THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 May 2012

Lập biên bản hối lộ: Thưởng CSGT như “nhử mồi trẻ con”



05/05/2012 13:49:12
(Kienthuc.net.vn) - Trao đổi với Kienthuc.net.vn về đề xuất của Công an TPHCM xử phạt những người có hành vi đưa hối lộ cho CSGT, PGS.TS luật học Phùng Trung Tập, giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng “CSGT không nên chỉ nhăm nhe xử phạt mà cần phải hướng dẫn và giải thích cho dân đó là vi phạm pháp luật”.
Giải thích hơn là nhăm nhe phạt dân tội “hối lộ”
Theo phân tích của PGS.TS luật học Phùng Trung Tập thì hối lộ là một tội đã được quy định rõ ràng trong Bộ luật hình sự và nó bao trùm tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đối với việc người dân đưa tiền cho CSGT khi bị xử lý vi phạm thì đó chính là hối lộ.
Tuy nhiên, cũng cần thiết phải xem xét đối với từng hoàn cảnh cụ thể để có thể kết luận. Trong đời sống xã hội hiện nay, xét về mặt tâm lý và mức độ hiểu biết pháp luật của nhiều người tham gia giao thông còn non, kém cho nên căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để có thể có được những quyết định xử phạt đúng. 
CSGT nên giải thích và hướng dẫn cho người dân hơn là chăm chăm phạt. Ảnh: Internet
Khi bị phạt vi phạm luật giao thông, xét về góc độ bản năng và tâm lý của tất cả mọi người vi phạm thì đều có thể làm những điều có lợi nhất. Họ muốn tránh bị giữ xe, muốn tránh mất thời gian làm các thủ tục nộp phạt, thậm chí là tránh cả việc mất nhiều tiền hơn, do vậy họ sẵn sàng đưa hối lộ. Đó là một trạng thái tâm lý rất tức thời  và trong một hoàn cảnh không gian và thời gian cụ thể mà ai cũng có thể có!
Tuy nhiên họ có đạt được mục đích hay không thì quyền quyết định lại là ở chính người CSGT, những người đại diện cho công quyền, có trách nhiệm xử lý các vi phạm. “Cho nên CSGT trước hết phải có ý thức trong việc xử phạt vì hơn ai hết chính bản thân họ biết nhận tiền là phạm vào tội nhận hối lộ”.
Còn xét về văn hóa giao thông hiện nay, PGS.TS Phùng Trung Tập cho rằng vẫn còn những người khi tham gia giao thông không tuân thủ các hệ số an toàn giao thông, có thói quen giao thông thiếu văn hóa, thậm chí là vô văn hóa. Nhiều hành động tiêu cực có thể coi là đến mức “trắng trợn” và trong chừng mực nhất định còn có tâm niệm như một viêc “thường tình”, không cần băn khoăn nhiều. Do đó đã có những người tham gia giao thông khi phạm lỗi theo qui định đã có hành vi phạm “bột phát” để nhằm mục đích được việc... cho mình.
Một điều rất đáng lo ngại là trong cộng đồng vẫn tồn tại những hành vi “bắt chước lẫn nhau”, theo tư tưởng người này làm được thì người kia cũng làm được. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi trái pháp luật. 
“Như vậy, với chức trách, nhiệm vụ của mình, CSGT trước hết nên giải thích cho người dân hiểu được hành vi đưa tiền là phạm tội hối lộ hơn là chỉ nhằm mục đích phạt. Không nên vì một hành vi xuất phát từ yếu tố tâm lý không bình thường, tức thời của người vi phạm, mà đã kết tội họ”.
Thưởng cho CSGT bắt hối lộ như “nhử mồi trẻ con”
Nhận định về đề xuất của Phó trưởng ban chuyên trách, ban An toàn GT TP. HCM về việc thưởng gấp đôi số tiền người dân hối lộ cho cảnh sát nào lập biên bản, PGS.TS.  Phùng Trung Tập đánh giá đây là biện pháp giống như “nhử mồi trẻ con”.
“Bản thân CSGT có bổn phận và trách nhiệm phải xử phạt các hành vi vi phạm, hưởng lương để làm công việc đó thì không có lí do gì để thưởng. Bên cạnh đó là nếu thưởng thì lấy tiền ở đâu để thưởng?”
PGS.TS. Phùng Trung Tập cũng  cho rằng người phụ trách giao thông TP.HCM đã đưa ra tiêu chí khuyến khích mang tính cục bộ mà chưa nhìn thấy hậu quả.
“Không loại trừ có thể có tiêu cực bằng cách cộng tác lập các biên bản phạt ảo để rút tiền thưởng chia nhau. Tôi cố tình hối lộ 500.000 đồng để anh lập biên bản được thưởng 1 triệu. Khi đó tôi và anh chia nhau mỗi người được 250.000 đồng”.
“Có thể thấy biện pháp xử phạt người dân đưa hối lộ không phải là biện pháp giải quyết được triệt để vấn đề vi phạm giao thông ở nước ta hiện nay” PGS.TS. Phùng Trung Tập nhấn mạnh.
Vũ Chương