THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 October 2012

Hiệu phó đánh học sinh chỉ vì nợ 6.000 đồng tiền mua sách?


Thứ Bảy, 20/10/2012 15:55

“Chỉ vì nợ 6.000 đồng tiền mua sách bài tập toán mà em Nguyễn Thị Vân Anh học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học B Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam bị cô Nguyễn Thị Hằng – hiệu phó nhà trường - xách tai và tát vào mặt ngay trong giờ học toán trước sự chứng kiến của 30 em học sinh và giáo viên chủ nhiệm.

Câu chuyện thật như đùa trên khiến các bậc phụ huynh không khỏi phẫn nộ về hành vi ứng xử và tư chất của một nhà giáo như cô Hằng. Hành động của cô Hằng đã làm tổn thương đến danh dự và lòng tự trọng của em Vân Anh nói riêng và toàn thể các học sinh lớp 4 C nói chung” – một phụ huynh bức xúc nói.


Em Nguyễn Thị Vân Anh cùng ông bà ngoại là Trần Thị Thành và Trần Văn Toản tường trình với phóng viên về sự việc

Nợ 6.000 đồng bị một cái tát?

Vừa qua chuyên mục Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục và Thời đại nhận được đơn thư của bà Trần Thị Thành (xóm 7 Cát Lại, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) phản ánh về việc cháu ngoại của bà là em Nguyễn Thị Vân Anh (lớp 4C, Trường Tiểu học B Bình Nghĩa) bị cô phó hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hằng xách tai và tát vào mặt ngay trong giờ học chính khóa. 

Theo đơn thư phản ánh và qua tường trình của em Vân Anh, nguyên nhân từ một việc hết sức đơn giản, “cách đây hơn 1 tháng, vào buổi sáng ngày 17-9-2012, trong giờ học toán (lúc 10 giờ - tiết cuối của buổi học), cô Hằng vào lớp của em và có hỏi: Bạn nào hôm trước mua sách của cô chưa trả tiền….Sau khi nhận ra em là người hôm trước mua chịu sách bài tập toán của cô, cô Hằng đã xách tai và tát vào mặt em ngay trước tập thể lớp khiến em rất xấu hổ và run sợ”.

Bà Trần Thị Thành, bà ngoại của Vân Anh, ngậm ngùi nói: “Hoàn cảnh của cháu rất đáng thương, có bố cũng như không, mẹ cháu phải đi làm ăn xa, hai ông bà già chúng tôi phải nuôi cháu ăn học. Tuy nghèo nhưng chúng tôi luôn cố gắng trang bị đầy đủ sách vở cho cháu học tập. 

Hôm đó, do cháu quên sách bài tập toán ở nhà, đến giờ học cháu sợ cô giáo kiểm tra nên đã ra cửa hàng nhà cô Hằng mua chịu. Mua xong cháu cũng không bảo với vợ chồng tôi nên mới chậm tiền của cô mất mấy ngày chứ chúng tôi có định quỵt tiền của cô đâu, vậy mà cô ấy nỡ lòng nào có hành động ứng xử như vậy với một đứa học sinh lớp 4. Cách hành xử của cô đã khiến lòng tự trọng của cháu gái tôi bị tổn thương và xấu hổ với bạn bè…”.

Em Vân Anh cũng cho biết thêm “sau khi sự việc xảy ra, em được cô Hằng gọi xuống phòng 2 lần và yêu cầu em viết lại tường trình không đúng với những gì diễn ra nhưng em kiên quyết không làm theo”.

Để xác minh độ chính xác của sự việc, chúng tôi đã gặp cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt – giáo viên chủ nhiệm lớp 4C (lớp em Vân Anh học). Cô Nguyệt xác nhận: “việc cô Hằng phó hiệu trưởng nhà trường có xách tai và tát em Vân Anh trước lớp là có thật. Lúc đó là giờ học toán, tôi là người trực tiếp giảng dạy và chứng kiến sự việc cùng với học sinh cả lớp…”.

Theo lãnh đạo Trường Tiểu học B Bình Nghĩa, lớp 4C nghỉ học buổi chiều ngày 18-10, tuy nhiên khoảng 14 giờ 40 phút chiều cùng ngày, phóng viên đã trực tiếp chứng kiến lớp học vẫn diễn ra bình thường do cô Nguyệt chủ nhiệm trực tiếp lớp giảng dạy

Có dấu hiệu bao che?

Chiều 18-10, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học B Bình Nghĩa. Tiếp chúng tôi là thầy Nguyễn Xuân Trường – hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Hiên – hiệu phó và một cán bộ văn phòng. Đề cập đến sự việc nêu trên, thầy Trường cho biết: “Hiện chúng tôi đang trong quá trình xác minh sự việc”.

Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi: Một sự việc hết sức đơn giản vậy mà đến nay đã hơn một tháng trôi qua nhà trường vẫn chưa có kết quả xác minh, điều này liệu có khách quan? 

Vấn đề mà phụ huynh lo lắng là, nếu kéo dài sự việc sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý học tập của các em. Dư luận cho rằng, ở đây có thể xảy ra hai trường hợp: Thứ nhất là năng lực quản lý của hiệu trưởng còn yếu kém và thứ hai là cố tình bưng bít mọi chuyện?

Khi chúng tôi đặt vấn đề sẽ xác minh cùng nhà trường bằng cách gặp những người liên quan như: tập thể học sinh lớp 4C (trong đó có em Vân Anh – người bị đánh), cô Nguyệt (giáo viên chủ nhiệm, người chứng kiến sự việc) và cô Nguyễn Thị Hằng – hiệu phó (người được cho là đánh em Vân Anh), thì thầy Trường kiên quyết từ chối với lý do “…chúng tôi đang xác minh nên không thể gặp…”.

Một lý do khác hết sức phản cảm đó là: Khi chúng tôi đề nghị cho gặp cô Nguyệt và tập thể lớp 4C thì thầy Trường và cô Hiên có nói là “chiều nay (18-10), lớp này được nghỉ học…”. 

Tuy nhiên, bằng phương pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã tìm đến khu lẻ của nhà trường, những gì mà chúng tôi chứng kiến hoàn toàn trái ngược với thầy Trường và cô Hiên nói ở trên. Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 14 giờ 40 phút chiều cùng ngày, toàn bộ học sinh lớp 4C đang học môn toán do chính cô Nguyệt chủ nhiệm lớp trực tiếp giảng dạy. 

Các em đều xác nhận là, cách đây hơn 1 tháng, trong giờ học toán của cô Nguyệt, cô Hằng – phó hiệu trưởng nhà trường đã xách tai và tát vào mặt bạn Vân Anh trước tập thể lớp.

Ngay sau khi xác minh xong sự việc, chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Hồng – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trao đổi với chúng tôi, bà Hồng cho biết “phòng GD-ĐT đã nhận được thông tin phản ánh về việc cô Hằng đánh học sinh chỉ vì học sinh đó còn nợ 6.000 tiền sách vở”. Bà cũng xác nhận chuyện đó là có thật.

Thiết nghĩ sự việc hết sức đơn giản nếu như nhà trường có cách giải quyết “thấu tình, đạt lý”. Theo bà Hồng, câu chuyện trở nên phức tạp lỗi là tại nhà trường đã không giải quyết dứt điểm và không báo cáo kịp thời với phòng ngay sau khi sự việc xảy ra. 

Với thái độ, hành vi ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm của giáo viên, nhất là cán bộ lãnh đạo đối với học sinh như Trường Tiểu học B Bình Nghĩa, phòng sẽ yêu cầu nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc sự việc ngay trong tuần này, tránh để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành sư phạm.
Theo Minh Hằng (Báo Giáo dục và Thời đại )