THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 August 2012

Nghệ An: Cháy lớn ở trung tâm TP Vinh



19/08/2012 18:22:56
Khoảng 12h trưa ngày 19/8, một đám cháy lớn đã bùng phát tại kho xưởng chế biến của Công ty TNHH Thủy Lành (chuyên sản xuất vật liệu xốp cách nhiệt, địa chỉ ở khối 14, P. Cửa Nam, TP. Vinh). Chỉ trong chốc lát, toàn bộ nguyên vật liệu và thiết bị trong kho đã bị thiêu rụi.

Những người dân chứng kiến cho biết, ngọn lửa bùng phát đột ngột ở kho chứa nguyên liệu, sau đó nhanh chóng lan rộng.

Hàng trăm người dân ở khu vực xung quanh đã tham gia dập lửa nhưng do ngọn lửa bén vào những thùng xốp cháy dữ dội nên rất khó khống chế.
Hiện truờng vụ cháy.
Hiện truờng vụ cháy.

Khoảng 12h30, lực lượng Cảnh sát PCCC Nghệ An đã bố trí 3 xe cứu hỏa lên hiện trường.

Tuy nhiên, ngọn lửa đã thiêu rụi hầu như hoàn toàn nguyên liệu và vật dụng trong kho. Đến khoảng 13h, đám cháy được dập tắt.

Được biết, Công ty TNHH Thủy Lành có 10 công nhân làm việc. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, các công nhân đã nghỉ trưa nên rất may không có thiệt hại về người.

(Nguồn: Vietnamnet)

Hầm thủy điện Nậm Pông sập, vùi lấp nhiều công nhân



19/08/2012 21:25:27
Vụ sập hầm xảy ra khi có hàng chục công nhân đang làm việc tại công trình thủy điện. Nhiều trường hợp bị thương rất nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Khoảng 16h20 ngày 19/8, vụ sập hầm xảy ra tại thủy điện Nậm Pông, thuộc địa bàn xã Châu Hạnh và xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An.

Theo những thông tin bước đầu, thời điểm nói trên có hàng chục công nhân đang làm việc trong hầm của thủy điện thì xảy ra vụ sập. Hàng chục m3 đất, đá bất ngờ đổ ập, vùi lấp nhiều công nhân.
Công nhân đang làm việc tại dự án thủy điện.
Công nhân đang làm việc tại dự án thủy điện.

Nhiều công nhân may mắn thoát nạn, lập tức tổ chức đào bới đất đá, đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường.

Đến 17h30, phía BVĐK huyện Quỳ Châu cho biết, có 4 nạn nhân đang được cấp cứu tại đây. Ít nhất 1 nạn nhân quê huyện Quỳnh Lưu đã tử vong, 3 nạn nhân còn lại hiện đang rất nguy kịch. BVĐK đang làm các thủ tục chuyển bệnh nhân xuống TP.Vinh cấp cứu.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do trong quá trình khoan hầm thủy điện thì xảy ra vụ sập. Một nguyên nhân nữa là do nổ mìn.

Dự án thuỷ điện Nậm Pông được xây dựng trên suối Nậm Pông thuộc địa bàn xã Châu Hạnh và xã Châu Phong - huyện Quỳ Châu do Công ty cổ phần Hà Đô (Trung Quốc) làm chủ đầu tư.

(Nguồn: Infonet)

Di dời trụ sở nhiều Bộ ngành về Tây Hồ Tây !


19/08/2012 22:25:23
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP. Hà Nội về công tác triển khai di dời một số trụ sở các cơ quan và Bộ ngành Trung ương ra ngoài nội đô.

Theo đó, trong tổng số 28 cơ quan, có 8 cơ quan đã thực hiện chủ trương di dời, đang xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng Trụ sở mới nằm ngoài nội đô Thành phố, 20 cơ quan hiện còn đang sử dụng.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trú, trong số 20 cơ quan đang sử dụng trụ sở, có 11 cơ quan được đề xuất di dời do không phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm quy định quản lý) và quy hoạch phân khu được duyệt. Thêm vào đó, cơ sở vật chất cũ đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển và đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương.
Trụ sở Bộ GTVT
Trụ sở Bộ GTVT

Trong số đó, 6 cơ quan dự kiến di dời về Khu đô thị Trung tâm Tây Hồ Tây bao gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế.

5 cơ quan dự kiến di dời về Khu trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia bao gồm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thống kê.

Các cơ quan xem xét chưa di dời bao gồm 9 cơ quan có chức năng đặc thù như an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia…, hoặc những cơ quan có trụ sở làm việc đã được đầu tư xây dựng cải tạo mới. Cụ thể: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Văn phòng Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

(Nguồn: VnMedia)

Tọa kháng trước cổng chùa Giác Minh chống công an Đà Nẵng đàn áp



2012-08-18
Sáng ngày thứ sáu 17.8.12, trước sự đàn áp, đánh đập của công an và tổ dân phòng đối với những Phật tử vào chùa Giác Minh ở Đà Nẵng Lễ Phật nhân ngày mồng Một tháng Bảy âm lịch, Hòa thượng Thích Thanh Quang cùng với hai Sư Cô Thích Đồng Tâm, Thích Đồng Hiếu, và Huynh trưởng Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ của Viện Hóa Đạo Lê Công Cầu đã tọa kháng ngoài lề đường trước cổng chùa Giác Minh để phản đối.
Photo courtesy of IBIB
Công an sắc phục và thường phục bao vây Huynh trưởng Lê Công Cầu trước cổng chùa Giác Minh ở Đà Nẵng ngày 15/1/2012.

Cấm không cho vào chùa

Mấy năm qua, chùa Giác Minh là nơi đặt trụ sở của Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đồng thời là trụ sở của Tổng vụ Thanh Niên Viện Hóa Đạo, thường xuyên bị sách nhiễu, khủng bố, đặc biệt bị ngăn cấm cử hành các đại lễ Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan Rằm Tháng Bảy hay Tết Nguyên Đán.
Liền khi được tin báo động, chúng tôi đã điện thoại hỏi thăm Hòa thượng Thích Thanh Quang, Viện chủ chùa Giác Minh, và cũng là Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Huynh trưởng Lê Công Cầu.
Họ đã tới chụp tay, chụp áo em lại và họ kéo qua một con hẻm đối diện chùa và họ nói: “Ông không được đi vào chùa, chúng tôi cấm ông không được đi vào chùa”.
Huynh trưởng Lê Công Cầu
Trước hết Huynh trưởng Lê Công Cầu cho biết như sau:
Lê Công Cầu: Thưa chị, hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy em rất bận rộn đi thăm các đơn vị ở Huế, nên không vào Đà Nẵng được. Cho nên ngày mồng Một tháng Bảy thông thường em đến Đà Nẵng để trước hết là thắp cho Anh Hồ Tấn Anh đã vị pháp thiêu thân cách đây 11 năm một nén nhang, đồng thời thắp nhang cho những hương linh thờ trong chùa mà lâu nay chùa bị bao vây, thân nhân họ không đến thăm viếng được.
Năm nay cũng như thông lệ, em vào tới chùa Giác Minh lúc 10 giờ rưỡi sáng, thì một lực lượng rất đông những người mặc áo quần thường thôi, và người nào người nấy lôi thôi, to béo, khỏe mạnh lắm. Họ đã tới chụp tay, chụp áo em lại và họ kéo qua một con hẻm đối diện chùa và họ nói: “Ông không được đi vào chùa, chúng tôi cấm ông không được đi vào chùa”. Em hỏi các anh là ai mà các anh cấm tui. Họ nói:“Ông không cần biết chúng tôi là ai, chúng tôi cấm ông không được vào chùa”.
Tui nói tui đang đi đường thăm chùa, thì tui không biết các anh là ai cả. Nhìn các anh như bọn xã hội đen trấn lột như thế này làm sao tui chấp hành lời các anh được?

Côn đồ khống chế

vulan-giac-minh-250.jpg
Năm 2010, công an cấm Phật tử vào chùa dự lễ Phật Đản, dù vậy HT Thích Thanh Quang quyết định vẫn tiến hành Đại lễ và đọc Thông điệp Phật Đản của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Photo courtesy of PTTPGQT.
Khi đó chị biết rằng họ dùng thân hình của họ, những thân hình lực lưỡng thanh niên họ ép em vào một bức tường, thì em la lớn lên cho Thầy Thanh Quang trong chùa nghe. Thầy Thanh Quang trong chùa và hai Sư cô Đồng Hiếu, Đồng Tâm chạy ra. Chạy ra thì họ khống chế Thầy Thanh Quang ngay tại chỗ, họ ép Thầy Thanh Quang trong một bức tường đối diện.
Tui giải thích với họ về cái đạo lý, cái pháp luật. Nhưng họ dùng luật rừng để họ khống chế mình. Bấy giờ có hai ông công an mặc sắc phục đến. Một ông đeo 3 ngôi sao là thượng úy hay gì đó, một ông ba gạch vàng. Họ tới họ đứng nhìn lũ côn đồ khống chế mình như vậy nhưng không can thiệp. Cho đến khi họ ép em đến nỗi coi như nghẹt thở, em không thở được nữa, khi nớ em mới đưa tay em đẩy họ ra. Khi nớ ông công an ba sao mới đến, ông công an nói với cái giọng rất hách dịch: “Mời bác vô trụ sở để làm việc”. Em phản đối ngay, nói là tôi có lỗi chi mà bây giờ bắt tui vô trụ sở mà làm việc? Làm việc là phải có lệnh, phải có giấy mời đàng hoàng, chớ các ông tự tiện, tui là người đi đường các ông ra để khống chế, cái số xã hội đen này nó bức hiếp, nó khủng bố tui như vậy mà các anh không can thiệp? Tui là nạn nhân mà các anh mời tui vô làm việc là sao?
Khi nớ ông công an mới nói là: “Ông không vô phải không?- Tôi nói tôi không vô ! - “Như vậy ông chống người thi hành công vụ”. Em trả lời là: Các anh thi hành công vụ cái chi? Các anh là công an các anh thi hành công vụ, các anh thấy xã hội đen bức hiếp người dân mà các anh không can thiệp mà gọi là thi hành công vụ?
Ông ta ông bỏ ông đi ra, Khi nớ bên Thầy Thanh Quang cũng bị khống chế kịch liệt và thấy Thầy có vẻ yếu. Bên ni, ông công an đi ra là họ bắt đầu ép em lại vô trong tường. Hai tay em níu vô trong tường thì họ ép quá mạnh cho nên em thở không được, khi nớ em xô họ ra.
Khi nớ đồng bào tụ tập đông lắm, rất đông. Nhưng vì bên phía công an người ta sợ nên vẫn ép mình vô trong cái hẻm, chớ không cho ra đường lớn. Bây giờ em đưa tay chào đồng bào: “Cám ơn đồng bào đã đến đây yểm trợ cho tôi trong lúc tôi bị công an và xã hội đen bức hiếp như thế này. Bây giờ họ không cho tui vào chùa thì tui xin chào tạm biệt đồng bào để tui ra Huế”.
Khi em nói như vậy, thì anh chàng xã hội đen to béo nhứt mà ép em, ông ta đứng ra, thì em lợi dụng cái phút đó em chạy băng qua đường lớn. Ra đường lớn em bước tới cổng chùa em ngồi xuống và em chắp tay lên liền.

Gọi điện thoại hăm dọa

thich-thanh-quang-250.jpg
Hòa thượng Thích Thanh Quang phải ra đóng cổng chùa để ngăn cản công an, dân phòng đột nhập bất hợp pháp vào chùa bắt Phật tử đến lễ Phật hôm 26/7/2012. Hình PTTPGQT.
Trong khi em chắp tay ngồi tọa kháng thì Thầy Thanh Quang cũng vùng ra được và Thầy chạy qua cùng ngồi với em. Sư cô Đồng Tâm, Sư cô Đồng Hiếu cùng ngồi với em. Bốn thầy trò cùng ngồi trước chùa chắp tay để cầu nguyện, tọa kháng. Khi đó lực lượng khủng bố từ từ họ rút vô Trụ sở Dân phòng hết. Bốn thầy trò ngồi giữa nắng như vậy. Rồi sau đó có những cú điện thọai gọi tới cho em với lời lẽ hăm dọa rằng nếu ngồi gây cản trở an ninh trật tự thì chính quyền người ta sẽ có biện pháp xử lý.
Thầy Thanh Quang đã hô lớn rằng: “Xin đồng bào cứu chúng tôi, chúng tôi bị công an cho côn đồ đàn áp”.
Sau hai giờ ngồi cầu nguyện giữa nắng, thì em thấy sức khỏe Thầy Thanh Quang rất suy yếu, bởi vì trong suốt hai năm nay bị bao vây một cách chặt chẽ, không ai cúng dường. Thầy bị suy dinh dưỡng rất là nặng, cộng thêm những bệnh tật nữa. Do đó em thưa với Thầy, mình làm xong nghĩa vụ của mình để cho đồng bào Phật tử thấy rõ mình không phải là những con người hèn yếu và đồng thời thấy rõ rằng mục đích của mình là phản đối Nhà nước, Công an đã vi phạm chà đạp lên pháp luật, coi thường pháp luật và đàn áp tôn giáo. Em cùng với Thầy cùng quý Cô niệm danh hiệu Phật và Hồi hướng công đức xong thì vào chùa.
Ỷ Lan: Anh là một người lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thì nhận xét của anh như thế nào về hành động của Nhà cầm quyền?
Lê Công Cầu: Nhận xét của em cho dù có nguy hiểm thế nào em cũng nói lên một tiếng nói với tất cả những người Việt trong nước cũng như xa xứ, là chế độ Cộng sản cần phải thay thế, thay thế bằng một chính phủ đa nguyên mới cứu nguy được đất nước trong giai đoạn này. Cộng sản vẫn là Cộng sản. Chính sách của họ vẫn không thay đổi, nhứt là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng ta.
Ỷ Lan: Hòa thương Thích Thanh Quang cho biết như sau:
Nhưng từ năm ngoái năm ni là người ta vây chặt, không có tín đồ nào vô. Tín đồ nào vô thì họ nói rằng vô tiếp tay phản động cho nên không ai dám vô.
HT Thích Thanh Quang
Hòa thượng Thích Thanh Quang: Tôi với anh Cầu, và Sư Cô Đồng Tâm, Sư cô Đồng Hiếu ngồi tọa kháng ngay trước cổng chùa bên lề đường. Tọa kháng cầu nguyện cho người ta thức tâm, và phản đối việc làm của chính quyền địa phương cản trở không cho Phật tử vô chùa, nhất là anh Cầu.
Riêng bản thân của chùa thì rất là bức xúc, vì chùa không có tội lỗi chi. Hỏi bao nhiêu vị công an, chính quyền họ không nói mình có lỗi gì hết, nhưng họ vẫn vây chặt. Họ tuyên truyền gọi là phản động và chống phá nhà nước thôi, hỏi họ thì không trả lời trực tiếp như thế.
Nhưng từ năm ngoái năm ni là người ta vây chặt, không có tín đồ nào vô. Tín đồ nào vô thì họ nói rằng vô tiếp tay phản động cho nên không ai dám vô.
Hiện trạng ngày hôm nay là một thái độ chưa từng thấy năm ngoái năm nay đối xử anh Cầu, xô đẩy anh Cầu và đánh tui. Đó coi như rất tiếc với chính quyền dùng vũ lực và áp đảo chúng tôi một cách vô cớ.
Tất cả nhân dân cũng như Phật tử trong và ngoài nước phải hiểu rõ cho chính sách của nhà nước, nhất là ở địa phương của chúng tôi, họ đã thực hiện đàn áp với chùa Giác Minh.
Ỷ Lan: Xin cám ơn Hòa thượng Thích Thanh Quang.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Giáng chức phó trưởng công an huyện dẫn người đưa hối lộ



19/08/2012 08:23:42
Giám đốc công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định giáng chức ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng công an H.Phú Hòa, xuống làm đội trưởng và điều động đến công tác tại Đội Hướng dẫn công tác tạm giam, tạm giữ của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Phú Yên.
Ngày 18/8, thượng tá Lương Tấn Dĩnh, Phó chánh văn phòng Công an tỉnh Phú Yên cho biết thông tin trên.
Trước đó, Thường vụ Huyện ủy H.Phú Hòa đã ra quyết định kỷ luật Đảng đối với ông Hoan bằng hình thức cảnh cáo.
Theo ông Dĩnh, ông Hoan biết rõ ông Trần Văn Minh (53 tuổi), Giám đốc DNTN Hiếu Phát (Gia Lai) kiêm Phó giám đốc Công ty TNHH Ngân Kim Long (Phú Yên), có hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an thụ lý, nhưng ông Hoan đã dẫn ông Minh đến gặp 2 cán bộ điều tra của Bộ Công an đang nghỉ tại nhà khách Công an tỉnh Phú Yên để đưa hối lộ.
Theo Đức Huy
Báo Thanh niên

Giáng chức phó trưởng công an huyện vì liên quan đến tiêu cực

Ngày 18.8, thượng tá Lương Tấn Dĩnh, Phó chánh văn phòng Công an tỉnh Phú Yên cho biết, Giám đốc công an tỉnh này đã ra quyết định giáng chức ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng công an H.Phú Hòa, xuống làm đội trưởng và điều động đến công tác tại Đội Hướng dẫn công tác tạm giam, tạm giữ của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Phú Yên.
Trước đó, Thường vụ Huyện ủy H.Phú Hòa đã ra quyết định kỷ luật Đảng đối với ông Hoan bằng hình thức cảnh cáo.
Theo ông Dĩnh, ông Hoan biết rõ ông Trần Văn Minh (53 tuổi), Giám đốc DNTN Hiếu Phát (Gia Lai) kiêm Phó giám đốc Công ty TNHH Ngân Kim Long (Phú Yên), có hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an thụ lý, nhưng ông Hoan đã dẫn ông Minh đến gặp 2 cán bộ điều tra của Bộ Công an đang nghỉ tại nhà khách Công an tỉnh Phú Yên để đưa hối lộ (Thanh Niên đã thông tin).
Đức Huy

Thêm 4 loại sữa bột của Nhật Bản hàm lượng i ốt thấp

Ngày 18.8, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế cho biết, tiếp theo cảnh báo ngày 9.8 của Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông, trung tâm này lại cảnh báo thêm 4 loại sữa bột dành cho trẻ nhỏ của Nhật Bản có hàm lượng i ốt thấp hơn so với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm (Codex).
Đó là các sản phẩm: Meiji HP (0 - 36 tháng tuổi), Wakodo (0 - 9 tháng tuổi), Morinaga (0 - 12 tháng tuổi, 13 gr x 10 gói) và Morinaga (0 - 12 tháng tuổi, 850 gr).
Trước cảnh báo này, Cục ATVSTP đã nhanh chóng rà soát tình hình nhập khẩu, lưu thông dòng sản phẩm sữa này tại Việt Nam và yêu cầu công ty nhập khẩu báo cáo giải trình. Các sản phẩm cảnh báo trên không có trong danh sách cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm tại Việt Nam.
Cục ATVSTP đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho các sản phẩm sữa Meiji khác (dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi) theo đúng quy định như sau: sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ sơ sinh Meiji Gold 1 Infant Formula; sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi Meiji Gold 2 Follow-up formula; sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi Meiji Gold 3 Growing-up formula; sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ từ 0 - 9 tháng tuổi Meiji Hohoemi; sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ từ 9 - 36 tháng tuổi Meiji Step; sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ từ 9 tháng - 3 tuổi Meiji; sữa bột Meiji Milk Step.
Đối với sản phẩm của Công ty Morinaga, Cục đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, bao gồm: sữa bột Morinaga dành cho trẻ từ 9 - 36 tháng tuổi; sữa bột Chilmil dành cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi; sữa bột Hagukumi dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi.
Đối với sản phẩm sữa bột Wakodo, Cục đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho các sản phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi gồm: Thực phẩm công thức dành cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi Wakodo Haihai; Thực phẩm công thức dành cho trẻ từ 1-3 tuổi Wakodo Gungun.
Liên Châu

Tái hiện trận lụt lịch sử

* 11 người chết, 2 người mất tích, 7 người bị thương vì bão số 5

Bão số 5 đổ bộ đã làm 5 người chết, 3 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hư hại. Hà Nội lại ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư hôm qua 18.8 đã phát đi bản tin cuối cùng về cơn bão số 5. Theo đó, sau khi đổ bộ vào địa phận tỉnh Quảng Ninh bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng thấp rồi tan dần.
Tái hiện trận lụt lịch sử
Đường phố Hà Nội ngập sâu trong nước - Ảnh: Ngọc Thắng
Bão đã gây ra một đợt mưa to đến rất to tại Bắc bộ. Tổng lượng mưa đo được phổ biến trong khoảng từ 70-100 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Việt Trì (Phú Thọ) 185 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 187 mm, Đại Từ (Thái Nguyên) 127 mm, Sơn Tây (Hà Nội) 159 mm. Tại Móng Cái (Quảng Ninh) có gió mạnh 16 m/giây (cấp 7), giật 25 m/giây (cấp 10); trên đảo Cô Tô gió mạnh 15 m/giây (cấp 7), giật 25 m/giây (cấp 10); Lạng Sơn 12 m/giây (cấp 6), giật 20 m/giây (cấp 8)... Hoàn lưu của bão sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Bắc bộ.
Tại Hà Nội, những cơn mưa lớn liên tục trút nước từ tối 17.8 đến sáng qua đã gây ngập úng nghiêm trọng. Hàng loạt các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn thủ đô, như: Nguyễn Khuyến, Khuất Duy Tiến, Trương Định, Nguyễn Xiển, Thái Hà, Thái Thịnh... ngập sâu từ 0,3 - 0,4 m, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hình ảnh của trận ngập lụt nghiêm trọng xảy ra vào năm 2008 đã tái hiện tại nhiều nơi. Trên đường Trương Định, người dân phải dùng thuyền để vận chuyển hàng hóa và người qua những đoạn nước ngập sâu. Trên đường Tả Thanh Oai (H.Thanh Trì), nước sông Nhuệ dâng cao đã nhấn chìm nhiều đoạn đường, người dân đã phải trả cho những người chạy xe lam chở xe máy qua đoạn ngập với giá 20.000 đồng/lượt. Giá rau xanh, thực phẩm bày bán ở các chợ dân sinh tăng đột biến, có nơi tăng đến 30 - 50%.
Tổng hợp của PV Thanh Niên từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và các địa phương, tính đến tối hôm qua, bão số 5 đã làm ít nhất 11 người chết, 2 người mất tích và 7 người bị thương. Ngoài 1 tài xế taxi Mai Linh bị cây đổ đè chết trên phố Lò Đúc (Hà Nội), tại Bắc Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lào Cai và Bắc Giang bước đầu xác định có 10 người chết vì sạt lở đất, lũ cuốn và điện giật...
Tái hiện trận lụt lịch sử
Có nơi, người dân Hà Nội phải dùng thuyền tự chế để đi lại - Ảnh: Ngọc Thắng
Cụ thể, mưa to gió lớn đã xô đổ cây, làm đứt dây điện tại P.Chiềng Sinh (TP.Sơn La), điện rò rỉ giật chết 2 người dân ở gần đó. Tại xã Tân Sơn (H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối đất đá từ trên đồi đổ ập xuống ngôi nhà của gia đình ông Giáp Văn Tăng làm bà Giáp Thị Khan, vợ ông Tăng bị vùi lấp và tử vong trong đống đổ nát, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác; ngoài ra còn 1 người khác tử vong. Tại Lào Cai, cháu Giàng Thị Dờ, dân tộc Mông ở thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào, H.Sa Pa chết vì bị lũ cuốn trôi. Cũng tại Lào Cai, có 12 ngôi nhà bị hư hại, đường từ Lào Cai đi Văn Bàn bị ngập sâu 1 - 1,5 m, tuyến Lào Cai - Sa Pa sạt lở 3 điểm.
Trong khi đó, tại Yên Bái, giông lốc đã làm trên 1.300 ngôi nhà bị tốc mái và sập; 3 người chết. Tại Tuyên Quang, thiệt hại nặng nhất là H.Hàm Yên, với 32 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái, 3 cột điện bị gãy đổ, 1 nhà văn hóa thôn và 1 phòng học bị sập đổ. Mưa bão cũng đã làm hàng chục héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng, 25 hộ dân sống ở ven suối xã Kháng Nhật và Sơn Nam (H.Sơn Dương) phải sơ tán khẩn cấp do có nguy cơ bị sạt lở… Tại Bắc Ninh có 1 người chết, Vĩnh Phúc 1 người chết.
Ở Quảng Ninh, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã dùng xuồng cao tốc tiếp cận và neo đậu an toàn 22 bè mảng với 50 người bị cuốn trôi ra Cửa Đạt.
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong ngày, tàu SAR 273 đã lên đường tìm kiếm cứu nạn tàu cá QB 92760 với 6 lao động của Quảng Bình bị hỏng máy thả trôi, không liên lạc được tại khu vực cách bờ biển đèo Ngang (Hà Tĩnh) khoảng 65 hải lý về hướng đông bắc.

Thành lập BCH phòng chống lụt bão ở tất cả trường học
Ngày 18.8, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa lũ năm nay, Sở vừa chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thị trong tỉnh thành lập Ban Chỉ huy (BCH) phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở tất cả trường học trên địa bàn. Đối với các huyện đầu nguồn bị ảnh hưởng nặng bởi lũ như An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và TX.Châu Đốc, BCH phải chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương đưa rước học sinh vùng bị ngập. Riêng đối với trẻ nhỏ, An Giang cũng tổ chức 50 điểm giữ trẻ mùa lũ, với khoảng 1.400 em được trông giữ.
Tú Uyên
Quang Duẩn

PVFC cũng dính nợ nghìn tỷ từ Vinashin, Vinalines



Dư nợ tín dụng mà Tổng Công ty Tài Chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) đã cấp cho một số công ty thuộc Vinashin là hơn 1.000 tỷ đồng và một số đơn vị thuộc Vinalines là gần 1.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng (được soát xét bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) của Tổng Công ty Tài Chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), tại thời điểm 30/6/2012, PVFC vẫn còn 2 khoản nợ lên tới hơn 100 triệu USD chưa đòi được từ 2 ông lớn oai hùng một thời là Vinashin và Vinlines.

PVFC đang cho Vinashin vay hơn 1.000 tỷ đồng, đồng thời cho Vinalines vay gần 1.700 tỷ.

Cụ thể, các công ty thuộc Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vay của PVFC gần 1.070 tỷ đồng (khoảng 51,3 triệu USD). Còn các công ty thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vay hơn 1.686 tỷ đồng (khoảng gần 81 triệu USD). Khoản Vinashin vay PVFC được thực hiện từ năm 2009, còn của Vinalines từ năm 2011.

Các khoản vay này hiện được giữ nguyên trạng và khoanh lại để cơ cấu theo chỉ đạo của nhà nước - Deloitte lưu ý trong báo cáo kiểm toán PVFC. Cũng theo báo cáo này, PVFC đang tiếp tục làm việc với Vinashin, Vinalines và các cơ quan quản lý nhà nước có thầm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản nợ trên.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng, tổng tài sản của PVFC là hơn 94.527 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ phải trả chiếm phần lớn, khoảng 87.634 tỷ đồng.

Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự là 3.375 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự trên 4.060 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần của PVFC âm 685 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của PVFC đạt gần 170 tỷ đồng.

Nợ đủ tiêu chuẩn 6 tháng giảm khoảng 2.000 tỷ đồng (từ 42.712 tỷ đồng đầu năm xuống 40.914 tỷ). Nợ cần chú ý tăng gấp đôi, từ 1.241 tỷ đầu năm lên 2.883 tỷ sau 6 tháng. Nợ nghi ngờ cũng tăng khoảng 200 tỷ, từ 171 tỷ đầu năm lên 370 tỷ. Nợ có khả năng mất vốn tăng từ 616,6 tỷ đầu năm lên 653,8 tỷ đồng 6 tháng.

Thị trường đang xôn xao với thông tin PVFC có thể chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại bằng cách hợp nhất với Western Bank, nhưng cho đến nay vẫn chưa bên nào đứng ra xác nhận thông tin này.

(Theo Tin Nhanh Việt Nam)

Chứng minh nhân dân mẫu mới - Những hệ lụy về sau này


Chú Cuội Phây Bút - Theo quy định mới của Bộ Công An thì từ ngày 1.7.2012 giấy Chứng minh nhân dân (CMND) theo mẫu mới sẽ có thêm thêm tin: họ và tên gọi khác (bí danh), giới tính, họ tên, cha mẹ...

Thiết nghĩ, việc thêm thông tin về cha, mẹ trong CMND trở nên dư thừa và không cần thiết. Bởi cơ quan công an quản lý về nhân thân một người nào đó thì chỉ cần nhập dãy số in trên CMND vào Cơ sở dữ liệu, hoặc quét mã vạch trên máy quét thẻ là có thể truy xuất ra được đầy đủ thông tin của người cần tra cứu. 

Việc quản lý hiện đại dựa trên mã số,mã vạch của CMND chứ không phải đi quản lý bằng nhiều thông tin liên quan ghi trên đó. Thêm những thông tên về cha, mẹ làm cho thông tin ghi trên CMND dài ra, tăng kích thước của giấy tờ, không thuận tiện khi mang theo người. Hơn nữa có nhiều thông tin có thể gây ra sai sót và mất thời gian để chỉnh sửa. 

Trong thực tế,có nhiều trường hợp người dân khi được cấp CMND theo mẫu cũ trước đây đã bị sai sót về thông tin họ, tên, ngày tháng năm sinh. Nhiều người vẫn để như vậy mà sử dụng, vì ngại đi tới, đi lui đến cơ quan công quyền mất thời gian. Có trường hợp sai dấu đã đành, chẳng hạn: Tên Hương nhưng ghi nhầm tên Hường ,Nhựt-Nhật, Yên-Yến..v.v...và v.v..., như thế là đã rối rắm rồi, huống hồ là sai thêm những thông tin khác. 

Trong cuộc sống,CMND là giấy tờ tùy thân dùng để thực hiện các giao dịc dân sự ở nhiều nơi như: ngân hàng, mua bán nhà, đăng ký lưu trú... nên những thông tên cá nhân,riêng tư phải được tôn trọng. 

-Mình xin đưa ra ví dụ: 

Nhiều người không muốn biết cho biết tên cha mẹ đang làm những chức vụ quan trọng hay có địa vị xã hội,con của ca sĩ, nghệ sĩ... nhưng trong CMND ghi thông tin cha mẹ trên đó thì không thể giấu được. 

Nhiều khi có trường hợp lợi dụng sự trùng tên để đem ra khoe mẽ tôi là con ông nọ,bà kia... Rồi những trường hợp nhân thân của người nào có cha, mẹ là tội phạm hình sự bị tuyên án tử hình, nhưng bản thân người ấy tốt thì họ cũng thấy khó chịu khi những thông tin về họ là con một kẻ tử tội, hoặc con một ông trùm buôn ma túy nào đó thì bị người ta đàm tiếu, bàn tán mặc dù bản thân người ấy không muốn. 

Những trường hợp như con không có cha,con ngoài giá thú,những đứa trẻ lớn lên từ trại mồ côi, làng SOS, những em kém may mắn không còn cha mẹ thì những thông tin nhạy cảm cũng bị lôi ra cho nhiều người cùng biết. 

Trong trường hợp không may bị mất giấy tờ, thì những thông tin về cha, mẹ quê quán trên CMND mà lọt vào tay kẻ xấu thì rất phiền toái. Kẻ xấu lợi dụng những thông tin đó để lừa gạt, tống tiền... thì rất nguy hiểm, nhất là những người ở quê vốn dĩ thật thà, chất phát và dễ tin người. 

-Khoa học kỹ thuật đã phát triển, thông tin được quản lý bằng mã số mã vạch như: mã số thuế doanh nghiệp, mã thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất, mã số sinh viên... thì là cớ gì phải ghi nhiều thông tin không cần thiết lên CMND làm gì, điều đó cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý và không khoa học. Khi ban hành vấn đề gì cũng phải nên cân nhắc hướng đến cái thuận tiện,tinh gọn và mang tính nhân văn với con người, đặc biệt những gì thuộc về riêng tư của con người cần được tôn trọng. 

Sài Gòn,17.8.2012-CCPB)

Chú Cuội Phây Bút

Polymer - “Bệnh nặng phải uống liều cao!?”




“…tham nhũng ngày càng quy mô, nghiêm trọng. Chúng ta “tìm bệnh” đúng rồi, “bốc thuốc” đúng rồi, nhưng bây giờ là ai uống? …” (ông TBT Nguyễn Phú Trọng). 

Như chuyện “Tam Quốc Chí” diễn nghĩa bên Tàu, bởi nó lê thê và rối nùi nên người ta nói chuyện dài nhiều hồi, nhiều tập. Bộ 3 ông Nguyễn Tấn DũngLê Đức Thúy và Lương Ngọc Anh lại có mặt ở hồi thứ ba sau nhiều tập của hai hồi trước trong “ma trận hối lộ” của Securency company qua hợp đồng in tiền Polymer cho Việt Nam.

Ba nhân vật chính trong truyện nhiều tập “ tiền Polymer”

Nhưng khác với hai hồi trước đặc trưng nhuộm màu điều tra hình sự với nồng nặc mùi đôla Úc và tiền Polymer, cốt truyện kỳ này lồng vào tình tiết mới cho ướt át nói về “đạo chích” Lương Ngọc Anh “Đại Tá còn đảng còn tiền” và “giai nhân” Elizabeth Masamune nữ viên chức cơ quan xúc tiến thương mại (Austrade) sứ quán Úc tại Việt nam. 

Lương Ngọc Anh và “giai nhân” Elizabeth Masamune (ảnh BBC) 

Nhiều người biết rồi, nhưng cũng nên khái quát lược lại từ nhiều tập trong hai hồi trước. 

Vụ tai tiếng hối lộ của công ty Securency với các quan chức Chính Phủ Việt Nam và nước ngoài trong các thương vụ hoa hồng in tiền Polymer giai đoạn từ 1999 tới 2005 đã bị tờ nhật báo Australia The Age có trụ sở ở Melbourne phát giác từ tháng 5/2009, gây chấn động lớn tại Úc, vì không những ở Việt Nam mà còn có tại Indonesia và Malaysia đã kéo các cơ quan điều tra, an ninh và tư pháp của nước này vào cuộc, trong đó buộc tội một lúc 6 quan chức cao cấp của công ty Securency dính líu vào vụ việc này. 

Trong đó có Clifford John Gerathy, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Securency, bị cảnh sát liên bang của Australia cáo buộc đã giúp đưa số tiền 17,2 triệu đô la cho một người môi giới ở Việt Nam, Gerathy đã phải giao nộp hộ chiếu của mình cho Tòa án Melbourne. 

Cảnh sát liên bang cũng đưa thêm cáo buộc đối với hai quan chức đã dính vào vụ bê bối này Gerathy, 60 tuổi, là một người bạn của giám đốc điều hành trước đây của Securency là Myles Curtis, người bị câu lưu trước đó củng bị buộc tội tham gia hối lộ để giành được các hợp đồng in tiền ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia. 

Tờ báo có trụ sở tại Melbourne này đưa ra chi tiết: Việt Nam là nơi mà Securency có thỏa thuận làm ăn lớn nhất tới nay, với một hợp đồng 5 năm để chuyển đổi toàn bộ đồng tiền của quốc gia từ tiền giấy sang polymer Người đóng vai trò trung gian kết nối rất mạnh mẽ trong vụ này là “Đại Tá công an Lương Ngọc Anh” Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, là người đã bị tờ The Age nhiều lần nêu đích danh với cáo buộc đã nhận lót tay nhiều triệu đô-la Úc từ công ty Securency. 

Báo này viết: “Các cựu quan chức thương mại và ngoại giao Australia đã xác nhận một cách riêng tư rằng nhân vật môi giới của Securency Lương Ngọc Anh là đại tá ngành an ninh và điều này đã được Đại sứ quán Úc ở Hà Nội biết từ khi cơ quan đại diện thương mại Austrade giới thiệu ông ta và công ty CFTD của ông Anh làm trung gian vào năm 2002”. Và rằng quan chức thương mại Australia đã tiếp xúc với ông tổng cộng 18 lần trước khi giới thiệu ông cho công ty Securency chuyên cung cấp giấy và dịch vụ kỹ thuật in tiền polymer. 

Theo luật Úc, việc công ty nước này thuê quan chức nước ngoài làm môi giới có trả tiền bị coi là phạm pháp. Thêm vào đó, Securency còn bị cáo buộc đã chuyển cho “đại tá Lương Ngọc Anh” tới 20 triệu đôla Úc, đa số đó là để hối lộ. 

Đổi lại, ông Anh đã giúp Securency thắng hợp đồng khổng lồ in tiền polymer cho Việt Nam. Trong bài báo mới ra, The Age nhắc tới chi tiết mà cũng chính báo này cáo giác trước đó, rằng ông Lương Ngọc Anh “có quan hệ thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ hồi ông Dũng còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi quan hệ “làm ăn” với Securency mới bắt đầu”. Ông Lương Ngọc Anh cũng bị cáo buộc đã sử dụng một phần trong số tiền môi giới để trả học phí cho con trai của ông Lê Đức Thúy du học ở nước ngoài. 

Trong một sự kiện liên quan khác, tờ The Age cho biết tổng số tiền “lại quả” cho ông Lương Ngọc Anh, người được cho là có các liên hệ rất gần gũi với ông Lê Đức Thúy và ông Lê Đức Minh (con trai của ông Thúy) - người đứng đầu một công ty con có liên hệ tới quá trình in tiền polymer, cũng như qua công ty của ông Lương Ngọc Anh, theo The Age, là hơn 12 triệu đô-la Úc. Một phần trong đó, vẫn theo báo này, đã được gửi vào tài khoản ở Thụy Sĩ. 

Ông Lê Đức Thúy là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong 8 năm, từ năm 1999. Người tiền nhiệm của ông là đương kim Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi ông Thúy thôi chức Thống đốc, Thủ tướng Dũng tiếp tục bổ nhiệm ông, từ tháng 3/2008 tới 05/2011 làm Chủ tịch một cái ủy ban “mới toanh” là Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đến tháng 5/2011 “hạ cánh” nghỉ hưu an toàn. 

Báo The Age cho biết phóng sự điều tra của họ đã được cảnh sát sử dụng cho cuộc điều tra liên quốc gia. Chính quyền Indonesia và Malaysia đã hợp tác với cuộc điều tra, trong khi Việt Nam thì không. Tờ báo này nhận xét rằng nhà chức trách Việt Nam vẫn “từ chối hỗ trợ phía Úc trong cuộc điều tra toàn cầu”. Cho tới nay phía Việt Nam nói thông tin trên báo Úc về cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam chỉ có thể được coi là “tin tố giác” chứ không thể dùng làm bằng chứng. 

Sự việc tạm lắng trong bế tắc bởi thiếu sự hợp tác tích cực từ phía Việt Nam và (cũng dễ hiểu vì quyền lợi quốc gia) chính Phủ Úc không muốn xé to sự việc. 

Trong khi đó, không bỏ cuộc, hai phóng viên người Úc Richard Baker và Nick McKenzie, nhóm nhà báo đầu tiên phát giác về vụ bê bối, tiếp tục công bố cáo buộc bà Elizabeth Masamune viên chức cơ quan xúc tiến thương mại (Austrade) sứ quán Úc tại Việt nam có quan hệ “thân mật” với ông Lương Ngọc Anh, người bị nghi có thể nhận hối lộ lên tới 20 triệu đôla Úc. 

Bà Elizabeth Masamune 

Theo tờ The Age và The Sydney Morning Herald đăng hôm 13/8 cho biết vào đầu thập niên 2000, khi đến Hà Nội làm việc trong vị trí tùy viên cao cấp của Austrade, cơ quan thương mại thuộc chính phủ Úc, bà Elizabeth Masamune đã quen ông Lương Ngọc Anh. Vào thời điểm đó, ông Anh đang làm việc với công ty in tiền Securency nhằm giúp giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Năm ngoái, vị đại tá công an này bị công tố viên và cảnh sát liên bang Úc cáo buộc tại tòa rằng đã nhận đến tối đa 20 triệu đôla Úc tiền hối lộ của Securency. Hai phóng viên điều tra người Úc dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên “xác nhận trong khi bà Masamune khuyến khích Securency trả những khoản đáng kể cho Đại tá Lương Ngọc Anh để nhờ giúp giành hợp đồng, bà cũng có quan hệ tình cảm với ông này”. Theo tờ báo, bà không tường trình mối quan hệ riêng tư này cho Bộ Ngoại giao cũng như cơ quan tình báo Úc. 

Tờ báo Úc nói khi đó, bà Masamune là viên chức thương mại cao cấp nhất của Úc ở Việt Nam, có quyền được tiếp cận các thông tin mật của chính phủ Úc. 

Phó Lãnh đạo đảng đối lập Úc, Julie Bishop, tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Úc giải trình về những cáo buộc liên quan bà Masamune. 

“Vì những cáo buộc nghiêm trọng này, chính phủ cần phải biết thật đầy đủ là họ đã biết những gì” bà Bishop nói. 

Từ khi vụ bê bối hối lộ bị tờ The Age khui ra năm 2009, cảnh sát liên bang Úc vào cuộc nhưng chỉ điều tra cáo buộc liên quan các lãnh đạo công ty Securency và Note Printing Australia. Riêng vai trò của các cơ quan chính phủ liên quan trong vụ bê bối này không được chính thức điều tra. 

Tờ báo Úc cho biết khi được họ liên lạc, bà Elizabeth Masamune không đưa ra bình luận nào. Hiện bà vẫn làm việc cho Austrade, phụ trách thị trường Đông Á, gồm những nước như Trung Quốc, Việt Nam, từ tháng Mười 2011. 

Đây không phải là lần đầu tiên tờ The Age đưa ra cáo buộc với bà Masamune. Cuối năm ngoái, tờ này đã cáo buộc bà biết về mối liên hệ giữa Securency và người môi giới tại Việt Nam, Đại tá Lương Ngọc Anh ngay từ năm 2001. 

Điều tra khi ấy của hai phóng viên tờ The Age nói rằng ngay từ năm 2001, Securency nói với bà Elizabeth Masamune rằng công ty của ông Lương Ngọc Anh, một đại tá công an, sẽ là “hộp thư” giữa Securency (thuộc Ngân hàng Quốc gia Úc) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

The báo Age nói họ có trong tay email trao đổi giữa bà Masamune và cựu giám đốc của Securency, Cliff Gerathy. 

Tháng Giêng 2001, theo tờ báo, bà Masamune nói với ông Gerathy rằng bà "sẽ liên lạc với Anh (Đại tá Lương Ngọc Anh) và bàn tiếp về những lá thư mà anh ta cần viết gửi ông, liên quan những vấn đề tài chính khác." 

Hai tháng sau, ông Gerathy gửi email cho bà Masamune nói: "Trong trường hợp Việt Nam, chúng tôi đang làm nhiều hơn so với ở bất kỳ nước nào khác, đặc biệt là về cam kết tài chính, mà chúng tôi xem là sự đầu tư." 

Bà Masamune cũng được gửi cho xem các email về kế hoạch của Đại tá Lương Ngọc Anh đi Úc tháng Ba 2001 để “thảo luận và ký văn bản bổ sung về việc ủy nhiệm cho CFTD”. 

Theo tờ báo, bà Masamune nói với ông Gerathy rằng bà sẽ vận động Bộ Di trú để cấp visa “siêu nhanh” cho ông Ngọc Anh. 

Trong bài mới nhất hôm 13/8/2012, tờ The Age nói bà Masamune giúp dàn xếp một chuyến đi Mỹ cho ông Lương Ngọc Anh và các viên chức Việt Nam, chi phí do phía Securency đài thọ. 

Cơ quan xúc tiến thương mại Úc buộc phải kiểm tra an ninh toàn diện sau cáo buộc một viên chức của họ có quan hệ tình ái bí mật với đại tá công an Việt Nam trong nghi án hối lộ tiền polymer. 

Sau cáo buộc này, văn phòng Bộ trưởng Thương mại Úc Craig Emerson cho biết quy chế tiếp cận thông tin mật của bà Masamune đang được xem lại. 

Bộ trưởng Thương mại Úc chỉ mới được Austrade thông báo về quan hệ tình cảm cũ của bà và ý nghĩa an ninh của vụ việc cũng vào thứ Sáu tuần trước. 

Tờ báo Úc nói các quan chức cao cấp của Austrade đã biết về quan hệ của bà với Đại tá Lương Ngọc Anh “suốt nhiều tháng qua”

Người phát ngôn cho Bộ trưởng Emerson nói: “Đang có các thủ tục tòa án và việc xem xét quy chế an ninh của bà Masamune, nên bộ trưởng không thể có bình luận trước.” 

Nhưng người này cho biết: “Giám đốc hiện nay của Austrade… đã làm việc với bộ trưởng về việc kiểm tra đầy đủ với Austrade các sự việc, “Giám đốc của Austrade đã yêu cầu nguồn độc lập xem xét lại an ninh tại Austrade từ năm 2010, và các khuyến nghị đang được thực hiện.” 

Trong bài báo mới nhất hôm 14/8, tờ The Age còn nói họ “tin rằng còn có những công ty lớn khác của Úc đã sử dụng hoặc từng nghĩ đến việc sử dụng Đại tá Lương Ngọc Anh làm người trung gian giúp giành các hợp đồng ở Việt Nam”. 

Tới đây thì chi tiết sự cộng tác của “giai nhân và đạo chích giang hồ” chắc phải đợi thông tin tập kế tiếp. 

Đáng bàn là việc nổi cộm, ba nhân vật, một sĩ quan công an một viên chức cao cấp và Thủ tướng nhà nước Việt Nam bị báo chí truyền thông Úc lôi lên mặt báo liên quan hối lộ tham nhũng như vậy trong nhiều tập nhiều hồi như lột “trần truồng” với quốc tế mà Quốc Hội Việt Nam thì “im re” không thấy yêu cầu điều tra hay tối thiểu là đề nghị phải ra điều trần sự việc trước QH, gián tiếp với nhân dân? vì Thủ Tướng là ĐB/QH người đứng đầu nhà Nước.

Còn Bộ Công an thì vui hơn nữa, trong khi vụ việc cũng giống như vậy thì 2 quốc gia Indonesia và Malaysia hợp tác với Úc điều tra tới nơi tới chốn, thủ phạm bị trừng phạt, thì Việt Nam cũng được cơ quan điều tra nước bạn cung cấp thông tin truyền thông và chi tiết “tố giác” nhân viên mình liên quan hối lộ tham nhũng nghiêm trọng lại bình thân an tọa còn như rung đùi tuyên bố“đó là tin tố giác chứ không phải là bằng chứng”!? Trong khi Việt Nam đang nằm gần cuối bảng của “Tổ chức Minh Bạch quốc tế” đánh giá là quốc gia tham nhũng đáng sợ trong khối Asean, Châu Á và chính Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương chống tham nhũng trong nước lại đang kêu gọi khuyến khích người dân kiên trì “tố giác” những hành vi tham nhũng!?. 

Nếu nói như ngài TBT Nguyễn Phú Trọng tham nhũng ngày nay như một thứ “bệnh” mà “nhà nước, đảng ta” được cơ quan điều tra nước bạn có nhiều uy tín cung cấp miễn phí kết quả việc chẩn đoán chỉ đích danh “loại bệnh và con bệnh” thì liệu tại thời điểm này đồng bào nhân dân Việt Nam có tin được lời ngài phán công khai với truyền thông công luận gần đây: 

Ngày 30/6/2012, Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Tây Hồ-Hà Nội, Trước các ý kiến đề cập đến công tác chống tham nhũng – một trong những vấn đề được đông đảo cử tri cả nước quan tâm, ông Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi thẳng thắn về tinh thần chống tham nhũng, phải nhìn thẳng vào sự thật và công khai sự thật: “Giờ tham nhũng ngày càng quy mô, nghiêm trọng, chúng ta đã bắt được bệnh, đã bốc thuốc, giờ phải lo uống thuốc cho đủ, đúng liều, đúng như các cử tri nói rằng “tìm bệnh” đúng rồi, “bốc thuốc” đúng rồi nhưng bây giờ là ai uống? Tôi không nói là ai uống mà tôi chỉ nói là có chịu uống không, uống có đúng liều không, chứ còn ai có bệnh thì phải uống: “Bệnh nặng thì phải uống liều cao lên”. (www. baomoi. com). 

Công luận hy vọng không bao giờ còn thấy trên mặt báo câu nói bất hủ… “Vụ việc xét thấy không cần thiết phải kỷ luật một ai ” dù “có công” làm biến mất vài tỷ đôla như thời gian vừa qua. 

Người ta nói: Không biết những con bệnh “tham nhũng” đó “phải điều trị” thuốc nặng cỡ nào cho khỏi bệnh. 

Những tuổi thơ bất hạnh trong bệnh viện

Có tới vài trăm em thiếu nhi cơ nhỡ nghèo khó trong cả nước đang nằm viện, nhưng không đủ tiền để trang trải việc “giải phẫu bệnh tim bẩm sinh”. Khi các em nằm thoi thóp chờ đợi từng ngày vào những tấm lòng hảo tâm từ xã hội thì số tiến gần 20 triệu USD “hoa hồng” (thực ra là mồ hôi nước mắt của nhân dân) “lại quả” từ in tiền Polymer ấy sẽ đủ để giành lấy các em từ tay “tử thần” về lại với thiên đàng tuổi thơ của các em cùng đồng bào chúng ta. 

Xã hội XHCN ơi! sao đau khổ thế này - Rời bàn phím với một tiếng thở dài.