THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 September 2012

Đập Sông Tranh 2 “không thể vỡ” (!?)

Khẳng định như vậy nên lãnh đạo EVN cho biết chưa nghĩ đến phương án sơ tán dân. Trong khi đó, trong quá trình xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, các cơ quan liên quan lại “quên” đánh giá tác động của động đất kích thích do công trình này gây ra
Ngày 28-9, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập; kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My - Quảng Nam).
Chống thấm dưới hầm đập thủy điện Sông Tranh 2
Kết thúc xử lý thấm
Theo báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, đến ngày 24-8, công tác xử lý thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đã kết thúc. Kết quả, đối với 10 khe nhiệt thấm lớn do Viện Thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc) xử lý đã cho kết quả lưu lượng thấm chỉ còn 0,02 lít/giây, giảm 99% so với thời điểm ban đầu là 26,2 lít/giây. Riêng 20 khe nhỏ do Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) xử lý cũng cho kết quả thấm chỉ còn 0,015 lít/giây. Riêng nền đập, lưu lượng thấm đo được trước khi xử lý là 4,2 lít/giây và sau khi xử lý là 3,19 lít/giây. Sau khi xử lý thấm, ở mực nước hồ 144 m, tổng lưu lượng thấm còn 3,23 lít/giây (trong đó bao gồm cả lưu lượng thấm qua nền là 3,19 lít/giây), giảm 89,4% so với trước khi xử lý.
Dựa vào những kết quả này, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá đập an toàn và ổn định.
Lấy vung này úp nồi kia”
Tại cuộc họp báo, đại diện EVN thừa nhận chất lượng các khe nhiệt chưa bảo đảm do việc kiểm tra và nghiệm thu không chặt chẽ trong quá trình thi công. Ông Nguyễn Tài Sơn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (đơn vị tư vấn, thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2), cũng thừa nhận có thiếu sót trong phương án đánh giá tác động môi trường trong quá trình triển khai xây dựng đập.
Theo ông Sơn, công trình này chỉ được đánh giá tác động của động đất đứt gãy cực đại mà chưa đánh giá tác động của động đất kích thích, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 40.000 dân huyện Bắc Trà My. Ông Sơn thanh minh: Việc báo chí cho rằng EVN sao chép báo cáo của chuyên gia Lê Trần Chấn, Viện Địa lý (Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia), về đánh giá động đất kích thích khi xây dựng dự án là hiểu chưa chính xác. Lúc đó, EVN chỉ trích dẫn lại lời của các chuyên gia nước ngoài về động đất kích thích được chuyên gia Lê Trần Chấn trích lại trong báo của ông. Bởi lúc đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu đánh giá tác động động đất kích thích nên phải dựa vào tài liệu của nước ngoài để “áp vào” thủy điện Sông Tranh 2.
Nhiều người dự cuộc họp báo cho rằng cách làm ở thủy điện Sông Tranh 2 chẳng khác gì “lấy vung này úp nồi kia”.
Chưa nghiệm thu nhưng đã tích nước
Nhiều người dân vùng động đất Bắc Trà My đã gửi đến cuộc họp báo thắc mắc: Đến thời điểm này, chủ đầu tư, các bộ, ngành đã thừa nhận việc động đất gây nứt nhà dân là do công trình thủy điện Sông Tranh 2 gây ra. Vậy trách nhiệm của EVN thế nào?
Ông Trần Văn Được, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết EVN đang phối hợp với tỉnh Quảng Nam kiểm tra rồi lên phương án hỗ trợ cho dân vùng thiệt hại. “Tại sao lại hỗ trợ, phải đền bù mới đúng?” - một phóng viên nêu câu hỏi nhưng không được trả lời thấu đáo. Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù đến giờ, công trình chưa được nghiệm thu, chưa có giấy chứng nhận an toàn đập nhưng từ ngày 19-10-2011, ban quản lý công trình đã cho tích nước đến cao trình 175 m và phát điện thử, bất chấp sự an nguy đến tính mạng của hàng chục ngàn người dân vùng hạ du nếu xảy ra sự cố. Đại diện Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng giải thích dù chưa có giấy chứng nhận nhưng các bộ, ngành liên quan đã xác nhận đập an toàn nên tích nước thử là không sai quy định. Ông Trần Văn Được còn khẳng định: “Đập bảo đảm an toàn, không thể vỡ nên EVN chưa nghĩ đến phương án sơ tán dân vùng hạ lưu”.
Trong khi đó, nhiều ý kiến đề nghị thử tháo hết nước đập trong 6 tháng để xem có động đất hay không, rồi quyết định tích nước. Tuy nhiên, đề nghị này không thể thực hiện vì công trình không có cửa xả đáy. Ông Nguyễn Tài Sơn giải thích không có cửa xả đáy là do công trình không có chức năng điều tiết nước cho vùng hạ du. 

Cần đánh giá đúng bản chất vấn đề
Tại cuộc họp báo, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh sẽ khẩn trương cùng với Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 lên phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du thủy điện này, đồng thời tăng cường hướng dẫn cách phòng chống động đất cho người dân địa phương. “Thủy điện Sông Tranh 2 là bài học để tỉnh xem xét đánh giá việc xây dựng các công trình thủy điện sau này. Các công trình thủy điện phải đánh giá đầy đủ tác động môi trường, bảo đảm an toàn cho người dân thì mới được xây dựng” - ông Thanh khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đề nghị EVN nhanh chóng đánh giá mức độ thiệt hại để đền bù, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải nghiên cứu thêm về công trình thủy điện Sông Tranh 2 cũng như động đất để đánh giá đúng bản chất vấn đề, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.
Bài và ảnh: HOÀNG DŨNG