THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 May 2012

Những người cả ngày ngồi... “ôm nắng đợi mưa”



(Dân trí) - Khi trời mưa, ai nấy đều cố thật nhanh tìm nơi trú, nhưng với những người theo nghề “ôm nắng đợi mưa”, đây mới là thời khắc lăn lộn để mưu sinh.
Nghề “ôm nắng đợi mưa”
 
Mùa mưa ở TPHCM (từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm) là dịp làm ăn chính của những người bán áo mưa. Đội ngũ này có mặt khắp các ngả đường trong thành phố, tập trung nhiều ở những cung đường chính, có lượng người lưu thông đông. Chỉ cần trời đổ mưa là họ lập tức ào xuống phố, giăng áo mưa bán cho đi đường.

Thời tiết mưa nắng đột ngột tạo ra nghề "ôm nắng đợi mưa" ở Sài Gòn.

Khác với nhiều vùng miền khác, mùa mưa ở TPHCM đặc trưng bởi việc mưa nắng rất đột ngột, nếu không muốn nói là thất thường. Trời đang nắng ráo, trong lành không một gợn mây, nhưng cũng có thể mưa ngay tức thì, rồi lại nắng trong giây lát.
“Người ta chỉ mua áo mưa mấy phút đầu tiên sau khi trời đổ mưa thôi. Thời tiết thì chẳng biết đường nào lần nên làm nghề này phải chấp nhận cảnh “ôm nắng đợi mưa”, anh Nguyễn Long (quê ở Quảng Ngãi), vào TPHCM mưu sinh bằng nghề bán áo mưa tại các con đường lớn, cho hay. Hàng ngày công việc của anh là chở thùng áo mưa ra khỏi nhà, tìm quán nước vỉa hè nào đó gần mặt đường ngã ba rồi ngồi... chờ mưa.
“Chắc chỉ những người làm nghề như tui mới mong trời mưa nhiều, chứ mấy việc khác hễ mưa là ế hơn trơn. Ngày mưa vài ba lần là túi xông xênh; chứ hôm nào nắng nguyên ngày là vợ con đói à nha”, anh Long nói chuyện đầy hóm hỉnh.
Họ hàng, người quen của vợ chồng anh Long từ miền Trung vào cũng gần chục người, làm đủ nghề như bán hoa quả, hủ tiếu, bốc vác… nhưng mùa này đều tạm gác nghề chính để đi bán áo mưa. So với nhiều công việc lao động tay chân khác, đi bán áo mưa là việc mất ít thời gian và công sức hơn nhưng thu nhập lại khá hơn.
Việc tưởng chừng như rất nhàn nhã, “dễ xơi” đó nhưng theo anh Long cũng không ít sự cố. Vì bán hàng ngay lề đường nên không tránh được va chạm giao thông. Ngoài ra cũng không ít lần anh Long bị khách "quên" trả tiền, họ ngồi trên xe, mặc áo mưa rồi vù đi mất.
Gặp mưa ở đâu, bán hàng ở đó
Gần 20 năm chạy xe ôm ở khu vực đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) nhưng gần đây kinh tế khó khăn, khách tiết kiệm đi lại nên chú Nguyễn Văn Dũng (quê ở Cà Mau) kiêm thêm việc bán áo mưa. “Hai trong một” nên công việc khá thuận tiện, trên chiếc xe “kiếm cơm” của gia đình lúc nào cũng cột sẵn cả chục chiếc áo mưa. 

Mong mưa...

Chạy xe cũng “bám” mặt đường nên chú rất nhanh nhạy khi thời tiết thay đổi. Có khi chú bán được cho chính người khách đi xe của mình hoặc trên đường chở khách, quay về gặp mưa ở đâu là chú giăng hàng ra bán ngay tại đó. Cũng có lúc chú bị “đe” vì tranh điểm làm ăn của những người khác.
 
Khó khăn lớn nhất chú Dũng gặp phải trong nghề này chính là vấn đề sức khỏe. Khi đứng bán, dù người bán có được trang bị áo mưa cũng vẫn ướt sũng, bởi vậy rất dễ ốm. “Đứng giữa nắng giữa mưa nên nhiều tối về hai đầu gối tôi đau nhức còn bị sung phù, rất khó cử động. Khi người ta kéo nhau tìm chỗ trú thì mình lao ra “chống chọi” với ông trời, sung sướng sao nổi. Có hôm chờ ướt như chuột mà đâu bán được cái nào”, chú Dũng chia sẻ.
Công việc làm thêm này giờ trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình để chú lo cho hai đứa con đang ăn học và người vợ bị bệnh tim, mất sức lao động. Nhiều hôm đưa vợ vào viện, chú cũng mang theo bịch áo mưa để… tiện đâu bán đó kiếm thêm đồng lo cho vợ con.
Nghề nào cũng vậy, có vất vả, cũng có niềm vui. “Trước tui vẫn nghĩ người dân thành phố tính toán, khó gần nhưng từ ngày bán ao mưa tui nghĩ khác. Thời tiết mùa này ngày nào mà chả mưa nhưng người Sài Gòn đi ra ngoài quên mang theo áo mưa hoài. Có người ngày nào cũng ghé mua, hôm nào nhớ lại mang ra cả chục cái áo cũ tặng lại cho tui. Nhiều người thấy mình đứng giữa mưa bán hàng cực quá, chẳng lấy tiền thối bao giờ, có khi còn cho thêm”, chị Ngô Thị Tuyết, quê Bình Định, thường bán áo mưa trên đường Nguyễn Kiệm (Q. Phú Nhuận) bộc bạch.
Hoài Nam