THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 May 2012

Máy bay Trung Quốc đe dọa tàu Việt Nam đi thăm Trường Sa

Thanh Phương
Bán đảo Cam Ranh (DR)
Bán đảo Cam Ranh (DR)


Một thông tin trên mạng cho biết là hai máy bay khu trục Trung Quốc hôm nay 01/05/2012 vừa xâm phạm vùng trời Việt Nam tại khu vực bán đảo Cam Ranh và phía bắc tỉnh Ninh Thuận. Hiện chưa có nguồn tin chính thức xác nhận tin này, nhưng được biết là trước đó, khi đoàn đại biểu Đà Nẵng đi thăm Trường Sa trong tháng tư vừa qua, máy bay Trung Quốc đã bay bên trên để đe dọa.

Thông tin đăng trên trang mạng Ba Sàm 
(http://anhbasam.wordpress.com/ ) hôm nay cho biết nhiều phóng viên đang cố liên lạc với Vùng 4 hải quân (đóng tại Cam Ranh) để kiểm chứng thông tin nói trên, nhưng chưa được trả lời.

Trong khi đó, theo lời nhà báo Thanh Thảo từ Quảng Ngãi, trong chuyến đi thăm huyện đảo Trường Sa của đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng từ ngày 21/4 đến 28/4 vừa qua, khi đoàn tàu Hải quân chở đoàn ra Trường Sa, máy bay Trung Quốc đã bay bên trên để hù dọa :

« Tôi mới làm việc sáng nay với đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng đi thăm chiến sĩ Trường Sa mới về. Các anh có trách nhiệm trong đoàn nói rằng trong quá trình tàu hải quân chở đoàn đi Trường Sa, nhiều lần máy bay Trung Quốc bay trên đầu, bay qua rồi bay lại, tỏ ý dọa dẫm, cảnh cáo. Tất nhiên là tàu hải quân Việt Nam thì không việc gì phải sợ, mà máy bay Trung Quốc thì cũng chẳng làm gì, nhưng họ cứ bay qua bay lại nhiều lần như thế. Như vậy chuyện máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Việt Nam là có thật.


Thông tin trên mạng đưa ra vào trưa nay, 01/05, về việc hai máy Trung Quốc xâm phạm không phận Việt Nam ở khu vực Khánh Hoà, Cam Ranh thì còn cần phải được kiểm chứng. Nhưng trước đó, không dưới một lần, Trung Quốc đã xâm phạm không phận và hải phận Việt Nam, ( xâm phạm ) hải phận thì nhiều hơn. Còn bây giờ là tiến tới ( xâm phạm ) không phận. Về thông tin trưa nay thì các báo chí đang liên lạc với vùng 4 hải quân để chờ những thông tin chính thức. 

Khi máy bay Trung Quốc xâm phạm thì bao giờ cũng có mục đích, chứ họ không bay khơi khơi cho tốn xăng. Mục đích đó thì ai cũng biết là để cảnh cáo, đe dọa Việt Nam. Thông điệp về sự đe dọa cũng khác nhau tùy theo cách bay, độ cao. Họ cũng muốn thăm dò đối phương xử lý ra sao. Vừa đe dọa, vừa thăm dò cũng là chiến thuật mà Trung Quốc hay dùng. Lãnh đạo Việt Nam cũng phải có cách xử lý một cách phù hợp tùy theo mức độ của thông điệp. »

Nguồn: RFI Việt ngữ.

BBC LOAN TIN: 
Máy bay Trung Quốc 'dọa' tàu Việt Nam?
Cập nhật: 14:23 GMT - thứ ba, 1 tháng 5, 2012

Một nguồn khả tín cho BBC hay Trung Quốc đã điều máy bay ra vùng biển của Việt Nam khi một đoàn đại biểu đang trên đường ra thăm quần đảo Trường Sa hồi cuối tháng Tư.

Nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo ở miền Trung nói với BBC rằng trong cuộc tiếp xúc của ông vào sáng thứ Ba 1/5 với một số thành viên đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng tham gia chuyến thăm Trường Sa một tuần và kết thúc ngày 28/4, ông được thông tin họ đã "chứng kiến máy bay Trung Quốc lượn phía trên tàu".
"Họ nói máy bay của Trung Quốc bay đi bay lại nhiều lần, dường như có ý đe dọa hay cảnh cáo gì đó."

"Thế nhưng các anh cho rằng nó (máy bay Trung Quốc) bay thì bay thế thôi, vùng biển của mình, mình chẳng có gì phải sợ."

Tuy nhiên, dường như không có động thái Việt Nam điều chiến đấu cơ ra đối phó với máy bay Trung Quốc.

Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối Việt Nam đưa các đoàn khách ra thăm quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc và một số nước khác cũng đang yêu sách chủ quyền.

Mới nhất, một đoàn đại biểu Việt kiều cũng đã được giới chức trong nước tổ chức ra thăm đảo ở Trường Sa mà Việt Nam đang nắm giữ.

Đại diện một kênh truyền hình tiếng Việt ở Mỹ cũng được ra thăm đảo, nhưng yêu cầu của BBC không được cơ quan chức năng chấp nhận. 


Xâm phạm vùng biển


Đây không phải lần đầu Trung Quốc điều máy bay ra vùng biển của Việt Nam nhưng không được công bố trên các kênh chính thống.

Trong vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2 tháng 5/2011, các tàu hộ tống của Việt Nam đã ghi lại được hình ảnh tàu Trung Quốc bay trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Máy bay Trung Quốc cũng nhiều lần vào không phận và hải phận của các quốc gia lân cận, có thể để thăm dò, quan sát hay dọa nạt.

Trong mộ́t diễn biến khác, đang xuất hiện cáo giác trên mạng internet về việc "hai máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng trời Việt Nam tại khu vực bán đảo Cam Ranh và phía bắc tỉnh Ninh Thuận" vào sáng thứ Ba 1/5.

Thông tin này BBC chưa thể kiểm chứng độc lập.
Nguồn: BBC Tiếng Việt.


Bản tin trên trang Ba Sàm:


CỰC CỰC NÓNG!!!17h: Tin từ CTV: “Trung quốc cho máy bay khu trục xâm phạm vùng trời Việt Nam?


Trưa 1-5, nguồn tin riêng cho hay, hai máy bay khu trục Trung Quốc vừa xâm phạm vùng trời Việt Nam tại khu vực bán đảo Cam Ranh và bắc tỉnh Ninh Thuận. Một số báo lập tức cho phóng viên kiểm chứng. 

Trực ban chiến đấu Vùng 4 hải quân (đóng tại Cam Ranh) cho biết, đang tác nghiệp căng thẳng và không được phép cung cấp thông tin, đề nghị phóng viên làm việc với Phòng Chính trị Vùng 4 – có chức năng trả lời báo chí. 

Tuy nhiên, 3 số điện thoại bàn của Phòng Chính trị đều không nhấc máy. Điện số điện thoại bàn của ông (
Ngọc)
Hóa , Chính ủy Vùng 4 để xác minh tin trên, ông nói tin quân sự, không thể cung cấp cho báo chí (dấu hiệu bất thường, ngày lễ, Chính ủy vẫn trực!)

Một nguồn tin từ phóng viên ở Phan Rang cho hay, một số sĩ quan không quân lại nói rằng, vụ việc xảy ra ở ngoài Đà Nẵng, một sư đoàn không quân ta ở đó đã cho máy bay xuất kích để xua đuổi máy bay TQ. Nhưng có lẽ máy bay TQ không cố ý xâm phạm vùng trời VN, mà mục tiêu là diễu võ dương oai hoặc trinh sát cuộc tập trận của Hàn Quốc (?)

Cuối chiều 1-5, một số báo ‘lề phải’ vẫn nỗ lực liên lạc với giới chức liên quan để kiểm chứng.

Điều không bình thường là ở chỗ, một số lãnh đạo các đơn vị quân sự liên quan không phủ nhận nguồn tin trên, nhưng nhất định không cung cấp thông tin.

Nếu không phải máy bay TQ, mà là của nước khác sự thể có thể khác?! Tương tự vụ 2 tàu hút bùn TQ xâm nhập trái phép vịnh Nha Trang, nay thông tin diễn biến xử lý cũng ‘mất hút’!!!”

Đề nghị các cơ quan chức năng cho kiểm chứng ngay, nếu đúng, nên cho phép báo chí cung cấp thông tin ít nhiều. Có thể tin đầu ghi là “máy bay nước ngoài” cũng được, để tránh cho các đồng chí ở “trên” tăng áp huyết … À! Hay là máy bay của tụi … “Việt Tân”?

Nữ dân quân dùng liềm bắt giặc lái Mỹ

GiadinhNet - Giữa hàng nghìn kỷ vật kháng chiến đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4, hình ảnh cô dân quân nhỏ bé nhưng đầy kiên cường, bất khuất cùng với kỷ vật chiếc liềm - vũ khí để bắt sống giặc lái Mỹ năm nào đã thôi thúc tôi lên đường đi tìm người trong bức ảnh…
Bà Hường kể lại chiến công. Ảnh:Hồ Hà
 
Dùng liềm đấu với súng
 
 
Thắc mắc tại sao ngày đó bà "gan" thế, thằng Mỹ to như vậy, một mình bà chẳng có gì ngoài cái liềm trong tay mà vẫn rượt nó đến cùng, bà nói: "Ngày đó căm thù lắm chứ! Bọn chúng bỏ bom chết bao nhiêu người, từ già đến trẻ, có từ ai đâu!. Ai gặp phải trường hợp như tôi cũng làm thế cả thôi".
Người con gái dùng liềm đấu với súng để bắt sống được phi công Mỹ năm xưa là nữ dân quân Lê Thị Hường ở thôn Đình Long 1, xã Nam Hưng, Nam Đàn, Nghệ An. Khi quê hương đã lắng mùi khói súng, người nữ dân quân này lập gia đình và sống cuộc sống bình dị, tảo tần.

Căn nhà của bà nhỏ bé, nằm heo hút dưới chân đồi. Trong nhà đồ đạc chẳng có gì đáng giá ngoài hai chiếc giường và một chiếc sập dùng để đựng lúa và làm nơi thờ cúng tổ tiên. Đã mấy mươi năm trôi qua, kỉ niệm về những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân miền quê xứ Nghệ, đặc biệt là ký ức bắt sống được giặc lái vẫn luôn in đậm trong kí ức tâm khảm của bà Hường.

Năm 1966, mới ngoài hai mươi nữ dân quân Lê Thị Hường gia nhập vào "Đội cảm tử rà phá bom mìn", thuộc dân quân xã Thanh Lam (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương). Công việc chính là rà phá bom mìn, vận chuyển và bảo vệ an toàn hàng chục tấn lương thực, đạn dược, khí tài quân sự và các nhu yếu phẩm khác qua vùng bị bắn phá ác liệt.

Những năm 1966- 1968, với mục đích băm nát tuyến đường huyết mạch để ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường Miền Nam nên đế quốc Mỹ liên tục ném bom xuống đường 15. Ngày 27/8/1966 hàng chục máy bay phản lực thi nhau ném xuống Truông Bồn. Lực lượng pháo cao xạ của ta không ngừng bắn trả và một trong nhiều số máy bay của giặc đã bị bốc cháy. Lúc đó, Lê Thị Hường đang cắt cỏ, bỗng chị phát hiện một tên phi công Mỹ nhảy dù xuống rú Tranh cách chị khoảng 50m.
 
Không để cho tên địch kịp tháo dù và liên lạc bộ đàm ứng cứu, với chiếc liềm trên tay chị băng qua con suối, lấy một hòn đá to ném vào đầu gối khiến tên phi công khuỵu xuống. Nhanh như cắt, chị lao đến chụp dù vào đầu hắn, dùng chiếc liềm đập rơi khẩu súng trên tay tên giặc Mỹ bay xuống đồi. Chị quay liềm dí vào đầu hắn: "Nằm im, không tao bắn!". Tưởng chị có súng và bị bất ngờ trước hành động dứt khoát và dũng cảm của cô dân quân bé nhỏ, tên phi công ngoan ngoãn đầu hàng để cho chị dùng dây dù trói chặt tay và áp giải xuống núi. Xuống đến chân đồi thì lực lượng bộ đội và dân quân của ta đã có mặt kịp thời tiếp nhận tên thiếu tá phi công Mỹ giao cho cấp trên.

Với chiến công bắt sống tên thiếu tá lái máy bay chiến đấu của Mỹ, Lê Thị Hường được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được Tỉnh đội Nghệ An tặng bằng khen và Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tấm gương dũng cảm mưu trí của chị được tất cả các đơn vị bộ đội, dân quân từ Bắc đến Nam học tập. Những ngày đó Lê Thị Hường luôn được đi báo cáo thành tích cho các đơn vị bộ đội, dân quân đóng quân trên địa bàn. Bức ảnh chị chụp bên xác máy bay Mỹ và chiếc liềm (thứ vũ khí bắt giặc lái Mỹ năm xưa) hiện nay vẫn đang được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Quân khu 4.
 
 Bằng khen và huân chương của bà Hường. Ảnh:Hồ Hà
 
Nỗi niềm lúc về già

Sinh ra ở xã Thanh Lam, ngay từ lúc vừa mới sinh ra Lê Thị Hường đã mồ côi cha, đến năm 6 tuổi thì mẹ cũng mất. Tuổi thơ của cô bé mồ côi là những chuỗi ngày đi ở chăn trâu cho nhiều nhà trong xóm. Năm 1964, Hường về ở với người dì ruột và tham gia dân quân xã Thanh Lam. Trong những năm tháng ấy, Lê Thị Hường  đã cùng đơn vị vận chuyển và bảo vệ hàng chục tấn lương thực, đạn dược, khí tài quân sự và các nhu yếu phẩm khác, phối hợp tác chiến với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn. Năm 1968,  cô dân quân tình cờ gặp anh Nguyễn Đình Bảo người huyện Quỳnh Lưu, hai người đã yêu nhau và nên vợ nên chồng.

Vài năm sau, người chồng vào Nam chiến đấu, một mình chị Hường ở nhà vừa nuôi con vừa tham gia dân quân, làm bí thư Đoàn, cán bộ phụ nữ đến hết chiến tranh. Năm 1977, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Bảo xin xuất ngũ để về cùng với vợ làm lụng nuôi con. Nhưng cuộc sống với bao lo toan vất vả, trong khi ông Bảo lại ốm đau liên miên nên mình bà Hường quán xuyến đồng áng, vào rừng sâu lấy củi đem đi chợ bán, làm thuê làm mướn để lấy tiền nuôi con. Những ngày ấy 3, 4h sáng đã dậy, vất vả lắm nhưng "đói bụng đầu gối phải bò", bà buôn bán ở chợ Da, chợ Cồn, chợ Thành Nam...

Các con của bà Hường ngày một khôn lớn trưởng thành. Giờ bà chỉ ở nhà, nuôi con gà, con vịt, nhổ rau má quanh đồi kiếm thêm thu nhập chứ cũng không đủ sức làm gì nữa.
 
73 tuổi, hàng ngày bà thường đi bán rau má để kiếm tiền.

Bây giờ ít người nhớ đến chiến tích năm xưa của bà Hường là bởi năm 1976 một phần đất xã Thanh Lam lúc bấy giờ được cắt nhập vào xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Từ khi về thôn Đình Long (xã Nam Hưng) đến nay không còn ai biết đến bà. Thậm chí khi chúng tôi tìm đến hỏi thăm về nữ dân quân bắt sống giặc lái năm xưa không nhiều người biết đến. "Chẳng có cô Hường bắt giặc lái nào cả, chỉ có bà Hường bán củi ở chợ Da thôi", một người dân trả lời.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bảo- chồng bà tâm sự: "Năm bà ấy bắt được giặc lái Mỹ tôi chưa cưới bà ấy về làm vợ nên không được chứng kiến. Nhưng về sống với nhau, tôi hiểu hết những tâm tư, suy nghĩ của bà. Từ khi về xã Nam Hưng, những ngày mít tinh kỷ niệm ngày chiến thắng hoặc ngày gặp mặt Hội Cựu chiến binh, chưa bao giờ bà ấy được mời đến dự như một nhân chứng lịch sử, dù chỉ một lần để bà được mãn nguyện lúc cái tuổi mà chẳng biết trời cho được bao lâu nữa".
 
Trong khi tôi đang ngồi nói chuyện với ông Bảo, bà lặng lẽ vào  trong nhà,  một lúc sau đưa ra một cái bọc được gói ghém rất kỹ. Hóa ra, đó là tấm Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thưởng năm 1967, tấm Bằng khen của Tỉnh đội Nghệ An thưởng năm 1966 và cả những đơn từ mà những năm trước ông bà nhờ người viết để xin chế độ mà không được. Tất cả những giấy tờ đó với bà giờ đây là những kỷ vật quý giá nhất.
 
Năm nay bà Hường đã bước sang tuổi 73, cái tuổi gần đất xa trời nhưng nhiều lúc chạnh lòng nghĩ tới hình ảnh O du kích bắt sống phi công Mỹ, được làm thơ: "O du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu", được cả thế giới biết đến, vậy mà ở vùng quê anh hùng này, chiến công bắt sống tên thiếu tá lái máy bay Mỹ của mình lại dần chìm vào quên lãng, bà Hường cũng cảm thấy mủi lòng. Nhưng tính bà là vậy, chân chất, thật thà và cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Bà bảo, dù sao mình vẫn còn may mắn hơn nhiều dân quân khác đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. "Tôi chỉ là một dân quân bình thường như nhiều chị em phụ nữ xứ Nghệ " giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", bà Hường tâm sự.
 
Hồ Hà

Vết Thương 30-4-75 Và Bản Chất Phi Nhân Của CSVN



Thật vậy, bản chất phi nhân man rợ của Đảng CSVN đã được phơi bày qua lịch sử trên 60 năm của họ mà chúng ta có thể lược qua vài sự cố quan trọng sau đây.
Trước hết, Đảng CSVN đã du nhập vào nước ta chủ thuyết ngoại lai, xem tôn giáo là thuốc phiện và chủ trương độc tài chuyên chế, lấy đấu tranh giai cấp làm phương tiện để thực hiện thế giới đại đồng, một thiên đường không tưởng do Karl Max và Lenin cổ võ.
Sau khi cướp được chính quyền năm 1945, Đảng CSVN đã ra tay dẹp trừ các đảng phái quốc gia không theo Cộng Sản, như Đảng Đại Việt và Quốc Dân Đảng.
Những người yêu nước chống Pháp nhưng không là đảng viên Cộng Sản đều bị sát hại, trong số đó có những nhân vật nổi tiếng như nhà văn Khái Hưng và Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ.
Đảng CSVN vẫn tuyên truyền đánh bóng thần tượng Hồ Chí Minh là một người yêu nước, trọn đời độc thân và hy sinh vì dân tộc, nhưng trong thực tế, ông ta đã có ít nhất ba bà vợ, một người Nga, một người Tàu và một người Việt, đó là chưa kể đến những cô gái phục dịch qua đường. Tệ nhất là có những cô nhân tình sau một thời gian hầu hạ Hồ Chủ Tịch đã bị thủ tiêu hoặc bị gởi đi công tác trên đường mòn Hồ Chí Minh để làm bia cho phi cơ B-52 của Mỹ
Từ năm 1953 đến 1956, nhà cầm quyền CSVN đã thực hiện chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, đấu tố và giết hại hàng chục ngàn địa chủ vì Đảng Cộng Sản chủ trương đấu tranh giai cấp và ra chỉ thị cho mỗi làng quê phải đưa ra một số điền chủ theo con số do nhà nước áp đặt. Đó là thảm trạng mà dân chúng quen gọi là “biến cố long trời lỡ đất”.
Tiếp đến là phong trào “Trăm Hoa Đua Nở”, theo gương của Mao Trạch Đông, một lãnh tụ Trung Cộng khét tiếng dã man! Phong trào nầy đã đưa đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm mà kết quả là rất nhiều nhà văn nhà báo nỗi tiếng, điển hình là những tên tuổi lẫy lừng như Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Dần, v.v. phải bị tù tội một cách oan khiên, man rợ
Đảng CSVN theo đuổi chính sách độc tài, tuyên truyền dối trá và lừa bịp dân chúng. Tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình và sách vở đều do nhà nước khống chế. Để có thể bưng bít thông tin một cách tuyệt đối, nhà nước chỉ loan tin một chiều và tất cả mọi thông tin độc lập đều bị cấm đoán
Hàng ngày dân chúng vẫn bị tuyên truyền là Miền Nam Việt Nam đã bị đế quốc Mỹ đô hộ, dân chúng nghèo đói khổ cực. Họ kêu gọi thanh niên yêu nước lên đường tham gia cuộc chiến giải phóng miền Nam. Họ dựng lên Mặt Trân Giải Phóng Miền Nam để tiến hành chiến tranh xâm lược.
Về sau, để chuẩn bị cho cuộc hòa đàm Ba Lê, Mặt Trận nầy đã được đổi thành chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để dành một ghế trong bàn Hội Nghị. Nhưng sau biến cố 30-4-75, Đảng CSVN đã âm thầm cho khai tử Chính Phủ nầy, theo thủ đoạn vắt chanh bỏ vỏ, làm cho các lãnh tụ của Mặt Trận như ông Nguyễn Hộ vô cùng bất mãn. Họ đã thành lập Câu Lạc Bộ của Những Người Kháng Chiến Cũ để sinh hoạt và âm thầm chống lại Đảng CSVN.
Riêng đối với đồng bào miền Nam, ngày 30-4 là Ngày Quốc Hận. Đó là ngày đau thương, tủi nhục không sao kể xiếc. Hàng trăm ngàn công chức, quân nhân, cảnh sát, trí thức và văn nghệ sĩ đã bị Cộng Sản lừa gạt trỉnh diện tham dự các khóa huấn luyện cải tạo trong vài tuần lễ để có thể trở về làm người dân bình thường.
Nhưng thực tế, thay vì vài tuần lễ, họ đã trở thành những người tù lao động khổ sai trong nhiều năm trường, có người đã chết hoặc trở thành tàn phế vì không thể chịu nổi cảnh đói rét, bóc lột sức lao động, hành hạ từ tinh thần đến thể xác một cách dã man
Ngoại trừ một số nhỏ dân chúng miền Nam biết rõ bản chất phi nhân của Cộng Sản nên họ đã bỏ hết nhà cửa, tài sản và tìm cách chạy ra ngoại quốc tị nạn, nhưng cũng có nhiều người tin rằng nhà cầm quyền Hà Nội sẽ đối xử với dân chúng miền Nam trong tình đồng bào ruột thịt để cùng nhau xây dựng đất nước, theo đúng tinh thần hòa giải, hòa hợp mà Đảng CSVN vẫn thường hô hào.
Từ kinh nghiệm phủ phàng về cách đối xử tàn bạo của Đảng CSVN, hàng triệu dân miền Nam, liên tiếp trong nhiều năm sau 1975 đã tìm mọi cách vượt biên, bất chấp mọi hiểm nguy thập tử nhất sinh! Theo ước tính của các giới am hiểu tình hình, đã có ít nhất vài trăm ngàn người thiệt mạng trên đường vượt biển tị nạn.
Nước Việt chúng ta có cuộc chiến Nam Bắc kéo dài 16 năm và kết thúc năm 1975, thì nước Mỹ cũng có cuộc chiến tranh Nam Bắc kéo dài 5 năm, từ 1861 đến 1865. Nhưng dân Mỹ đã may mắn hơn dân Việt chúng ta rất nhiều
Đảng CSVN kết thúc cuộc chiến trong kiêu căng, hống hách và đối xử với dân chúng miền Nam như kẻ thủ truyền kiếp. Họ dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, khủng bố, tập trung cải tạo và bóc lột sức lao động.
Trong khi đó, khi cuộc chiến tranh Nam Bắc của Mỹ chấm dứt, tướng tá và binh sĩ miền Nam thuộc phe bại trận đã được phe chiến thắng đối xử trong tình huynh đệ, không phân biệt kẻ thắng người thua. Khi đoàn quân miền Nam đến đầu hàng và giao nạp vũ khí, họ cũng đã được chào kính theo lễ nghi quân cách, không những thế, binh sĩ miền Nam còn được tiếp tế lương thực và được phép đem ngựa về quê sinh sống bình thường
Ngoài ra, chính phủ còn có những chương trình giúp đỡ các binh lính giải ngủ và các nghĩa trang của miền Nam cũng được bảo quản bình thường, không bị phá hủy.
Đọc lịch sử nội chiến nước Mỹ và thấy cách người ta đối xử với nhau đẹp như thế nào, rồi nhìn lại cảnh Tháng Tư Đen của dân Việt, chúng ta càng thấy đau lòng và tủi hổ cho con cháu Lạc Hồng, một dân tộc thường tự hào có trên bốn ngàn năm văn hiến!
NTT

Quốc hận? Nội chiến? Những bài học lịch sử!



Không chỉ với người Việt hải ngoại (Dziệt Cộng gọi là nước ngoài) mà cả với những người Việt trong nước (quốc nội), gọi ngày 30 tháng Tư là NGÀY QUỐC HẬN. Người ta gọi như thế có đúng chăng, đúng như thế nào? Hận cái gì và hận ai? Chúng ta có nên nhìn lại lịch sử để “ôn cố tri tân”?
Dân tộc chúng ta, với một ngàn năm đô hộ giặc Tầu, một trăm năm làm nô lệ cho Tây, không ít lần bị người Tầu xâm lược, từ trước khi Bắc thuộc, từ thời Triệu Đà xâm lăng Nam Việt, chiếm nước Âu Lạc của Thục Phán, khiến vua An Dương Vương biến thành con chim quốc (bôm na gọi là chim cuốc) dân tộc nầy đã có Quốc Hận rồi, từ trong “Chuyện Cổ Tích” Văn Chương Bình Dân. (Dziệt Cộng gọi là Văn học Dân gian).
Nhìn chung, dân tộc nầy (tính chung cả người Chàm, người Miên thủy Chân Lạp, v.v…) có nhiều quốc hận, được nhắc lại nhiều lần, trong sử sách (dĩ nhiên) và cả trong văn chương, nghệ thuật).
Trong âm nhạc, nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác “Hận Đồ Bàn”. Đồ Bàn là kinh đô xưa của vương quốc Chàm ở Bình Định. “Hận Đồ Bàn” là mối hận mất nước của dân tộc Chàm.
           Chế Lan Viên viết:
Sầu hận cũ tim ta ai biết được?
Người vui tươi, ta mãi mãi căm hờn.
Cũng là nói tới mối hận của người Chiêm mất nước, bởi vì tôi không tin “ông Phán Hoan” (Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị, tên thật của Chế Lan Viên), đã làm thông phán cho “nhà nước bảo hộ”, ưa chơi lạ, lập dị, không mấy can đảm, mà có lòng yêu nước, dùng hình ảnh dân tộc Chàm mà nói lên lòng yêu nước (?) của ông? (Xin xem: “Những nhà thơ tiền chiến theo Cộng Sản, cùng tác giả).
Âm nhạc, văn thơ bàn tới “Hận Nam Quan” thì nhiều lắm. Nhiều người còn nhắc tới vở kịch “Hận Nam Quan” của Hoàng Cầm. Có lẽ Hoàng Cầm cũng khá “vất vả” trong những năm theo Dziệt Cọng vì vở kịch nầy, vở kịch “dụng chạm” tới “Trung Quốc vĩ đại” của người Cộng Sản Việt Nam.
Nói tới Hận Nam Quan, người có họ sử, đọc sử không quên lời “trăn trối” của Nguyễn Phi Khanh, nói với con là Nguyễn Trãi, khi ông con đi theo cha tới tận ải Nam Quan” “Con hãy về lo trả thù cho cha, rửa hận cho nước, chứ đi theo cha khóc lóc, phỏng có ích gì?”
Đó là những mối hận mất nước, hay đầy đủ hơn là “thù nhà nợ nước”. Với nguyễn Trãi, “thù nhà” là thù người Tầu bắt giam thân phụ ông rồi đưa về Tầu. “Nợ nước” là mối nợ mất nước vì nhà Minh.
Lưu Hữu Phước, một lần qua sông Gianh, viết bài ca “Hờn Sông Gianh” là nói tới mối hờn phân chia Nam Bắc thời “Trịnh Nguyễn phân tranh”. Đó là mối hờn dân tộc về một cuộc nội chiến kéo dài trong lịch lịch sử, khởi thủy từ việc Nguyễn Hoàng vào “trấn đất Thuận Hóa” năm 1558, chấn dứt năm 1802, khi “Gia Long thống nhất sơn hà”.
Cuộc phân ly Nam Bắc ở vĩ tuyến 17 năm 1954 cũng là ngày Quốc Hận của người Việt chúng ta. Đất nước lại chia cắt một lần nữa, là tại vì ai?
Bản Hiệp dịnh Genève 1954 không có chữ ký của ông ngoại trưởng chính phủ Quốc Gia Việt Nam (trước thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa), vì bác sĩ Trần Văn Đỗ không muốn mang tội với lịch sử. Ông Phạm Văn Đồng, bộ trưởng ngoại giao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức “chính phủ Việt Minh”, là tay sai của đảng Cộng Sản Việt Nam, thực hiện lời yêu cầu của thủ tướng Tầu Cộng Chu Ân Lai, đã ký vào văn bản chia cắt đất nước ấy. Thực hiện việc chia cắt đất nước, là có tội với dân tộc và lịch sử, nhất là khi làm theo lệnh của ngoại bang, tức là lệnh của Tầu (và cả Liên xô nữa). Tầu Cộng và Liên Xô  thực hiện việc chia cắt đất nước Việt Nam, dĩ nhiên, không phải vì quyền lợi của người Việt Nam bao giờ mà chính là vì quyền lợi của họ! !!!.
Người ta có thể nói khác đi được chăng?
Được! ! ! !!
Được là vì “quyền lợi của quốc tế vô sản”
Chia cắt (1954) được là vì quyền lợi của “quốc tế vô sản”
Vậy thì khi “thống nhất” (1975) là vì quyền lợi của ai?
Bắc Việt là “tiền đồn, là người lính tiên phong của thế giới vô sản”
Vậy thì khi Cộng Sản Bắc Việt, với vũ khí của “quốc tế vô sản” đem quân “Giải phóng miền Nam” (!!!) thì vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam hay vì “quyền lợi của Quốc tế vô sản”. Không vì quyền lợi của “Quốc tế vô sản”, Tầu Cộng và Liên Xô có “tuôn” vũ khí cho Cộng Sản Bắc Việt hay không? Như vậy thì Cộng Sản chỉ là “người lính tiên phong” mà “tư lệnh” là những kẻ đứng đằng sau Bắc Việt Cộng Sản.
Xin đừng quên câu nói của Nixon:
“Người Tầu thì dùng chủ nghĩa xã hội để xây dựng đất nước,
Người Việt Nam (ý nói Cộng Sản Bắc Việt) dùng đất nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vậy thì ai khôn hơn ai?
Ai là kẻ chỉ huy, ai là kẻ làm tay sai?
Trong ý niệm đó, sao có thể gọi chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Trịnh Công Sơn viết “Ba mươi năm nội chiến từng ngày” là sai. Chính Dziệt Cọng cũng không nhận đây là một cuộc nội chiến. Họ tuyên truyền rằng đây là một cuộc “chiến tranh giải phóng”. Nó có nghĩa là “thế giới vô sản” giải phóng một dân tộc khỏi ách thống trị của “thế giới tư bản.”
Dù nói như thế nào, dù trong ý nghĩa nào, thì cuộc chiến nầy đích thực là một cuộc xâm lăng của “Thế giới Cộng Sản” mà nạn nhân là dân tộc Việt Nam.
Nhìn kỹ hơn, “thế giới Cộng Sản” do Tầu Cộng lãnh đạo (bên cạnh Tầu còn có Nga) mà bản chất người Tầu, nước Tầu, từ ngàn năm trước, không bao giờ từ bỏ cái ý đồ xâm lăng Việt Nam. Dù có cuộc chiến tranh Tầu Cộng – Việt Cộng năm 1979 thì đó cũng chỉ là do mâu thuẫn của các nước đầu sỏ trong “thế giới cộng Sản” mà dân tộc Việt Nam, nói cho cùng, cũng chỉ là nạn nhân.
Bỏ đi hết các danh từ hoa mỹ khoa trương, nhìn vào thực chất, với người Tầu, từ vũ khí của họ, và với những người lính, quân đội do Cộng Sản Việt Nam thành lập nên, đã xâm lăng và chiếm đoạt, hủy diệt chính phủ của nước Việt Nam, biến Việt Nam thành một phần lãnh thổ của “thế giới Cộng Sản” mà thôi.
Nhìn chung, mối hận của người “Việt Quốc gia” dù ở trong nước hay hải ngoại, là “Mối hận mất nước”mà thủ phạm chính là Cộng Sảndù Cộng Sản Nga hay Cộng Sản Tàu, trong khi đó Cộng Sản Bắc Việt chỉ là tên lính tiền phong.
“Mất đất nước là mất tất cả”. Tổ quốc, gia đình, thân tộc, làng xã…
Với những mất mát to lớn như vậy, Ai có thể quên được chăng?
hoànglonghải

Chiều 30-4: Đau đớn trong chiều xương trắng đất Văn Giang



Đăng vào ngày 01/05/2012 @6:20 Sáng

Lần đầu tiên trong đời, tôi cầm trên tay những mảnh hài cốt.
Tôi chưa định trở lại Văn Giang sau cái đêm ấy, sau cái ngày ác nghiệt ấy. Tôi định dành những ngày nghỉ lễ cho gia đình riêng của tôi. Nhưng sau khi đọc và post lên đây 2 bài thơ của Giáo sư Viện sĩ Hoàng Xuân Phú và 1 bài thơ của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – thầy tôi, thì tôi quyết lòng phải trở lại Văn Giang.
Trong vai đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi ăn mặc khá thoải mái khi về Văn Giang. Đây là công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nức tiếng một thời. Chiều nay, trời vẫn xanh, nước vẫn xanh như những kẻ vô tình, kề bên là khu biệt thự sinh thái Ecopark:
Bà con cho biết, hiện vẫn còn 5 người đang bị giam giữ tại Công an tỉnh Hưng Yên. Trong 5 người này có 4 người là dân xã Phụng Công (ông Đỗ, Anh Khương, Anh Hùng và Chị Vinh) và 1 người Xuân Quan là anh Nguyễn Văn Khoa.
Bà con Văn Giang đón tôi và đưa ra cánh đồng vừa xảy ra cưỡng chế ghi dấu cuộc hủy diệt tàn độc của chính quyền tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Giang. Một vài ngôi mộ còn lại, trơ vơ trên cánh đồng tan hoang những gốc cây lộc vừng đang tuổi lớn:
Tin liên quan:
Ở cánh đồng, chiều nay bà con Xuân Quan đi ra nơi những máy xúc, máy ủi của cuộc cưỡng chế để nhặt xương cốt tổ tiên mình bị đào xới tan hoang trong trận càn hôm 24.4.2012:
BẤM VÀO PLAY PHÍA TRÊN ĐỂ XEM TOÀN BỘ CẢNH NGƯỜI DÂN NHẶT XƯƠNG CỐT TỔ TIÊN MÌNH BỊ ĐÀO XỚI TAN HOANG
Một ngôi mộ bị bật tung tiểu sành còn nguyên vẹn đã được bà con đắp lại
Chiều nay, lần đầu tiên trong đời, tôi cầm trên tay những xương người. Tôi chưa từng cầm hài cốt người bao giờ! Hồi sang cát cho Ông Nội tôi, mọi việc đều do cha tôi, chú tôi và các bác trong họ làm. Những mảnh hài cốt này không phải của tô tiên tôi. Những người dân Văn Giang chiều nay gom những mảnh hài cốt này cũng không chắc đó là của tổ tiên của dòng tộc họ, vì ở đây có hàng chục ngôi mộ bị máy ủi và máy xúc đảo lộn để làm một con hào ngăn cách khu dân cư và khu đất đã bị cưỡng chế san phẳng.
Chiều nay, lần đầu tiên trong đời, tôi cầm trên tay những xương người.
Và đây là khói thuốc súng, đạn hơi cay đã làm đen sạm cả cổng Nghĩa trang liệt sĩ Xuân Quan.
Và đây là những vỏ đạn người dân lượm được tại hiện trường vụ cướp đất tàn ác:
Ngay sát đầu làng, gần Trạm xá xã là di tích một ngôi lăng một vị Quận công, có cả đôi voi đá to như con trâu, và một nhang án bằng đá, một bia đá đều cao hơn đầu người. Tôi đọc niên đại thấy đề là văn bia được tạo vào niên hiệu Vĩnh Thịnh, thế kỷ 18, đời vua Lê Cảnh Hưng:
Ngay sát đầu làng, gần Trạm xá xã là di tích một ngôi lăng một vị Quận công
Tiếc là thời gian không cho phép tôi ở lâu hơn nữa nên chưa biết Ông Quận công chủ nhân của ngôi mộ là ai và lai lịch thế nào.
Chúng tôi chào bà con ra về, trực chỉ khu Ecopark, tiến thẳng vào sào huyệt của nó. Ở đây có những tòa nhà cao đang xây dở, cùng hàng chục biệt thự 2 tầng sau những rặng cây xanh.
Hỡi những ai đang có ý định mua nhà và về ở khu đô thị Ecopark! Hỡi những ai đang muốn tới đây nghỉ ngơi cuối tuần hoặc chụp hình đám cưới!
Các người có thấy rằng, những tòa ngang dãy dọc của khu đô thị này xây dựng thông qua một dự án tàn độc và hủy diệt?
Có nghe thấy những tiếng kêu rùng rợn của những hồn ma từ thiên cổ hiện về đòi đủ bộ xương cốt, đòi ruộng vườn hương hỏa, đòi cuộc sống an lành cho con cháu họ?
Có nghe thấy những tiếng kêu than xé ruột của những người dân lành muôn đời chỉ biết cày cấy trên những cánh đồng yên bình?
Có nghe thấy tiếng xả đạn và những khuôn mặt người dạ thú dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên và Văn Giang?
Có nghe thấy trong từng thớ đất đang cựa quậy và rên lên rùng rợn bên dòng kênh Bắc Hưng Hải của những hồn ma đang oán hận đòi trả lại xương xưa và mồ hôi, nước mắt và cả máu của nay?
Đêm Hà Nội, 30.4.2012
© Nguyễn Xuân Diện