THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 July 2012

Nghệ An: Hàng trăm bản làng đói… điện !



Thứ tư - 04/07/2012 19:48 - Người đăng bài viết: Biên Tập Viên

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 295 thôn, bản ở 54 xã thuộc 8 huyện chưa có điện, trong đó có 24 xã hoàn toàn chưa có lưới điện Quốc gia. Người dân những xã vùng cao này từ bao đời nay luôn sống trong cảnh “mù” và "đói" thông tin nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.


Đồng bào miền Tây xứ Nghệ thắp nến cũng là một sự xa xỉ
Đồng bào miền Tây xứ Nghệ thắp nến cũng là một sự xa xỉ
Về nơi cuộc sống… tù mù
 
Từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi vượt hơn 80km đường rừng mới tới được Keng Đu, đây là xã xa nhất của huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn. Trước mắt chúng tôi là những mái nhà sàn, nhà lá xập xệ, mốc thếch như những tổ chim treo lưng chừng núi và nằm rải rác 2 bên bờ sông, bờ suối. 
 
 
Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam than thở: Xã chúng tôi nghèo lắm. Toàn xã có 10 bản, 772 hộ với gần 4.000 nhân khẩu thuộc hai dân tộc Khơ mú và Thái. Tỷ lệ đói nghèo của xã đang ở mức cao với gần 88% số hộ. Đã vậy, Keng Đu còn chưa có điện lưới Quốc gia, đường giao thông xuống cấp, chưa có đường đến các thôn, bản; mạng lưới thông tin liên lạc chưa có. Toàn xã hiện có duy nhất một trạm phát sóng BTS của Viettel nhưng cũng rất phập phù. Bởi vậy, người dân Keng Đu đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. 
 
Trong cái nắng như lửa của mùa hè, ở UBND xã mọi người đều phải dùng quạt mo hoặc quyển sách để làm giảm nóng cho mình. Còn ở bên ngoài, người dân phải rời nhà ngồi dưới gốc cây hoặc vào hang trú nóng. Tại các bản Huổi Phun 1, Huổi Phun 2, có một số nhà có thuỷ điện mi ni tự tạo ở các khe suối, nhưng cũng phập phù theo con nước lên xuống.
 
Ông Mong Phò Phiơn, một người dân lắc đầu ngao ngán: "Thuỷ điện mini, mua một bộ vài triệu mới dùng được nhưng nhanh hỏng lắm, vài tháng là hỏng rồi. Với lại loại thuỷ điện này không ổn định, tivi, quạt máy bị hỏng thường xuyên. Thuỷ điện mini thì những hộ nghèo cũng không thể dùng, nên phần lớn đồng bào không dùng. Bao đời nay, chúng tôi sống trong cảnh tù mù, đói thông tin, thì đói nghèo là điều đương nhiên".
 
Đêm Keng Đu, trời tối như mực, chỉ có một vài ngọn đèn leo lét của học sinh học bài. Hầu hết, người dân ở đây dùng đèn dầu để thắp sáng, nhưng cũng phải rất tiết kiệm, chỉ dành những lúc cần thiết và cho con cái học bài, còn việc thắp nến cũng là một sự xa xỉ.
 
Thầy  giáo Trần Văn Hùng, giáo viên Trường THCS Keng Đu than thở: "Giáo viên chúng tôi lên đây gieo chữ thiếu thốn đủ thứ nhưng thiếu điện là rất khổ, những giáo viên dưới xuôi, họ soạn giáo án điện tử, hàng ngày tiếp xúc với bao nhiêu kiến thức trên mạng nhưng chúng tôi đến bây giờ vẫn phải soạn giáo án bằng bút và đèn dầu…".

Nhiều thầy, cô giáo Trường tiểu học Keng Đu cũng phàn nàn về tình trạng mù chữ của người dân chiếm tỉ lệ khá cao. Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình thì mới biết, các em sáng lên trường, chiều về đi rẫy, tối không có điện nên đi ngủ sớm. Đôi khi trên lớp học, giáo viên phải cầm tận tay, bày từng chữ các em mới bập bẹ đọc và viết được.
 
Ông Mùa Nỏ Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Đến nay, huyện Kỳ Sơn vẫn còn 12 xã chưa có điện. Đây là những xã vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại khó khăn. Chúng tôi cũng rất mong cấp trên quan tâm, sớm có điện lưới Quốc gia để dân đỡ khổ".
 
Không riêng gì huyện Kỳ Sơn mà trên địa bàn Nghệ An vẫn còn 24 xã với khoảng hơn 10.000 hộ dân chưa có điện lưới Quốc gia (Tương Dương 3 xã, Kỳ Sơn 12 xã, Quỳ Châu 4 xã, Quế Phong 4 xã, Con Cuông 1 xã). Đây là những xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Từ bao đời nay hàng ngàn hộ dân này vẫn khao khát mong chờ điện lưới Quốc gia.
 
Thần chết rình rập vì ước mơ có điện
 
Vì không có điện lưới, đồng bào đã tự tìm nguồn điện cho mình bằng cách ngăn dòng chảy của khe, suối để đặt máy tua-bin phát điện. Hàng triệu dây điện chằng chịt như mạng nhện từ các khe, suối vươn về từng bản làng. Những dây điện như thế không những gây tai nạn cho gia súc mà còn gây ra nhiều cái chết thương tâm đối với con người.
 
Do máy tua-bin nhà mình bị hỏng, anh Lô Ngọc Tọa (SN 1963) ở bản Xiềng, xã Bình Chuẩn đã lội xuống khe suối sửa chữa, bị điện giật chết. Anh Vi Văn Hiếu (SN 1986) ở bản Mét, xã Bình Chuẩn khi đi vào rừng thấy dây điện trần sà xuống sát mặt đất, đã dùng cây gác lên, không ngờ bị điện giật tử vong.
 
Trường hợp gần đây nhất là anh Kha Văn Mùi ở bản Tông (Bình Chuẩn) cũng do lội xuống khe sửa chữa, khi vừa cho chạy thử chiếc máy tua-bin thì va phải mạch điện rò rỉ nên đã bị tử thần cướp đi tính mạng.
 
Những thuỷ điện mini như thế này rất nguy hiểm
 
Anh Kha Văn Minh - Trưởng Công an xã cho biết: "Chết vì điện ở đây nhiều lắm, chết hụt cũng nhiều. Tui trước đây đi làm về, xe vướng phải dây điện thõng xuống ngang đường bị giật té ngửa ra đường. Rất may là chỉ ngất xỉu một lúc rồi tỉnh dậy".
 
Bình Chuẩn là xã may mắn, một số bản làng của xã này đã có điện lưới Quốc gia vài tháng trước, nhưng còn hàng trăm bản làng ở miền Tây xứ Nghệ vẫn chưa có điện. Đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với những rủi ro từ thuỷ điện mi ni, với đói nghèo và lạc hậu.
 
Bao giờ dân có điện?
 
Trước nhu cầu bức thiết này, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 23/2011 NQ-HĐND ngày 9/12/2011, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% số hộ có điện sử dụng. Chính phủ và Bộ Công thương cũng đã đồng ý cho Nghệ An lập dự án đầu tư cấp điện đến các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa có lưới điện Quốc gia.
 
Sở Công thương Nghệ An đã được UBND tỉnh giao triển khai các thủ tục đầu tư. Sau một thời gian ngắn, đã trình kế hoạch đấu thầu lập dự án đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn: Giai đoạn I: từ năm 2012 - 2015 sẽ  cấp điện cho 12.840 hộ gia đình với số vốn khoảng 600 tỷ đồng; giai đoạn II: từ năm 2015 - 2020 cấp điện tiếp cho gần 7.000 hộ gia đình với số vốn gần 400 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, để điện lưới Quốc gia đến được với hàng ngàn hộ dân miền Tây xứ Nghệ  vẫn còn xa lắm. Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: "Nguyên nhân 24 xã chưa có điện vì đó là những xã miền núi rẻo cao, vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, đầu tư vào đó rất lớn nên chưa có điều kiện đầu tư. Chủ trương là đầu tư dần dần mang tính chất phúc lợi chứ kinh doanh thì không thể làm được".
 
Như vậy, ước mơ có điện từ bao đời nay của hơn chục ngàn hộ gia đình ở 24 xã miền núi Nghệ An vẫn phải... chờ. Và đồng bào vẫn phải sống trong cảnh tù mù, đói điện và đói hàng trăm thứ khác.

 
Tác giả bài viết: Tiến Dũng
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An

VIDEO - Bà con Văn Giang biểu tình tại UBND huyện Văn Giang 4-7-2012



Link http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=3SlVhNOllbg

- Từ 8h sáng ngày 4-7-2012 gần 1000 bà con Văn Giang đến UBND huyện Văn Giang theo giấy mới làm việc liên quan tới khiếu kiện lại quyết định cưỡng chế đất ngày 24-4-2012. Bà con ủy quyền cho các đại diện nhưng chính quyền huyện đã không dám tiếp đối thoại.

- Ông Đàm Văn Ngọc bố vợ chủ tịch xã Xuân Quan - Nguyễn Văn Sáng, ông Ngọc được giấy mời làm việc của UBND huyện Văn Giang sáng ngày 4-7-2012 để họp giải quyết đơn khiếu nại về việc cưỡng chế đất đai trái pháp luật của chính quyền huyện Văn Giang ngày 24-4-2012 . Bà con cho biết khi ông Ngọc đi tới nửa đường được sự chỉ đạo của chủ tịch Sáng ( con rể ) cho bốn người nhà khênh ông lên xe đưa về nhà.

- Rất đông công an của bộ, huyện, xã và xã hội đen có mặt tại UBND huyện.
- Cũng có Phó tổng Việt Hưng Vũ Mai Phong, Nguyễn Công Hồng ở UBND huyện chỉ đạo.

Choáng vì "ma trận" ngôn ngữ chat của học trò



04/07/2012 15:54:59
 - Sử dụng "mật khẩu" trong tin nhắn, email, chat và dùng ngôn ngữ cải biên trong cách nói chuyện đang dần trở nên khá phổ biến trong giới học trò. Theo các chuyên gia, việc lạm dụng ngôn ngữ này làm hỏng tư duy ngôn ngữ tiếng Việt của các em.

Không hiểu con nhắn gì...

Chị Bùi Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: "Một lần tôi thử kiểm tra điện thoại xem con gái có gì "mờ ám" không. Nhưng mở điện thoại ra, tôi tá hỏa chẳng hiểu chúng nó nói với nhau cái gì. Các ký tự trông như một  ma trận với những mật mã không thể dịch được. "N dag lam j d0.hay da ngu ruj,pan nay nkan dc tn nkug b h0k dam l0j dt ra xem vj dag tr0g l0p h0c.tren dg ve gap mua.b chay v0j van t0c ank sag.hihi".  "- Ukm. Pjt uj.Kaka.Ok.Tke naz.Co j tj t alo cko hak.Pjpj m naz".  "Ck oy vk day hum wa kan n0j j vz vk tke"... Nhìn qua qua một tí mà tôi thấy chóng hết cả mặt. Khi đem ra để hỏi thì cháu nó bảo bọn con vẫn quen nói chuyện như thế, có gì nghiêm trọng đâu".

Em Lê Lan Anh, học sinh Trường THCS Đông Thái (Hà Nội) cho biết: "Ban đầu, em cũng không có ý định dùng ngôn ngữ chat. Nhưng khi nhắn tin cho các bạn, em dùng cách viết bình thường, đúng chính tả thì bị các bạn cho là "quê", có bạn còn không trả lời. Em nghĩ chỉ viết tin nhắn chơi thôi nên em cũng sử dụng ngôn ngữ chat cho giống các bạn. Riết rồi quen, bây giờ em không nhắn tin theo cách viết trước đây nữa".

Trong các tin nhắn, comment, entry... phổ biến hiện tượng tự động bớt hoặc thêm chữ cái (kiểu như: biết = bit, rồi=roai...) hoặc thay chữ cái này bằng chữ cái khác (o = 0, c = k, h = k, b = p...). Đặc biệt, các em còn "sáng tạo" ra nghĩa mới cho từ, tạo cho một từ quen thuộc có nhiều nghĩa mới mẻ hoặc làm cho nghĩa của từ trở nên không rõ ràng.

Khảo sát ngẫu nhiên ở một vài học sinh thì được biết, đây là cách nói chuyện "tiện lợi, đơn giản, dễ hiểu" phổ biến trong học trò. Khi dùng những chữ kiểu này trong điện thoại sẽ hạn chế số lần nhấn vào bàn phím cũng như tiết kiệm ký tự. Ví dụ, khi muốn nhắn chữ "Đi" trong điện thoại, phải nhấn số 3, rồi 3 lần số 4 thì bây giờ chỉ cần nhấn số 3 và số 5 là có được chữ "Dj" nhanh chóng mà người nhận vẫn hiểu được ta đang nói gì.
Sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn sẽ giúp các em không bị lệch lạc về tư duy (ảnh minh họa).
Sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn sẽ giúp các em không bị lệch lạc về tư duy (ảnh minh họa).

Lười tư duy, ảnh hưởng đến nhân cách

Theo TS ngôn ngữ học Văn Giá, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sử dụng ngôn ngữ chat ở đâu, lúc nào cho phù hợp là điều giới trẻ cần suy nghĩ. Nếu cứ theo đà này thì thật khó để tìm những ngôn từ đẹp, lời văn hay. Và lo ngại hơn là cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành thói quen lười tư duy, thiếu kiên trì, nhẫn nại trong công việc, ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách của các em sau này. Tác hại dễ thấy nhất đó là những câu trả lời cộc lốc, vô cảm như "biết chết liền", "hên xui" đã trở nên phổ biến. Nhiều em khi làm  nộp hồ sơ xin việc với lá đơn đầy lỗi chính tả hay không ít cán bộ trẻ vẫn không biết soạn thảo văn bản. Dù cách nói, cách viết của các em có mới, lạ, ngồ ngộ đi nữa thì cũng phải hướng đến mục đích cuối cùng là để người nghe, người đọc hiểu chứ không phải là để người nghe, người đọc đoán và... cảm thấy choáng váng.

Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân quan trọng đó là yếu tố xã hội. Xã hội ngày càng phát triển tạo nên một nhịp sống công nghiệp nhanh và gấp. Thế hệ trẻ năng động chính là những người làm quen với lối sống này nhanh nhất và hấp thụ nó mạnh mẽ nhất. Chính lối sống nhanh và gấp ấy đã hình thành nên thói quen lược bớt từ trong một câu nói, thậm chí lược bớt chữ cái trong một từ của các teen khi trò chuyện với nhau cho... đỡ tốn thời gian. Không chỉ dừng ở vấn đề nhanh chậm khi bấm bàn phím điện thoại hay đánh máy mà tư duy của 9x bây giờ cũng thực sự nhanh, nhạy.

Theo các chuyên gia, ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy. Việc sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn sẽ giúp các em có tư duy đúng chuẩn, từ đó hình thành nhân cách đúng đắn.
"Một thực tế diễn ra là ngôn ngữ của giới trẻ đang vận động và biến đổi rất mạnh mẽ, xuất hiện một kiểu ngôn ngữ lệch chuẩn trong phạm vi giao tiếp hẹp trong giới 9x mà ngay những người trẻ vừa mới qua độ tuổi đó cũng không can dự được vào. Điều này bản thân các em phải tự điều chỉnh để không ảnh hưởng đến khả năng học các ngôn ngữ khác của mình".
ThS Lương Thị Hiền (giảng viên chuyên ngành ngôn ngữ học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
Hà Bình

Điện thoại nóng của bệnh viện là số của...người dân



04/07/2012 19:26:04
 - Bệnh viện Phú Nhuận TPHCM công khai đường dây nóng 09088... dán khắp nơi trong bệnh viện để bệnh nhân thông tin, phản ánh các vấn đề bất cập của bệnh viện mà bệnh nhân, thân nhân chưa hài lòng. Tuy nhiên, đó chỉ là số điện thoại... của một người dân!

Không thấy ai gọi điện phản ánh!

Chị Nguyễn Dương Thu Trang (đường Hồ Biểu Chánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết: Ngày 26/6 tôi đưa con trai đến Bệnh viện Phú Nhuận để nhổ răng sữa. Sau khi làm thủ tục nhận bệnh, lấy số thứ tự và đến nộp sổ ở Khoa Răng Hàm Mặt thì phát sinh nhiều vấn đề làm tôi bức xúc từ thái độ của nhân viên đến chuyện phải đóng thêm phụ thu tiền khám bệnh (điện, nước, vệ sinh...), tiền công nhổ răng sữa, nên tôi mới gọi đường dây nóng để hỏi cho rõ sự việc.
 
Nào ngờ gặp ngay một thanh niên trả lời: "Tôi không phải là người của bệnh viện, có việc gì cần thì đi tìm bệnh viện mà hỏi nhé!" rồi cúp máy cái rụp. Tôi ngạc nhiên nên mới gọi lại để hỏi cho ra ngọn ngành, anh thanh niên cho biết đúng là số này, nhưng anh ta ở tận ngoài Bắc chứ không phải là người của bệnh viện. Chị Thu Trang bức xúc nên gọi cho Báo Khoa học & Đời sống tại TPHCM.

Tiếp nhận thư của chị Thu Trang, chúng tôi gặp Ban Giám đốc Bệnh viện Phú Nhuận và người trực đường dây nóng của bệnh viện. BS Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết, quả là bệnh viện thiếu sót đã không kiểm tra số điện thoại đường dây nóng vì quá tin tưởng vào người trực máy. Trong khi đó, người giữ máy thì biện bạch rằng: Bệnh viện vừa qua đã thay đổi quy trình khám chữa bệnh rất tốt nên rất ít bệnh nhân thắc mắc và vì thế không thấy ai gọi điện kêu ca cả. Mặt khác, cũng có thể do đường dây nóng chỉ để nghe mà không gọi đi nên có lẽ đã bị nhà mạng... cắt!

Trong khi đó, chủ thuê báo số máy này cho chúng tôi biết anh đã sử dụng số thuê bao này được hơn 4 tháng và thường xuyên nhận được các cuộc gọi đến nhầm là số của bệnh viện!
Bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Phú Nhuận.
Bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Phú Nhuận.

Tự ý phụ thu

Giải thích về các khoản phải phụ thu thêm của bệnh nhân khám bảo hiểm y tế, Ban Giám đốc bệnh viện giải thích, trường hợp của con chị Thu Trang là do khám chuyên khoa nên phải thu thêm vì tiền công khám vì bảo hiểm y tế trả thấp quá nên không đủ chi phí các khoản khác để hỗ trợ hoạt động của bệnh viện. Trước khi bắt đầu thu, bệnh viện cũng đã nghiên cứu rất kỹ và có thông báo cho bệnh nhân biết về việc thu thêm phí.
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị xem văn bản quy định về việc phụ thu thêm thì vòng vo một hồi, một vị trong ban giám đốc mới nói rằng: Sở Y tế TPHCM và UBND quận Phú Nhuận đều không có văn bản đồng ý cho thu việc thêm này. Vì vậy, mặc dù bệnh viện có thu thêm nhưng nếu bệnh nhân nào thắc mắc thì chúng tôi trả lại tiền cho họ.

BS Nguyễn Thanh Sơn cũng đã cảm ơn Tòa soạn báo đã kịp thời phản ánh ý kiến của bạn đọc cho bệnh viện để lãnh đạo bệnh viện chấn chỉnh lại nề nếp cũng như xử lý những người làm việc thiếu trách nhiệm để xảy ra những chuyện không hay ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.
Bùi Hương

Việt Nam: "dân mạng" giảm "dân số"?



2012-07-03
Số người sử dụng Internet tại Việt Nam tính đến cuối tháng sáu có hơn 32 triệu người, tức giảm một triệu người so với số liệu công bố hồi đầu năm. Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết như vừa nêu.
Báo cáo dựa trên số liệu lấy từ Bộ thông tin Truyền thông và được tính dựa vào số khách hàng sử dụng internet thuê bao.
Về số liệu này, một số người cho rằng khó có chuyện số người thật sự sử dụng internet lại giảm xuống bởi vì người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng mạng 3G, ADSL… không qua đăng ký. 



Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Người Việt Nam bị truy tố vì giúp khủng bố



2012-07-03
Một người Việt Nam bị truy tố vì tội giúp đỡ tổ chức khủng bố Al Qaeda .
Người đó là Phạm Minh Quang, 29 tuổi, bị tòa án liên bang New York truy tố hôm cuối tháng sáu vừa rồi.
Theo cáo trạng, đương sự đã thề trung thành với tổ chức AQAP, tức Al Qaeda bán đảo Ả Rập, và đến Yemen hồi cuối năm 2010 để thụ huấn.
Ngoài ra, đương sự bị cáo buộc sử dụng vũ khí tự động, chuẩn bị tuyên tuyền trên mạng và làm việc bên cạnh hai người Mỹ khác. Đương sự trở về Anh năm 2011 sau đợt huấn luyện ở Yemen và bị bắt.
Phạm Quang bị truy tố 5 tội và nếu bị kết án có tội, đương sự sẽ lãnh án từ 40 năm tù giam đến chung thân. 

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Giáo điểm Con Cuông bị đập phá, hành hung


Cơ sở tôn giáo này tại Việt Nam vừa bị ngăn cản sinh hoạt bởi những người mà giáo dân nói là công an mặc thường phục, và những người do chính quyền địa phương sai đến hôm 1 tháng 7.

photo giaophanvinh.net
Chính quyền địa phương đến đòi dẹp bỏ giáo điểm, 24 tháng 6, 2012

Mặc thường phục đến gây sự

Nhiều người mặc thường phục đem sẵn dụng cụ đến quấy rối đập phá một ngôi nhà nguyện của người Công giáo, hành hung gây thương tích nặng nề cho những giáo dân đứng ra ngăn cản họ để bảo vệ giáo điểm.
Nơi xảy ra vụ việc vào ngày 1 tháng 7 vừa qua là giáo điểm Con Cuông, thuộc giáo phận Vinh, Giáo hội Công giáo Việt Nam. Giáo điểm này thuộc địa bàn hành chánh thôn Trung Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nơi này cách thành phố Vinh chừng 130 kilomet về phía tây của thành phố Vinh.
Sau khi xảy ra vụ xô xát dẫn đến bị thương nặng cho một số người, tin cho biết phó chủ tịch huyện và trưởng công an huyện Con Cuông có đến để dàn xếp vụ việc.
Linh mục Nguyễn Đình Thục tiến hành lễ hôm 24 tháng 6, 2012- photo giaophanvinh.net
Linh mục Nguyễn Đình Thục tiến hành lễ hôm 24 tháng 6, 2012- photo giaophanvinh.net
Chiều ngày 3 tháng 7, chúng tôi gọi điện thoại đến Ủy ban Nhân dân Huyện Con Cuông, theo số điện thoại công khai trên trang mạng của tỉnh Nghệ An, nhằm tìm hiểu thông tin do phía giáo hội đưa ra trên trang mạng của giáo phận Vinh và một số trang tin trên mạng khác. Tuy nhiên chuông reo nhiều lần mà không ai bắt máy.
Chúng tôi liên lạc được với một giáo dân. Người này cho biết bị hành hung trong ngày 1 tháng 7 đến nay vẫn còn đau, chưa thể trả lời những câu hỏi của chúng tôi về vụ việc, và hẹn khi khỏe lại sẽ trình bày chi tiết:
- "Xin lỗi anh, giờ tôi còn đau, phải nằm, nói to không được."

Đem cả còng, dùi diện, bác sĩ...

Người giáo dân bị hành hung đến ba hôm sau vẫn còn đau như vừa nói, là vì ông cùng những giáo dân khác đã liều mình bảo vệ cho ngôi nhà nguyện tại giáo điểm Con Cuông khi nhiều người khác đến quấy rối, đập phá hồi ngày 1 tháng 7. Nhà nguyện là nơi có đặt Mình Thánh Chúa, tượng ảnh các đấng mà giáo dân tôn thờ, nên khi nơi đó bị tấn công thì theo họ đó là hành động phạm thánh nên họ phải bảo vệ.
Ngoài ra giáo dân còn phải bảo vệ cho vị linh mục đại diện của giaó hội và của Chúa đến giúp phần linh hồn cho giáo xứ. Đó là linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục.
Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết về lực lượng đến gây rối, cản trở sinh hoạt tôn giáo tại giáo điểm Con Cuông hôm ngày 1 tháng 7 như sau:
"Họ mặc thường phục, nhưng họ sống ở địa bàn Con Cuông nên giáo dân ở đó nhận diện được. Rất nhiều người trong số những người đến đó là công an, là ‘những người này, người khác’..."
Giáo dân trong ngày hôm đó cho biết những công an đến đó hôm ấy dù mặc thường phục nhưng mang còng, dùi điện ... đi theo. Tức là những dụng cụ cần thiết để gây rối một cách hiệu quả.
Không biết có tính toán hay không nhưng họ có điều động đến cả bác sĩ. (Người này trong số những người ở lại trong ngôi nhà nguyện). Khi hỏi bác sĩ tại sao đến để gây rối. Họ bảo chính quyền bảo họ đến để rồi lỡ xảy ra chuyện này, chuyện khác thì ‘sơ cứu’. Theo như lời khai của họ như vậy thì rõ ràng họ đến có chủ đích gây rối.
Sau khi căng thẳng tại giáo điểm Con Cuông giảm đi, và hôm sau linh mục Nguyễn Đình Thục ra về thì ông cũng nhận thấy nhiều lực lượng chức năng trên đường về như sau:
"Khi chúng tôi về thì thấy phía nhà cầm quyền điều động một lực lượng rất lớn: cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, cảnh sát giao thông và rất nhiều người đứng hai bên đường. Không biết họ điều động đến với mục đích gì mà một lực lượng lớn như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi ra về an toàn và  họ không làm gì đối với chúng tôi nữa."

Nguyện vọng đơn giản: được thờ phượng Chúa

Ông cũng nhắc lại nguyện vọng và tâm tư của chừng 300 giáo dân đang sinh hoạt tại giáo điểm Con Cuông, giáo phận Vinh:
"Ước nguyện của tôi cũng như của bà con giáo dân Con Cuông là được tự do hành đạo. Một người Công giáo dĩ nhiên hằng tuần phải được đi tham dự Thánh lễ, rồi phải có một nơi để thờ phượng. Rồi lúc nào mà có những vấn đề trong cuộc sống, họ có nơi để đến gặp Chúa. 
Nguyện vọng lớn nhất của họ là nhà cầm quyền phải để cho họ có một nơi hợp pháp để thờ phượng Chúa. 

father-thuc
Linh mục Nguyễn Đình Thục tiếp tục chủ lễ giữa sự quấy phá của người chính quyền sai tới- photo giaophanvinh.net
Trong hiến pháp của Việt Nam nói được tự do tín ngưỡng. Theo tôi nghĩ, tự do tín ngưỡng không phải qui định ‘cái suy nghĩ trong đầu’; bởi vì những gì mình suy nghĩ trong đầu không cần pháp luật. Chuyện ‘tôi ghét anh, tôi thương anh’ ai mà kiểm soát được. Nhưng đã nói về tín ngưỡng là phải chấp nhận có những nghi lễ, rồi có cộng đoàn. Theo tôi nghĩ, nếu như chấp nhận tự do tín ngưỡng thì phải chấp nhận để bà con giáo dân qui tụ để thờ Chúa, để cử hành những nghi lễ của tôn giáo mình. 
Hơn nữa chúng tôi lên để Dâng lễ, chúng tôi không làm gì sai cả. Hằng tuần chúng tôi lên để Dâng lễ thờ phượng Chúa. Dĩ nhiên trong Thánh lễ những linh mục chúng tôi luôn dạy cho giáo dân ‘điều hay, lẽ phải’. Tôi không có làm gì xúc phạm đến ai cả."
Được biết giáo điểm Con Cuông được hình thành từ năm 2010 đến nay nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh cho những giáo dân đến khu vực này sinh sống. Đây không phải lần đầu tiên nơi này bị gây rối, ngăn chặn sinh hoạt tôn giáo.
Hôm 13 tháng 11 năm ngoái, chính quyền huyện đã huy động lực lượng gồm công an, dân phòng... khoảng 300 người đến để gây rối khi linh mục và giáo dân đang cử hành thánh lễ của người Công giáo.
Một vụ việc khác là vào ngày 30 tháng 11 ngôi nguyện đường nhỏ của giáo điểm Con Cuông bị ném một quả mìn tự chế.
Theo trình bày của linh mục Nguyễn Đình Thục thì trong năm tuần lễ gần đây, nhà nguyện giáo điểm Con Cuông luôn bị cơ quan chức năng địa phương gây rối.
Tất cả những người không theo đạo Công giáo đến tại nhà nguyện giáo điểm Con Cuông đều mặc thường phục. Theo giáo dân thì đó là những viên chức công an hay chính quyền tại địa phương mà họ biết mặt.
Như lời linh mục Nguyễn Đình Thục thì trong ngày 1 tháng 7 có cả bác sĩ đi theo đoàn người đến tấn công vào nhà nguyện Con Cuông. Hẳn nhiên những người đó không có cùng tín ngưỡng với người Công giáo, và họ đến đó vì được trả tiền hay bị ra lệnh phải đi và hành động. Tuy nhiên, hành vi bạo lực chống lại những người có tín ngưỡng được Hiến Pháp công nhận đã khiến những người khác đều thấy đó là một hạ sách trong việc thuyết phục người khác theo cùng quan điểm với họ.