THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 July 2012

MỘT HỐ NGÀY CÀNG SÂU

Thất nghiệp còn cao, vực thuế còn sâu…

Từ Adam Smith vào năm 1776, người ta đã biết kinh tế cũng là chính trị. Khoa “Kinh tế chính trị học” xuất phát từ đó. Tai họa kinh tế năm tới cũng xuất phát từ chính trị của mấy năm qua.









Tỷ lệ thất nghiệp “U6” – trong đó tính cả những người làm bán thời gian và những người không tìm việc nhưng muốn đi làm 16 tuổi trở lên – từ sau cuộc suy thoái kinh tế 2009. (Hình: Người Việt, nguồn dữ liệu: Bureau of Labor Statistics)

Nhưng xin nói về thời sự đã: Thất nghiệp còn cao và triển hạn giảm thuế thêm một năm.
Thứ Sáu mùng sáu, thống kê của Bộ Lao Ðộng xối phẩm đỏ vào thị trường cổ phiếu. Hôm nào mà cổ phiếu rơi quá 1% thì ta biết là có biến. Hôm đó, thị trường mở cửa là rớt thẳng đứng, cuối ngày vẫn bò dưới đáy, chỉ số S&P500 mất 0.94%. Qua Thứ Hai mùng chín, thị trường Á Châu cũng vậy, Âu-Mỹ-Á gì đều sụt. Truyền thông đã loan tin này nên xin khỏi nhắc lại.
Sâu xa hơn, do dân số gia tăng, mỗi tháng kinh tế Mỹ phải tạo thêm cỡ 125,000 công việc thì mới không gây thêm thất nghiệp. Với mức thất nghiệp hiện là 8.2%, số việc làm phải gấp đôi thì mới khá. Ba tháng đầu năm, mọi người đều hồ hởi vì trung bình mỗi tháng có thêm 226 ngàn việc mới.
Nhưng suốt Quý II, tình hình bỗng dưng u ám, trung bình mỗi tháng chỉ thêm có 75 ngàn việc. Giới kinh tế không lạc quan nên dự báo số việc làm trong Tháng Sáu chỉ ở mức 95-100 ngàn. Thực tế còn bi đát hơn: Số việc làm mới chỉ tăng 80 ngàn. Thà trả giờ phụ trội hay tuyển người bán thời chứ các doanh nghiệp đều chưa bung ra. Với cơn sốt thời tiết khiến nhiều tiểu bang mất điện trong mấy ngày liền, hậu quả sẽ lạnh mình cho nạn thất nghiệp trong Tháng Bảy, được thông báo sáng Thứ Sáu mùng ba tháng tới.
Nếu tìm hiểu nội dung của thống kê nhân dụng, người ta biết sáu loại chỉ số từ U1 đến U6, trong đó “thất nghiệp chính thức” do văn phòng thống kê lao động của Bộ Lao Ðộng thông báo mỗi Thứ Sáu đầu tháng là chỉ số U3. Giới kinh doanh và hữu trách về kinh tế thì không hời hợt như vậy, họ chú ý đến chỉ số U6. U Sáu là cái gì vậy?
Ðó là U3 cộng thêm số “lao động nản chí” (“discouraged workers” – hết muốn tìm việc), thêm “người ơ hờ tìm việc” (“marginally attached workers”), thêm số “lao động bán thời dù cần việc toàn thời” (“part time workers who want full time job” tức là “thất nghiệp trá hình”). Ba lần cộng như vậy thì ra chỉ số U6, là con số thật về nạn khiếm dụng, hiện ở mức đáng ngại là 14.9%.
Trở lại chuyện thống kê hôm Thứ Sáu, lập tức các chính khách nhảy vào bình loạn. Từ Tổng Thống Barack Obama đến ứng cử viên Mitt Romney bên Cộng Hòa và các dân biểu nghị sĩ. Bài này không viết về lập luận chống chế hay đả kích của đảng cầm quyền và đối lập. Chính trị lẽ thường, ai cả tin thì ráng chịu! Nhưng lại xin giới thiệu “Trung tâm Annenberg về Chính sách Công quyền” trong Phân khoa Báo chí của Ðại Học Pennsylvania và FactCheck.org của họ.
Từ năm 2003, trung tâm này mở ra dự án kiểm chứng các lập luận chính trị về mọi chuyện ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương để khách quan xác định thực tế đúng sai so với những phát biểu hay tuyên truyền của chính khách. Người viết thường xuyên tham khảo chương trình này, và mỉm cười khi thấy có loại truyền thông loan tin như loài anh vũ – con vẹt.
Một thí dụ nóng tuần qua là việc FactCheck.org phê phán lời cáo buộc của ban tranh cử Obama trên truyền hình về ứng cử viên Romnney là quá đáng và thiếu cơ sở. Ban tranh cử Obama bèn phản pháo mà chẳng trưng thêm chứng cớ nên bị quạt lại cho bẽ mặt. Nền dân chủ tuyệt vời của Hoa Kỳ khi một cơ quan độc lập lại lật mặt nạ của những kẻ quyền thế! Quý độc giả có thể kiểm lại chuyện đó và truyền thông cũng nên tìm hiểu và lâu lâu dịch lại cho độc giả thấy rõ thực hư.
Chúng ta khỏi bàn gì thêm, chỉ tin là sự am hiểu tối thiểu của người dân về kinh tế và trình độ của báo chí có góp phần nâng cao giá trị của nền dân chủ. Bài viết trở lại vấn đề đã nêu hôm 26 Tháng Sáu (“Treo trên bờ vực” – Kinh tế lại suy trầm nữa?) Vực thuế này là gì? Hậu quả sẽ ra sao?
Tính cho tròn, một năm, kinh tế Hoa Kỳ sản xuất thêm khoảng 15 ngàn tỷ đô la. Năm tới, nền kinh tế đó bị hai mối nguy song hành, tăng thuế và giảm chi.
Về thuế, lý do là mùng một Tháng Giêng, hai đạo luật giảm thuế 2002 và 2003 của chính quyền George W. Bush sẽ mãn hạn cùng đạo luật miễn thuế trung lưu của chính quyền Barack Obama. Cỡ 80% các hộ gia đình sẽ đóng thuế nhiều hơn, trung bình là trên 3,700 đô la. Về công chi, ngân sách quân sự và dân sự, kể cả Medicare, tự động bị cắt trăm tỷ.
Nội năm tới, hai mối họa này sẽ vượt 600 tỷ, làm sản lượng kinh tế sụt 4%. Với đà tăng trưởng ở dưới 2%, nếu sụt thêm 4% thì kinh tế tất nhiên suy trầm, chưa nói gì đến hiệu ứng Âu-Á-Tàu.
Ðó là kịch bản “Fiscal cliff” hay “Taxmageddon” – Tận thế vì thuế – khi đa số được ít hơn mà trả nhiều hơn các sắc thuế như lợi tức, cổ tức, thặng giá đầu tư và thuế thổ trạch.
Nguyên do xương tủy là Hoa Kỳ đã tăng chi rồi đi vay quá nhiều. Mỗi năm bội chi thêm hơn ngàn tỷ và mức công trái đã lên tới 70% tổng sản lượng. Không hãm đà thì công trái sẽ gấp đôi tổng sản lượng vào năm 2037. Nếu không giảm chi mà cứ chỉ tăng thuế thì Hoa Kỳ sẽ đuổi kịp Âu Châu.
Từ ba năm qua, Quốc Hội và Hành pháp không đạt giải pháp lâu dài cho vấn nạn đó mà cứ thỏa hiệp ngắn hạn. Lần cuối là đầu Tháng Tám năm ngoái khi Quốc Hội cho nâng định mức đi vay, với điều kiện giảm chi 2,000 tỷ trong 10 năm tới, nếu không, thủ tục tăng chi tự động áp dụng. Và đôi bên, trong cả hai đảng, vẫn bất đồng về triển hạn giảm thuế hay nâng thuế suất của một số thành phần. Kết quả là bẫy sập sẽ tự động đưa kinh tế vào suy trầm, và đẩy mạnh thất nghiệp.
Trong trận đấu chỉ toàn những đòn ngắn, quan điểm của đôi bên là gì?
Ðảng Cộng Hòa đề nghị vĩnh viễn giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giảm chi một số mục để tiến tới quân bình ngân sách. Hành pháp Obama và đảng Dân Chủ hiện kiểm soát Thượng Viện thì chỉ muốn giảm thuế thành phần trung lưu, một hộ có hai lợi tức không quá 250 ngàn một năm, và rất dè dặt với yêu cầu giảm chi. Sáng Thứ Hai mùng chín, ông Obama đề nghị triển hạn giảm thuế cho thành phần trung lưu, nhưng chỉ một năm thôi. Vẫn câu giờ và sẽ bị đối lập phản bác: Người ta không lập hãng xưởng và tuyển người nếu được miễn thuế có một năm.
Cái thế “cài răng lược” hiện nay chỉ chấm dứt sau khi có kết quả bầu cử, ngày sáu Tháng Mười Một.
Nếu Romney thắng cử và Cộng Hòa kiểm soát luôn lưỡng viện thì biện pháp giảm thuế sẽ tiếp tục, do tổng thống Romney ban hành sau khi nhậm chức hôm 20 Tháng Giêng, với giá trị hồi hiệu từ mùng một. Bên Cộng Hòa cũng sẽ đẩy mạnh việc giảm chi, và cải tổ chế độ thuế vụ lẫn quỹ An Sinh Xã Hội và trợ cấp y tế Medicare.
Nếu Obama tái đắc cử, đảng Dân Chủ có thể hủy luôn việc hạ thuế của Bush và đề nghị tăng thuế nhà giàu, giảm thuế thành phần trung lưu và giữ lại một số mục công chi. Nhưng, chỉ giảm chi một phần như bên Cộng Hòa đòi hỏi nếu thương thuyết lại việc cải tổ quỹ An sinh và Y tế.
Thương thuyết ra sao? Vấn đề là cái thế mạnh hay yếu của hai đảng trong cuộc đọ sức của Quốc Hội khóa 113, do cử tri bầu ra vào Tháng Mười Một tới đây. Từ nay đến đó, các chính khách chỉ gây ấn tượng cho công chúng và Quốc Hội khóa 112 sẽ mãn nhiệm thì chỉ tìm giải pháp ngắn hạn.
Trong khi ấy, đa số lại quên một khuyến cáo của ủy ban Bowles-Simpson từ năm 2010. Do ông Obama chỉ định, ủy ban lưỡng đảng này đã nghiên cứu và yêu cầu phải bít lại nhiều lỗ hổng thuế khóa và giảm chi không phải 2,000 mà 4,000 tỷ trong 10 năm tới. Nếu không, hệ thống tài chánh công của Hoa Kỳ sẽ phá sản. Nhưng lời khuyến cáo đó đã rơi vào khoảng trống.
Cử tri nghĩ sao về mối nguy kinh tế sắp tới là một vấn đề chính trị và tới nay thì đa số đến 56% cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng. Ai sẽ điều chỉnh sau khi kinh tế lại sụt hố năm tới ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa – Nguoiviet