THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 May 2012

Doanh nghiệp thắng lớn, nông dân vẫn khổ



2012-05-10
Doanh nghiệp gạo lãi lớn trong quí 1 trong khi nông dân không đạt mức lãi 30% trong vụ đông xuân vừa qua ở đồng bằng sông Cửu Long.
AFP photo
Một cánh đồng lúa ở VN

Nông dân trữ lúa chờ giá

Dựa vào báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thành viên Hiệp hội lương thực Việt Nam VFA, báo chí đưa tin các nhà xuất khẩu thắng lớn trong quí 1/2012 với mức lời tăng từ 50% tới 74% so với cùng kỳ năm ngoái, dù rằng lượng gạo xuất khẩu giảm 42,5%.  
Trong khi đó, đa số nông dân đồng bằng sông Cửu Long đạt lợi nhuận thấp trong vụ đông xuân, thậm chí chỉ đạt mức lời 20% so với giá thành như tình trạng của tỉnh Đồng Tháp. Địa phương này canh tác lúa hạt tròn 50404 nhiều nhất miền tây, 50404 là giống lúa ngắn ngày năng suất cao nhưng hạt gạo dễ gãy và thường dành làm gạo 25% tấm để xuất khẩu hoặc làm bún, bánh phở hay bánh tráng. 
Ba tuần sau khi VFA kết thúc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo với giá lúa tối thiểu 5.000đ/kg bảo đảm nông dân đủ lời 30%, giá lúa gạo hiện nay tăng khá cao. Theo báo giá của các công ty lương thực, giá lúa khô loại thường bao gồm cả lúa hạt tròn 50404 đã tăng 600đ-700đ/kg đạt mức 5.600đ-5.700đ/kg, lúa khô hạt dài đạt mức 6.000đ kg.
Có hiện tượng một bộ phận nông dân đã trữ lượng thóc lúa của mình chưa muốn bán hết. Điều này cũng dễ hiểu, nông dân mong đợi cho giá thóc cao hơn so với giá hiện nay.       
Ông Nguyễn Trí Ngọc
Thông tin này có thể là tin vui cho nông dân Đồng Tháp vì theo báo cáo của tỉnh, đến cuối tháng 4 vừa qua, người dân tỉnh này còn giữ trong nhà khoảng 200.000 tấn lúa hạt tròn 50404, không bán được vì giá quá thấp. Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Ngọc cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNN cho biết:
“Chúng tôi mới đi khảo sát ở đồng bằng sông Cửu Long, lúa đông xuân cơ bản xong hết rồi, bây giờ chuyển sang gieo sạ lúa hè thu và cố gắng hết tháng 5 kết thúc. Có hiện tượng một bộ phận nông dân đã trữ lượng thóc lúa của mình chưa muốn bán hết. Điều này cũng dễ hiểu, nông dân mong đợi cho giá thóc cao hơn so với giá hiện nay.”         
Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra số liệu cụ thể là người dân đang trữ khoảng 500.000 tấn gạo tương đương 1 triệu tấn lúa hàng hóa, chủ yếu ở những hộ dân có vốn, hàng xáo tức thương lái lúa gạo và nhà máy xay xát, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu tồn kho 2,4 triệu tấn. Theo tin này, trong quí 2/2012 doanh nghiệp sẽ mua thêm 200.000 tấn gạo để hoàn tất giao hàng phần còn lại trong tổng lượng hợp đồng đã ký được từ đầu năm tới ngày 7/5 khoảng 4,5 triệu tấn. 

Doanh nghiệp hưởng lợi

044_B87826026-200.jpgThông thường giá lúa gạo sẽ tăng lên khi có nhu cầu mua vào để xuất khẩu. Thông tin về lượng hợp đồng xuất khẩu được công bố chậm trễ trong thời điểm nông dân thu hoạch lúa, giá lúa sẽ rớt nhanh khi không có người đi mua. 
Doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận, chậm rãi tiến độ mua vào khi thu hoạch rộ, đặc biệt trong các dịp mua tạm trữ theo chỉ đạo của chính phủ mặc dù được ưu đãi lãi suất. Và hiện nay giá lúa đã tăng trở lại khá cao sau khi đa số nông dân nghèo phải bán lúa ngay khi thu hoạch để trang trải cuộc sống. 
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
"Ngay lúc có hợp đồng xuất khẩu lớn như hiện nay thì doanh nghiệp đã mua một khối lượng lớn rồi. Thời điểm họ mua giá quá rẻ, nông dân chẳng được lợi gì.”            
Theo Kinh tế Saigon Online, trong số các hợp đồng xuất khẩu của VFA mới ký hồi gần đây, có khoảng 1 triệu tấn gạo 5% tấm được bán với 420 USD/tấn; 300.000 tấn gạo 15% tấm với giá 425 USD/tấn; 700.000 tấn gạo 25% tấm với mức 380 USD/tấn. Ngoài ra có 400.000 tấn với mức giá 460 USD/tấn. Dự kiến kế họach xuất khẩu gạo 2012 của Việt Nam được duy trì ở mức 7 triệu tấn.
Ngay lúc có hợp đồng xuất khẩu lớn như hiện nay thì doanh nghiệp đã mua một khối lượng lớn rồi. Thời điểm họ mua giá quá rẻ, nông dân chẳng được lợi gì.           
Một nông dân ĐBSCL
70% thị phần xuất khẩu gạo nằm trong tay các tổng công ty lương thực nhà nước và các công ty trực thuộc, tức có thể nói doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm lĩnh hoạt động này. Nhưng cho đến nay các doanh nghiệp luôn đợi ký xong hợp đồng xuất khẩu rồi mới đi mua gạo nhập kho. Do vậy giá ký bán trong các hợp đồng mới thực sự là nhân tố chi phối giá lúa cao hay thấp. 
Gần đây do có hoạt động xuất khẩu gạo tiểu ngạch khá lớn qua Trung Quốc mà giá lúa mới tiếp tục tốt dần lên. Khi nào mà ngành lúa gạo có đủ nguồn lực tài chính và hệ thống kho trữ dài ngày cho đủ một vụ sản xuất, thì may ra người nông dân mới bớt đi những vụ lúa được mùa mất giá. 
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.