THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 March 2012

Người nuôi heo điêu đứng


>Nhiều nơi dùng chất độc tạo nạc
>Xem xét xử lý 2 cửa hàng bán thuốc "lợn siêu nạc"

TP - Tại Hà Nội, trước thông tin hàng tấn hóa chất tạo nạc vừa bị thu giữ, nhiều quầy thịt vắng bóng khách hàng. Còn tại TPHCM, giá thịt heo đang rớt giá mạnh, khiến người nuôi heo điêu đứng.

Thịt  lợn siêu nạc đang là nổi ám ảnh nhiều người tiêu dùng quay lưng với loại thực phẩm này
Thịt lợn siêu nạc đang là nổi ám ảnh nhiều người tiêu dùng quay lưng với loại thực phẩm này. Ảnh: Hồng Vĩnh

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua 14-3, ông Nguyễn Xuân Dương, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Cục đã có công văn hỏa tốc gửi các địa phương tiến hành lấy mẫu thịt ở chợ xét nghiệm, kiểm soát chặt từ khâu sản xuất kinh doanh đến giết mổ và kết quả sẽ có trong một tuần nữa. Theo ông Dương việc dùng chất cấm để tạo nạc cho heo không chỉ vi phạm về pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức trong kinh doanh. "Thông tin heo siêu nạc đã làm cho người chăn nuôi điêu đứng. Nếu người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, 7 triệu người chăn nuôi hiện nay sẽ ra sao" - ông Dương đặt câu hỏi. Ông Dương cho biết thêm nếu người dân quay lưng với thịt heo trong nước, không chỉ người chăn nuôi gặp khó vì giá thành giảm mà còn tạo cơ hội cho nguồn thịt nhập khẩu đổ về Việt Nam khi đó sẽ khó kiểm soát hơn.

Trước thông tin heo ăn chất cấm, độc hại hôm qua 14-3, trao đổi với Tiền Phong ông Phạm Đức Bình, giám đốc Cty TNHH chăn nuôi Thanh Bình ở Đồng Nai cho biết, nếu như không ngăn chặn kịp thời tình trạng heo rớt giá diễn ra trầm trọng hơn. Trong trại có hơn 8.000 con heo, nhưng theo ông Bình từ giá heo bán ra 53.000 đồng/kg, hơn một tuần nay đã rớt xuống còn 42.000 đồng/kg. "Hậu quả của sự giảm suất này là do những người kinh doanh vô đạo đức"- ông Bình nói. Theo ông Bình việc làm ăn bằng cách dùng chất cấm để tạo nạc, thúc heo tăng trọng này là một bất công cho những người nuôi heo chân chính.

Còn ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Cty chăn nuôi Phú Sơn ở Đồng Nai cho biết, giá heo hơi mà trại này hiện bán ra đã giảm 7 triệu đồng/tấn sau khi báo chí thông tin phát hiện heo ăn chất cấm. Với một trại heo hơn 30.000 con, ông Mễ cho biết sẽ gặp khó khăn nếu người tiêu dùng tẩy chay thực phẩm này. Ông Mẽ cho rằng cần cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để làm trong sạch môi trường chăn nuôi, bảo vệ người tiêu dùng.

Người Hà Nội dè chừng thịt lợn

Hôm qua, 14-3, phóng viên dạo qua các khu chợ lớn tại Hà Nội như: chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ Ngọc Lâm (Long Biên), chợ Thành Công (Đống Đa)… thấy lượng khách mua thịt lợn giảm hẳn. Chị Thủy, một tiểu thương bán thịt tại chợ Thành Công cho biết, từ đầu tháng tới nay thịt lợn bán chậm hẳn. Trước đây bình quân mỗi ngày bán được 150 kg, nay chỉ bán được 100 kg, ngày nào cũng còn hàng tồn.

Theo quan sát của PV, tại chợ Hôm tình trạng thịt ế ẩm cũng tương tự. Chị Mai, bán thịt tại chợ Hôm nói: "Từ khi có thông tin lợn dùng thuốc tạo nạc trong miền Nam, mọi người mua thịt ít hẳn đi, chúng tôi cũng không dám lấy hàng nhiều như mọi khi".

Quầy bán thịt tại chợ Hôm lác đác người mua 	Ảnh: H.N
Quầy bán thịt tại chợ Hôm lác đác người mua Ảnh: H.N.

Bà Nguyễn Thị Bằng, đang mua sắm tại chợ Hôm, cho biết: "Gia đình tôi vẫn ăn thịt lợn, nhưng thưa hơn. Trước đây ngày nào cũng ăn, giờ 3, 4 ngày ăn một lần. Thay cho thịt lợn, gia đình tôi chuyển sang ăn cá và tôm nhiều hơn. Sức khỏe là trên hết, hạn chế được phần nào tốt phần đó".

Khảo sát của PV tại các chợ cho thấy, các mặt hàng như: cá, tôm, gà, thịt bò… bán chạy hơn so với thịt lợn.

Ôm bệnh với heo siêu nạc

Đại diện Cục chăn nuôi cho biết, việc dùng chất Salbutamol trong chăn nuôi đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm sử dụng từ lâu nhưng thực tế chất này lại sử dụng trong lĩnh vực y tế nên phải có sự phối hợp với bộ này trong thời gian tới mới dẹp được. Ông Dương kiến nghị ngành y tế nên kiểm soát chặt loại thuốc này, tránh tình trạng người chăn nuôi mua một cách dễ dàng, thậm chí với số lượng cực lớn nhưng không xử lý hình sự được. PGS- DS Trương Văn Tuấn, phó chủ tịch Hội dược học TPHCM cho biết, salbutamol được dùng khá phổ biến trong điều trị hen, là thuốc kích thích chọn lọc các thụ thể beta - 2 ở cơ trơn phế quản... nên làm giãn phế quản. Tuy nhiên, theo ông đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác dụng của loại này lên heo. Nhưng theo dược sĩ Tuấn nếu như dùng lâu dài chất này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 14-3, bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN, cho biết: "Nếu ăn thịt heo có chất tạo nạc thường xuyên dễ dẫn đến nguy cơ bệnh tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa". Theo bác sĩ Ký với những tác hại cho sức khỏe nên từ nhiều năm trước Mỹ và các nước châu Âu đã cấm dùng chất trong nhóm betaagonist cho chăn nuôi, trong đó có hai chất clenbuterol và salbutamol. Tuy nhiên ở nước ta do vấn đề mua bán các chất này dễ dàng nên các thương lái vẫn mua được thuốc với số lượng lớn.

Chưa phát hiện heo siêu nạc ở TPHCM

Hôm qua 14-3, bà Trương Thị Kim Châu, chi cục phó Chi cục thú y TPHCM cho biết, qua kiểm tra các điểm mua bán chất cấm nhóm B Agonist như chất Salbutamol, Clenbutarol, Ractopamin tạo nạc cho heo, Chi cục thú y TPHCM chưa phát hiện có chất này. Tuy nhiên hiện mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.000 tấn sản phẩm động vật, trong đó gồm khoảng 8.000 - 9.000 con heo, hơn 80% nguồn cung cấp là từ các nhà chăn nuôi của các tỉnh, do vậy việc kiểm soát đang gặp khó khăn.

Ngọc Lâm - Hoàng Nhung