THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 November 2012

Chuyện Vui: Giáo Sư Ngô Bảo Châu Đầu Hàng Vì Không Giải Được Một Bài Toán Dễ !



Gs Ngô Bảo Châu là một trong những nhà toán học danh tiếng trên thế giới được tờ báo Times vinh danh là Top Ten Khoa học gia vào năm 2009 vì đã khám phá ra những điều mới mẻ trong ngành toán học, ông được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với Giáo sư Gérard Laumon vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita (the fundamental lemma for unitary groups).

Nếu nói về toán học thì Gs Ngô Bảo Châu rất xuất sắc nhưng hỡi ôi ông ta không giải nổi một bài toán dễ, một đề thi của Bộ Công An đưa ra.

Bài toán như sau :
(1) Nếu em có 2,000 (hai nghìn) tờ truyền đơn.

(2) Số tiền em có được là 2,500,000 (hai triệu năm trăm nghìn) được đổi ra thành 3 mệnh giá của tiền là 5,000 ; 10,000 và 20,000

(3) Mỗi tờ truyền đơn em buộc phải dán một đồng tiền mệnh giá như đã nêu trên, bất cứ mệnh giá nào của 3 đơn vị là 5,000 ; 10,000 và 20,000

Sau khi tôi đưa bài toán nầy cho Giáo sư Ngô Bảo Châu thì ông ta gãi đầu và suy nghĩ ... hum hum ... Chưa đầy 1 phút sau thì giáo sư Châu trả lời là bài nầy tôi chịu, tôi giải không được vì nó còn khó hơn bài toán Condoms trước đây.

*Ghi chú bài toán Comdoms trước đây là "Nếu em tìm được 2 condoms chưa qua sử dụng được giấu vào sọt rác, đố em tìm ra được thằng nào bỏ vào trong thùng rác đó mà không cần làm toán"

Như vậy cho tới nay vị Giáo Sư Hàng Đầu Thế Giới đã không giải được 2 bài toán dễ và nhất là bài mới đây của Bộ Công An đưa ra được báo chí trong nước rầm rộ đưa lên.
Bài viết của blogger Nguyễn Hồng Kiên cho biết thì ông ta không tính nổi bài toán dễ của bộ Công An vì nếu chúng ta dùng đồng tiền có mệnh giá thấp nhất là 5,000 đồng, đem dán hết thì chỉ dán được 500 tờ, như vậy số truyền đơn còn lại là trên 1,500 tờ vẫn chưa đủ tiền để dán vào nhưng báo chí của chính phủ CSVN đưa tin là vẫn dán được như thế mới tài .

Tôi đã dùng nhiều loại toán học như không gian 3 chiều, đa chiều để xác định vị trí của mọi điểm trong bài toán nầy vẫn chưa tìm ra được câu giải đáp .

Blogger Nguyễn Hồng Kiên đưa ra sự kiện và than thở :
CHỈ HƠI ĐÁNG TIẾC, LÀ VỚI SỰ THẬT MỚI CỦA “TIN TỨC” THÌ… GS NGÔ BẢO CHÂU CŨNG KHÔNG TÍNH RA SỐ TỜ TRUYỀN ĐƠN CÓ DÁN TIỀN

- VOV CHO BIẾT: “Uyên còn nhận 2,5 triệu đồng đề đổi ra tiền mệnh giá nhỏ, dán vào các tờ truyền đơn này để thu hút sự chú ý của người đi đường.” (http://vov.vn/Phap-luat/Bat-hai-doi-tuong-rai-truyen-don-chong-pha-Nha-nuoc/232669.vov)
NHÀ CHÁU ĐÃ THỬ TÍNH:+ NẾU DÁN TOÀN TIỀN MỆNH GIÁ NHỎ NHẤT (5.000VNĐ) VÀO TRUYỀN ĐƠN, THÌ 2.500.000Đ CHỈ ĐƯỢC 500 TỜ.
+ CÒN THEO BÁO PL.TPHCM “Ngày 8-10, Uyên giao Kha số tiền đổi được (khoảng 1,6 triệu đồng)” THÌ CHỈ ĐƯỢC 320 TỜ.
- LÚC 13:33:00 NGÀY 03/11/2012, Vietnam + CHO BIẾT: “CÁC TỜ TRUYỀN ĐƠN ĐƯỢC DÁN VỚI MỘT TỜ TIỀN VIỆT NAM với mệnh giá 5.000 đ, 10.000 đ và 20.000 đồng.” (http://www.vietnamplus.vn/Home/Khoi-to-2-doi-tuong-tuyen-truyen-chong-Nha-nuoc/201211/166877.vnplus)
- BÁO TIN TỨC KHẲNG ĐỊNH CHI TIẾT HƠN:
”Để việc tán phát truyền đơn có hiệu quả, có nhiều người nhặt truyền đơn, KHA Đà GIAO CHO UYÊN 2,5 TRIỆU ĐỒNG ĐỂ UYÊN ĐỔI TIỀN có nhiều mệnh giá khác nhau, RỒI KHA DÁN VÀO MẶT SAU CỦA HƠN 2.OOO TỜ TRUYỀN ĐƠN, MỖI TỜ MỘT TỜ TIỀN VIỆT NAM CÓ MỆNH GIÁ 20.000Đ, 10.000Đ HOẶC 5.000Đ”Trên thế giới có 7 bài toán được mệnh danh là bài toán của thiên niên kỷ đã từng làm bó tay những trí tuệ hàng đầu thế giới trong suốt một thời gian dài. Chỉ cần chứng minh được 1 trong số 7 giả thuyết này, các bạn sẽ có ngay 1 triệu USD. Quí vị biết là những bài toán khó như "Giả thuyết Poincaré" của Henri Poincare do ông đưa ra năm 1904 là một trong những thách thức lớn nhất của toán học thế kỷ 20.

Nếu chúng ta đưa 2 bài toán ra so sánh thì bài "Giả thuyết Poincaré" mà các nhà toán trên thế giới cho là bài toán khó của thế kỹ 20 thì không thể nào KHÓ hơn được bài toán của Bộ Công An CSVN vừa đưa ra .

Hương Giang Blog

Nguyễn Phương Uyên - nạn nhân trong trận đánh “đồng chí X”?



Nguyễn Quang Duy (Danlambao) - Bài tháng trước khi viết về những tranh chấp nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam, tôi có nhắc đến bạn Nguyễn Phương Uyên một bạn trẻ trong Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước vừa bị công an bắt. Bạn bị bắt vì đã rải truyền đơn với hai câu thơ “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng”. (xin xem bài“Đánh ‘Đồng Chí X’: Chơi Mà Thực – Thực Mà Chơi.”). Thứ bảy vừa rồi Phương Uyên bị đưa lên truyền hình đọc lời “thú tội” đã viết dán truyền đơn, vẽ treo cờ vàng ba sọc đỏ. Bài viết này xin tiếp tục sử dụng năm yếu tố cơ bản của lý thuyết trò chơi làm rõ tình hình vụ án.

Người chơi 

Cuộc chơi lần này một bên nhà cầm quyền cộng sản đang ra tay đàn áp tuổi trẻ yêu nước, còn phía bên kia là các thành phần dân tộc đang tìm cách xích lại gần nhau. 

Tin Phương Uyên bị bắt đã nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Hình ảnh Phương Uyên một sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Công nghệ Thực phẩm tươi cười ôm con gấu vải đã nhanh chóng trở thành một hình ảnh thân thương trên các diễn đàn tự do. Mọi người lo âu cho Phương Uyên một nạn nhân mới nhất của công an. Bạn bị bắt vì “ghét Trung Quốc”, mà “ghét Trung Quốc” là một tình cảm chung cho toàn dân tộc Việt Nam, một dân tộc đang mất dần tự trị. 

Hằng trăm bạn cùng lớp Phương Uyên nhanh chóng viết thư cầu cứu Trương Tấn Sang. Rồi hằng trăm người đồng ký một bức thư yêu cầu Trương Tấn Sang can thiệp trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên. 

Khởi đầu công an còn chối, sau họ phải nhận, rồi lại phải mang Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha lên truyền hình “thú tội”. Sau đó cả một dàn tuyên giáo và công an mạng thi nhau vẽ tội cho hai người. 

Ngoài tội thả truyền đơn và treo cờ vàng, bạn Đinh Nguyên Kha còn bị khép mua các hóa chất ở chợ Kim Biên về làm thuốc nổ. Bằng chứng là một băng thâu hình bạn Kha thử thành công thuốc nổ. Tiếng nổ nghe “tẹt” nhỏ hơn tiếng pháo lép thế mà bạn Kha dám nghĩ đến chuyện giật sập “tượng đài Hồ Chí Minh”. Thật đúng là trò trẻ con do công an dàn dựng. 

Người thứ ba tên Nguyễn Thiện Thành, học cùng trường Đại Học với Phương Uyên. Bạn Thành cũng thuộc Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước bị truy lùng đã phải trốn sang Thái Lan. Phương Uyên “thú nhận” nghe theo Thành gia nhập Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước để có tiền ăn học. Cha của Nguyễn Thiện Thành nghe thế đã chính thức cho biết: bên Thái con ông còn không đủ tiền sinh sống nói chi đến việc trợ cấp cho Phương Uyên. Lại thêm một trò trẻ con do công an dàn dựng. 

Còn cha mẹ Phương Uyên thì tỏ ra hãnh diện và khâm phục hành động yêu nước của bạn. Họ tin rằng mọi chuyện chỉ là dàn dựng nhằm khép án và kết tội hai bạn trong Phong Trào. 

Cả một dàn an ninh và tuyên giáo cộng sản chỉ đưa ra những bằng chứng thiếu thuyết phục về hoạt động chống đối nhằm lật đổ chính quyền của vài người trong Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước. Thói quen vu khống, dàn dựng của họ không mang lại kết quả lần này. Họ không dựng lên được một vở tuồng với các diễn viên đứng đằng sau Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước. Chỉ lộ ra là hình ảnh một nhóm nhỏ vài bạn trẻ yêu nước đơn phương và chủ động hành động. Họ không thể ngồi yên khi nước mất nhà tan. 

Chiến Thuật (Tactics) 

Dưới chế độ cộng sản những màn bắt cóc, khủng bố, khép tội, khép án vẫn thường xuyên xảy ra. Vào thời điểm đang xảy ra Hội Nghị 6, việc bắt cóc Nguyễn Phương Uyên là để lái dư luận đang sôi nổi bàn tàn về thắng lợi vẻ vang của đồng chí X con sâu chúa của bầy sâu cộng sản. Cũng là để khủng bố tinh thần giới trẻ, một tầng lớp đang thức tỉnh và liên kết biểu lộ tinh thần yêu nước thương nòi. 

Hành động của nhà cầm quyền cộng sản cho thấy họ vẫn dùng những thủ đoạn quen thuộc, không còn thích ứng với thời đại thông tin toàn cầu. Họ còn thiếu thiện chí và khả năng để hội nhập nền văn minh nhân loại. Việc hai bạn trẻ bị đưa lên truyền hình nhận tội chỉ tạo thêm sự ngăn cách giữa người dân, giữa thế giới tự do và thiểu số cầm quyền Hà Nội. 

Hành động viết dán truyền đơn, vẽ treo cờ vàng ba sọc đỏ mà các bạn bị khép tạo một dư luận rộng rãi. Thông tin mạng đã nhanh chóng bẻ gãy các vu khống rẻ tiền của guồng máy an ninh và tuyên truyền cộng sản. Hằng trăm, hằng ngàn người đã chính thức lên tiếng, chia sẻ sự quan tâm và trách nhiệm. Mỗi người có cách suy nghĩ khác nhau, nhưng rõ ràng một xã hội đa nguyên đang hình thành và hầu như tất cả đều đồng cảm hay đồng thuận với hành động của các bạn trong Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước. Họ hành động vì không thể ngồi im. 

Quy tắc hay luật chơi 

Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền vì thế họ vẫn chơi theo luật do họ đặt ra. Vẫn bắt cóc, vẫn khủng bố, vẫn khép tội, khép án, vẫn đứng trên dư luận và xem thường quốc tế. Cộng sản không thể thay đổi, nhưng luật chơi đã phải thay đổi. 

Khi cộng sản chiếm miền Nam, thế hệ chúng tôi cũng đã từng làm như các bạn. Chúng tôi không thể làm ngơ xem cộng sản cướp bóc dân lành, bắt tù cha anh. Chúng tôi cũng viết dán truyền đơn, cũng vẽ treo cờ vàng ba sọc đỏ, nếu chúng tôi bị bắt không ai biết tới. Cuộc đấu tranh cho tự do vẫn đang tiếp diễn, khác chăng là các bạn trong Phong Trào Tuổi trẻ Yêu Nước đang được cả thế giới quan tâm. Cộng sản dù bản chất không đổi nhưng vẫn không dám thẳng tay đàn áp. 

Chỉ ba năm về trước, sau vài ngày bị giam luật sư Lê công Định, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Anh Kim, ông Lê Thăng Long và bạn Nguyễn Tiến Trung cũng phải lên truyền hình đọc lời “thú tội”. Hành động của họ tạo một dư luận có lợi cho nhà cầm quyền, khác hẳn lần này, mọi người xem hai bạn như một nạn nhân của guồng máy công an cộng sản. Rõ ràng cách chơi và luật chơi của đảng Cộng sản đã hoàn toàn bị bẻ gãy. 

An ninh cộng sản còn chơi trò hạ cấp đến trường Đại học Công Nghiệp Thực phẩm bắt các bạn sinh viên viết cam kết là chưa bao giờ viết lá thư gởi Trương Tấn Sang. Trước cổng trường, công an vừa chầu chực vừa hăm dọa, họ như sợ các bạn trẻ sẽ nổi dậy làm loạn cướp chính quyền. 

Có áp bức ắt hẳn sẽ có đấu tranh luật chơi mới đã bắt đầu từ tuổi trẻ yêu nước, họ không thể ngồi im nhìn bạn mình bị áp bức, nhìn nước mất, nhìn nhà tan. “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng” trở thành một phương châm cho các bạn trẻ dấn thân hành động. 

Phạm vi của Trò Chơi (Scopes) 

Trước đây khi số người bất đồng chính kiến chỉ đếm trên đầu bàn tay, thì công an cộng sản dễ dàng canh giữ từng người. Hôm nay họ đã phải canh cả một trường Đại Học. Phạm vi cuộc chơi đã lan đến giới trẻ. 

Trong đảng thì diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Ngoài đảng thì người dân ngấm ngầm liên kết đứng lên. Nhà cầm quyền cộng sản nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Khi họ càng khủng bố càng bắt bớ thì vòng vây càng bị siết chặt, dấu hiệu của sự cáo chung càng rõ hơn. 

Phương Uyên và các bạn Tuổi Trẻ Yêu Nước đã dấn thân hành động “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng”, mọi người đang nối bước theo sau. 

Giá trị gia tăng (Added values): 

Đảng Cộng sản đã chính thức xác nhận hiện đang đấu tranh cho sự sống còn của “Đảng”. Ý thức của người dân mỗi ngày một gia tăng và hành động của người dân mỗi ngày một cụ thể, một quyết liệt hơn. Các bạn trẻ Việt Nam không còn thờ ơ việc nước, họ đã dấn thân hành động: “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng”. 

Còn gì giá trị hơn khi danh dự của dân tộc được phục hồi và tương lai của đất nước được vinh quang. Nội dung truyền đơn Phương Uyên viết và phổ biến đang trở thành châm ngôn, thành giá trị để mọi người dấn thân tranh đấu. 

Kết Luận 

Vừa viết bài này, tôi vừa theo dõi cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, vừa mong mỏi các bạn trẻ Việt Nam sẽ có những cơ hội công khai tranh luận mọi vấn đề một cách cởi mở thay vì vẫn phải tiếp tục viết dán truyền đơn, vẽ treo cờ vàng ba sọc đỏ. Một cuộc chơi vô cùng bất công cho các bạn. Nhưng nếu chúng ta cúi đầu thì đảng cộng sản sẽ tiếp tục đạp trên đầu chúng ta, tiếp tục bán nước, tiếp tục buôn dân. Cộng sản không cho chúng ta một con đường một cơ hội lựa chọn. 

Trong khi Phương Uyên bị bắt, bị tù, tôi có quá lạc quan khi viết bài này hay không? Thưa không: 

Khi nghe tin Phương Uyên bị bắt tôi tìm thấy bên ngoài facebook Tiểu Vy (Nguyễn Phương) Uyên, bạn đã tự giới thiệu mình như sau “thik (thích) sự yên tĩnh nhưng sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ bị phản bội…”. Phương Uyên không cô đơn, không ai bỏ rơi, ai phản bội bạn. Mọi người luôn quan tâm đến bạn. 

Phải nói chính Phương Uyên đã giúp thế hệ chúng tôi bớt cô đơn. Bạn là biểu tượng sức sống, của niềm tin vào thế tất thắng của dân tộc. Đối đầu với bạn là một lũ già nua tham ô buôn dân bán nước đang bị đào thải. 

Phương Uyên cũng tự đánh giá mình là “…ham chơi vui học hỏi …”. Nếu thế hệ của chúng tôi trên đường đấu tranh chịu tích cực hơn, chịu hy sinh hơn, có thể bạn đã không phải trả một giá quá đắt cho cuộc chơi: “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng”. Hãy xem tù đày như cuộc chơi, học hỏi từ cuộc chơi để trưởng thành. Đừng để con em của các bạn phải tiếp tục dấn thân tù đày. 

Cũng bên ngoài Facebook, Phương Uyên cho biết phương châm của bạn là “Cuộc đời là đại dương mênh mông, ai ko (không) bơi sẽ chìm”, bạn đã ra biển đầy sóng gió, bạn đang trưởng thành để trở thành một thuyền trưởng lái con tầu Việt Nam qua các cơn sóng gió. Sóng gió rồi sẽ qua, bạn sẽ trưởng thành sẽ trở thành lãnh đạo của một Việt Nam Độc Lập Tự Do. 

Cám ơn Phương Uyên, cám ơn Nguyên Kha, cám ơn các bạn trong Phong Trào Tuổi Trẻ Yêu Nước, các bạn như những cánh én, nhờ các bạn tôi đã thấy mùa xuân, mùa xuân cho dân tộc Việt Nam. 

9/11/2012 

Melbourne, Úc Đại Lợi 



________________________________________________
Những bài viết, thông tin về Nguyễn Phương Uyên:

Con dại cái mang - Đừng bóp chết lòng yêu nước của tuổi trẻ
Hãy cùng Mẹ Nhung trong hành trình đòi lại con gái Phương Uyên
Ước gì em là biển lặng
Thư của các bạn lớp 10CDTP1 gửi "Mèo Lười" Phương Uyên
Hôm đến trại giam Tân An mẹ khóc!?
Thư gửi Uyên
Vụ bắt SV Nguyễn Phương Uyên: CA vi phạm BLTTHS ra sao?
Khi trời tối đen ta mới thấy các vì sao
"Đất nước không chiến tranh, sao đau thắt trong lòng"
Thư gửi Nguyễn Phương Uyên từ quần đảo Trường Sa
SV Nguyễn Phương Uyên trong mắt bạn bè
Sự khác biệt của thông tin lề Dân và lề đảng qua một bản tin
Phương Uyên con gái Sông Phan
Yousafzai và Phương Uyên: “Bút và Thép”
Viết cho em, cô gái bé nhỏ, em ở đâu giữa bầy sói dữ?
CA Long An: Phương Uyên bị giam điều tra theo điều 88
Lòng Mẹ...
“Chúng tôi biết là sai quy trình, tôi biết gia đình rất lo lắng nhưng nó có vấn đề riêng”
Sự im lặng đáng sợ của Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm ở Sài Gòn
Bầu trời Tự Do cho Phương Uyên
“Đến khi nào tìm thấy tội sẽ gửi công văn về gia đình”
Cùng Nguyễn Phương Uyên cam kết không sử dụng hàng Trung Quốc
Thư cầu cứu khẩn cấp của tập thể sinh viên ĐHCNTP về trường hợp của Phương Uyên
Công an chối không bắt nữ sinh Phương Uyên
Nguyễn Phương Uyên - Hồn nhiên yêu nước trước những hèn câm
Nguyễn Phương Uyên - Mất tích vì làm thơ chống Trung Quốc?
Nữ sinh viên bị công an TP/HCM bắt, biệt tích
Nguyễn Phương Uyên...
Nguyễn Phương Uyên - Mất tích vì làm thơ
Một màu áo xanh – hai hình ảnh khác biệt

danlambaovn.blogspot.com

Cảm tác “từ” to nhỏ !



Le Nguyen (Danlambao) - Không nhớ tôi nghiện chữ từ bao giờ hễ thấy chữ là đọc, đọc ngấu nghiến đọc quên ăn quên ngủ những áng văn chuyên chở tư tưởng khó nuốt, đọc cả tin tức xe cán chó, chó cán xe ngay đến quảng cáo, rao vặt, tìm bạn bốn phương... tôi cũng không tha. Nói tóm lại, tôi nghiện chữ đến độ hễ thấy chữ là đọc, đọc bất cứ thứ gì, bất luận đề tài gì từ văn chương cung đình đến văn chương đường phố?

Đó chỉ là nói về mặt đọc chữ. Về phần thích đọc thể loại gì, xin thành thật trả lời rằng tôi rất thích đọc các bài viết phản ảnh con người và xã hội của hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa. Tôi say mê đọc mọi bài viết của các tác giả đã thành danh chưa thành danh lẫn cả vô danh, từ văn xuôi dài vằng vặc như cách chơi chữ kiểu thơ bút tre diễn tả: “Anh đi chiến dịch bờ lây... Cu dài vằng vặc biết ngày nào vê”(1) cho đến các câu ca dao dễ gây ấn tượng mạnh: “Chiều chiều ra bến Ninh Kiều... Dưới chân tượng bác đĩ nhiều hơn dân.”(2)

Có thể nói trong số văn chương bác học hay bình dân, văn xuôi hay văn vần phản ảnh hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa mà tôi đã có cơ hội đọc, có rất nhiều bài hay đọc rất thích và kể đến các bài viết hay, xuất sắc không thể không nhắc đến bài thơ vè xoay quanh hai từ ngữ “to” và “nhỏ” thật thông minh, dí dỏm nhưng không thiếu chiều sâu tư tưởng làm cay rát cả lòng người. 

Chỉ cần cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ” đối lập, đối nghĩa nhau, tác giả đã mở ra bước đột phá hoàn hảo cho thơ văn hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa, điều mới này đã nói lên tác giả bài thơ vè sở hữu trí tuệ lẫn trình độ nhận thức không tầm thường. Hiện nay có nhiều bài thơ “To Nhỏ” không dài vằng vặc...được tung lên các trang báo mạng có khác biệt về từ ngữ, hình thức nhưng tất cả đều không làm sai lệch ý nghĩa độc đáo của bài thơ, nhất là khai triển được cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ” rất thông mimh và các bài thơ “To Nhỏ” nguyên tác hay chế tác đều lột tả được sự thật khách quan về hiện thực xã hội, chính xác là hình tượng “mẫu” của các quan chức, của chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đọc thơ “To Nhỏ” chúng ta sẽ nhận ra tài sử dụng chữ nghĩa điêu luyện thuộc bậc thầy của tác giả bài thơ, với giọng điệu chất thơ vừa cay đắng vừa hóm hỉnh, tác giả “to nhỏ” lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những nghịch lý sâu lắng không cuồng nộ như những con sóng thần, nó hiền hoà như những con sóng lăn tăn gờn gợn nhè nhẹ, từng đợt rồi từng đợt chạm vào ý tưởng, đi vào con tim qua những con chữ bình dị gần gủi với cuộc sống đời thường: 

“Trong đất nước nho nhỏ
Có thủ đô thật to
Trong thủ đô thật to
Có những con đường rất nhỏ.”

Với đoạn thơ dẫn nhập, tác giả “To Nhỏ”chỉ ra cái hài hước và phản ảnh hình ảnh một đất nước nhỏ, có một thủ đô to với những con đường nhỏ thật đối nghịch, không bình thường không cân đối trong quy luật phát triển đất nước, nó chỉ ra cảnh tượng bát nháo của một đất nước nhỏ có những kẻ có trách nhiệm lại vô trách nhiệm, cố dựng lên một thủ đô to thật to, để rồi phải gồng mình gánh chịu những con đường rất nhỏ không xứng tầm với một đất nước có chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm.

Phải công nhận, cái hay của tác giả bài thơ không “nói xấu, chống phá” những nghịch lý của một đất nước hơi nhỏ có cái thủ đô hơi bị to kia. Tác giả “To Nhỏ” khéo léo dẫn dắt bạn đọc đi vào thế giới hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa khá thú vị khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đầy bất ngờ bởi những sự việc cụ thể sống động xảy ra trên những con đường nho nhỏ khắp mọi ngả đường đất nước bị xem là còn rất nhỏ, còn vị thành niên kia:

“Trên con đường nho nhỏ
Có những biệt thự thật to
Trong biệt thự thật to
Có những cô vợ bé nhỏ.”

Thật ra, nếu trên những con đường nhỏ nhỏ, có những dinh thự thật to là chuyện bình thường của phát triển, không việc chi phải bàn cãi, phải chú ý đến. Điều làm cho bạn đọc chú ý lẫn khêu gợi thắc mắc dẫn đến tâm lý tò mò muốn biết những căn biệt thự to, những cô vợ nhỏ, là của ai, ai là chủ nhân đích thực của mặt hàng quá đổi nhạy cảm này? Cái xuất sắc của tác giả “To Nhỏ” là không ởm ờ như các “bác” trên trung ương chỉ dám len lén to nhỏ phê và tự phê nhưng với tác giả “To Nhỏ” không thậm thò thậm thụt như thế, ông thẳng thắn nói huỵch tẹt ra cho mọi người cùng biết:

“Những cô vợ bé nhỏ
Là của các ông quan to
Những ông quan thật to
Có những cái cặp nho nhỏ.”

Chúng ta thấy, sau vài câu ngập ngừng dẫn nhập đã khơi dậy hồn thơ lai láng phóng trào trên đầu ngọn bút, có thể là trên bàn phiếm không chừng? Tác giả “To Nhỏ” nói thẳng ra các cô vợ nhỏ là của các ông quan to và các cô vợ nhỏ lượn lờ trong các căn biệt thự to, không cần phải nói ai cũng biết sở hữu chủ của các căn biệt thự đó là của ai, chắc chắn không phải là sở hữu toàn dân? Chỉ ra như thế, tác giả “To Nhỏ” đã gián tiếp phơi bày sự thật trần trụi của cái được gọi là sở hữu toàn dân và chỉ cần nguệch ngoạc một vài câu tác giả đã lột trần được bộ mặt đạo đức lối sống của các quan to của cái đảng lãnh đạo độc quyền.

Rồi dường như tác giả “To Nhỏ” không muốn cho bạn đọc xa rời cảm giác thích thú với ngạc nhiên và bất ngờ. Ông đưa thêm hình ảnh chiếc cặp nho nhỏ, ông xoáy sâu vào các chiếc cặp kè kè bên mình của các ông quan to, dẫn đưa trí tưởng tượng của bạn đọc đến một dấu hỏi khác. Chiếc cặp của các quan to dùng để làm gì, chứa cái gì bên trong?

“Trong cái cặp nho nhỏ
Chứa những dự án thật to
Những dự án thật to
Hiệu quả lại rất nhỏ.”

Không đợi cho người đọc thắc mắc trong cặp của các quan to có gì, súng ngắn...phong bao phong bì chăng? Có thể lắm chứ! Nhưng không ông vội đính chính sợ bạn đọc nghĩ sai “nói xấu” các quan to bởi trong cặp của các quan chứa dự án, các dự án thật to. Ngẫm các dữ kiện, chất liệu có được từ trong bài thơ và trong thực tế khách quan của quan trường Việt nam, hẳn các quan to này phải ở tầm thứ, bộ trưởng có chân trong trung “qủy” thì phải? Ở đoạn thơ này tác giả “To Nhỏ” giới thiệu “tài” lãnh đạo của các quan to, ông khẳng định tất cả các dự án của các quan đều thật to, chỉ có hiệu quả là nhỏ thôi và tác giả tiếp tục “giới thiệu” hiệu quả nhỏ của các dự án rất to ra làm sao, như thế nào?

“Hiệu quả rất là nhỏ
Nhưng thất thoát thì thật to
Thất thoát thật là to
Trách nhiệm lại rất là nhỏ...”

Hiệu quả nhỏ của các dự án to của các quan là nó đã gây ra thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đúng ra là tiền thuế của dân thật to và thực tế khách quan của chủ nghĩa xã hội chỉ cho chúng ta thấy, dù thất thoát to như thế nào các quan cũng không hề hấn gì, các quan không chịu trách nhiệm với ai cả, chỉ cần các quan chịu làm mặt lì ra trước đảng, trước quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất nước tuyên bố khơi khơi: “ tôi không quyết định gì sai trái trong vụ việc này nhưng tôi nhận trách nhiệm về mặt chính trị” là mọi việc đều yên ổn và chuyện trách nhiệm kể như xong phim..!

Có thể do các quan to nhận trách nhiệm khá đơn giản, không có trách nhiệm gì là cụ thể, nếu không nói là khá hài hước như các tên hề trên sân khấu kịch nói, nên trong một phút cao hứng trên đỉnh phẫn nộ bởi các ý tưởng cuồn cuộn chảy lên đến cao trào, tác giả “To Nhỏ” không nhẫn nhục chịu đựng như lúc nguệch ngoạc vài câu mở đầu, ông chỉ thẳng mặt lãnh đạo to mà rằng: 

“Trong đất nước nho nhỏ
Có lãnh đạo thật to
Những lãnh đạo thật to
Có cái đầu rất nhỏ
Những cái đầu rất nhỏ
Có túi tham thật to
Trong túi tham thật to
Chứa hiểu biết rất nhỏ
Những hiểu biết rất nhỏ
Gây hậu quả thật to...”

Qua bài thơ đã dẫn cho chúng ta thấy, có nhiều ưu điểm ẩn chứa trong bài thơ vè “To Nhỏ”. Theo thông tin bài thơ có nguồn gốc từ một du học sinh và bỗng dưng nổi tiếng trong một thời gian rất ngắn, nó đã trở thành sản phẩm đặc biệt dành cho mọi người cùng đọc, cùng làm mới, cùng hoàn thiện cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ”. Có lẽ, bài thơ sớm được biết đến, được yêu thích nhờ vào nội dung giản dị dễ hiểu, rất thoáng không giới hạn ý tưởng, không giới hạn số câu, thể hiện tinh thần tự do rất rõ, không gò bó trong khung niêm, luật, vận ngay cả không sử dụng, không trau chuốt chọn lọc những con chữ đẹp để chuyển tải tư, ý, từ...

Với bài thơ “To Nhỏ” có thể thêm ý tưởng viết dài ra, dài ra mãi trên nền tảng của cặp đôi từ ngữ đối lập, phản nghĩa “To Nhỏ” và mọi người từ kinh nghiệm xương máu bản thân với đảng nhà nước cộng sản, ai cũng có thể thêm ý làm mới nội dung bài thơ, miễn sao không đi ngược lại chủ đích từ đầu của “To Nhỏ” là phản ảnh hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa. 

Trong chiều hướng làm mới bài thơ “To Nhỏ” của nhiều đồng tác giả khuyết danh, ẩn danh, vô danh chúng ta thấy có nhiều phó bản khác bài thơ gốc nhưng vẫn không đánh mất tính chất độc đáo hay đáo để của bài thơ. Dưới đây là trích đoạn được chế ý thêm lời cho bài thơ có cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ” thêm phong phú, có những câu như sau:

“...Các biệt thự thật to
Là của các ông quan nhỏ
Các ông quan chức nhỏ
Tổ chức tiệc tùng thật to
Trong các tiệc tùng to 
Có rất nhiều cô gái nhỏ
Các cô gái bé nhỏ 
Là của các ông quan to
Các ông quan thật to 
Có chiếc xe hơi hơi nhỏ
Chiếc xe hơi tuy nhỏ 
Nhưng giá trị thì thật to
Giá trị chiếc xe to 
Là quà của các quan nhỏ...”

Đoạn thơ vừa dẫn, tiếp sức diễn giải thêm những sự kiện có thật “...một bộ phận không nhỏ suy thoái đạo đức, lối sống....” đang đú đởn... đang xảy ra trong các căn biệt thự to nằm trên các con đường nhỏ của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dù ý tưởng đoạn thơ vừa kể vẫn còn chịu ảnh hưởng cũng như xoay quanh phạm vi của nguyên tác bài thơ “To Nhỏ” nhưng vẫn tạo được nét tinh tế, độc đáo với cái cười ý nhị của riêng nó. 

Ngoài ra cũng đã có một số bài thơ lấy cảm hứng từ cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ” khai triển, phản ảnh hiện thực xã hội, xã hôi chủ nghĩa đi xa hơn nguyên bản bài thơ “To Nhỏ” chuyên chở đã khẳng định được giá trị tư tưởng của bài thơ “To Nhỏ”: 

“Việt Nam là một nước nhỏ.
Phía trên có nước thật to 
Chúng ưa ăn hiếp nước nhỏ.
Tranh cướp nhiều miếng đất to.
Đảng bảo đất là chuyện nhỏ.
Răng môi mới là chuyện to.
Nhân dân kề tai nói nhỏ.
Trời ơi...biển đảo rất to.
Đảng cãi cho là chuyện nhỏ.
Mười sáu chữ vàng mới to...”

Có thể nhờ nghiện chữ nên tôi có cơ hội và may mắn đọc được bài thơ “To Nhỏ,” xin hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc để chúng ta cùng nhau thưởng lãm, cùng nhau làm cho bài thơ “To Nhỏ” trở thành tác phẩm vĩ đại chung của mọi người. Tôi biết bài thơ “To Nhỏ” còn hạn chế, chưa phải là siêu phẩm hay kiệt tác nhưng tôi tin “To Nhỏ” sẽ vĩ đại hơn “bác Hồ vĩ đại” nhờ vào đặc tính trung thực của nó. Tôi cũng tin rằng bài thơ “To Nhỏ” sẽ bất tử bởi nó phản ảnh đúng thật thời kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam trong thời đại xã hội chủ nghĩa và nhất định “To Nhỏ” sẽ đi vào văn học sử như là chọn lựa khách quan tình cờ của lịch sử. Nào chúng ta cùng nhập cuộc chơi, cùng sáng tác thơ vè “To Nhỏ” của riêng mình làm thành bài học thực tiễn cho muôn người, muôn đời...