THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 June 2012

Phát hiện xí muội bẩn

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, Đội QLTT 4A vừa kiểm tra 3 sạp tại chợ Bình Tây (Q.6), tịch thu gần 130 kg thực phẩm bẩn.
Cụ thể, kiểm tra sạp Thu Dung (do bà Trần Huỳnh Ngọc Yến làm chủ), QLTT thu giữ 80 kg hạt dẻ hết hạn sử dụng, 7,4 kg xí muội (táo, đào...) là hàng hóa ẩm mốc có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại sạp Quế Mai (do bà Lư Muối làm chủ), QLTT tạm giữ 20 kg hạt dẻ, là hàng ngoại nhập lậu. Tại sạp Đức Tín (do bà Trần Tú Ngọc làm chủ), QLTT niêm phong tạm giữ 20,5 kg xí muội các loại không bao bì, không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại diện Đội QLTT 4A cho biết toàn bộ lô hàng này sẽ bị tiêu hủy, xử phạt hành chính các chủ hàng.
Hoàng Việt

Một năm đã qua đi



Châu Đình An (Danlambao) - Ngày 5 tháng 6 năm 2011, đã có hằng trăm người tụ tập để biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội cũng như Sài Gòn. Cuộc biểu tình xảy ra sau một thời gian âm ỉ, đến lúc phải bùng phát mạnh mẽ chống đối chính sách xâm chiếm biển Đông của nhà Đại Hán.

Đây không phải lần đầu tiên việc công khai bày tỏ chống Tàu của người dân Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, chúng ta đã thấu hiểu về hiểm hoạ Bắc phương, mà trong đó cha ông ta đã anh dũng, đã hy sinh không tiếc máu xương gìn giữ bờ cõi nước Việt Nam cho đến bây giờ.

Cuộc biểu tình tự phát bị nhà cầm quyền Hà Nội đè bẹp và khống chế ngay tức thì. Tuy bị giải tán, bị khủng bố, bị doạ nạt qua việc bắt bớ, qua việc đạp vào mặt người biểu tình, qua việc bắt nhốt, tra hỏi, rồi thả ra. Nhưng phong trào biểu tình chống Tàu đã có sức mạnh lan tỏa nhanh trong nước ta và trên toàn thế giới qua mạng lưới internet nối kết. Chính điểm này, là điểm mấu chốt thành công của chúng ta trong việc biểu dương tinh thần yêu nước chống ngoại xâm Trung Hoa.

Nhà cầm quyền Hà Nội trong thế "tiến thoái lưỡng nan" vì các cuộc biểu tình xảy ra. 

Việc chống ngoại xâm ở bất kỳ quốc gia nào cũng là điều chính đáng, không cần bàn cãi, vì đó là nghĩa vụ khi giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh! 

Tuy nhiên, việc nhà cầm quyền dùng súng đạn, hơi cay, xe buýt và ngay cả du côn để khống chế bắt bớ người dân mình khi họ bày tỏ tình yêu nước, đã cho công luận trong và ngoài nước bất bình và càng thấy rõ những điểm yếu kém của sự cai trị chuyên chế độc tài độc đảng.

Thứ nhất, sự yếu kém của nhà cầm quyền Hà Nội thể hiện bản chất hèn nhát với Tàu, nhưng tàn độc với người dân. 

Thứ hai, cuộc kháng chiến mang danh nghĩa đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào để thống nhất và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bỗng trở thành mây khói, khi lộ rõ bộ mặt về tính chính danh cách mạng và của một nhà nước có chủ quyền thực sự.

Trong quá khứ giúp cho tay sai và âm mưu lấy cả Việt Nam mà không tốn nhân mạng. Trung Hoa đã dốc sức người, sức của, để yểm trợ tối đa cho Hà Nội giành thắng lợi "giải phóng miền Nam".  Dù Trung Quốc biết rõ bản chất gian dối lật lọng của những tay sai Hà Nội trong thời gian chống Mỹ. Nhưng chính quyền cộng sản Tàu tự tin vào mình là nước lớn, nằm sát cạnh biên giới sông núi liền nhau, do vậy đã xem thường để đến khi Lê Duẩn ngả hẳn vào Nga Sô và, đến nỗi ghi trong hiến pháp Tàu là kẻ thù không đội trời chung. Một điều chưa có hiến pháp nào trên thế giới ghi như thế. Nhưng xem ra Tàu vẫn tiến hành âm mưu xích hoá Việt Nam qua tay sai Hà Nội.

Việc khấu đầu đến Thành Đô Trung Quốc để xin lỗi, phục thiện và tuyên xưng thần phục nhà Đại Hán của nhóm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt đã chứng minh sự biến dạng của chính trị tắc kè. Vì hiểu rằng, trong quan hệ với nước lớn, bên sau hậu trường chính trị là những bắt nạt của quan thầy, những toan tính, những thị uy, những phách lối khó chịu của cái cao ngạo trịch thượng Đại Hán, là những điều đã và đang xảy ra cho chế độ Hà Nội. Nhưng vì muốn nắm quyền cai trị của đảng phái mình, của cá nhân phe nhóm mình để đặc quyền đặc lợi, bất kể lợi ích của cả dân tộc Việt Nam. Bất chấp sự phê phán của lịch sử ghi chép sau này.

Do vậy, mãi mãi Tàu và Việt Nam sẽ phải đối đầu với những nghịch lý trong các mâu thuẫn về biên giới, về đất, về sông, về biển, về các hải đảo và lợi thế của phương tiện tài nguyên, môi trường và giao thông nằm trong các thế chiến lược, một khi không có chính danh bình đẳng và thực sự tôn trọng của hàng xóm sống bên nhau.

Nhìn lại một năm qua về cuộc biểu tình chống Tàu xâm chiếm biển Đông, chúng ta có những ghi nhận khích lệ cho phong trào dân chủ tự phát đang nẩy mầm mạnh mẽ. Điểm quan trọng là, từ bấy lâu nay trong chính thể độc tài cộng sản, việc người dân bày tỏ qua biểu tình là điều cấm kỵ, cho dù biểu tình chống ngoại xâm. 

Vì lẽ, xã hội và chính trị Việt Nam theo quan niệm của người cộng sản hiện nay còn mang tính gia trưởng nặng nề. Có nghĩa là sự cai trị theo lề thói phong kiến và gia đình ăn sâu vào đầu óc của những người cướp chính quyền từ tay trắng. 

Do vậy, khi người dân biểu cảm bằng thái độ, bằng hành động, tư dưng chính quyền cộng sản Hà Nội cảm thấy bị xúc phạm, bị tự ái vì quan niệm vừa nêu.

Hơn nữa, điểm cốt lõi là nhà cầm quyền Hà Nội kiên quyết không cho người dân có cơ hội để phát sinh ý thức dân chủ. Vì họ hiểu rằng, ý niệm dân chủ đã có, một khi phát sinh sẽ thành đại dịch quét sạch chế độ mà họ đã và đang gìn giữ thế cai trị.

Do vậy, nhất cử lưỡng tiện là vừa làm đẹp lòng mối quan hệ Tàu Việt mà họ rất sợ mất lòng Đại Hán qua việc đàn áp biểu tình của người dân bắt nguồn từ ngày 5 tháng 6 năm 2011, vừa tiêu diệt mầm móng dân chủ "phản loạn" sẽ thành vết dầu loang gây nguy hiểm cho chế độ.

Nhìn qua Trung Đông, Miến Điện. Những phong trào dân chủ biểu tình bày tỏ nguyện vọng, đã có biết bao hy sinh máu đổ, đầu rơi, chết chóc, tù đày. Nhưng dân chủ của Miến Điện đã bắt đầu sinh hoa kết trái mang niềm hy vọng sâu thẳm đến cho người dân của họ. Các nước Trung Đông cũng đã xoay chuyển tích cực dẹp bỏ chế độ độc tài của Mubarak Ai Cập, của Lybia qua cái chết bạo chúa Gaddafi, và đang tiếp diễn với phần đất Syria hiện nay.

Nhìn người nghĩ đến ta, Việt Nam cũng sẽ theo trào lưu dân chủ đến không xa. Nhất là hiện nay, Hoa Kỳ đang dần chuyển trọng tâm cân bằng sự có mặt và ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á Châu. Mặc dù chính quyền Hà Nội đã và đang tìm cách thế đứng của mình để cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc Tàu, Mỹ, Ấn Độ trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của làn sóng dân chủ.

Một năm qua, từ ngày cuộc biểu tình chống Tàu xâm chiếm biển Đông, đã là bài học thực tập dân chủ hay nhất và thiết thực nhất của chúng ta, khối người dân Việt có mặt trong và ngoài nước.

Hiện nay, việc cần nhất là tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các bè bạn năm châu, những người đồng cảnh ngộ như chúng ta là Tây Tạng, Phi Luật Tân, Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Miến Điện, Nepal, Hàn Quốc về cái hiểm hoạ của một nước Đại Hán. Cho dù là đại Hán cộng sản hoặc trong tương lai Đại Hán Dân Chủ. Trung Quốc luôn là mối lo ngại và đối phó của bất cứ nhà lãnh đạo Việt Nam nào, trong bất kỳ thể chế nào.

Một điểm cần lưu ý là hiện nay chúng ta cứ lo chống Tàu, mà quên rằng, Nhật Bản là nước mạnh mẽ tiếp tay yểm trợ nuôi dưỡng chế độ Nguyễn Tấn Dũng nhất. Do đó, cần phải có thái độ phản đối với Nhật Bản. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang là "đồng minh ngắn hạn" với chế độ Hà Nội, nhất là giai đoạn kềm hãm sự hung hăng, bành trướng của Tàu, cả hai dù không ưa nhau, vẫn cần nhau, đó là hình ảnh của Mỹ và Hà Nội hiện nay.

Những cuộc phản kháng chống Tàu qua biểu tình, qua các blog dân chủ, qua các ý kiến của những cựu chiến binh cộng sản, của những nhà trí thức trong và ngoài nước, đang là dấu hiệu gầy vốn của một cuộc đầu tư dân chủ.

Một năm biểu tình đã qua đi, tuy không còn các cuộc biểu tình như thế xảy ra, nhưng những cuộc biểu tình trong tâm thức và tâm hồn của 90 triệu người Việt trong nước, và 3 triệu người Việt hải ngoại vẫn đang tiếp diễn mạnh mẽ chống chính sách đại Hán xâm lược.

'Thủy điện sông Tranh 2 sẽ hết thấm nước trong tháng 8'



Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, phương án xử lý thấm nước ở thủy điện sông Tranh đã được thông qua và sự cố sẽ xử lý triệt để trước mùa lũ.
Nước chảy xối xả trong đường hầm thủy điện

Tại cuộc họp báo chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, phương án xử lý thấm nước ở thủy điện Sông Tranh 2 đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua. Hiện có hai đơn vị tham gia xử lý rò rỉ nước. Cụ thể, Viện khoa học công nghệ thuộc Bộ Xây dựng sẽ đảm nhiện việc xử lý thấm nằm trên mực nước. Còn Viện thiết kế Hoa Đông của Trung Quốc xử lý thấm nước qua khe nhiệt nắm dưới mực nước hồ chứa. "Vào giữa tháng 8, tức là trước mùa mưa lũ, sẽ xử lý xong việc thấm nước ở Thủy điện sông Tranh 2", ông Vượng khẳng định.
Ảnh: Hoàng Lan
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Hoàng Lan
Liên quan đến thị trường phát điện cạnh tranh, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, ngày 1/7 sẽ vận hành. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cùng các đơn vị phát điện chuẩn bị hạ tầng thông tin. Theo Thông tư 41, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN chuyển hợp đồng ký với các đơn vị để hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh
Ông Cường cho hay, các nhà máy thủy điện nhỏ có công suất dưới 30 MW đã được tăng 5% giá bán điện cho EVN so với năm 2011. "Các nhà máy có công suất trên 30 MW thì phải xem xét có đơn vị khó khăn sẽ được điều chỉnh giá bán điện. Tính đến nay, đã có khoảng hơn chục nhà máy được tăng giá bán điện cho EVN", ông Cường nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, EVN là đơn vị mua điện duy nhất của các nhà máy và cũng đang trong tình cảnh khó khăn về tài chính, "do đó việc điều chính giá điện cần từ từ". Theo ông Vượng, sau hơn một năm thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, hầu hết các giá chào bán đều cao hơn trong hợp đồng, ngoại trừ hai tháng 12/2011 và tháng 2/2012. "Khi vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh thì ngành điện sẽ giảm bớt độc quyền. Như vậy, theo quy luật cung cầu, giá điện có thể lên hoặc xuống", ông Vượng nói.
Liên quan đến kết quả kiểm nghiệm xăng dầu là nguyên nhân gây cháy nổ do Sở Khoa học Công nghệ TPHCM và Đại học Bách Khoa TP HCM phối hợp công bố , ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ đã “bác” kết quả này. Trước đó, Bộ Công an, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giao thông Vận tải đã họp báo xác định 5 nguyên nhân cháy xe gồm: chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông, đốt. Các bộ khẳng định chưa có bằng chứng xăng kém chất lượng là nguyên nhân gây cháy.
Theo ông Cường, quá trình kiểm nghiệm, Đại học Bách Khoa TP HCM đã lấy những mẫu xăng bẩn không đạt tiêu chuẩn 012009 thử nghiệm. "Việc lấy mẫu xăng bẩn thử nhiệm để đưa ra quan điểm là đã sai quy định và không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó những thử nghiệm của 4 bộ được lấy từ nhiều mẫu khác nhau", ông Cường nói.
Cục quản lý thị trường cho hay, việc điều hành xăng dầu theo tinh thần chỉ đạo của Nghị định 84 trên cơ sở tính giá thế giới trong vòng 30 ngày. Vừa qua, giá xăng dầu giới giảm. Giá giao ở New York khoảng 90 đôla và London khoảng 100 đôla mỗi thùng. Liệu giá xăng dầu trong nước có giảm theo giá thế giới hay không, Bộ Công Thương chưa thể trả lời vì trách nhiệm này thuộc Bộ Tài chính. Bộ Công Thương chỉ là đơn vị phối hợp.
Hoàng Lan

Gần nửa tỷ USD cho dự án môi trường Nhiêu Lộc



Từ năm 2015 đến 2019 (giai đoạn 2), TP HCM sẽ đầu tư khoảng 470 triệu USD, trong đó 450 triệu vay từ Ngân hàng thế giới để triển khai dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Dự án môi trường 'siêu ỳ' lại lỗi hẹnHoàn thành hạng mục quan trọng nhất của dự án 'siêu ỳ'

Sáng 4/6, Trung tâm chống ngập TP HCM đã tổ chức hội thảo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 với Đoàn công tác của Ngân hàng thế giới (WB).
Công nhân đang thi công cống D3000 băng qua sông Sài Gòn, hạng mục quan trọng nhất của dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: PV.
Công nhân đang thi công cống D3000 băng qua sông Sài Gòn, hạng mục quan trọng nhất của dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: P.V
Theo báo cáo của Trung tâm chống ngập thành phố, giai đoạn 2 của dự án dự kiến bắt đầu từ 2015 đến 2019 với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 470 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng thế giới khoảng 450 triệu USD, còn 20 triệu USD là vốn đối ứng.
Trong giai đoạn này sẽ hoàn tất việc thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2. Trong đó, sẽ tiến hành xây dựng tuyến cống bao đường kính 3,2 m, dài 8 km từ giếng Bờ Đông (quận 2) để chuyển nước thải từ Nhiêu Lộc - Thị Nghè về nhà máy xử lý tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2). Đồng thời, tại quận 2 cũng sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000 m3 một ngày đêm, bao gồm hệ thống xử lý bùn và mùi.
Từ năm 1993, TP HCM đã bắt đầu thực hiện giai đoạn 1 của dự án vệ sinh môi trường tại địa bàn các quận 1, 3, Bình Thành, Phú Nhuận và Tân Bình. Trong giai đoạn này, hơn 7.000 hộ dân sống dọc hai bên kênh đã được di dời; nạo vét và xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng dọc hai bên như mở rộng đường, hệ thống thoát nước, cây xanh...
Đến tháng 6 năm nay, giai đoạn 1 của dự án vệ sinh môi trường thành phố sẽ hoàn thành. Để tiếp tục tiến hành cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố đã đàm phán với Ngân hàng thế giới để vay vốn triển khai giai đoạn 2.
Tá Lâm

Việt Nam muốn Mỹ sớm gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí


Tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những bước tiến trong quan hệ hai nước.
'Mỹ mong muốn các nước trong khu vực hùng mạnh'

Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp chiều 4/6, Bộ trưởng Leon Panetta nhấn mạnh, chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á – Thái Bình Dương. Ông mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh, quốc phòng.
Nhắc lại nội dung đã trao đổi với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào sáng cùng ngày, ông Panetta bày tỏ sự hài lòng về hợp tác quốc phòng hai nước thời gian qua. Bộ trưởng Panetta khẳng định với những nền tảng hiện có, Chính phủ Mỹ mong muốn hai bên sớm có thể nâng cao quan hệ lên một mức độ hợp tác cao hơn, vì lợi ích của hai nước.
Đánh giá cao những bước tiến tích cực trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu. Việt Nam mong muốn Mỹ với tư cách là một cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Leon Panetta. Ảnh: Chinhphu.vn
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Để phục vụ mục tiêu này, Chính phủ Mỹ cần sớm bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng nêu một lĩnh vực đặc biệt chú trọng như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; ứng phó với các vấn đề toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hoàng loạt, an toàn và an ninh biển; ứng phó với biến đổi khí hậu... vì lợi ích chính đáng và trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền.
Hoan nghênh những ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Panetta gửi lời cảm ơn Thủ tướng và các bộ, ngành Việt Nam đã tạo điều kiện để đoàn thực hiện chuyến thăm thành công tốt đẹp.
Chinhphu.vn

'Có hiểu lầm khiến Đan Mạch ngừng cấp ODA'



Cả 4 đơn vị quản lý dự án đều khẳng định “không có tham nhũng, thất thoát” khi sử dụng vốn ưu đãi của Chính phủ Đan Mạch, mà có thể kiểm toán quốc tế chưa hiểu quy trình và thực tế dự án tại Việt Nam.
Việt Nam kiểm tra vụ Đan Mạch ngừng viện trợ
Những nghi vấn tại 3 dự án bị ngừng ODA

Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm (Viện Hải dương học - Nha Trang) biết tin 3 dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu bị ngừng cấp ODA từ hôm 29/5, hai ngày trước khi Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam công bố về vụ việc. Vừa trở về từ chuyến công tác Malaysia, Phó giáo sư tâm sự ông rất buồn và thất vọng.
“Bản thân tôi tự tin là mình không làm điều gì sai trái”, ông Lâm trần tình trong thư gửi VnExpress.net.
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng kiểm toán đã
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng kiểm toán đã "hiểu lầm" nhiều chi tiết tại dự án P2-08-VIE -"Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông Việt Nam". Ảnh: DĐDN
Ông Lâm là điều phối viên dự án P2-08-VIE - Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông Việt Nam, dự án bị kiểm toán cho là chi sai 1,3 tỷ đồng với 5 nghi vấn về chi trả bảo hiểm, thuê tư vấn, mua thiết bị, chi phí quản lý và đặc biệt là chuyện học bổng của chính con gái ông Lâm. Chuyên gia này cho biết ông và các đồng sự muốn giải trình về cả 5 vấn đề này.
Vị phó giáo sư này cho biết tiền lương cho cán bộ dự án được trả vào tài khoản. Các cá nhân sau đó nộp lại tiền bảo hiểm cho viện, rồi viện lại chuyển lại số tiền này cho bảo hiểm qua kho bạc. Chính quy trình này đã khiến kiểm toán hiểu lầm và cho rằng ban điều hành đã thu 2 lần bảo hiểm. “Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ hệ thống tài chính của Viện. Kế toán trưởng cũng đã cam kết không có vấn đề khuất tất xảy ra trong quá trình này”, ông Lâm cho biết.
Về việc mua sắm thiết bị, vị phó giáo sư cho biết các hợp đồng đều được thực hiện đúng theo quy trình chuẩn của Việt Nam, với mục đích sử dụng rõ ràng (trong đó có cả các máy tính cho cán bộ đi học). Cùng với đó, việc thuê cán bộ tư vấn trong dự án (theo cách hiểu của Việt Nam là các hợp đồng thuê khoán chuyên môn hoặc hợp đồng khoa học - công nghệ) cũng được thực hiện theo pháp luật. Riêng chuyện “khai khống” chi phí quản lý, ông Lâm khẳng định là lỗi dịch thuật bởi trong văn bản của kiểm toán, từ này được diễn đạt là “overpaid” (vượt chi). “Hiện chúng tôi đang rà soát các khoản chi này nhưng số vượt chi, nếu có cũng không lớn như số liệu của kiểm toán”.
Về chuyện “nhạy cảm” là học bổng dành cho con gái mình (cũng là cựu cán bộ của Viện Hải dương học), ông Lâm khẳng định mình không phải là người phê duyệt. “Lãnh đạo viện chỉ cấp quyết định cử đi học sau khi kinh phí và nội dung sử dụng kinh phí được phê duyệt bởi phía đối tác Đan Mạch”, ông cho biết.
Riêng chuyện con gái ông không trở lại làm việc tại viện sau khi về nước, theo vị Phó giáo sư là vì lý do gia đình và hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, hiện cô vẫn cùng các thành viên khác của dự án hoàn thành phần việc dang dở mà không nhận thù lao.
“Không có sự tham nhũng hay thất thoát” cũng là khẳng định của một lãnh đạo Viện Địa lý, nơi quản lý dự án P1-08-VIE - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội miền Trung. Đây là dự án có số tiền nghi chi sai lớn nhất, 5,4 tỷ đồng. Ông này cho biết không tán thành đối với một số thông tin mà kiểm toán đưa ra (chủ yếu về chi lương, thù lao, học bổng... không rõ ràng, mua xe nhưng ít sử dụng) và sẽ có buổi làm việc với Bộ Khoa học & Công nghệ, Tổ kiểm toán và Sứ quán Đan Mạch giữa tuần này đề làm rõ vấn đề.
Tuy không bị dừng cấp vốn do số tiền nghi sai phạm (gần 300 triệu đồng) không đáng kể so với toàn bộ quy mô nhưng theo đại diện đơn vị điều phối dự án 09-P01-VIE - Cải thiện giống lúa thích nghi với điều kiện ngập mặn để đối với tình trạng nước biển dâng cho các vùng đồng bằng ven biển Việt Nam, cũng tỏ ra không đồng tình với kết luận của kiểm toán.
Với khoản chênh gần 157 triệu đồng do mua xe ôtô, đại diện này cho biết, tại thời điểm đó, phí trước bạ đã tăng từ 6% lên 12%. Thêm đó, tỷ giá đôla năm 2009 là 17.000 đồng, sang đến năm 2010 là 19.500 đồng. "Xe mua bằng USD, kiểm toán phía Đan Mạch lại so sánh với mức giá trong một dự án khác nên có những hiểu nhầm”, ông nói.

Vị này cho biết thêm, kiểm toán Đan Mạch thắc mắc về trường hợp một kế toán được tham dự hội thảo tại Áo khiến số tiền thực hiện dự án chênh lệch. Theo ông, kế toán có quyền và trách nhiệm theo dõi xuyên suốt dự án nên việc tham dự trên là không sai. Thêm vào đó, khoản tiền chênh lên chỉ là 60 triệu đồng, không phải 115 triệu đồng như kiểm toán công bố.
Trước đó, theo trao đổi của đại diện cơ quan quản lý dự án 09-P03-VIE Tác động của biến đổi khí hậu đến biến đổi sử dụng đất và sinh kế cộng đòng ở đồng bằng sông Hồng với Tuổi trẻ, nhiều điểm khác biệt trong tính toán của 2 bên cũng đã được chỉ ra. “Chúng tôi đã hoàn thành xong báo cáo giải trình. Trong phiên đối chất giữa tuần tới, chúng tôi muốn nhấn mạnh những điểm này”. Ngoài ra, đại diện này cũng cho biết dự án sẽ tiếp tục được hoàn thành cho dù phía đối tác có tiếp tục cấp vốn hay không.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 4/6, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ đang tích cực theo dõi và tìm hiểu vụ việc, với tinh thần sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Ông Minh cũng cho biết bên cạnh con đường ngoại giao, đại diện của Bộ Khoa học & Công nghệ cũng đã có cuộc tiếp xúc với Sứ quán Đan Mạch để yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết hơn.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 4/6, một lãnh đạo của Bộ Khoa học & Công nghệ cũng xác nhận thông tin này. “Bộ Khoa học & Công nghệ đã trao đổi với Đại sứ quán Đan Mạch. Hai bên đã thống nhất là sẽ làm rõ tất cả các vấn đề mà phía Đan Mạch nêu ra và công khai với công luận”, lãnh đạo này cho biết.
Theo kế hoạch, ngày 6/6 tới, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cơ quan liên quan sẽ họp bàn với Đại sứ quán Đan Mạch và đơn vị kiểm toán để làm rõ những vấn đề mà kiểm toán nêu ra.
Đại sứ quán Đan Mạch công bố quyết định ngừng 3 dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Việt Nam hôm 1/6, sau khi cơ quan kiểm toán quốc tế phát hiện nhiều nghi vấn về sử dụng vốn viện trợ không đúng mục đích. Kết quả kiểm toán này được các cơ quan của Việt Nam cho rằng chưa có sự tham vấn giữa các bên trước khi công khai.
Tổng vốn viện trợ cho 4 dự án thuộc diện kiểm toán là 19,9 triệu kroner Đan Mạch, tương đương 69 tỷ đồng (ước tính theo tỷ giá hạch toán tháng 6 do Bộ Tài chính mới công bố, 1 kroner Đan Mạch tương đương 3.494 đồng). Trong đó, số tiền rót cho các đối tác phía Việt Nam thực hiện là 14,12 triệu kroner (tương đương 49,1 tỷ đồng) và phần nghi chi sai hoàn toàn thuộc về phía đối tác Việt Nam, chiếm hơn 23% vốn rót xuống, tức 3,3 triệu kroner (tương đương 11,4 tỷ đồng).
Đan Mạch là nhà tài trợ song phương thứ hai công bố tạm ngừng viện trợ ưu đãi cho các dự án Việt Nam trong vòng 3 năm rưỡi trở lại đây. Cuối năm 2008, ngay trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), Nhật Bản cũng đưa ra quyết định tương tự vì nghi án Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) hối lộ để tham gia vào dự án Đại lộ Đông Tây (TP HCM). 4 tháng sau, Việt Nam và Nhật Bản ký thỏa thuận nối lại ODA.
Nhóm phóng viên

Xác thai nhi từ phòng khám tư bị tuồn ra nước ngoài?



04/06/2012 11:26:44
Quy trình xử lý xác thai nhi tại các phòng khám sản tư nhân vẫn khá mù mờ, liệu có đường dây thu lượm và chuyển xác thai nhi qua biên giới làm nguyên liệu thuốc thịt người?
TIN LIÊN QUAN

Xác thai nhi tại Bệnh viện được xử lý cẩn thận

Hiện nay, tại Hà Nội, ngoài các bệnh viện phụ sản, còn có hàng nghìn phòng khám nạo hút thai, chưa kể các phòng khám nạo hút thai chui, các cơ sở nạo hút thai tại nhà. Trung bình mỗi ngày sẽ có hàng nghìn ca nạo hút thai diễn ra.

Nhiều người thắc mắc, với số lượng xác thai nhi mỗi năm lớn như vậy, số lượng xác thai nhi được xử lý ra sao? Chúng được chôn cất cẩn thận không?
sdf
Sau khi nạo hút thai, xác hài nhi được các bệnh viện chuyển đi an táng chu đáo

Nhất là thời gian qua, thông tin về việc Hàn Quốc phát hiện hàng nghìn viên thuốc thịt người được chế biến từ nguyên liệu chính là bào thai, càng khiến cho nhiều người bày tỏ nghi vấn, liệu có tình trạng xác hài nhi ở Việt Nam được thu gom để làm nguyên liệu chế biến “ thuốc thịt người” của các cơ sở bào chế loại thuốc này tại Trung Quốc?.

Để giải đáp những nghi vấn trên, chúng tôi đã khảo sát tại một số bệnh viên lớn nhỏ chuyên về phụ sản trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, các phòng khám phụ sản tư.

Tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội, nơi mỗi ngày diễn ra hàng chục cao nạo hút thai. Theo một bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, sau khi nạo hút thai các hài nhi sẽ được đưa xuống nhà xác và được an táng cẩn thận theo quy trình. Không có chuyện hài nhi được tuồn ra bên ngoài.

Mục sở thị tại nhà xác bệnh viên Phụ sản Hà Nội, sau khi nạo hút thai, xác hài nhi sẽ được đưa xuống đây. Khoảng 1 giờ sau sẽ có xe của bệnh viên đưa đi mai táng cẩn thận.

Người trông coi nhà xác bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phú cho biết, các hài nhi được đưa vào quan tài và an táng chu đáo. “Chúng chưa được sinh ra đã lìa đời đáng thương lắm, phải làm sao cho chúng không cảm thấy cô đơn, khi đã rời khỏi trần thế".

Tôi hỏi ông Phú: “Mỗi ngày nhận nhiều xác hài nhi thế, có bao giờ bà mẹ nào đến thăm không?”, ông nhìn tôi nói: “Chẳng có ai đến thăm đâu! Phá thai xong, những bà mẹ đi thẳng một mạch, không hề biết cái thai của mình được bỏ ở đâu”. Nói rồi, ông Phú chỉ tay vào nơi đặt quan tài, xót xa: “Thật khổ cho các cháu, chưa thành hình đã phải lìa bỏ cõi đời, chịu lạnh lẽo không người hương khói”.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi chúng tôi có mặt cũng là lúc một số hài nhi được đưa xuống nhà xác sau mấy ca nạo hút thai. Người trông coi nhà xác bệnh viện nay quả quyết, các cháu được đưa xuống đây đều được an táng cẩn thận.

Khảo sát tại các Bệnh viện lân cận có các khoa phụ sản, phóng viên nhận thấy các bệnh viện này, đều làm đúng quy trình, an táng các hài nhi rất cẩn thận, không có chuyện xác hài nhi được vứt bỏ ra bên ngoài sau khi phẫu thuật.

Xác thai nhi ở các phòng khám tư đi đâu?

Tại các Bệnh viện, xác hài nhi được chôn cất cẩn thận. Nhưng tại các phòng khám tư nhân, nhất là các cơ sở nạo hút thai “chui”, các cơ sở nạo hút thai tại nhà, số lượng xác hài nhi sau khi nạo hút thai sẽ được xử lý ra sao? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Tại "phố nạo phá thai" ở đường Giải Phóng (đối diện với bệnh viện Bạch Mai), những cơ sở nạo hút thai treo biển nhan nhản, có khoảng 15 phòng khám sản nằm sát nhau. Vào một phòng khám sản khoa ở đây, chúng tôi được giới thiệu, mỗi ngày phòng khám nạo hút hàng chục ca.
DC
Khâu xử lý xác thai nhi tại các cơ sở nạo hút thai tư nhân vẫn để lại nhiều suy nghĩ

Khi được hỏi số lượng hài nhi khi được nạo hút sẽ xử lý thế nào? Một người trực phòng khám này cho biết, trước đây thường bỏ sọt rác, nhưng giờ có người đến thu gom xử lý, còn họ mang đi đâu, làm gì chúng tôi không biết được.

Ở phòng Khám 8... bên cạnh, nhân viên có câu trả lời rõ ràng hơn "Sau khi thực hiện ca nạo hút thai, chúng tôi đều bỏ vào hộp dụng cụ y tế, để cuối ngày có người mang đi chôn cất". Nhưng khi được hỏi chôn cất ở đâu thì nhân viên này im lặng.

Tại khu vực Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội) nơi có nhiều phòng khám sản khoa, theo tìm hiểu của chúng tôi, các phòng khám này có thực hiện nạo hút thai. “Tối đến thấy có người đến nhận túi gì đó tại các phòng khám này rồi đi, thấy bảo là hài nhi mang đi chôn cất ở đâu hay làm gì thì tôi không rõ?”, Bà Hằng bán nước trà khu vực gần khu vực phòng khám cho biết.

Tại làng công nhân ở xã Kim Chung ( huyện Đông Anh, Hà Nội), nơi tập trung đông đảo các công nhân ở KCN Bắc Thăng Long, do nhu cầu từ thực tế, nên các phòng khám phụ sản mọc nhiều như nấm. Chúng tôi có mặt tại phòng khám P.N (làng Bầu, xã Kim Chung) đã có rất đông công nhân đến đợi để phá thai.

Giá mỗi ca ở đây chỉ khoảng vài trăm nghìn, rẻ hơn nhiều lần so với các nơi khác, nên rất đông khách. Bác sĩ Hoàng Văn N cho biết, phòng khám mỗi ngày tiến hành nạo khoảng chục ca, số lượng hài nhi đều được chôn cất tử tế, đa số là người dân Đồi Cốc lấy về chôn cất.

Theo ông Nguyễn Văn Thạo, người làng Đồi Cốc ( Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Vì cái tâm, người dân làng Đồi Cốc vẫn đi nhặt các hài nhi ở các phòng khám sản để chôn cất, nhưng có khi ra đầu ngõ chúng tôi đã phát hiện túi đựng xác hài nhi".

Quy trình xử lý xác thai nhi tại các phòng khám sản tư nhân vẫn khá mù mờ. Từ đó xuất phát những nghi vấn về một đường dây thu lượm và chuyển xác thai nhi qua biên giới làm nguyên liệu thuốc thịt người.

Theo Infonet

Tướng Phùng Quang Thanh: VN có nhu cầu mua vũ khí Mỹ ??



04/06/2012 20:10:15
Sáng nay (4/6), trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, Việt Nam có nhu cầu mua vũ khí của Mỹ và mong nước này bỏ cấm vận vũ khí sát thương.
TIN LIÊN QUAN
Trả lời câu hỏi của hãng AFP về "kế hoạch của Việt Nam đối với việc mua vũ khí Mỹ nếu Mỹ đồng ý bán, cũng như Việt Nam có tiếp tục cho phép gia tăng sự vào ra cảng của tàu quân sự Mỹ đến cảng Cam Ranh?", Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, cho biết hiện nay Mỹ mới bỏ cấm mua các loại trang bị sát thương với Việt Nam, còn các loại vũ khí sát thương chưa được dỡ bỏ cấm vận.
Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta  - Ảnh: Reuters
Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi mong muốn Mỹ sẽ sớm bỏ lệnh cấm vận mua bán vũ khí sát thương vì mục đích bình thường hoá hoàn toàn quan hệ hai nước, vì lợi ích chung của hai nước. Nếu được dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, chúng tôi có nhu cầu mua một số lại vũ khí trang bị trước hết để sửa chữa, bảo quản, nâng cấp các loại vũ khí chúng tôi thu được trong chiến tranh" - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nêu rõ.

Sau đó, theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, nếu khả năng tài chính đất nước cho phép, Việt Nam sẽ từng bước hiện đại hóa quân đội và sẽ lựa chọn mua những loại trang bị vũ khí phù hợp yêu cầu hiện đại hóa quân đội của Việt Nam, giá cả cạnh tranh.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng bày tỏ sự hoan nghênh việc tàu hậu cần, kỹ thuật của Mỹ tiếp tục đến sữa chữa ở các cảng thương mại của Việt Nam.

"Việt Nam có lợi thế các cơ sở sửa chữa, sản xuất tàu biển, kể cả tàu hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ, thợ của chúng tôi lành nghề cao, tay nghề tốt, chăm chỉ, giá cả cạnh tranh, để tăng cường hợp tác quốc phòng song phương đồng thời tạo công ăn việc làm cho công nhân của phía Việt Nam" - Bộ trưởng  Phùng Quang Thanh nói.
Tàu vận tải USNS Richard E.Byrd của hải quân Mỹ đang neo đậu sửa chữa tại cảng Cam Ranh - Ảnh: VNE
Tàu vận tải USNS Richard E.Byrd của hải quân Mỹ đang neo đậu sửa chữa tại cảng Cam Ranh - Ảnh: VNE
Trong phát biểu đầu tiên tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mỹ Leon Panetta bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc sự đón tiếp của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng như việc tạo cơ hội cho ông thăm vịnh Cam Ranh.

"Đó là cuộc viếng thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến cảng kể từ sau chiến tranh. Chuyến thăm tạo cơ hội cho tôi thăm một tàu Mỹ đang sửa chữa ở vịnh do một doanh nghiệp của Việt Nam, cảm ơn mức độ hợp tác của hai bên, sự hợp tác của Việt Nam dành cho tàu đó" - ông Panetta nêu rõ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng: "Cam Ranh là vịnh quan trọng. Nếu Việt Nam trong quá trình cải tạo có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ thì Mỹ sẵn sàng".

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở vấn đề hai bên cùng quan tâm, về hợp tác quốc phòng song phương giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Bộ trưởng Panetta đến thăm tàu USNS Richard E.Byrd đang neo đậu sửa chữa ở Cam Ranh - Ảnh: AP
Bộ trưởng Panetta đến thăm tàu USNS Richard E.Byrd đang neo đậu sửa chữa ở Cam Ranh - Ảnh: AP
Hai bên tập trung trao đổi tìm biện pháp thúc đẩy thực hiện bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương mà bộ quốc phòng hai nước ký năm ngoái. Trong đó có một số lĩnh vực như tiếp tục đối thoại song phương cấp cao giữa bộ quốc phòng hai nước, hợp tác lĩnh vực trong tìm kiếm cứu nạn, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, hợp tác lĩnh vực quân y, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, ông đã trao cho Bộ trưởng Panetta 3 bức thư, những kỷ vật của lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam.

Hai bên cũng tiếp tục hợp tác trong rà phá bom mìn sót lại trong chiến tranh, Mỹ hỗ trợ giúp thông tin và trang thiết bị rà phá bom mìn giúp Việt Nam, hợp tác tẩy độc chất đọc da cam tồn lưu ở một số sân bay, khu vực trước đây Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam" - Tướng Thanh nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trao các bức thư của một lính Mỹ cho ông Panetta.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trao các bức thư của một lính Mỹ cho ông Panetta.
"Tóm lại chúng tôi hợp tác trên 3 lĩnh vực hợp tác chính: trong khuổn khổ bản ghi nhớ hợp tác quốc phong song phương hai nước ký, về lĩnh vực an ninh phi truyền thống, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa" - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh và cho biết hai bên nhận thấy tiềm năng, dư địa hợp tác còn lớn.

Tại cuộc báo, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng nêu rõ: "Hợp tác quốc phòng song phương tăng cường hiểu biết, tăng cường tin cậy phù hợp quan hệ chung hai nước, với tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đôi bên cùng có lợi, đôi bên cùng hợp tác, phát triển ở khu vực, đóng góp cho thế giới, không làm phương hại an ninh của các nước láng giềng và các nước khác".

Bộ trưởng Panetta tán đồng: "Mỹ có mục đích muốn thúc đẩy chính những điều như Bộ trưởng Thanh đã đề cập là độc lập, chủ quyền của các nước trong khu vực. Đó chính là phục vụ lợi ích của sự ổn định".

"Chắc chắn rằng chúng ta sẽ có sự ổn định nếu có một Việt Nam hùng mạnh hay Indonesia hùng mạnh, Philippines hùng mạnh và các nước trong khu vực hùng mạnh. Sự mất ổn định diễn ra nếu khu vực chỉ có nhóm những nước yếu, trong khi Mỹ và Trung Quốc là cường quốc trong khu vực. Vấn đề trọng yếu là để có tương lai ổn định, thịnh vượng, nhân dân các nước trong khu vực sống tốt đẹp thì điều quan trọng phải bảo đảm làm sao các nước có thể phát triển năng lực, kinh tế, thương mại. Điều đó sẽ đem các nước xích lại với nhau chứ không phải đẩy nhau cách xa. Đó là mục đích của Mỹ và là lý do vì sao tôi có mặt ở Việt Nam" - Ông Panetta nêu rõ.

(Theo NLĐ)

Cầu cửa ngõ TP.HCM bong tróc lòi cả sắt, thép



04/06/2012 18:16:12
- Sau đúng 18 tháng được xây mới và đưa vào sử dụng, 2 nhánh biên cầu Rạch Chiếc – cây cầu huyết mạch cửa ngõ TP.HCM, lại tiếp tục có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng nặng.

Chiều 3/6, có mặt trên cây cầu này chúng tôi ghi nhận ở cả 2 nhánh ra và vào thành phố đều có tình trạng mặt đường nứt lún, bê tông nhựa bị bong tróc lòi cả lưới thép tạo thành rãnh sâu ngay giữa cầu.
Nhánh biên cầu Rạch Chiếc ở ca 2 hướng ra vào TPHCM bị xuống cấp, hư hỏng nặng mặt đường.
 
Nhánh biên cầu Rạch Chiếc ở ca 2 hướng ra vào TPHCM bị xuống cấp, hư hỏng nặng mặt đường.
Bêtông nhựa đường bong tróc lòi cả sắt, thép.
Anh Trần Thế Công, một tài xế xe buýt trên tuyến xa lộ Hà Nội phản ánh: Dù qua lại hàng ngày nhưng khi lưu thông qua đây cũng phải chịu “sụp” hố giữa đường vì mặt cầu quá hẹp không thể né tránh khiến hành khách la ó cho rằng tài xế chạy ẩu”.

Cũng theo anh Công, anh đã từng chứng kiến nhiều xe ôtô từ các tỉnh vào chưa quen đường nên khi đang tăng tốc lên dốc cầu bất ngờ phát hiện hố sâu vội đánh lái để tránh, suýt lao vào thành cầu.
Nhánh biên cầu Rạch Chiếc ở ca 2 hướng ra vào TPHCM bị xuống cấp, hư hỏng nặng mặt đường.
Vết thắng xe gấp khi tài xế bất ngờ phát hiện rãnh sâu trên mặt cầu.
“Mới chiều qua, chỉ vì thắng gấp khi phát hiện rãnh sâu, một chiếc ôtô 4 chỗ đã khiến 5 xe chạy phía sau không kịp xử lý gây tai nạn liên hoàn”, anh Công kể lại.

Ngay dốc cầu theo hướng TPHCM ra, mặt đường nứt nẻ, bị võng xuống gần 10 cm khiến phương tiện phải giảm tốc độ chạy thành 1 làn nên thường xuyên gây ùn tắc cục bộ.
Đoạn dốc cầu hướng TPHCM ra bị sụt lún gần 10m.
Đoạn dốc cầu hướng TP.HCM ra bị sụt lún gần 10cm.
Đêm 14/5, một tài xế xe đầu kéo không phát hiện mặt đường hư nên khi xuống dốc cầu với tốc độ cao làm container bị lật đè gãy thành cầu treo lơ lửng khiến hàng chục phương tiện xe máy lưu thông phía dưới một phen hoảng sợ.

Tuy nhiên, dù sự cố đã xảy ra gần 1 tháng nhưng đến nay đơn vị chủ quản vẫn chưa sửa chữa khiến người tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an.
Vụ tai nạn vì tài xế không phát hiện độ chênh mặt đường khiến chiếc xe tông gãy thành cầu vào đêm 14/5 đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Chiếc xe tông gãy thành cầu vào đêm 14/5 đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Được biết, trước đây khi đưa vào sử dụng khoảng 6 tháng, cầu Rạch Chiếc cũng đã bị sụt lún, bong tróc… sau đó đã được khắc phục, tuy nhiên đến nay thì tiếp tục bị hư hỏng.

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (đơn vị quản lý cầu Rạch Chiếc), nguyên nhân của hiện tượng rạn nứt và bong tróc nhựa bê tông là tác động của sự chênh lệch nhiệt độ làm cho dầm cầu bị co giãn. Ngoài ra còn do lực tác động của các xe qua lại tại những điểm này.
Cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội là cây cầu huyết mạch ở cửa phía Đông Sài Gòn. Hai nhánh biên cầu Rạch Chiếc được xây mới và đưa vào sử dụng từ ngày 25/12/2010 có chiều dài 295 m, gồm 2 làn xe hỗn hợp, với tổng vốn đầu tư 346 tỷ đồng.

Hiện tại, nhánh giữa cầu (cầu Rạch Chiếc cũ) sau thời gian thi công đã được hợp long vào ngày 26/5. Dự kiến trong tháng 7/2012 sẽ thông xe toàn bộ để góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc, hạn chế tai nạn tại cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM.

Vũ Sơn

Đề nghị "trục xuất" nhóm người TQ nuôi cá ở Cam Ranh



04/06/2012 21:45:26
Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) Đào Văn Hòa thừa nhận, việc quản lý người Trung Quốc nuôi lồng bè còn lỏng lẻo do một số ban ngành chưa nhận thức đầy đủ vấn đề, còn chủ quan.
TIN LIÊN QUAN

Sáng 4/6, UBND thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) đã triệu tập các cấp, phòng ban chức năng họp, bàn cách xử lý và làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc người Trung Quốc thu mua, nuôi cá lồng bè gần cảng Cam Ranh.

Ông Đào Văn Hòa cho biết, UBND đã chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền, phòng ban và báo cáo lên UBND tỉnh Khánh Hòa trước ngày 8/6.

Theo ông Hòa, ủy ban đang vẫn rà soát số lượng người Trung Quốc ở đây. Từ năm 2009 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xử lý nhóm người này, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
D
Bè cá của người Trung Quốc tại vịnh Cam Ranh.

Ông Hòa cho rằng, mình mới nhận chức nên đang cho rà soát lại các văn bản, tìm hiểu các lỗ hổng quản lý khiến thời gian qua người Trung Quốc công khai nuôi cá bè ở Cam Ranh. Ngoài ra, Thành ủy Cam Ranh sẽ kiến nghị tỉnh nên có cuộc họp để thống nhất việc quản lý chung, bài bản và có quy hoạch tổng thể vùng biển Cam Ranh.

Trong giao ban sáng 4/6, Thường vụ Thành ủy cũng đã yêu cầu UBND TP Cam Ranh nhanh chóng hoàn thành báo cáo; làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan; xem xét đâu là điểm yếu kém để tìm cách khắc phục.

Theo tin từ một số ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa, hiện có gần 20 người nước ngoài, cụ thể là người Trung Quốc hoạt động nuôi cá, tôm… trên vùng biển Khánh Hòa, trong đó tập trung chủ yếu ở vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong.

Tại khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) có 2 người Trung Quốc làm lồng bè nuôi cá mú. Ở thôn Mỹ Giang, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, cũng có 3 người Trung Quốc nuôi tôm thẻ chân trắng.

Chính quyền TP Cam Ranh đề nghị Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng mỗi người đối với 5 người Trung Quốc hoạt động trái phép tại vịnh Cam Ranh.

Những người này có thị thực nhập cảnh Việt Nam nhưng đã hết hạn. Ngoài ra, TP đề nghị phạt 3,5 triệu đồng một người đối với 2 người Trung Quốc hoạt động không phép, không có thị thực nhập cảnh.

Thành phố cũng kiến nghị không cho những người Trung Quốc này lưu trú tại Cam Ranh.

(Theo VNE)

Nhà xe đánh hành khách tét đầu. máu chảy ướt áo



04/06/2012 22:25:40
Khoảng 15h ngày 4/6, ở bến xe thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè (Tiền Giang), một thanh niên đã đánh hành khách đi xe buýt đáng tuổi cha chú mình đến tét đầu, máu chảy ướt cả áo.

Một số người dân đã đưa nạn nhân đi bệnh viện băng bó vết thương.

Công an thị trấn Cái Bè cho biết bước đầu xác định người ra tay đánh là Nguyễn Hoàng Nam (18 tuổi, ngụ phường 4, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang). Nam là con của một chủ xe buýt.
Người dân đưa nạn nhân bị nhà xe đánh đi cấp cứu.
Người dân đưa nạn nhân bị nhà xe đánh đi cấp cứu.
Người bị đánh là một hành khách trên 50 tuổi chưa rõ danh tính vì được người dân đưa về nhà ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy.

Tại cơ quan công an, Nam khai ông khách nói trên đi xe buýt của gia đình mình từ thành phố Mỹ Tho về Bình Phú. Lên xe thì ông này ngủ say do đã có uống rượu. Đến Bình Phú, nhà xe gọi nhưng ông không tỉnh dậy.

Xe chạy tiếp đến bến xe thị trấn Cái Bè, nhà xe tiếp tục gọi. Sau khi ông này xuống xe đã dùng chân đá vào thành xe. Thấy vậy, Nam lao tới đánh ông này chảy máu đầu.

Vụ việc đang được Công an thị trấn Cái Bè thụ lý điều tra.
(Theo TTO)