THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 April 2012

VIDEO - Đưa quan tài mẹ con sản phụ vào bệnh viện bắt đền



Mẹ con sản phụ Trần Thị Loan tử vong tại Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc. Người nhà cho rằng bác sĩ tắc trách làm chết bệnh nhân nên mang quan tài, di ảnh vào viện bắt đền. Hầu hết y, bác sĩ rời bệnh viện tránh mặt vì sợ hành hung.

Sáng 22/4, hàng trăm người dân cùng gia đình mang quan tài, di ảnh sản phụ xấu số kéo đến Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc để yêu cầu bệnh viện phải làm rõ nguyên nhân tử vong của hai mẹ con. Hầu hết y bác sĩ cùng nhân viên bệnh viện phải rời đi nơi khác vì lo sợ bị hành hung. Chính quyền địa phương cùng Sở Y tế phải tiếp quản điều hành bệnh viện.
Hàng trăm người kéo đến Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc để bắt đền cái chết của mẹ con sản phụ Trần Thị Loan. Ảnh: Tiến Hoàng.
Hàng trăm người kéo đến Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc để bắt đền cái chết của mẹ con sản phụ Trần Thị Loan. Ảnh: Tiến Hoàng.

Thai phụ Trần Thị Loan sinh năm 1978, trú tại Khúc Toại - Khúc Xuyên - TP Bắc Ninh. Bà Nguyễn Thị Se, mẹ đẻ của chị Loan đau đớn kể lại: "Khoảng 8h sáng ngày 20/4, con gái tôi có biểu hiện sắp sinh đã được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa Kinh Bắc để khám. Sau khi hoàn tất các thao tác khám, xét nghiệm, bác sĩ kết luận con gái tôi đang trong giai đoạn chuyển dạ đẻ và đề nghị nhập viện".
Theo bà, tối cùng ngày, gia đình và sản phụ nhiều lần đề nghị bác sĩ cho mổ sinh lấy ngày đẹp nhưng bị từ chối với lý do thai phụ khỏe, đẻ lúc nào cũng được. Khuya hôm ấy chị Loan đau đẻ và được gọi vào phòng sinh.
"Đến 0h30 ngày 21/4, con gái tôi đau quá, tím tái hết người, sùi bọt mép, lúc này các y bác sĩ mới cho gia đình tôi biết chỉ cứu được thai phụ và yêu cầu người nhà ra ngoài đồng thời gọi bác sĩ trưởng khoa sản đến để cấp cứu. Khoảng hơn 1h sáng, gia đình tôi được báo tin cả 2 mẹ con cháu Loan đã tử vong”, bà Se nghẹn ngào nói.
Người nhà cho rằng trước khi nhận được tin về cái chết của 2 mẹ con, một y tá ra ngoài hỏi gia đình về tiền sử bệnh tim của sản phụ. "Chúng tôi khẳng định Loan không bị bệnh tim, biết có điều chẳng lành nên chạy vào phòng thấy cháu đã chết, miệng trào bọt nghi là sốc thuốc", bà Nguyễn Thị Nhường, người nhà, cho biết.
Người nhà bệnh nhân ngất xỉu vì quá đau đớn. Ảnh: Tiến Hoàng.
Người nhà bệnh nhân ngất xỉu vì quá đau đớn. Ảnh: Tiến Hoàng.

Đây là lần sinh thứ 3 của sản phụ Loan. Con lớn của chị năm nay 13 tuổi, bé nhỏ được 10 tuổi. Chị không có tiền sử bệnh tật, sống bằng nghề kinh doanh gỗ, theo gia đình.
Ông Lê Văn Nam, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, Sở đã xuống hiện trường phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan chức năng liên quan phong tỏa, bảo đảm an ninh trật tự, tránh tâm lý quá khích của người nhà thai phụ.
"Chúng tôi cũng đã mời Viện kỹ thuật hình sự Bộ Công an về khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân tử vong của thai phụ”, ông Nam nói.
Ông Nam cho biết thêm, hầu hết bác sĩ, y tá đã rời khỏi bệnh viện để tránh bị hành hung nên Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cho bệnh viện phải đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại đây. Về cơ bản, các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện vẫn được đảm bảo sức khỏe.
“Trong trường hợp tình hình quá phức tạp, Sở Y tế Bắc Ninh sẽ chỉ đạo chuyển các bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc về điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi đang làm báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Bắc Ninh”, ông Nam khẳng định.
Tiến Hoàng

Doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ giải thể nhiều nhất



22/04/2012 09:53:00
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh với tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao trong quý 1/2012 đã đậm nét hơn trong cả báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội. 
Nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho thuê cửa hàng (ảnh minh họa)
Báo cáo ngày 17/4 của Chính phủ trình bày tại phiên họp sáng 20/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cập nhật số doanh nghiệp khó khăn lớn hơn các con số tại các báo cáo trước đó, cùng trong ba tháng đầu năm 2012. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trên 2.400 doanh nghiệp (số công bố tại họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ là trên 2.200 - PV) đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 11.600 doanh nghiệp (9.700 là con số tại họp báo Chính phủ) đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. 
Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. 
Trong tổng số doanh nghiệp đã giải thể, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đăng ký giải thể nhiều nhất (chiếm 26,1%); tiếp đến là ngành công nghiệp, khai khoáng (14,7%), ngành xây dựng và bất động sản (10,7%) và ngành vận tải - kho bãi (9,9%). 
Chính phủ cũng cho biết, trong quý 1/2012 cả nước có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 100,3 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 10% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. 
Đưa lại những con số về tình hình khó khăn của doanh nghiệp, song tại báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế có thêm một phân tích, đó là riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 62,18%. 
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian còn lại của năm 2012, Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, đồng thời tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa. 
Theo cơ quan thẩm tra, cần có giải pháp cụ thể nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, cạnh tranh và minh bạch thông tin, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước. Có chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn và giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhưng phải bám sát tín hiệu thị trường và triển vọng nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 
Theo đó, cần bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống, ngăn ngừa nợ xấu tăng cao, thận trọng, chặt chẽ trong việc nới lỏng tín dụng cho các khu vực phi sản xuất, tránh những can thiệp hành chính liên quan đến cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giãn nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm. 
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Trong đó có tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng nhằm giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 
Tại phiên thảo luận buổi chiều, Bộ trưởng Vinh cho biết trung tuần tháng 5 sẽ có bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp với độ chính xác cao hơn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Nguyên Hà
VnEconomy

Trung - Triều hội đàm cấp cao sau vụ phóng vệ tinh



22/04/2012 20:53:16
Ngày 21/4, Trung Quốc và Triều Tiên đã tiến hành cuộc hội đàm cấp cao nhất kể từ sau vụ phóng tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Hai bên cũng đã trao đổi quan điểm về tình hình căng thăng trên bán đảo Triều Tiên.

Mô tả ảnh.
Ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hãng Xinhua cho biết ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tiếp ông Kim Yong-il, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Lao động Triều Tiên, trong buổi hội đàm “chiến lược” về hợp tác giữa hai đảng cầm quyền ở hai nước.

“Hai bên đã trao đổi quan điểm về hợp tác phát triển giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Lao động Triều Tiên, về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm”, Xinhua đưa tin.

Cho tới nay, Bắc Kinh đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao với Bình Nhưỡng thông qua các kênh đảng, thay vì qua các kênh ngoại giao truyền thống.

Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa hôm 13/4. Mặc dù vụ phóng thất bại song vẫn gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và phương Tây, về việc Triều Tiên kiên quyết theo đổi tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân, bất chấp sức ép quốc tế.

Cuộc gặp diễn ra không lâu sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm vận đối với Triều Tiên khi để cho công ty Tam Giang Hồ Bắc của nước này bán một số linh kiện xe chở tên lửa cho Triều Tiên.
(Theo Dân trí)

Các bệnh nhân rời khỏi Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc



22/04/2012 14:30:25
 - Sau khi sự cố xảy ra, tại Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc, khiến thai phụ Trần Thị Loan bị tử vong, cơ quan chức năng đã cho chuyển các bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh) điều trị, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nên ở bệnh viện này không còn bệnh nhân nào.

Ông Lê Văn Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Vào hồi 17h ngày 21/4, khi các cơ quan chức năng tiến hành xong các giám định pháp y, gia đình thai phụ Trần Thị Loan mang quan tài về an táng, Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cũng không còn một bệnh nhân nào”.
Người thân của nạn nhân kéo đến bệnh viện nơi xảy ra sự việc
Người thân của nạn nhân kéo đến bệnh viện nơi xảy ra sự việc
Theo ông Nam, những bệnh nhân nặng, bệnh nhân còn đang trong giai đoạn hồi sức sau phẫu thuật đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh để tiếp tục quá trình điều trị, đảm bảo an toàn sức khỏe cho các bệnh nhân. Còn những trường hợp bệnh nhẹ đã tự rời khỏi bệnh viện.

Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc gửi văn bản báo cáo chính thức, giải trình toàn bộ sự việc với Sở Y tế Bắc Ninh vào ngày hôm nay (22/4).

Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc phải thực hiện kiểm khảo tử vong tại bệnh viện trong 14 ngày, có sự tham dự của Sở Y tế. Ngoài ra, từng thành viên Ban giám đốc và những cá nhân có liên quan sẽ phải có giải trình.
Nơi hai nạn nhân tử vong
Nơi hai nạn nhân tử vong
Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc đi vào hoạt động khoảng 3 – 4 năm nay. Đây là bệnh viện tư nhân, vì vậy các vấn đề về nhân sự cũng tài chính không thuộc quyền quản lý của Sở Y tế Bắc Ninh. Sở Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn và hành chính của bệnh viện” ông Nam cho biết thêm.

Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi có kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ công an, nết phát hiện có dấu hiện hình sự, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh sẽ vào cuộc điều tra làm rõ. 
Tiến Dũng

Cháu nội tàn nhẫn giết bà chỉ vì 20.000 đồng



22/04/2012 18:03:33
 - Thấy bà nội có nhiều tiền và cần tiền trả nợ và mua điện thoại di động đối tượng Đinh Quang Vinh (15 tuổi) đã nhân tâm sát hại chính bà nội của mình để cướp tiền.

Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Yến (72 tuổi) trú tại xóm 6, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Ngay sau khi vụ án mạng xảy ra công an huyện Lý Nhân đã phối hợp cùng với phòng CSĐT tội phạm về TTXH – công an tỉnh Hà Nam nhanh chóng vào cuộc điều tra.

Khoanh vùng đối tượng cơ quan công an xác định đối tượng gây án là Đinh Quang Vinh 15 tuổi, là cháu nội của nạn nhân.

Tại cơ quan công an đối tượng khai nhận, vào khoảng hơn 15h chiều ngày 20/4 trong lúc gia đình chỉ có hai bà cháu  Vinh đã viện cớ xin bà nội 20 nghìn đồng đi cắt tóc. Tưởng thât bà Yến đã đi lấy túi tiền đưa cho cháu thì bất ngờ bị Vinh dùng then cài cửa và ghế gỗ đập thẳng vào đầu khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ.

Sau đó đối tượng dùng dao cắt chiếc túi tiền mà bà nội luôn mang theo bên mình lấy 20.000 đồng, và bình thản rửa chân tay và thay quần áo xóa sạch vết máu rồi đi chơi điện tử và cắt tóc như chưa hề có chuyện gì.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Trung Kiên 

Xe khách đâm vào quán nước, nhiều người bị thương



22/04/2012 17:59:00
Khoảng 14h30 hôm nay 22/4, trên đường tỉnh lộ DT 741 thuộc ấp Nước Vàng, xã An Bình, H.Phú Giáo, Bình Dương đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Một người dân cho biết đang ngồi trong nhà (gần hiện trường vụ tai nạn) thì nghe một tiếng rầm khủng khiếp.

Chạy ra ngoài quan sát thì thấy một chiếc xe khách đâm vào quán cà phê ở bên kia đường. Lúc này quán cà phê có khá đông người đang đứng trú mưa.

Cú đâm bất ngờ của xe khách đã khiến một số người bị cuốn vào gầm xe và bị trọng thương.

Ngay sau sự việc xảy ra nhiều người đã nhanh chóng đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

Hiện tình trạng thương vong chưa được xác định.
Xe khách nằm lọt thỏm trong quán cà phê
Nhiều người trú mưa trong quán cà phê bị xe khách đâm trúng
Xe khách gây tai nạn của Công ty Thành Công
Hiện trường vụ tai nạn

(Theo TNO)

Thái Nguyên: Lại sạt lở bãi thải, một công nhân tử vong



22/04/2012 11:34:40
 - Khoảng 4h sáng ngày 22/4, tại bãi thải của Công ty Than Núi Hồng (thuộc Tổng Công ty công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinacomin, đóng tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên), xảy ra vụ sạt lở khiến một người chết.

Theo một số người dân khu vực, khi một công nhân đang lái máy gạt đất ở khu vực bãi thải Núi Hồng, bất ngờ đất đá sụt lở làm chiếc máy gạt bị rơi mấy chục mét xuống vực Moong xóm Mới đang ngập nước.
Khu vực xảy ra tai nạn
Chiếc máy gạt đang được kéo lên
Mọi người nhìn xuống không thấy người lái máy gạt đâu, nên xuống xem thế nào. Khi xuống đến nơi thấy người này đang nằm trong buồng lái, đã chết, nên mọi người đưa nạn nhân vào trạm xá mỏ than Núi Hồng để chờ thân nhân đến nhận.

Công ty than Núi Hồng đã phải cho một chiếc máy xúc đứng trên bờ vực Moong dùng dây cáp níu giữ chiếc máy gạt gặp nạn để tránh chìm sâu xuống lòng Moong.

Nạn nhân được xác định là anh Lại Ngọc Kính (41 tuổi ở thôn Làng Vằn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Anh Kính hiện đang là công nhân lái máy gạt đất của Công ty Than Núi Hồng.

Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan Công an tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ điều tra làm rõ.
 
Tiến Dũng

Lập cảnh sát đô thị: “Không hiểu gì mới đề nghị thế!”



22/04/2012 11:06:37
(Kienthuc.net.vn) - “Nếu thành lập ra lực lượng này thì sẽ giao trách nhiệm cho ai quản lý? Nó sẽ kéo theo đầy rẫy những phức tạp về ngành dọc, ngành ngang” - Trung tá Từ Nam Giang, cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ với Kienthuc.net.vn. 
Cảnh sát Việt Nam đang phải "song cùng"
Trung tá Từ Nam Giang cho rằng lực lượng cảnh sát nhân dân của Việt Nam hiện nay đang “song cùng”, vừa chịu sự quản lý về chuyên môn theo ngành dọc của Bộ Công an, lại vừa chịu sự quản lý về hành chính của UBND các cấp. 
Như vậy, nếu thành lập cảnh sát đô thị bằng cách ghép thanh tra các ngành ở đô thị và một số lực lượng cảnh sát tại địa bàn lại thì sẽ giao trách nhiệm quản lý cho ai, “nó sẽ là mấy cùng?”, Trung tá Giang đặt câu hỏi.
Đã có quá nhiều lực lượng tham gia giữ gìn trật tự đô thị. Ảnh minh hoạ
Ông Giang cũng cho rằng, dù trên thế giới, nhiều nước tiến tiến đã thành lập cảnh sát đô thị và lực lượng này đã đem lại hiệu quả cao nhưng Việt Nam không thể đưa cách quản lý này vào áp dụng một cách máy móc được. Đô thị của họ là những đô thị hiện đại, tương đối ổn định sau một thời gian dài phát triển, còn đô thị của Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành, thay đổi.
Về việc thành lập cảnh sát đô thị được một vài ý kiến ủng hộ gần đây, Trung tá Từ Nam Giang cho rằng hiệu quả đâu chưa thấy nhưng chắc chắn sẽ nảy sinh chồng chéo và ỷ lại.
“Nếu đó chỉ là sự tổng hợp lực lượng của các ngành trên địa bàn thì chắc chắn sẽ nảy sinh sự ỷ lại. Tiếng thì là một đơn vị nhưng bộ phận này sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho bộ phận kia. Và kết quả là sự lãng phí lực lượng, lãng phí tiền bạc”, Trung tá Giang đánh giá.
Không hiểu gì mới đề nghị thế
Liên quan đến những bất cập trong an ninh, trật tự đô thị hiện nay, Trung tá Giang cho rằng nó đến từ nhiều nguyên nhân. Sau khi Luật Cư trú ra đời, lao động di cư từ nông thôn về thành phố tăng đột biến cùng với đó là một lượng lớn người nông dân bị mất đất do đô thị hóa, công nghiệp hóa đã tạo thành áp lực rất lớn đối với việc làm, trật tự xã hội. Mà vỉa hè, lòng đường chính là những nơi phải chịu gánh nặng này trước nhất.
“Công chức làm việc chủ yếu tại văn phòng, thời gian đi lại, hoạt động ngoài đường trung bình chỉ 2 - 4 giờ/ngày, trong khi đó những người lao động tự do thì có thời gian trung bình là 10 - 12 giờ/ngày. Quản lý được các đối tượng này vô cùng khó vì họ không cố định”, Trung tá Giang chia sẻ.
Áp lực của vỉa hè, lòng đường còn đến từ sự không hợp lý của quy hoạch. Các trường ĐH, bệnh viện, chung cư cao tầng… tại trung tâm thành phố khiến mật độ dân cư tập trung quá cao, khiến người ta tràn ra tận dụng vỉa hè lòng đường làm nơi buôn bán, sinh hoạt.
“Như vậy, đề nghị thành lập cảnh sát đô thị là không hiểu gì! Hiểu đúng ở đây là phải làm sao để nhanh chóng giải quyết vấn đề áp lực mật độ dân cư, giải quyết vấn đề về quy hoạch… thì an ninh trật tự đô thị sẽ cải thiện nhanh chóng”, Trung tá Từ Nam Giang nhấn mạnh. 
Vũ Chương

Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Bình gửi tường trình đến công an huyện Chương Mỹ

BẢN TƯỜNG TRÌNH
Về việc khủng bố, có hành động giết người và hủy hoại, cướp bóc tài sản công dân ngày 14/4/2012 tại thôn Xuân Sen – xã Thủy Xuân Tiên – huyện Chương Mỹ


Kính gửi: Công an Huyện Chương Mỹ - Thành phố Hà Nội


Tôi là Nguyễn Văn Bình – Linh Mục Đoàn Địa Phận Hà Nội.

Tôi nhận được giấy Triệu tập (Lần 1) của Công an huyện Chương Mỹ để thẩm vấn về việc xảy ra sáng ngày 14/4/2012 tại thôn Xuân Sen – xã Thủy Xuân Tiên. Tôi rất mong tới để trực tiếp bày tỏ chi tiết diễn biến vụ việc xảy ra trong tư cách một người bị hại. Tuy nhiên, vì tình trạng sức khỏe không cho phép, thay sự hiện diện tại Phòng công an huyện Chương Mỹ hôm nay, tôi gửi tới đây bản tường trình này của tôi:

Thưa Quý vị,

Tôi có mua một căn nhà cấp 4 trên một khu đất tại thôn Xuân Sen – Xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tôi đã cho sửa sang lại ngôi nhà vì đã quá hư hỏng và dột nát. Quá trình mua bán, sửa chữa đã xong mà không có bất cứ một sự can thiệp nào của cơ quan chính quyền về vấn đề mua bán và sửa chữa. Việc mua bán và sửa chữa, theo đúng quy định của pháp luật và thực tế tại địa phương.

Từ ngày 4/3/2012, ngôi nhà đã sửa sang xong và tôi có cho các trẻ cô nhi và những người giám hộ các cháu tạm ở.

Hồi 4h00 sáng ngày 14/4/2012, có khoảng trên 30 người thanh niên bất ngờ ập tới ngôi nhà trên. Họ đã:
-         Đập phá cổng và tường rào.
-         Chặt các cây trong khu đất.
-         Khống chế những người trong nhà.
-         Đập điện thoại và máy chụp hình của những người trong nhà.
-         Đánh đập trẻ; đánh chảy máu và làm ngất xỉu một người giám hộ trẻ cô nhi.
-         Đập phá nhà cửa của chúng tôi.
Sau đó họ bỏ đi. Chúng tôi không biết những người này là ai, và vì sao họ đã làm như thế.
Trước đó, ngày 30/3/2012, người chứng kiến vụ hai người đàn ông mang theo kiếm tới hăm dọa đòi giết những người tại đó, đập phá, gây rối trước nhà của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thịnh ký tên cùng hai nhân chứng đã có văn thư báo cáo tình hình gây rối và đe dọa tính mạng với UBND xã Thủy Xuân Tiên.
Chiều ngày 13/4/2012, ông chủ tịch UBND xã Thủy Xuân Tiên đã có văn thư gửi cho tôi thông báo “cấm tụ tập đông người”  vào sáng ngày 14/4/2012 tại ngôi nhà của tôi ở thôn Xuân Sen – Xã Thủy Xuân Tiên mà mục đích là "ngăn chặn việc gặp gỡ một số người thân trong gia đình Agape của chúng tôi. Văn bản này là một văn bản hoàn toàn trái pháp luật vi phạm quyền tự do cá nhân của chúng tôi.
Lúc 9h00 sáng ngày 14/4/2012, sau khi dâng lễ tại Họ Vạn Nhân, xứ Tân Hội, tôi được cấp báo ngôi nhà của mình đang bị đập phá, người nhà đang bị hành hung. Tôi đã tới hiện trường để xem xét tình hình.
Tới nơi, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng thật kinh hoàng và đầy bạo lực được thực hiện trước sự chứng kiến của rất đông người (khoảng 200 người).
-         Rất đông cảnh sát giao thông mặc sắc phục chặn tất cả các lối dẫn vào nhà tôi. Họ không cho giáo dân vào nhà của tôi.
-         Ban hành giáo các xứ tôi phụ trách đều bị mời lên xã họp bất thường.
-         Khoảng gần 200 người tôi không quen biết, vẻ mặt hung hãn đang bao vây hỗ trợ cho những người đập phá nhà của tôi. Họ đã đánh, giật điện thoại và máy chụp hình của những người giáo dân tôi phụ trách đang có mặt tại đó.
-         Họ đập phá, vứt tung đồ đạc trong nhà của tôi ra ngoài, lấy đi ảnh tượng trong nhà – đập phá nhà của tôi.
Đang đứng nhìn cảnh tượng nhà mình bị đập phá, tôi bị một nhóm người xuất phát từ những người nói trên khống chế và tống ra ngoài khu đất của mình. Trước cửa nhà mình, đang khi nghe điện thoại gọi tới, tôi bị hai người thanh niên xô vào giật điện thoại của tôi . Tiếp theo, tôi bị vây đánh bởi khoảng gần 20 người đã sẵn sàng từ trước đó. Họ đánh tôi bằng những cú đánh thâm hiểm nhất có thể. Họ đấm vào 2 bên tai; vào mặt, bụng và mạng sườn của tôi. Cuối cùng, một cú đấm rất mạnh vào tai trái đã làm tôi ngã gục. Khi nằm trên nền đất, hai thanh niên mang giầy đã đá rất mạnh vào tai trái và vào thăn lưng trái của tôi làm tôi bất tỉnh. Sau đó họ bỏ tôi nằm lại bất tỉnh và rút vào đám người đang hỗ trợ cho những kẻ đang phá nhà của tôi (theo lời của các nhân chứng). Những người giáo dân đỡ đòn cho tôi cũng bị họ đánh thâm tím mặt mày và nhiều phần khác trên mình.
Sau cùng, tôi được đưa tới bệnh viện cách đó chừng 1km để được cấp cứu. Tại bệnh viện đó, một người giáo dân được tận tai nghe thông tin có một người đàn ông béo mập tới ra lệnh cho người trực viện rằng “ghi không tổn thương gì” nên sợ không an toàn, họ đã đưa tôi tới viện Việt-Đức để được chữa trị.
Hiện tình trạng sức khỏe của tôi suy yếu nghiêm trọng.
Thưa quý vị,
Rõ ràng, đây là một vụ khủng bố, đánh người vô cớ và đập phá, cướp đoạt tài sản đã xảy ra ở thông Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Đối tượng bị khủng bố ở đây là linh mục, giáo dân và các trẻ em cô nhi đang được nuôi dưỡng, các giám hộ.
Điều này không phải ngẫu nhiên, khi trước đó đã có văn bản của UBND Xã Thủy Xuân Tiên, một văn bản trái pháp luật và chà đạp lên quyền cơ bản của con người.
Trên đây là những điều tôi đã chứng kiến về vụ việc liên quan đến chúng tôi tại thôn Xuân Sen – Xã Thủy Xuân Tiên sáng ngày 14/4/2012.
Tôi đề nghị:
1.      Công an huyện Chương mỹ sớm làm rõ vụ việc này.
2.      Khởi tố hình sự vụ án khủng bố, cố ý đánh người gây thương tích nhằm mục đích giết người, xâm phạm chỗ ở và hủy hoại tài sản của chúng tôi một cách có tổ chức tại thôn Xuân Sen – xã Thủy Xuân Tiên sáng ngày 14/4/2012 trên đây.

Hà nội, ngày 19 tháng 4 năm 2012
                                                                                            Người viết tường trình



                                                                                               Nguyễn Văn Bình

Kinh hoàng: Đốt nhà, nổ súng truy sát trong vườn chuối



22/04/2012 15:31:50
Theo lệnh của gã đầu trọc, đám thanh niên bặm trợn đã rượt đuổi, chĩa nòng súng về phía hai bố con ông Trai rồi bóp cò.

Khoảng 14h00 ngày 21/4, 6 đối tượng mang theo súng, dao kiếm xông thẳng vào trang trại nằm trên khu vực bãi nổi giữa sông Hồng của gia đình anh Nguyễn Văn Tài (SN 1977, ở cụm 8, thôn La Thiện, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Tại đây, bọn chúng đã chém gục hàng trăm gốc chuối và đốt nhiều tài sản và truy sát các thành viên trong gia đình anh Tài.
Ngôi nhà sàn bằng khung sắt, ván gỗ đã bị đốt và tháo trộm khung

Theo lời kể của nạn nhân, cách đây hơn 1 tháng, đối tượng cầm đầu nhóm người kéo đến trang trại tên là Ngọc “trọc” đã đe dọa  anh Tài không được xây dựng trang trại trên phần đất mà anh đã được UNND xã Tản Hồng, huyện Ba Vì ký hợp đồng giao khoán. Trong lần hẹn đó, Ngọc “trọc” tự xưng là cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường và khẳng định, hắn mới có quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất bồi rộng hơn 16ha, nếu anh Tài không bàn giao đất cho Ngọc “trọc” thì đối tượng này sẽ cho đàn em đánh chết.

Do anh Tài không đồng ý với yêu cầu này nên chiều 13/4, Ngọc “trọc” cùng khoảng 15 đối tượng khác mang theo nhiều súng và các loại hung khí khác ép một người dân cùng thuê đất trên bãi giữa sông Hồng đưa đến trang trại nhà anh Tài. Vừa thấy chủ khu vườn, Ngọc “trọc” đã ra lệnh cho đàn em bắn nhiều phát súng, đuổi chém anh Tài và ông Nguyễn Văn Trai (SN 1958, là bố anh Tài).

Sau khi lẩn trốn dưới một rạch nước trên “ốc đảo”, anh Tài đã gọi điện nhờ CAX Tản Hồng đến giải cứu. Nhưng trước đó, vì không giết được bố con chủ trang trại, một số đối tượng có mặt gần ngôi nhà sàn của anh Tài đã cầm các loại hung khí đánh vào chân bà Nguyễn Thị Hậu (SN 1958, vợ ông Nguyễn Văn Trai) làm người phụ nữ này ngã ra sàn nhà. Sau đó, bọn chúng đã tưới xăng lên toàn bộ ngôi nhà rồi châm lửa đốt.

Đến trưa 20/4, nhóm của Ngọc “trọc” lại kéo đến trang trại để tiếp tục chặt phá hoa màu, tháo dỡ, lấy trộm khung kèo sắt của ngôi nhà sàn mà bọn chúng đã đốt đồng thời lấy một số tài sản và đốt thêm 1 gian lều tạm của gia đình anh Nguyễn Văn Tài.

Chiều hôm qua (21/4), khi bà Nguyễn Thị Hậu đi chặt chuối đã bị nhóm của Ngọc “trọc” bao vây, truy sát. Tại đây, 6 đối tượng vừa phá hoại hoa màu, cây cối, vừa lùng sục đòi giết bằng được người thân của anh Tài. Trong quá trình chạy trốn, bà Hậu đã gọi điện cho con trai và lực lượng công an xã.

Nhận tin báo, CAH Ba Vì, Công an xã Tản Lĩnh cùng một số đơn vị khác đã có mặt tại bãi bồi giữa sông Hồng. Qua truy xét, lực lượng công an đã bắt 2 đối tượng liên quan đến vụ án. Tại đây, qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 3 đao, nhiều kiếm bị gãy chuôi, 1 quả bộc phá tự tạo có ngòi nổ bị cháy dở (nằm cách ngôi nhà bị đốt khoảng 100 mét).

Theo điều tra ban đầu, vụ việc xảy ra do nhóm của Ngọc “trọc” sau nhiều lần muốn mua lại trang trại để khai thác đất cát san nền nhưng không được chủ khu vườn chấp thuận nên đã cùng đàn em đe dọa, tấn công gia đình anh Tài để tạo sức ép.

Cơ quan công an đang tích cực điều tra, truy xét các đối tượng liên quan đến vụ án.
 
(Theo ANTĐ)

Bị "cướp trắng" ý tưởng không hiếm



22/04/2012 13:59:51
(Kienthuc.net.vn) - Từ ngày 25/4 tới đây, tác giả sáng kiến sẽ được nhận mức tối thiểu 7% tiền làm lợi thu được do áp dụng sáng kiến của mỗi năm. Theo PGS.TS Phạm Gia Điền thì dù đã muộn, song nó cũng là một cách động viên thiết thực. Thúc đẩy người ta nghiên cứu mà không tạo ra sự lãng phí, như hiện trạng của nền khoa học hiện nay.

Từ trước đến giờ làm gì có tiền!

Ông đánh giá thế nào về quy định tác giả sáng kiến sẽ được nhận tối thiểu 7% lợi nhuận?

Đó rõ ràng là một quy định tốt. Nó khuyến khích mọi người tìm ra những sáng kiến cải kiến kỹ thuật mới. Tuy nhiên, đến giờ mới có quy định này thì đã muộn mất rồi. Cái thời kỳ người người, nhà nhà tập trung sáng kiến đã qua rồi. Giờ máy móc phát triển, công nghệ sẵn có, các sáng kiến giờ cũng hạn chế nhiều.

Nhưng rõ ràng có còn hơn không. Từ trước đến giờ, việc ưu đãi với những sáng kiến này được thực hiện thế nào thưa ông?

Từ trước giờ, không ai nói gì, cũng như không có quy định nào về việc trả thù lao cho tác giả những sáng kiến đó cả.

Nghĩa là từ trước đến giờ, tác giả sáng kiến không hề có tiền?

Đúng thế. Tôi có quen một người, có đến hơn 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến. Họ nghĩ ra nhiều sáng kiến nhưng họ không thu được cái gì cả. Cùng lắm có nơi họ thưởng cho những sáng kiến ấy một khoản tiền nhỏ, thế thôi.

Vấn đề phát sinh của quy định này là tính lợi nhuận thế nào cho công khai, đảm bảo công bằng.

Ông có thể ví dụ cụ thể hơn?

Ví dụ như trước đây sản xuất một chiếc cốc thì họ làm chảy thủy tinh rồi thổi, cho vào mài và làm ra cái cốc. Giờ người ta làm một cái khuôn rồi đổ vào đó và ép là ra sản phẩm. Thế thì sáng kiến cải tiến quy trình đó trị giá bao nhiêu tiền, hiệu quả thế nào, thì sẽ rất khó tính hiệu quả cụ thể. Nếu không thể tính được hiệu quả thì cũng không thể tính được tiền phần trăm mà chia cho tác giả sáng kiến được.

Nghĩa là có quy định thì mừng, nhưng chưa thể yên tâm vì không biết cân đong thế nào cho đúng?

Cái này lại phải trông chờ vào sự trung thực của người tính toán. Đa phần các sáng kiến ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu sản xuất trực tiếp, mang tính tự phát chứ cũng không có cơ quan nào đứng ra hệ thống hay bảo vệ tác giả các sáng kiến này cả.
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hoá học, Viện KH&CN Việt Nam.
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hoá học, Viện KH&CN Việt Nam.

Chẳng nhà khoa học nào đủ sức đi kiện

Số người có sáng kiến trong giới khoa học có nhiều không thưa ông?

Trong giới khoa học chỉ có phát minh sáng chế hoặc bản quyền nghiên cứu, còn sáng kiến chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp. Sáng kiến là những thay đổi đem lại hiệu quả sản xuất và giảm nhẹ sức lao động.

Ở lĩnh vực phát minh sáng chế thì có cơ chế tương tự không? Hiện các nhà khoa học đã mặn mà với phát minh sáng chế hay chưa?

Tôi biết nhiều quy trình công nghệ được làm ra nhưng họ không đăng ký bản quyền. Vì nền khoa học của Việt Nam chưa phát triển. Ở các nước khác, dù cái nhỏ nhất được đăng ký bản quyền thì nhà nước cũng bảo vệ quyền lợi cho họ.

Còn ở Việt Nam, để thắng kiện khi ra tòa thì mất rất nhiều tiền. Đã không mang lại lợi ích mà lại phải mất tiền, nên người ta ít quan tâm đến việc kiện cáo đó. Những chi phí cho việc khiếu kiện hay thiệt hại trong quá trình sản xuất, bị ăn cắp bản quyền, đều không được bảo vệ.

Vì sao lại có tình trạng đó thưa ông?

Không phải là không muốn, nhưng muốn đăng ký thì thủ tục của nó cũng rườm rà. Thứ nữa là kinh phí bỏ ra tương đối lớn. Đáng lẽ Nhà nước nên giúp đỡ hỗ trợ cái tiền đăng ký đó. Các nhà khoa hoc không tham vọng sử dụng cái đó làm lợi cho bản thân mình nhưng công sức lao động, nghiên cứu của mình cần được công nhận. Hiện cũng có nhiều nhà khoa học có công trình sản phẩm được đăng ký bản quyền. Nhưng hiện tượng bị lấy cắp công thức, bị "cướp trắng" ý tưởng, cũng không phải là hiếm. Mà chẳng nhà khoa học nào có sức để đi kiện cả.

Nghiên cứu khoa học đang thất bại

Theo ông thì số nhà khoa học chủ động đem sản phẩm của mình đi ứng dụng có nhiều không?

Không. Ở Việt Nam đó là sự thất bại của quá trình nghiên cứu khoa học. Mọi người hay nói là ở Việt Nam, Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền để nghiên cứu khoa học mà làm ra ít sản phẩm, nhất là những sản phẩm có thể ứng dụng vào sản xuất.

Thực ra không phải thế. Họ làm rất nhiều thứ, nhưng lại không có cơ chế đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Muốn đưa được thì phải có công nghệ. Phần công nghệ của mình còn rất kém nên chỉ dừng ở mức nghiên cứu thành công. Từ đó đến sản xuất là một bước dài. Bước dài đó phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. 

Kết quả nhiều, ứng dụng ít, có phí quá không?

Rất phí. Có một điều, đầu tư nghiên cứu sản phẩm đưa ra thị trường phải cao gấp 5 lần đầu tư trong phòng thì nghiệm. Hiện nay, Nhà nước có quy định đầu tư 1/3 số tiền cho các đề tài khoa học triển khai ứng dụng. Nhà khoa học phải bỏ ra 2/3.

Nhưng đa phần nhà khoa học không có tiền. Muốn làm thì các nhà khoa học phải đi tìm đối tác, thường là công ty. Nhưng không phải công ty nào cũng dám bỏ tiền ra. Quả tình là khó.

Đó có phải là sự yếu kém của các nhà khoa học?

Không hẳn. Vì ở Việt Nam, người làm khoa học chỉ chăm chú vào làm khoa học chứ họ không nghiên cứu thị trường hoặc có quan hệ với các công ty. Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, một ông giáo sư có thể mở công ty riêng. Khi ông nghiên cứu ra một sản phẩm, nếu không bán hoặc chuyển giao được thì ông có thể tự ứng dụng tại công ty của mình. Nhưng ở Việt Nam thì nhà khoa học không được phép mở công ty. Họ chuyên tâm làm khoa học, không được tham gia vào sản xuất. Đó cũng là hạn chế. Rồi nhận thức về vai trò của khoa học của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Doanh nghiệp thì không dám mạo hiểm đầu tư. Thành ra đến giờ khoa học vẫn cứ dậm chân tại chỗ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP "Ban hành Điều lệ Sáng kiến" của Chính phủ, trường hợp chủ đầu tư tạo ra sáng kiến là tổ chức kinh tế hoặc là đơn vị sự nghiệp có thu và hạch toán độc lập, nếu giữa tác giả sáng kiến và chủ đầu tư tạo ra sáng kiến không có thỏa thuận thì việc trả thù lao được thực hiện theo quy định: Thù lao trả hằng năm trong 3 năm đầu tiên áp dụng sáng kiến, trả trong thời hạn 1 tháng tính từ ngày kết thúc mỗi năm áp dụng, với mức tối thiểu 7% tiền làm lợi thu được do áp dụng sáng kiến của mỗi năm, trường hợp không tính được tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến thì trả với mức tối thiểu 5 lần mức lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước tại thời điểm trả thù lao...
Tô Hội (Thực hiện)

Việt Nam nhờ WHO giúp tìm nguyên nhân bệnh lạ ở Quảng Ngãi



Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân bệnh lạ, cho dù hội đồng chuyên môn của Bộ Y Tế Việt Nam đã họp khẩn để tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh đang gây nhiều lo ngại cho người dân huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Source vtc.vn
Bàn chân của một bệnh nhân mắc bệnh lạ ở Quảng Ngãi.
Sau cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ Trưởng Bộ Y Tế Việt Nam cho biết chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh này, vì thế Bộ sẽ mời các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Trung Tâm Phòng Chống Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ trợ giúp để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Ông Thứ Trưởng Bộ Y Tế Việt Nam cũng nói rằng ngay trong lúc này, các chuyên gia dịch bệnh của Việt Nam đã thống nhất về những phương pháp điều trị tốt hơn, nhằm hạn chế số người chết hay bị lây nhiễm bệnh.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Kéo côn đồ tới chém sư sãi trong Chùa?



2012-04-21
Chùa Rô không chỉ bị chính quyền gây khó dễ cấp giấy phép tu sửa từ năm 1985 mà còn đang đứng trước nguy cơ phải mất đất diện tích 18 công khi có một gia đình người Việt khẳng định diện tích đất vừa nói thuộc sở hữu của họ.
RFA
Các nhà sư Khmer Krom ở vùng An Giang giáp ranh Campuchia. Ảnh minh họa RFA
Vụ tranh chấp này ra tòa hồi năm 1997. Ngày 18/4 vừa qua, phía tranh chấp kéo côn đồ tới chém sư sãi trong chùa, khiến không ít sư sãi và Phật tử phẫn nộ. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình như sau.

Tranh chấp đất đai

Chùa Rô được người dân xã An Cư, thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang xây dựng hồi năm 1912. Nhưng do nhà chùa bị phá hoại nặng nề trong thời chiến với Khmer Đỏ, người dân phải chạy sang sinh sống ở khu kinh tế mới Sóc Trăng, khiến chùa bị bỏ lại hàng chục năm.
Từ năm 1985, sau khi trở về quê hương, Phật tử của chùa quyên góp của cải mỗi người một ít để tu sửa dựng lại mái chùa. Do gần 95% người Khmer sống ở đồng bằng sông Cửu Long theo đạo Phật, niềm tin vào Phật pháp khiến họ gần nhau hơn. Và từ đó ngôi chùa này đã giúp họ hiểu rõ hơn giáo lý Phật pháp, đoàn kết hơn qua các buổi thuyết giảng của các vị sư sãi.
Tuy nhiên sự việc không đơn giản khi gia đình của ông Lê Văn Trung sống gần chùa khởi kiện lên tòa án cấp huyện, rồi tới Trung Ương cáo buộc nhà chùa tu sửa trên diện tích đất 18 công ruộng của họ. Sau khi ông Trung chết, con rễ là ông Banh Kim An tiếp tục thưa kiện sư sãi chùa Rô. Cuối năm 2011, Tòa án tối cao tỉnh An Giang mời hai bên đến làm việc nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Tấn công dã man có tổ chức

Sự việc tồi tệ hơn đã tới sau khi cháu của ông Banh Kim An tên Thanh kéo côn đồ tới chém, đánh đập sư sãi trong chùa hồi ngày 18/4/2012.
Trụ trì chùa Rô là sư Chau Sóc Khonl cho biết có hai vị sư bị thương do côn đồ tấn công. Chuyện này xảy ra khi vụ tranh chấp đất đai giữa một gia đình người Việt và sư sãi trong chùa kể từ năm 1997 đang ở đỉnh cao. Có lẽ họ thuê nhóm côn đồ tấn công vào sư sãi nhằm hăm dọa và khống chế tinh thần để không còn khiếu nại vụ đất đai đang có tranh chấp.
Trụ trì chùa Rô sư Chau Sóc Khonl phát biểu:
“Do thấy người Việt tấn công vào mấy ông sư nên các Phật tử đánh lại, rồi bắt giao cho công an. Họ tấn công vào ông sư lúc sư đang ngồi chơi trong chùa. Nếu các vị sư không chạy thì có lẽ họ sẽ đánh chết tại chùa.”
Trước những hành vi của nhóm côn đồ này, Phật tử của chùa Rô cho rằng đây là hành động tấn công dã man có tổ chức vì có vũ khí như búa, gậy, dao dài và ống tiếp trong tay. Trong nhóm côn đồ vừa nói chỉ có một người tên Thanh mà Phật tử của chùa quen mặt, còn bảy người khác đều là dân chơi từ xa đến.
Họ tấn công vào ông sư lúc sư đang ngồi chơi trong chùa. Nếu các vị sư không chạy thì có lẽ họ sẽ đánh chết tại chùa.
Trụ trì chùa Rô sư Chau Sóc Khonl
Một phật tử sống gần chùa Rô là bà Neáng Chiên kể lại:
“Chúng tôi đang chuẩn bị đi lễ, bỗng nhiên thấy bọn côn đồ đuổi theo đánh hai ông sư. Sư chạy vào nhà tôi trốn nhưng họ sử dụng một con dao dài đâm thẳng vào nhà tôi, khiến con gái tôi 17 tuổi bị thương nhẹ và đập bể bóng đèn nhà tôi.
Tôi thấy tình hình hỗn loạn như vậy, tôi la lên. Ba thằng côn đồ khác thấy tôi la, họ xách búa, dao dài, ống tiếp đuổi theo chém tôi. Tất cả có 8 người đuổi theo chém ông sư. Sau khi tôi la lớn lên, mời ban quản lý chùa và Phật tử đánh trống triệu tập được khoảng 300 người để giúp bảo vệ ông sư.
Tôi tin rằng nếu không có Phật tử can thiệp thì hai vị sư kia sẽ bị chém chết. Chúng tôi rất sợ và lo lắng đến sự an toàn của sư sãi trong chùa. Chúng tôi yêu cầu chính quyền tiến hành kiểm tra làm rõ sự việc”.
Trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ mất trộm đồ đạc ở các chùa Khmer và vụ côn đồ tấn công vào chùa Phật giáo cũng xảy ra triền miên. Ngoài ra, công nhân người dân tộc thiểu số Khmer đi làm ở Thành Phố cũng bị chém chết. Các vụ trọng án ngày càng nhiều, cuộc sống không còn an toàn nữa khiến cộng đồng dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long càng phẫn nộ khi chính quyền không tiến hành kiểm tra làm rõ trách nhiệm cụ thể, không có kết quả thông cho gia đình nạn nhân, ngược lại còn chụp mũ gia đình nạn nhân là phản động. Cụ thể hồi ngày 2/9/2010 vừa qua, ít nhất có một công nhân người Khmer bị chém chết và 11 người khác bị thương do nhóm người Việt tấn công trong lúc đang làm việc cho một công ty Cao Su ở tỉnh Đồng Nai.

Công an: hiểu lầm

Liên quan vụ nhóm côn đồ tấn công vào chùa Rô, chúng tôi có liên lạc đến Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Quân, Phó Công an huyện Tịnh Biên Chau Cơ, Chủ tịch UBND xã An Cư Chau Chanh Đô Ra, Phó Công an xã An Cư tên Trọng và nhiều quan chức khác có trách nhiệm điều tra sự việc và làm việc với sư sãi cũng như Phật tử của chùa nhưng đều từ chối cung cấp thông tin cụ thể.
Trong khi đó, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang Võ Thanh Liêm cho RFA biết rằng đây là sự hiểu lầm, không có chuyện tổ chức tấn công chùa. 
Ông nói xong, chuyển máy cho một người khác giải thích tiếp:
“Vấn đề này không phải là vấn đề gì vì thanh niên không hiểu. Tôi đang xử lý vấn đề này rồi. Chuyện này, tôi cũng chưa rõ lắm nhưng để có vấn đề gì thì tôi sẽ báo cho ông sau. Tôi cũng chưa rõ vấn đề nữa, để tôi hỏi lại.
Sư thấy vụ đó, họ vào phá chùa, rồi đánh sư chứ không phải vào tắm bình thường. Nếu họ vô tắm bình thường thì không sao. 
Trụ trì chùa Rô sư Chau Sóc Khonl
(Chuyển máy cho người khác giải thích tiếp) bây giờ cái vụ này nó có thật xảy ra. Những người đi vô chùa Rô là những người ở thị trấn Nhà Bàn. Dân này là những đứa thanh thiếu niên, nó đi không phải là đem dao để tấn công chùa nhưng mà đi vô đó, mục đích là tới xin nước để tắm. Nhưng khi ông sư chưa kịp lấy cái gáo múc nước thì mấy ông này nhảy xuống hồ. Hồ nước sinh hoạt. Khi ông sư góp ý, anh em cự lại. Có nghĩa là cũng muốn có thái độ cự, rồi giằng co. Lúc đó, nhà chùa cho đánh trống triệu tập Acha (Ban quản trị chùa), bà con lại bắt mấy ông này. Hiện công an huyện đang xử lý.”
Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như lời giải thích của Ủy Ban Dân tộc tỉnh An Giang vì trong số 8 người nói trên, đã có đến 7 người phải nhập viện tại thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên. Tin cho biết đến lúc này đã có một người chết, một người khác phải chuyển đi bệnh viện Sài Gòn do bị người dân đánh trọng thương.
Trụ trì chùa Rô có nhận định khác hoàn toàn: “Sư thấy vụ đó, họ vào phá chùa, rồi đánh sư chứ không phải vào tắm bình thường. Nếu họ vô tắm bình thường thì không sao. Thấy sư sãi ít người, họ đánh sư. Do sư cả không ở chùa, nếu sư cả ở chùa thì chắc họ đánh chết sư cả luôn. Vì ở trong chùa có hai vị sư chạy tới nhà dân nhưng họ vẫn đuổi theo đánh tới nhà dân.”
Trước đó, hàng trăm vụ khiếu kiện đất đai của người Khmer ở tỉnh An Giang, tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, và vụ côn đồ kéo tới chùa đánh đập sư sãi, quấy rối tài sản nhà chùa ở tỉnh An Giang và Trà Vinh, Sóc Trăng cũng chưa thấy chính quyền tiến hành làm rõ sự việc. Ngược lại, người dân oan lại bị cáo buộc trắng trợn; sư sãi bị chê bai, phỉ báng.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.