.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm: "Nói được, làm được, lãnh đạo mới được dân tin".

Nguyên Thống đốc ngân hàng Cao Sỹ Kiêm

Tôi cho rằng, việc các Bộ Trưởng thắng thắn nói lên quan điểm là một biểu hiện rất tốt, đó là lời hứa trước dân khi nhậm chức. Mỗi bộ trưởng đều đưa ra được những lĩnh vực quan trọng như vấn đề tắc nghẽn giao thông, y tế, giá xăng dầu và lãi suất. Những phát ngôn của các Bộ trưởng thể hiện thái độ, quan điểm xử lý rõ ràng, quyết liệt có tinh thần trách nhiệm cao với người dân. Thông điệp các Bộ trưởng đưa ra là một dấu hiệu tốt cho thấy các Bộ trưởng có tinh thần trách nhiệm cao.

Tuy nhiên, đây mới là những tuyên bố ban đầu, điều quan trọng nhất là phải xem xét quá trình thực hiện đến đâu. Nếu nói được, làm được, tôi tin chắc chắn các Bộ trưởng sẽ tạo được niềm tin mạnh mẽ trong dân chúng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Cần áp tư duy mới cho ngành điện giống như xăng dầu".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Một số Bộ trưởng đã thể hiện được phong cách, tư duy mới trong quá trình điều hành quản lý, tiêu biểu như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Giá cả là vấn đề khá nhạy cảm ảnh hưởng đến CPI, sự phát triển của đất nước. Tôi hy vọng, giống như xăng dầu, những tư duy này sẽ được áp trong giá điện và chính sách tài khóa nói chung. Tôi hoan nghênh tinh thần của Bộ Tài chính, sau khi giảm giá xăng dầu đã cho đi kiểm tra các doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ Bộ trưởng không chỉ nói suông mà bắt tay vào làm luôn và ngay.

Bộ trưởng Tài chính nhậm chức đúng lúc nền kinh tế gặp phải một số vấn đề lớn như bội chi ngân sách kéo dài, nợ công, nợ nước ngoài tăng. Tôi mong rằng Bộ trưởng sẽ có những giải pháp sáng suốt kiểm soát các vấn đề này.

Đối với ngành giao thông, tôi nghĩ Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã nêu bật được 3 khâu cần tập trung chiến lược giải quyết. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn, thứ ba là ùn tắc. Mục tiêu chọn lựa này hoàn toàn đúng. Tôi cũng đồng ý quan điểm của Bộ trưởng giao thông chỉ khi đất nước có đủ điều kiện mới làm đường sắt cao tốc. Các quan điểm đưa ra đều rất tốt chỉ còn chờ hành động.

Ước vọng tư lệnh ngành phải được giao toàn quyền cũng ấn tượng. Nhưng theo tôi, chỉ nên giao toàn quyền khi điều hành thực hiện. Trong kế hoạch phát triển chung, các vấn đề lớn cần có ý kiến thấu đáo đóng góp của chuyên gia, lấy ý kiến phản biện xã hội. Khi quy hoạch chung đã được phê chuẩn thì người tư lệnh có toàn quyền quyết định, nhưng đồng nghĩa với nó là phải chịu cả trách nhiệm.

Lâu nay, các ngành chưa có văn hóa từ chức dẫn đến nhiều chuyện ì xèo xảy ra. Tôi nghĩ các Bộ trưởng sau phải hoàn thành những điều bậc tiền nhiệm chưa làm được.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: 'Tuyên bố của lãnh đạo chính là uy tín của họ'

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng công tác thông tin rất quan trọng trong hoạt động quản lý nói riêng và trong cơ chế thị trường nói chung, nhất là với các quan chức, bộ máy lãnh đạo Nhà nước. Các cấp lãnh đạo càng phát ngôn sớm, chuẩn xác và có uy tín thì càng tạo ra các hoạt động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội, cũng như tác động đến thị trường.

Gần đây chúng ta thấy những dấu hiệu tích cực cho thấy có những quan chức đứng đầu bộ đã có những phát ngôn chính thức mang dấu ấn cá nhân, kể cả quan điểm và chịu trách nhiệm cá nhân về những điều mình nói. Những phát biểu như vậy đã gây hiệu ứng tích cực, tạo lòng tin và những thông tin cần thiết để xã hội hiểu đúng hơn về cách thức điều hành của Nhà nước.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương: "Thành viên mới của Chính phủ bộc lộ cái tôi khá rõ".

Tiến sĩ Võ Trí Thành.

Tôi cho rằng quan điểm cá nhân của các tân bộ trưởng, nhà hoạt định chính sách đã cởi mở hơn trước rất nhiều. Bước khởi đầu vừa qua cho thấy Chính phủ mới có tiến triển rất tốt. Theo tôi, đã là người hoạch định chính sách thì cần phải cởi mở, có khả năng giải trình trước dân chúng và nêu quan điểm cá nhân rõ ràng.

Cuộc tranh luận giữa lãnh đạo Tài chính - Công Thương cho thấy sự phối hợp giữa các bộ ngành thời gian qua bộc lộ nhiều điểm yếu. Tuy nhiên, qua các cuộc tranh luận ấy, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ tìm ra được những cơ chế phối hợp để làm tốt hơn. Theo tôi, nên coi đây là cuộc tranh luận để đi đến thống nhất và tìm ra điểm mới trong cách thức điều hành.

Điểm tốt nữa tôi nhận thấy ở các thành viên mới của Chính phủ đó là sự bộc lộ cái tôi khá rõ. Trong một xã hội cởi mở hơn, hòa nhập hơn, các nhà lãnh đạo cũng cần phải chứng tỏ bản thân, gắn với nó là sự giải trình và dám chịu trách nhiệm. Điều này là tốt. Tuy nhiên, bất kể người nào, ai cũng vậy ở vị trí nào cũng luôn phải học hỏi đó là sự đằm hơn trong các cách ứng xử, điều này đòi hỏi thời gian.

Hồng Anh - Hoàng La
n

Muôn kiểu đề phòng cướp giật của phái đẹp


Sau vụ bị giật dây chuyền trên phố, giờ mỗi khi ra đường, chị Bích tháo hết đồ trang sức. Lo sợ bị cướp, một số bạn của chị đã không rút tiền ở cây ATM khu vực vắng, có người còn trùm kín áo chống nắng dù trời đã tối...
Những chiêu cướp táo tợn giữa đường

Nhớ lại hôm bị giật dây chuyền trên phố Lê Thánh Tông (Hà Nội), chị Bích vẫn chưa hết bàng hoàng. Chia sẻ với VnExpress.net, người phụ nữ sống tại phố Hòe Nhai cho biết khi hai mẹ con đi trên đường thì bị hai có 2 thanh niên áp sát.

"Sau 2 cú đập vào cổ đau điếng người của chúng, chiếc dây chuyền vàng 5 chỉ của tôi bị giật mất. Tôi chỉ kịp ú ớ kêu mà chẳng biết gọi ai hỗ trợ khi trên đường vắng hoe...", chị Bích kể.

Giờ mỗi khi ra đường, chị vẫn không sao quên được cảm giác khi giáp mặt những tên cướp. Cẩn thận hơn, chị tháo hết trang sức cất ở nhà. Người phụ nữ này cho rằng, làm như thế sẽ yên tâm hơn vì không biết cướp ra tay ở thời điểm nào để tránh.

Chú thích ảnh:
Ớt bột hung thủ mang đi cướp và chiếc dây vòng cổ chúng giật được trong một vụ án do Công an Hà Nội phá. Ảnh: Thái Thịnh.

Sau vụ bị giật túi khi vừa rút tiền từ cây ATM ở quận Thanh Xuân ra, chị Lan cho hay không dám ra đường khi quá khuya. Cần tiền tiêu cô chỉ đi rút ban ngày hoặc ở những chỗ đông người qua lại.

Bạn bè cô cũng nhiều người từng bị cướp túi xách hoặc đồ trang sức trên đường. Họ chia sẻ với nhau nếu "đụng mặt" những tên lưu manh ở đoạn đường vắng nên chấp nhận mất tài sản để "bảo toàn tính mạng", chứ cố giằng co thì mình chỉ "thiệt thân", nhiều tên còn sẵn sàng rút hung khí ra tấn công. Còn nếu đường đông, các chị em tìm cơ hội thuận lợi để truy hô, nhờ người giúp sức... Đặc biệt, các chị nhắc nhở nhau tuyệt đối không treo túi xách ở tay lái vì dễ khiến kẻ xấu nổi lòng tham.

Còn chị Loan (Cầu Giấy) cho biết, để cảnh giác với nạn cướp giật, giờ mỗi khi ra đường bất kể ngày hay đêm đều mặc áo chống nắng trùm kín cổ, chân tay. "Tôi có đeo đầy vàng trên người, chúng cũng chẳng biết mà giật", chị nói.

Điện thoại và laptop của chị em bị cướp trên đường. Ảnh: Thái Thịnh.

Chị Oanh, độc giả của VnExpress.net cho biết, một thủ đoạn khác của bọn cướp giật là theo dõi chị em tại tiệm mua bán vàng. Thấy "con mồi" đi vào, chúng sẽ bám theo. Khi chị em giao dịch xong đi ra ngoài, chúng sẽ rút roi điện, kín đáo khống chế để cướp tài sản, rồi nhảy lên xe máy của đồng bọn chờ sẵn.

"Quá sợ hãi và bị gí điện tê buốt người nên chúng tôi hầu như không phản ứng gì, nhân viên bảo vệ hay những người xung quanh chẳng thể biết để can thiệp, giúp đỡ", chị Oanh bảo.

Theo một điều tra viên, thủ đoạn nữa của kẻ gian mà chị em nên cảnh giác là chiêu vờ va chạm xe, tạo điều kiện cho đồng bọn nẫng túi sách, tài sản trong lúc các chị còn loay hoay giải quyết sự việc. Trong trường hợp này, chị em nên bình tĩnh khóa cổ xe, cầm túi bên mình, rồi mời những người xung quanh cùng tham gia phân giải... Từng là nạn nhân của thủ đoạn này, chị Hồng chia sẻ: "Chúng đi 3 xe, mình phân trần với ông tông xe thì một ông sẽ đứng che khuất tầm nhìn của mình để ông khác lấy xe hoặc túi xách".

Nhiều tên mang theo dao để tấn công nạn nhân nếu cản trở việc cướp giật túi của chúng. Ảnh: Hà Anh

Trước tình trạng cướp giật tài sản của phụ nữ ngày càng tinh vi, việc đề cao cảnh giác là yếu tố quan trọng hàng đầu. "Mỗi người đoàn kết, đấu tranh cái xấu chứ không nên đổi lỗi cho tất cả các cơ quan công an làm việc kém hiệu quả", một phụ nữ chia sẻ.

Với góc nhìn của đàn ông, anh Hoàng Long nhận xét, cách đơn giản để hạn chế tình trạng này là người đi đường không nên thờ ơ với "tai nạn" của người khác. "Có khi nhìn thấy người khác bị cướp giật mà chẳng ai dám xông ra giúp đỡ, truy bắt. Đây là kẽ hở để tội phạm lộng hành", anh nói.

Trước hàng loạt các vụ cướp giật xảy ra gần đây ở Hà Nội, nhiều độc giả củaVnExpress.net mong muốn Hà Nội có đội SBC như ở Bình Dương hay TP HCM. "Mình mong trong thời gian sớm nhất Hà Nội có thật nhiều nhóm hiệp sĩ đường phố", độc giả Lê Công Dũng bày tỏ.

Thái Thịnh

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Cú 'chạy' án treo giá nửa tỷ đồng


Trước khi bị bắt, Phổ khoe với gia đình bị cáo quen biết rất nhiều cán bộ trong cơ quan tố tụng nên "chạy" được án treo giá 480 triệu đồng.
Người nhậu trên phà cùng quan chức kiểm sát bị bắt

Điều tra bước đầu nhà chức trách xác định, Lê Văn Phổ (43 tuổi) đã trên chục lần nhận của gia đình ông Đặng Ngọc Nguyễn (Tám Viễn, 58 tuổi) ở xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, Long An với số tiền gần nửa tỷ đồng. Bốn năm trước, nghi phạm này từng bị phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội tổ chức đánh bạc. Anh ta hành nghề "cò" mua bán đất và làm "ân nhân" cho những người không may vướng vào tố tụng.

Ông Nguyễn cho biết, gần một năm trước vợ ông bị bắt về hành vi chứa gái mại dâm tại nhà. Sau đó, một người chạy xe ôm giới thiệu ông làm quen với Phổ. Người này đã đến nhà hứa hẹn giúp bà Bé thoát được vòng lao lý. "Chú Phổ nói với tôi quen rất nhiều người ở ngành tòa án và viện kiểm sát từ huyện đến tỉnh nên chắc chắn sẽ 'lo' được án treo với giá 480 triệu đồng. Tiền công ông ta lấy rất mềm là 15 triệu, đưa trước 10 triệu thôi. Vậy mà vợ tôi bị TAND huyện phạt 3 năm tù, kháng án lên tỉnh chỉ giảm được có một năm", ông Nguyễn kể.

Chồng bà Bé kể lại toàn bộ chuyện đưa tiền cho Phổ để
Chồng bà Bé kể lại toàn bộ chuyện đưa tiền cho Phổ để "chạy án". Ảnh: T.P.

Theo ông Nguyễn, 14 lần nhận tiền trước có khi Phổ lấy tại nhà, lúc thì quán cà phê hoặc hai bên gặp nhau đưa, nhận tiền nhanh chóng tại một đoạn đường vắng trên xã Long Phụng. Lần nhận nhiều nhất là 160 triệu đồng tại nhà ông Nguyễn sau khi TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm giảm án cho bà Bé được một năm tù. Không có tiền gia đình ông Nguyễn phải đi vay mượn khắp nơi rồi bán luôn thửa đất 8 công đang làm ruộng nuôi sống gia đình để lấy tiền đưa cho Phổ.

Trước khi đưa 160 triệu đồng, nhà ông Nguyễn đặt vấn đề đã "chạy đủ" theo yêu cầu nhưng sao không được hưởng án treo như đã hứa, Phổ nói rằng án này nặng lắm, không thể tuyên tù treo nhưng sẽ giúp bà Bé không ngồi tù bằng cách làm đơn xin hoãn thi hành án nhiều lần rồi theo thời gian lâu ngày cơ quan thi hành án sẽ xếp hồ sơ "quên" luôn cho qua chuyện. Sau đó, Phổ hướng dẫn bà Bé lên TP HCM vào một số bệnh viện khám lấy giấy xác nhận nhiều thứ bệnh như: tim mạch, gai cột sống, sỏi thận, gan nhiễm mỡ, rối loạn tiền đình… để nộp cùng hồ sơ tạm hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ quan chức ngành kiểm sát huyện Cần Giuộc có mặt cùng với Phổ trên chuyến phà để ăn nhậu dẫn đến một cô gái chết đuối thì cơ quan chức năng ở Long An rà soát lại một số vụ án, trong đó có vụ của bà Bé. Ngày 20/9, gia đình này nhận được giấy triệu tập thi hành án nên ông Nguyễn liền điện thoại hỏi Phổ.

Lúc này Phổ nói không sao, đưa tiếp 5 triệu sẽ tiếp tục "lo" nhưng ông Nguyễn nghi ngờ nên làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Cần Giuộc. Không có tiền sẵn trong nhà, bà Bé đi mượn hàng xóm được 3,7 triệu đồng, Phổ đến nhận tiền thì trinh sát ập đến.

Ông Nguyễn cho biết sau khi Phổ bị bắt, một số người đến nhà ông năn nỉ, xin bỏ qua. Ông nói với họ rằng vì bị Phổ lừa mà gia đình bán hết đất đai, thiếu thốn đủ bề. Nếu được nhận lại đầy đủ tiền thì ông làm đơn bãi nại cho Phổ.

Liên quan đến thông tin Phổ có quen với nhiều cán bộ trong các cơ quan tố tụng từ huyện đến tỉnh nên "chạy chọt" để cấp phúc thẩm giảm một năm tù, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An đã bác bỏ.

Theo ông Hùng, bà Bé mở quán nhậu có tiếp viên, sau mỗi chầu rượu các cô gái đã bán dâm cho khách với giá 50.000 đồng một lượt. Sau khi nhận được đơn kháng cáo xin được hưởng án treo, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và nhận thấy bị cáo nhận thức kém về hành vi chứa mại dâm, bệnh tật nhiều (bệnh phụ nữ, rối loạn tiền đình, gai cột sống…). Trong phiên xử, tòa phải cho bị cáo ngồi khi xét hỏi.

"Xét thấy gia đình bà Bé khó khăn được địa phương xác nhận, ngay cả 800.000 đồng để đóng án phí cũng không có, mẹ ruột được tặng huân chương kháng chiến, theo điều 46 của Bộ Luật hình sự quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì bà Bé thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… nên giảm án một năm là phù hợp. Chúng tôi không hề biết chuyện bà Bé đã nhờ ai đó 'chạy án' để được nhẹ tội", ông Hùng nhấn mạnh.

Thượng tá Nguyễn Hữu Châu, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Long An cho biết, trước mắt đã xác định được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phổ sau khi xem xét đơn tố cáo của ông Nguyễn cùng những chứng cứ phạm tội bị phát hiện quả tang. Tuy nhiên, công an cũng đang điều tra có hay không một đường dây "chạy án" liên quan đến Phổ.

Hai tuần trước, trong buổi họp báo công bố kết quả xác minh, xử lý sai phạm của Đảng viên đối với ông Nguyễn Kim Đoạn (Viện trưởng VKSND huyện Cần Giuộc) và Viện phó Nguyễn Hương Giang, có nhiều câu hỏi đặt ra về mối quan hệ của Viện trưởng Đoạn với Phổ cũng như vai trò của người này khi có mặt ăn nhậu trên chuyến phà. Ông Thái Văn Ô (Phó Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc) chỉ cho biết Viện trưởng Đoạn cùng quê với ông Phổ ở ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông nhưng trước tiệc nhậu này cả hai người không quen biết nhau.

Liên quan đến tiệc nhậu này, Hội đồng kỷ luật VKSND tỉnh Long An thống nhất kỷ luật ông Đoạn và ông Giang với hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền. Đối với chức danh pháp lý của hai cán bộ này nếu bị bãi bỏ thì phải chờ VKSND tối cao quyết định. Trước đó, Huyện ủy Cần Giuộc đã kỷ luật ông Đoạn, ông Giang bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng.

Thiên Phước

Không thể neo chặt chỉ tiêu


2011-09-27

Để kềm chế mức lạm phát đang tăng nhanh nhất trong số mười bảy quốc gia Châu Á hiện thời, Việt Nam phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2011, đồng thời đẩy mạnh chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp.

RFA photo

Ngân hàng Trung ương, đầu não chính sách tài chính Việt Nam-Hà Nội- RFA photo


Lần đầu hạ chỉ tiêu

Từ đầu 2011, sau khi chính phủ loan báo quyết định tăng lãi suất vay vốn ngân hàng đối với các doanh nghiệp trong mục đích kềm chế lạm phát, mức tăng trưởng kinh tế quí đầu của năm đã có phần chậm lại. 

Tính chín tháng đầu năm, số liệu của Tổng Cục Thống Kê công bố hôm đầu tuần cho trong ba quí đầu 2011, tăng trưởng Việt Nam đạt 5,6% so với mức 6,54% của ba quí đầu 2010. 
Bằng mọi cách giữ vững nền kinh tế vĩ mô, từ tháng Mười Một 2010, khi vật giá trên các nhóm mặt hàng chủ yếu tiếp tục leo thang, Ngân Hàng Nhà Nước đã  nâng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất từ 7% năm 2010 lên 15% năm 2011, trước khi giảm nhẹ xuống khoảng 14% hồi tháng Bảy vừa qua.   

Lãi suất tháng 7- RFA photo
Lãi suất tháng 7- RFA photo

thay vì tập trung nâng tăng trưởng bằng mọi giá, nay Việt Nam quay sang chống lạm phát bằng mọi giá
kinh tế trưởng Mark Djandji

Bản tin của Bloomberg, một tổ chức thẩm định đầu tư và kinh doanh quốc tế, đăng trên báo The Nation ấn bản tiếng Anh của Thái Lan hôm thứ Hai, nói rằng Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam đang cân nhắc có nên cắt giảm lãi suất vay vốn để giúp tăng trưởng khi kinh tế đang đối diện mức lạm phát 22,42%, được coi là tăng nhanh nhất Châu Á. 

Số liệu của Bloomberg còn cho thấy VN Index của Việt Nam trên thị trường chứng khoán giảm 2%, trong lúc tiền đồng giảm 0,1% so với đồng Mỹ kim. Nói cách khác, đây là đợt hạ giá lần thứ tư của tiền đồng Việt Nam trong vòng 15 tháng qua.  

Ông Marc Djandji, giám đốc nghiên cứu của Viet Capital Securities Joint Stock, còn gọi là Bản Việt, một công ty chứng khoán và tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhận xét rằng doanh nghiệp quả thật đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động và sản xuất kinh doanh bởi lãi suất vay vốn quá cao. Theo ông thì rõ ràng lạm phát là vấn đề trước mắt của nền kinh tế, của giới tiêu thụ và của cả một quốc gia nói chung.  

Ông nói trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, không riêng Việt Nam mà Nam Hàn hay Philippines và các quốc gia Châu Âu cũng bị áp lực tương tự khi cố gắng giữ vững mức tăng trưởng. Việt Nam đã cố thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ một cách liên tục bên cạnh việc hỗ trợ mức tăng trưởng.  Nhưng Việt Nam đã phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng, như chuyên gia Marc Djandji nhận xét tiếp: 

"Đây là lần đầu tiên trong vòng tám năm làm việc ở Việt Nam mà ông thấy được là có sự chuyển hướng của chính phủ, nghĩa là thay vì tập trung nâng tăng trưởng bằng mọi giá, nay Việt Nam quay sang chống lạm phát bằng mọi giá, thể hiện qua chiến lược kiểm soát và thắt chặt tiền tệ dù phải trả giá bằng chỉ số tăng trưởng thấp. Việt Nam đang thể hiện quyết tâm kềm chế lạm phát dù không thể đạt mục tiêu tăng trưởng như dự định"

Vòng luẩn quẩn

Trong khi đó ông Trương Lê Minh, chuyên gia nghiên cứu và phân tích của Viet Capital Securities Joint Stock , cho rằng kinh tế 2011 chỉ phát triển trong mức 5,6 đến 5,8% , tức chậm hơn năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 6 hoặc 7% đã đề ra, nhưng đó là cái giá Việt Nam phải trả nếu muốn hướng mọi nỗ lực và chính sách vào việc kềm chế lạm phát:

"Nếu nhìn ngắn hạn năm nay và năm sau thì có thể việc kềm chế lạm phát sẽ kềm hãm sự phát triển của Việt Nam. Nhưng nếu nhìn trong dài hạn thì đó là điều tốt vì một khi ổn định lạm phát, ổn định tỷ giá thì lúc đó phát triển kinh tế mới có nền tảng vững chắc để mà tăng lên theo mỗi năm" 

Người bán hàng rong trên xe đạp-Hà Nội-RFA photo
Người bán hàng rong trên xe đạp-Hà Nội-RFA photo
Thưc tế cái khó của nhà đầu tư nhà kinh doanh Việt Nam khi vay vốn ngân hàng là ở chỗ nào?

"Lãi suất cho vay 16 tới 17% hiện giờ thực ra là lãi suất danh nghĩa , còn với tình hình này thì muốn vay rất là khó, ngân hàng nhà nước và chính phủ vẫn cố gắng để cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay nhưng mà thực sự hiện tại trong nền kinh tế bây giờ tiền tệ thì thắt chặt tiền mặt thì không có! Nó là một vòng luẩn quẩn, nếu cho vay ra ngoài thì phải đảm bảo việc quản lý số tiền vay đó đi vào sản xuất, muốn vay thì lãi suất thực tế là 18% 19%. Nói chung là chính phủ cố gắng đưa lãi suất cho vay thực tế đó về với lãi suất danh nghĩa tầm 16% trong năm nay mà theo tôi nghĩ cái chuyện đó hơi khó"

Ông Adam Mc Carty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economist ở Hà Nội, cho hay ông đã nghe rất nhiều doanh ngiệp than phiền về sự thiếu hụt vốn do lãi suất vay tại các Ngân hàng Thương Mại quá cao, nhưng mặt khác ông cũng không thấy công ty nào ngưng hoạt động. Điều này được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn Trương Lê Minh của Viet Capital Securities Joint Stock, tức công ty chứng khoán Bản Việt, ở thành phố Hồ Chí Minh, giải thích thêm: 

"Thật sự mà nói cái văn hóa phá sản hầu như người Việt Nam chưa quen với điều đó. Ví dụ ở Châu Âu hay ở Mỹ có thể dễ dàng khai báo chuyện công ty bị phá sản, nhưng người Việt Nam chưa quen với điều đó. Cho nên nhìn bên ngoài hầu như không ai phá sản hết, nhưng thực sự bên trong thì hoạt động M and A (Merger and Acquisition: Hoạt Động Thâu Tóm Doanh Nghiệp) diễn ra rất nhiều mà theo tôi nghĩ cũng là một dạng của phá sản, không tuyên bố công khai nhưng mà bán hoàn toàn công ty cho một công ty khác có đủ tiềm năng tài chính để hoạt động và tiếp tục phát triển" 

Khó khăn, vẫn phải làm

Trở lại câu chuyện cuối tháng trước, lúc Việt Nam tuyên bố nếu lạm phát không tăng tốc thì Ngân Hàng Trung Ương có thể hạ giảm phần nào lãi suất vay vốn trong lúc vẫn duy trì thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. 

Ông Santitarn Sathirathai, phân tích gia của tổ chức tài chánh Credit Suisse Group trụ sở tại Singapore, cảnh báo rằng hệ quả của việc cắt giảm lãi suất trong lúc này có thể khiến Việt Nam bị mất uy tín trước quyết tâm chống lạm phát , đồng thời làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá thêm. Theo dự báo từ văn phòng của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB ở Hà Nội, được báo chí trong nước tường thuật lại, tăng trưởng sáu tháng còn lại của 2011 sẽ kém hơn sáu tháng đầu năm. 

tôi vẫn ủng hộ quan điểm đưa mục tiêu chống lạm phát lên hàng đầu, phải thắt chặt chính sách tài chính và chính sách tiền tệ
TS Đinh Sơn Hùng

Vẫn theo ước tính của ADB, quyết định của chính phủ Việt Nam tăng mức lương tối thiểu, có hiệu lực đầu tháng Mười tới đây, sẽ góp tăng trưởng phần nào cho khu vực tư. 
Về tốc độ tăng của lạm phát Việt Nam, được coi là nhanh nhất trong mười bảy nước Châu Á hiện giờ, tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Phát Triển thành phố Hồ Chí Minh, nhận định là Việt Nam đã không đạt mục tiêu giữ lạm phát ở mức một con số:

Hàng trái cây Hà Nội- RFA photo
Hàng trái cây Hà Nội- RFA photo

"Đúng là lạm phát của Việt Nam trong thời gian qua tăng rất nhanh, bây giờ lạm phát đã là hai con số rồi, và một số nhà khoa học dự báo lạm phát Việt Nam 2011 này có thể lên đến 18 hay 19%. Tuy hiện nay chính phủ đang nỗ lực kềm chế lạm phát, coi việc kềm chế lạm phát là một trong những nhiệm vụ trung tâm, tôi nghĩ lạm phát 2012 vẫn tiếp tục ở mức hai con số. 
Đương nhiên chống lạm phát thì phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt , và đương nhiên một chính sách kinh tế bao giờ cũng có hai mặt của nó . Chính sách thắt chặt tiền tệ đã đẩy lãi suất lên cao và đồng thời hạn chế đầu tư. Mà hạn chế đầu tư ngày hôm nay thì trong tương lai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. 

Do đó hiện nay Việt Nam dùng từ "chính sách tiền tệ thắt chặt linh hoạt và phù hợp" Đây là thời điểm khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam và cả các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng tôi vẫn ủng hộ quan điểm đưa mục tiêu chống lạm phát lên hàng đầu, phải thắt chặt chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Còn các doanh nghiệp cũng phải tìm cách tái cấu trúc lấy mình và tìm cách thoát khỏi giai đoạn khó khăn này"

Theo kinh tế trưởng Marc Djandji của Viet Capital Securities Joint Stock, ngoài việc kiên trì với chính sách kiểm soát thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, Việt Nam còn phải chú trọng đến lãnh vực nâng mức tìn nhiệm tức là nâng trị giá của đồng bạc, nếu không muốn trở lại thời kỳ 1980 khi mà đồng bạc Việt Nam bị mất giá nặng, không chỉ so với đồng đô la hay đồng euro mà cả những loại tiền tệ khác trong khu vực. 

Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan. 

Thuyết trình về Biển Đông lại bị gây rối


2011-09-27

Thêm một buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông bị gây rối tại Hà Nội vào ngày 24/9.

Courtesy NguyenTuongThuyBlog

TS Nguyễn Nhã tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9.

 

Những vị khách không mời

Được biết, buổi nói chuyện do một số trí thức và những người yêu nước tổ chức tại một nhà hàng và mời TS. Nguyễn Nhã - chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông - đến thuyết trình. Tuy nhiên, thông tin trong nước cho biết công an đã yêu cầu nhà hàng cắt điện và ngưng phục vụ buổi thuyết trình trên. Ngoài ra, còn có một số vị "khách không mời" mặc thường phục đến quấy nhiễu buổi thuyết trình.

Khánh An có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Nhã và được ông cho biết sự việc như sau:

Đây là cái đầu tiên chính thức công khai quảng rộng. Bước đầu như vậy rất là hay, nhưng các em không thỏa mãn. Tinh thần là các em muốn trao đổi thì lại không được thỏa mãn.

TS Nguyễn Nhã

TS. Nguyễn Nhã: Tôi được đài VTV6 – Đài Truyền hình Việt Nam – mời tôi ra (Hà Nội) để ngày 25 có buổi giao lưu với thanh niên. Trong thời gian đó thì có một số người biết tôi như ông tiến sĩ ca trù Nguyễn Xuân Diện có mời tôi đến nói chuyện với các anh em bên Viện Hán Nôm cùng với một số các bạn trẻ. Tôi thấy việc này rất tốt, nhưng địa điểm không như hồi đầu, tức là các anh em tổ chức tại một nhà hàng. Tôi cũng không ngờ là số (người tham dự) lại đông như vậy. Tôi tưởng chỉ khoảng vài chục người thôi, thì cũng có một sự việc xảy ra nhưng tôi thấy cũng vui, bởi vì tuy không có điện nhưng mọi người lại chăm chú hơn và hỏi tôi nhiều câu hỏi mà tôi trả lời và thấy vui lắm, cho nên tôi thấy không sao.

Đề tài tôi nói là về Chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi đã thuyết trình (đề tài này) ở thư viện ở San Jose rồi với đề tài y hệt như vậy. Trong nước thì tôi cũng đã dự rất nhiều hội thảo về Biển Đông. Tôi cũng có viết bài, ngay cả báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân, cũng đã đăng bài của tôi nói về Chủ quyền không thể chối cãi được. Kỳ này đặc biệt khi cúp điện, tôi lại đưa cả tờ báo giấy ra và tôi nói kỹ hơn về cái này. 

img_0056-250.jpg
Các cử tọa tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9. Courtesy NguyenTuongThuyBlog.
Cuối cùng thì dù thế nào đi nữa, khi trao đổi thì tôi lại thích thú vì các bạn hỏi nhiều câu hỏi hay lắm. Không sao cả! Sau đó anh em cũng rất vui, vì nhiều khi nó cũng giống như ở Biển Đông vậy, có những sự kiện, thách thức thì nó lại là thời cơ đấy.


Khánh An: Được biết trong thời gian vừa rồi, khi tiến sĩ cùng với một số người khác đi trình bày về vấn đề Biển Đông thì đã gặp khó khăn. Đối với những nơi chính thống, do nhà nước tổ chức thì không sao, nhưng ở những nơi như CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình chẳng hạn, hay như hôm 24/9 ở Hà Nội thì lại gặp khó khăn. Vậy việc đi thuyết trình, phổ biến kiến thức cho người dân Việt Nam mà lại gặp khó khăn như vậy thì tiến sĩ có thấy bị chùn bước không, hay phải lựa chọn địa điểm và nơi mời để thuyết trình không?

TS. Nguyễn Nhã: Tôi lại thấy bất cứ ở đâu mà người ta chăm chú nghe và nhiều người được biết tới thì tôi thấy là tốt quá. Cho nên tôi không quan tâm chỗ nào (mời). Cũng giống như ở Biển Đông, nhiều cái thách thức thực ra tốt cho mình bởi vì như vậy mình có dịp được nhiều người biết hơn, đúng không?  

Khánh An: Dạ. Nhưng dù sao đi nữa, trong những lần đi mà gặp sự kiện bất thường như thế, thì ông có sợ trong tương lai nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đi thuyết trình hay không, chẳng hạn như họ sẽ hạn chế những lần đi thuyết trình của ông hoặc kiểm tra kỹ lưỡng hơn?

Tôi cũng nói với các anh em rằng khi mà mình đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, không kể chính kiến, tôn giáo, sắc tộc thì tôi đâu có sợ.

TS Nguyễn Nhã

TS. Nguyễn Nhã: Không. Tôi tin tưởng rằng bởi vì tôi chỉ nói về học thuật thôi mà thì ai mà chả nghe được. Tôi cũng nói với các anh em rằng khi mà mình đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, không kể chính kiến, tôn giáo, sắc tộc thì tôi đâu có sợ. Và như vậy thì tôi nghĩ rằng khi mọi người biết như vậy thì cũng tạo điều kiện cho tôi thôi, chứ ai ngăn làm chi?

Khánh An: Nhưng trên thực tế thì người ta đã ngăn cản rồi phải không?

TS. Nguyễn Nhã: Ngăn cản thì tôi nghĩ cũng do một cái gì đấy, quy định nọ kia để mình phải làm đúng quy định. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi nghĩ đến vấn đề hiệu quả. Cái gì có hiệu quả tốt thì mình phải trân trọng nó chứ, đúng không? 

Chính thức công khai

Khánh An: Dạ. Trở lại với đợt đi thuyết trình vừa rồi ở Hà Nội, giữa hai nhóm thính giả của hai lần thuyết trình ở VTV6 và nhóm của TS. Nguyễn Xuân Diện cùng những người bạn và những người quan tâm khác, thì tiến sĩ có một so sánh nào không?

TS. Nguyễn Nhã: Có chứ. Ngày 25 (ở VTV6) thì tôi nói có mấy phút thôi vì thời giờ dành cho nó ít quá, còn cái này thì tới 2 tiếng cơ mà. Ngay cả thời giờ và nội dung thì nó phải hơn nhiều chứ. Khi tôi nói có thể thuyết phục được mọi người và đi cặn kẽ hơn thì dĩ nhiên tôi thấy hiệu quả nó cao hơn. Tôi thấy những người ở VTV6 đâu có được nghe tôi nói nhiều đâu. 

img_0059-250.jpg
TS Nguyễn Nhã tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9. Courtesy NguyenTuongThuyBlog.
Có một nhóm đi theo tôi đi dự (ở VTV6) thì khi về tôi có trao đổi thì các em nói là "được" cũng có vì đây là cái đầu tiên chính thức công khai quảng rộng. Bước đầu như vậy rất là hay, nhưng các em không thỏa mãn. Tinh thần là các em muốn trao đổi thì lại không được thỏa mãn. Còn cái vừa rồi thì các em thích thú quá thì tôi cho đó là hiệu quả.

Khánh An: Vâng, một câu hỏi cuối thôi, nếu nói thật thì ông thấy việc ông đi thuyết trình mà gặp những sự việc bất thường như vậy thì cảm nghĩ của ông như thế nào?

TS. Nguyễn Nhã: Tôi thì ngay cả ở bên San Jose, đối tượng như vậy thì tôi cũng rất thích thú, mặc dù có những ý kiến cực đoan nọ kia. Ở đây thì tôi lại thấy thích thú hơn nữa là vì tôi thấy ở tuổi trẻ cái lòng, cái tâm hồn yêu nước rõ quá. Tôi nói tới đâu thì tôi thích tới đó. Các bạn thì chăm chú và có vẻ sôi nổi, được như vậy là quá hay rồi, còn gì mà trách ai nữa, phải không? Tôi lại cám ơn.

Ngay ở Biển Đông, tôi cũng cám ơn Trung Quốc vì cơ hội như thế. Tôi bảo là nếu không có đường lưỡi bò thì làm gì (Việt Nam) có thế như hiện nay. Tôi cũng nói ở bên San Jose là người Việt phải bình tĩnh. Khi bình tĩnh rồi thì biết đâu nước mình mấy chục năm nữa nó khác đi. Nó không tụt hậu, không yếu kém như hiện nay bởi vì đất nước hùng cường. Tôi có nói thời cơ giống như người Nhật, sau chiến tranh thế giới thứ hai thì thế toàn cục thay đổi hoàn toàn, người Nhật khai thác được và cuối cùng họ là người thua trận mà có ai bắt nạt được đâu? Tôi thấy biết đâu bây giờ lại là thời cơ tốt cho Việt Nam. Người Việt nên bình tĩnh, đúng không?

Khánh An: Vâng, rất thú vị được nói chuyện với tiến sĩ. Cám ơn tiến sĩ rất nhiều về buổi nói chuyện này.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.