THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 December 2012

Đi xe SH đến trộm tiền tỷ nhà tướng công an

Để bạn đứng dưới trông xe và cảnh giới, kẻ hai lần đi tù trèo lên ban công đột nhập biệt thự của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, phá khóa 3 ngăn kéo bàn làm việc lấy đi tiền, vàng, ngoại tệ (tổng cộng hơn một tỷ đồng).
> Nhà Tổng cục phó cảnh sát bị mất trộm một tỷ đồng

Theo bản án ngày 26/12 của TAND Hà Nội, Nguyễn Tiến Dũng (24 tuổi) rủ Lê Ngọc Khải (22 tuổi) và Lê Văn Thanh (20 tuổi) từ Thái Bình lên Hà Nội thuê trọ để trộm cắp.
Từ cuối tháng 9/2011, hàng tối, Dũng lấy xe máy SH chở đồng bọn đi tìm "mục tiêu". Thấy nhà nào tắt điện, Dũng đột nhập qua ban công vào lấy tài sản. Thanh hoặc Khải đứng dưới cảnh giới.
Nhóm
BỊ cáo Khải, Thanh, Dũng (từ trái qua). Ảnh: V.Dũng
Khoảng 18h ngày 24/12/2011, Dũng và Khải đi xe máy đến ngõ 1 phố Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy. Thấy căn nhà 3 tầng có 2 mặt tiền tắt điện, Khải đứng ngoài cảnh giới để Dũng cầm xà cầy trèo lên cổng vào ban công tầng 2...
Tại phiên xử hôm nay, Dũng khai lục soát một vài phòng nhưng không lấy được gì. Phát hiện một phòng nhỏ khóa cửa ngoài, hắn liền phá khóa. Thấy chiếc bàn làm việc có 3 ngăn kéo, tên trộm tìm cách mở ra nhưng không được. "Bị cáo xuống bếp lấy dao và kéo lên và đã cậy được khóa. Bên trong 3 ngăn kéo có nhiều tiền mặt, đôla Mỹ, nhẫn, dây chuyền vàng cùng đồng hồ...", Dũng trình bày.
Cuỗm được "mẻ lớn", hắn ôm cây tụt xuống và đi ra ngoài. Dũng nói không biết đây là nhà của thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an. Tối hôm đó, trong lúc đi "săn mồi", hắn thấy căn nhà khang trang lại không có người bên trong nên chọn.
Căn nhà bị mất trộm tiền tỷ. Ảnh: Hà Anh
Ngoài hai vụ trộm trên, Dũng và đồng bọn còn gây ra gần 10 vụ khác. Chiếc SH, Dũng mua từ tiền ăn cắp được. Ban ngày, hắn đi bán quần áo thuê để tạo vỏ bọc. Sau vụ trộm tại nhà tướng Vương, cả bọn mua 3 xe máy đắt tiền, điện thoại, đi du lịch nhiều nơi cùng người yêu.
Xác định Dũng tái phạm nguy hiểm (đã có 2 tiền án), số tiền ăn trộm lớn, tòa phạt hắn 17 năm tù. Cùng tội Trộm cắp tài sản, Khải lĩnh 13 năm, Thanh 8 năm.
Việt Dũng

Hàng trăm người dân bắt quả tang đào trộm mộ


Thứ Tư, 26/12/2012 16:25

(NLĐO)- Sáng nay 26-12, hàng trăm người dân ở làng Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phẫn nộ cao độ khi bắt quả tang khoảng 10 người đang đào trộm mộ người thân để mang đi nơi khác.

Vào khoảng 8 giờ 30 sáng nay (26- 12), một số người dân ở làng Tứ Kỳ ((phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khi phát hiện khoảng chục người đang đào bới khu nghĩa trang trước đây của làng đã gọi dân làng ra xem xét.

Hàng trăm người dân làng Tứ Kỳ kéo ra khu mộ người thân bị đào trộm
 
Khi hàng trăm người dân làng Tứ Kỳ ra tới nơi đã thấy những thợ đào mộ đào được 5 ngôi mộ đưa tiểu lên trên mặt đất, 4 mộ khác đang bị đào dở.  Ngay sau đó, người dân đã yêu cầu tất cả những thợ đào mộ ở lại một chỗ, đồng thời gọi chính quyền phường ra giải quyết.

Ông Nguyễn Vũ Đại ở làng Tứ Kỳ cho biết, khu vực ruộng này đã nhận được tiền đền bù cho dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế CT (Công ty CT) - đơn vị trúng thầu một Dự án xây dựng nhà trên diện tích đất thuộc làng Tứ Kỳ . Khu vực này còn rất nhiều ngôi mộ đã được chôn ở đây hàng trăm năm nay. Song công ty vẫn chưa đưa ra được phương án di dời mộ.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi thì bất ngờ xảy ra sự việc này. Tôi cho rằng đây là hành vi bất chính, phi đạo đức khi xâm phạm vào mồ mả của người dân” - ông Đại bức xúc.

Một gia đình đang bức xúc trước ngôi mộ người thân bị đào trộm
 
Có mặt tại khu dự án rộng hàng chục ha, theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao động, các ngôi mộ khá sâu, có bia cổ khắc chữ bằng chữ nho. Có một vài ngôi mộ, do quá trình bốc lên, thợ bốc mộ làm vỡ bia. Phía xa xa, gần khu vực Ban quản lý công ty CT là một số bình tiểu mới được mang đến. Bên ngoài, chiếc xe phục vụ tang lễ bên trong có rất nhiều thùng tiểu cũng đợi sẵn ở cổng.

Ông Nguyễn Văn Rùa, Tổ trưởng tổ dân phố 15 Tứ Kỳ, cho biết, ngôi mộ bị đào đánh số 55 là mộ của nhà ông, đã được đăng ký trong danh sách. “Vậy hà cớ gì bốc đi mà không hỏi ý kiến của tôi? Nếu chúng tôi không bắt quả tang thì biết họ bốc đi đâu? Phải làm rõ bất khuất trong chuyện này”, ông Rùa tuyên bố.

Nhiều người dân bày tỏ bức xúc cao độ vì Công ty CT không có bất kỳ thông báo nào tới người dân hay gia đình có các ngôi mộ nằm trong diện di dời.

Người dân giám sát việc lấp lại ngôi mộ đã bị đào trộm
 
Trao đổi với Báo Người Lao động, Nguyễn Văn Trường - Phó Giám đốc Công ty CT - cho biết, chủ trương di dời mới được đưa ra hôm qua (25-12), công ty CT đã hợp đồng với công ty nghĩa trang, ban tang lễ thành phố đào mộ ngay trong ngày hôm nay. Theo ông Trường, những ngôi mộ vô chủ thì đưa về nghĩa trang Yên Kỳ còn mộ có chủ được đăng ký thì đưa về nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng. "Chủ trương của UBND TP Hà Nội, Quận Hoàng Mai và Phường Hoàng Liệt đã đưa ra, chúng tôi chỉ thực hiện theo" - ông Trường giải thích.

Tuy nhiên, trước câu hỏi "mới họp ngày hôm qua, sao hôm nay đã tiến hành ngay mà chưa thông báo cho người dân, lại đào những mộ có chủ định đưa đến nơi dành cho mộ vô chủ?", ông Trường thừa nhận quy trình chưa đúng và công ty sẽ xin lỗi người dân.

Được biết, khu đất này còn 51 ngôi mộ vô chủ và 272 mộ có chủ. Nguyện vọng của người dân muốn được có một khu đất làm nơi để thờ cúng tổ tiên của mình, đồng thời yêu cầu công ty CT nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, không được xâm phạm vào mồ mả, nhất là việc tự ý đào trộm mộ lên mà không có bất kỳ ý kiến gì với người dân.

Cho đến quá trưa nay 26-12, hàng trăm người dân vẫn quây những người đào mộ để bày tỏ bức xúc.

Ông Phùng Văn Hải, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, cũng có mặt cùng nhiều lực lượng công an phường ở hiện trường. Sau khi nắm bắt tình hình, ông Hải đã thống nhất với người dân, chỉ đạo phải đưa các ngôi mộ lại vị trí cũ, thắp hương cho người đã khuất.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Tin-ảnh: N.Quyết

Một số hành xử của công an "lạm quyền và sai luật"



(Kienthuc.net.vn) - Đánh ngã nhà báo, cùm chân người bán cây cảnh, giải học sinh bị nghi ăn trộm về đồn không có người giám hộ …là những vụ việc gây bức xúc. 
Đánh, bắt người do …hiểu nhầm 

Khoảng 21h ngày 24/11, được tin báo có vụ va chạm giao thông giữa ô tô và xe máy trên đường Trần Văn Khéo (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), anh Nguyễn Đức Khánh, phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay đã đến để ghi nhận hiện trường.
Hiện trường vụ việc nhà báo Khánh bị đánh ngã

Tuy nhiên, khi anh Đức Khánh đang chụp ảnh và lấy thông tin, một thanh niên mặc quần lửng, áo thun, dáng người cao to sấn tới yêu cầu phải xóa ảnh. Sau đó, thêm 4 thanh niên khác đi trên hai xe gắn máy, lao tới. Lúc này, có hơn chục người mặc sắc phục công an, gồm cảnh sát giao thông mặc áo vàng và nhiều công an áo xanh, cùng lực lượng thanh niên xung kích đứng chứng kiến vụ việc nhưng không có bất kỳ hành động nào can ngăn. Cùng lúc đó, một thanh niên cao to cầm nón bảo hiểm ném vào người anh Khánh, một người khác đạp thẳng từ phía sau và anh ngã xuống, hai thanh niên khác đang ngồi trong quán nhậu cũng xông ra tấn công. Bị vây 4 phía, anh Khánh cố vùng dậy chạy về hướng công an phường Cái Khế nhờ giúp đỡ. 

Theo xác minh của Báo Nông thôn ngày nay và xác nhận của cơ quan công an, người đạp ngã phóng viên Nguyễn Đức Khánh, chính là trung úy Lương Minh Thành, sỹ quan công an của thành phố Cần Thơ. Giải thích hành động của mình, trung úy Thành cho biết, hôm đó anh tình cờ có mặt ở khu vực xảy ra vụ tai nạn và đã “ra tay” với PV Đức Khánh vì nhầm tưởng là cướp do anh Khánh cầm sổ ghi chép giống ví đựng đồ. 

Khi vụ việc được đăng tải trên báo, nhiều ý kiến cho rằng hành vi của trung úy công an Thành thể hiện sự yếu kém về ghiệp vụ hoặc có biểu hiện của sự lạm quyền. 

Trong một vụ việc khác xảy ra tại một trường tiểu học ở TP HCM mà sự can thiệp của lực lượng công an cũng bị dư luận cho rằng lạm quyền, không đúng quy định của pháp luật. 

Cụ thể, sau giờ sinh hoạt dưới cờ vào buổi sáng 26/11, cô Th. - giáo viên khối lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng phát hiện số tiền hơn 1 triệu đồng đã không còn trong giỏ của mình. Một học sinh trong lớp mách: “Hồi nãy con thấy bạn T. (học sinh lớp 2/3) lục giỏ của cô”. Thế là cô Th. chạy sang lớp 2/3. Mới đầu cô Th. và giáo viên chủ nhiệm lớp 2/3 tra hỏi nhưng T. không nhận. Sau nhiều lần “ép cung”, T. đã tự nhận là mình lấy trộm số tiền của cô Th và đã đi cất giấu. Tuy nhiên, dù xới tung các khu vực T. nói là đang giấu tiền, mọi người vẫn không tìm thấy. Sau đó, nhà trường đã báo công an xã Trung Lập Thượng đến trường và tiến hành hỏi cung. Thế nhưng vẫn không có kết quả. 

Cuối cùng, T. bị giải về trụ sở công an xã, giữ suốt buổi trưa. Kết quả, đến hơn 13h cùng ngày, nhà trường gọi điện đến đồn công an báo tiền vẫn còn nguyên trong giỏ của cô giáo Th.

Ngoài cách hành xử hồ đồ, thiếu tôn trọng học sinh của cán bộ, giáo viên trường tiểu học Trung Lập Thượng, dư luận còn đặt dấu hỏi về việc công an xã bắt học sinh về trụ sở mà không có người giám hộ? Lý giải điều này, một phó trưởng công an xã Trung Lập thừa nhận, đúng ra người giám hộ phải là người thân của bé nhưng chúng tôi không liên lạc được, các thầy cô giáo trong giờ dạy nên không ai đi được. 

Lời giải thích của cơ quan chức năng khiến dư luận thất vọng bởi sự vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng quy định pháp luật. 

Mới đây, chiều ngày 23/12 vụ việc liên quan đến một người đi bán hoa cây cảnh bị công an bắt giữ, còng chân cũng khiến dư luận bất bình. Người dân khẳng định dao để dùng tỉa hoa, cây cảnh còn công an cho rằng đây là hành vi “tàng trữ vũ khí thô sơ” và đưa ra mức phạt 8 triệu đồng.

Người bán cây cảnh bị công an cùm chân và đưa ra mức phạt 8 triệu đồng

Xoay quanh vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng, cách xử lý của cơ quan công an là quá cứng nhắc trong khi việc xác minh nhân thân quá đơn giản. Hơn nữa, việc người đi bán hoa cây cảnh mang theo dao, kéo để phục vụ công việc là chuyện bình thường. 

Lạm quyền vì nghiệp vụ kém?

Trao đổi với báo điện tử Kiến Thức, ông Ngô Đình Hoàng, đoàn luật sư TP HCM cho rằng, cách hành xử của công an trong các vụ việc trên đều thể hiện sự sai, kém về nghiệp vụ, có cả biểu hiện về lạm quyền và sai pháp luật. 

Về vụ việc công an cùm chân người đi bán cây cảnh vì mang theo dao, luật sư Hoàng nhận định, đây đúng là hành vi lạm quyền vì người tham gia giao thông đúng quy định, giấy tờ nhân thân, nghề nghiệp, địa chỉ rõ ràng. Cách giải quyết này bộc lộ sự máy móc, thiếu chuyên môn dẫn đến lạm quyền của một số chiến sĩ 141, gây cản trở cho việc làm ăn và đi lại của người dân. 

Tương tự, việc công an giữ một em học sinh để lấy lời khai mà không cho người giám hộ biết và chứng kiến, theo luật sư Hoàng đó cũng là một dạng lạm quyền. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho rằng, đó chủ yếu là do quá kém về nghiệp vụ chuyên môn, vừa sai về nghiệp vụ vừa không có kiến thức về tâm sinh lý dẫn đến không lường được hậu quả là gây chấn động tâm lý cho đứa trẻ. 

“Thực tế, đứa bé đã bị sang chấn tâm lý và hoảng loạn khi nói lung tung giấu tiền chỗ này, đưa tiền cho người kia giữ … Hậu quả của việc sang chấn tâm lý đối với trẻ em còn nguy hại đến sự phát triển bình thường của trẻ hơn nhiều bị đòn roi. Sự việc này cũng cho thấy sự vô cảm và thiếu đạo đức nghề giáo của cô Th. và nhà trường nơi bé học”, ông Hoàng giải thích.

Còn vụ việc liên quan đến nhà báo Đức Khánh, ông Hoàng cho rằng, những đối tượng hành hung nhà báo khi đang tác nghiệp là hoàn toàn sai trái, sai pháp luật cần phải xem xét kỷ luật thích đáng. 

Gà “thải” giá siêu rẻ tái xuất ở Big C Thăng Long



(Kienthuc.net.vn) - Mặc dù cam kết cho tới hết năm, hệ thống BigC sẽ không bán trở lại sản phẩm gà dai gây tranh cãi, nhưng loại thực phẩm này vẫn tràn ngập tại Big C Thăng Long.
Big C thất hứa?

Sau khi có thông tin về việc loại gà dai bán với giá rẻ tại các chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội thực chất chính là gà thải loại, không còn giá trị dinh dưỡng, thường chỉ dùng để chế biến thức ăn gia súc khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, nhiều siêu thị đã tuyên bố ngừng bán sản phẩm này trong đó có hệ thống siêu thị Big C.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người tiêu dùng, gà thải loại Hàn Quốc đã tái xuất tại Big C Thăng Long, Hà Nội thời gian gần đây. Ghi nhận của phóng viênKiến Thức tại Big C Thăng Long trưa nay (26/12) cũng cho thấy, sản phẩm gà dai Hàn Quốc giá siêu rẻ đã được đơn vị này phân phối trở lại.

Gà dai được bán tại Big C Thăng Long chủ yếu dưới dạng đóng gói đã chế biến sẵn như luộc, quay cả con hoặc nửa con với giá rất rẻ. Cụ thể, gà dai quay cả con chỉ có giá 79.000 đồng/con, nửa con là 42.000 đồng, gà dai luộc có giá 89.000 đồng/kg… Trong khi đó, trên thị trường, gà ta thịt làm sạch, chưa chế biến đã có giá hơn 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg...

Trao đổi với phóng viên Kiến Thức, đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết đơn vị này bán trở lại mặt hàng gà dai bởi chất lượng sản phẩm vẫn đạt chuẩn và để khách hàng có thêm sự lựa chọn cho dịp lễ tết cuối năm. 

Trong khi trước đó, ngay sau khi xuất hiện thông tin về nguồn gốc của gà dai, ngày 5/10/2012, bà Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách truyền thông siêu thị BigC miền Bắc cho biết, đơn vị này đã ngừng bán loại gà dai nhập từ Hàn Quốc để chờ kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng.

"Những ngày qua có dư luận về chất lượng của sản phẩm gà Hàn Quốc, trên nguyên tắc thận trọng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Big C quyết định tạm thời dừng kinh doanh sản phẩm gà Hàn Quốc để lắng nghe phản hồi và kết luận từ các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan truyền thông”, bà Huyền khẳng định.

Gần đây nhất, cuối tháng 11/2012, bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, đại diện truyền thông hệ thống siêu thị Big C cũng cho biết, đơn vị này chưa phân phối trở lại mặt hàng gà dai Hàn Quốc sau khi dừng bán từ tháng 10 vừa qua do người tiêu dùng vẫn còn e ngại. Bà Trâm khẳng định tử nay đến cuối năm, siêu thị này chưa có kế hoạch phân phối lại sản phẩm gà dai.

 Gà dai Hàn Quốc bày bán trở lại tại Big C Thăng Long.

Chưa có kết luận chính thức 


Theo quan sát, quầy bán gà dai tại Big C thu hút khá đông khách hàng. Tuy nhiên, một số bà nội trợ  vẫn nghi ngại loại thực phẩm. 

Cầm lên, đặt xuống một con gà dai quay vàng ươm bắt mắt, bà Lanh ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Ngày trước tôi vẫn thường xuyên sử dụng loại gà này nhưng từ khi có thông tin rằng, đây là loại gà thải của Hàn Quốc, tôi không dám mua nữa, phải chờ xem kết luận của các cơ quan chức năng thế nào”.

Trong khi đó, gà dai vẫn được khách hàng là sinh viên đặc biệt ưa thích, Hoa - sinh viên năm ba trường ĐH Lao động Xã hội, cho hay từ khi Big C bán gà dai trở lại, cô là khách hàng thườn xuyên. “Em cũng có biết đây là gà già, đã hết dinh dưỡng của Hàn Quốc nhưng thấy giá rẻ, hợp với túi tiền sinh viên, hơn nữa, người ta nói vẫn nhập bằng đường chính ngạch, có giấy tờ đàng hoàng nên vẫn mua”, Hoa nói.

Trao đổi với Kiến Thức, một đại diện của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về gà dai nhập từ Hàn Quốc. “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và sẽ có câu trả lời sớm nhất tới người tiêu dùng”, vị đại diện này cho hay.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, cho biết, gà nhập từ Hàn Quốc là mặt hàng được nhập khẩu chính ngạch, được các cơ quan chức năng cho phép nhập, do đó phải chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng thì Hội mới có thể đưa ra phản ứng và biện pháp của mình nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, Hội khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn cẩn thận trong tiêu dùng để trở thành người tiêu dùng thông thái.

Kiến Thức ghi lại một số hình ảnh gà dai siêu rẻ bán tại Big C Thăng Long:

 Gà dai Hàn Quốc đã trở lại quầy của Big C Thăng Long thời gian gần đây
 Dà dai được bán dưới dạng chế biến sẵn

 Với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2, 1/3 giá gà ta.
 Người tiêu dùng vẫn e ngại nhưng sinh viên lại rất thích loại gà này vì hợp
túi tiền. Ảnh: Nguyên Đan

Nhồi nhét thi học kỳ bậc tiểu học



Nhìn một xấp tờ A4 cô soạn sẵn đề cương câu hỏi môn lịch sử lớp 5 mà tôi cũng ớn lạnh. Không biết đến bao giờ con mới thuộc hết gần 50 câu hỏi và trả lời của môn này.

Học sinh Mỹ cuối tuần không phải làm bài tập về nhà

Đi thể dục buổi sáng về, chưa kịp vào phòng xem cậu con trai ngồi học ôn bài Lịch sử đến đâu rồi, ba tôi kéo tôi vào phòng sau để nói: ‘Bay bắt hắn học chi nhiều rứa, hắn mới khóc mếu máo với tau là: Ông ơi, bài cô giáo ra nhiều quá, con học không nổi, chắc chết mất ông ơi..’

Tôi nghe cha nói mà khựng cả người. Bước nhẹ đến bên con, tiếng sụt sịt của thằng bé vẫn còn. Nó có bao giờ mà yếu đuối đến vậy.
Nhìn 1 xấp tờ A4 cô soạn sẵn đề cương câu hỏi môn lịch sử lớp 5 mà tôi cũng ớn lạnh. Không biết đến bao giờ con mới thuộc hết gần 50 câu hỏi và trả lời kia của riêng môn lịch sử?

Tôi đem nỗi lòng giải bày với các bậc phụ huynh khác, ai nấy cũng lắc đầu, ngán ngẩm với cách ra đề cương ôn tập thi học kỳ 1 bậc tiểu học của một trường tại thành phố Đà Nẵng.

Với lớp 4, lớp 5 đề cương ôn tập môn Khoa học-sử-địa chỉ giới hạn lại 20 bài học trong sách giáo khoa. Tuyệt nhiên không có câu hỏi chi tiết. Nhà trường yêu cầu học sinh phải nắm hết nội dung bài học trong sách giáo khoa của đề cương để khi thi sẽ làm phần tự luận hay trắc nghiệm.

Cách tôi vài nhà, cháu Ny đang học lớp 4 cũng than phiền với ba cháu: "Con sợ học không thuộc bài hết, đến trường cô giáo la..". Ba của cháu định đến nhà cô giáo phản ánh tại sao ôn tập môn học bài Khoa, sử địa nhiều quá vậy?

Tôi bảo, cô giáo chủ nhiệm cũng là nạn nhân, làm theo chỉ đạo của nhà trường. Nhà trường ra đề cương chỉ hạn chế học ôn 1 số bài, không ra câu hỏi chi tiết. Các cô giáo lại thương học trò mình nên tự ra câu hỏi và trả lời, photo phát cho học sinh học thuộc để làm bài.

Đề cương của trường là bài học chung (giới hạn bài học), nội dung mỗi bài học lại nhiều, nên có cô soạn câu hỏi chi tiết, thành ra số lượng câu hỏi cho 3 môn là khá lớn..
Con tôi tối nào cũng học khoa học - sử - địa đến hơn 10 giờ mới ngủ, trước khi ngủ cháu còn nhắc 5 giờ sáng mai gọi dậy để học tiếp. Nhìn hơn một tuần cháu loanh quanh với 3 môn này, không có thời gian ôn môn tiếng Việt và toán mà tôi chạnh lòng.

Có lẽ quá nhiều bài học, không có câu hỏi chi tiết nên cô giáo (phụ huynh) tự soạn lại quá dài, cái nào cũng sợ ra thi nên tâm lí cô giáo chủ nhiệm hay ba mẹ đều buộc con mình học thuộc bài mới thi được.

Chính vì nội dung ôn thi quá nhiều, bố mẹ, cô giáo lo lắng nên buộc các cháu "phải học thuộc" tất tần tật những gì có trong bài học, tạo ra tâm lí thi cử rất nặng nề với các cháu..

Khi tôi phản ánh việc không ra câu hỏi ôn tập với Ban giám hiệu nhà trường thì mới biết đây là chủ trương của cấp trên: học gì thi nấy.

Nhà trường còn cho biết, đề cương là bài học chứ không phải câu hỏi sẽ tạo tâm lí cho các cháu làm quen với việc thi ở cấp 2 sau này. Đề cương kiểm tra học kì giới hạn một số bài trong mỗi môn (không có câu hỏi) để tránh học vẹt mà không nắm chắc nội dung bài.

Hơn nữa nhà trường có đề cương như vậy là tốt lắm rồi, trong khi trên yêu cầu là học gì thi nấy mà..

Nhớ lại năm trước, cũng đề cương ôn tập học kỳ 1, phần tiếng Việt ôn từ tuần 1-17, kể cả bài đọc thêm. Năm nay trường có tiến bộ hơn, môn tiếng Việt chỉ giới hạn mấy bài tập đọc, không có phần đọc thêm, nhưng môn học bài vẫn không có câu hỏi ôn tập.
Đề cương lớp 4 học kì 1 niên học 2011-2012

Tôi thắc mắc với tuổi các cháu còn quá bé (lớn nhất 10 tuổi), đang độ tuổi ham ăn ham ngủ mà sự chỉ đạo của cấp trên tạo về ôn tập thi học kỳ như vậy tạo áp lực cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Với độ tuổi còn non bé, bài vở lại rất nhiều, các cháu chưa đủ độ chín để tự đưa ra phương án trả lời những câu hỏi kiểu tự luận khi chưa 1 lần đọc qua câu hỏi trước đó, dù có cháu nắm bài rất kỹ.

Và đây chỉ là kỳ thi kiểm tra học kỳ thôi, có cần yêu cầu cao như thế với độ tuổi bậc tiểu học là lớp 4, 5 không? Tại sao không ra câu hỏi để học sinh ôn tập trả lời?
Có khi với những câu hỏi rõ ràng của mỗi bài mà các cháu thuộc sẽ nhớ lâu hơn hơn kiểu học nắm hết bài vậy? Tại sao trường tiểu học lo cho bản thân mình chưa đủ lại phải lo cho "sự làm quen" thi cử bậc cao hơn trong tương lai?

Giảm tải chương trình cho các cấp học của Bộ Giáo dục khởi xướng mấy năm qua được giáo viên, phụ huynh đồng tình hưởng ứng. Nhưng nay Sở, Phòng lại như “tăng tải” cho các em ở phần thi kiểm tra cuối mỗi học kỳ, vô tình tạo ra tâm lý căng thẳng cho giáo viên, học sinh, tạo áp lực nặng nề trong thi cử, làm cho các cháu đến kỳ thi phải lo sợ học bài vì quá nhiều (Toán, tiếng Việt, Anh, Tin học, Khoa, sử địa..), và gây thêm áp lực cho phụ huynh nữa.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục thành phố cần thay đổi quan niệm: thi cử cần nhẹ nhàng, không nên đặt nặng vấn đề học gì thi nấy ở bậc tiểu học, mà lứa tuổi các cháu chỉ cần ôn tập có câu hỏi nhưng thi nghiêm túc.
Cần có đề cương chi tiết để học, nhất là những môn học thuộc bài phải có câu hỏi rõ ràng để thầy cô hoặc ba mẹ soạn ra cho các cháu học, không nên đánh đố học sinh tiểu học, gây sức ép đến phụ huynh..

Đừng để cứ đến mỗi kỳ thi học kỳ các cháu lại sợ hãi, ám ảnh nặng nề vì học bài quá nhiều.
Nguyễn Nho

TP HCM không muốn xây đê biển 66.000 tỷ đồng



Cho rằng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ không hiệu quả trong việc chống lũ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ, UBND TP HCM không đồng ý xây tuyến đê biển 66.000 tỷ đồng này.

UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc không ủng hộ ý tưởng xây tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, đồng thời kiến nghị Bộ tiếp tục triển khai các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2008.
UBND thành phố cho rằng qua tổng hợp ý kiến các sở, ngành chuyên gia cho thấy tuyến đê biển này sẽ không có hiệu quả chống lũ hay giảm lưu lượng lũ trong các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Nếu triển khai tuyến đê còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các dải rừng ngập mặn chiều rộng 150-170 m từ Vàm Láng đến Tân Thành (Tiền Giang) sẽ bị biến mất, không còn nơi cho nhiều loài thủy sản cư trú và sinh sản.
Sơ đồ tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công.
Cũng theo UBND TP HCM, việc xây dựng tuyến đê biển còn gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, cản trở đi lại của tàu thuyền tại các cảng nước sâu ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đê cũng không đáp ứng được thời gian nhanh nhất cho tàu thuyền vào tránh bão.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp đã đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đê biển nối Gò Công - Vũng Tàu có tổng chiều dài 32 km, mặt đê rộng 50 m, nơi sâu nhất là 12 m. Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo hồ chứa với diện tích 56.000 ha, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3. Dự án có tổng số vốn lên đến 66.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp, tuyến đê biển được xây dựng nhằm tạo vùng điều tiết nước giảm ngập úng, giảm xâm nhập mặn, ứng phó với mực nước biển dâng, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao thông, tạo sự liên kết giữa các tỉnh miền Tây với Vũng Tàu và các tỉnh ở Nam Trung Bộ, mở rộng các khu đô thị mới cho TP HCM, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, phát triển du lịch, điện năng...
Hữu Nguyên

Chủ tịch Thanh Hóa: 'Dùng lưới chống đua xe rất hiệu quả'


"Giải pháp này rất hiệu quả, tiền ít mà người đua xe trái phép rất sợ", Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đề cập việc dùng lưới để chống đua xe trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương.
'Sáng kiến quăng lưới chỉ hợp với chống đua xe'Quăng lưới đánh cá bắt người vi phạm giao thông

Chiều 25/12, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch Thanh Hóa đã báo cáo thêm về tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Dù năm 2012 kinh tế khó khăn nhưng các mặt này của Thanh Hóa vẫn "rất tốt".
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Ảnh: Sở KHCN Thanh Hóa.
Trong năm, tỉnh và Bộ Công an đã phối hợp làm "quyết liệt, tập trung" và bắt 7-8 tên tội phạm khét tiếng, cầm đầu các hoạt động phạm pháp hàng chục năm nay. "Chúng tôi tập trung và diệt gọn mấy tên cầm đầu, người dân rất phấn khởi", ông Chiến cho hay.
Chủ tịch tỉnh cũng đề cập đến tình hình đua xe trái phép trên địa bàn. Theo ông, năm 2011 tỉnh áp dụng biện pháp dùng lưới hỏng để chống đua xe trái phép. Lưới được gắn vào súng và "bắn quấn vào vành xe chứ không phải dùng lưới để quăng".
"Báo cáo Thủ tướng, năm nay chúng tôi áp dụng thì toàn tỉnh không có đua xe trái phép. Giải pháp rất tốt, một số tỉnh đến nghiên cứu cách làm của chúng tôi. Tôi nghĩ cái này làm rất hiệu quả, tiền ít mà người đua xe trái phép rất sợ trong khi đó chúng ta đưa ra nhiều giải pháp nhưng không giải quyết được tình hình", ông Chiến khẳng định.
Khi "sáng kiến quăng lưới" bắt người vi phạm giao thông được báo chí phản ánh vào cuối năm 2011, cảnh sát giao thông, dân phòng của Thanh Hóa cho hay, họ được hướng dẫn cách dùng lưới cá quăng vào bánh hoặc gầm xe. Người nghĩ ra sáng kiến này, trung tá Vũ Quốc Tường (Đội phó Đội Cảnh sát giao thông TP Thanh Hóa) khẳng định, biện pháp "nhìn hơi phản cảm" nhưng rất hiệu quả.
Theo trung tá Tường, biện pháp này chỉ thích hợp nhất khi chống đua xe dù nó không nằm trong bất cứ biện pháp nghiệp vụ nào của công an.
Tuấn Tú

Sếp cũ ACB trần tình vụ ủy thác 718 tỷ đồng



Nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng ACB Lê Vũ Kỳ, một trong 4 lãnh đạo cũ bị khởi tố vì khoản ủy thác 718 tỷ đồng, mong cổ đông cảm thông nếu không thu hồi được số tiền này.
Lý do 4 sếp ACB đồng loạt từ nhiệm
ACB lỗ hơn 1.700 tỷ đồng kinh doanh vàng

Tại đại hội cổ đông bất thường của ACB diễn ra sáng 26/12, một số cổ đông yêu cầu làm rõ việc Hội đồng quản trị có chủ trương lấy tiền của ngân hàng đi gửi ở 29 ngân hàng khác và nguy cơ mất 718 tỷ đồng trong vụ ủy thác cho nhân viên gửi vào Vietinbank.
Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho rằng, số tiền 718 tỷ đồng liên quan đến vụ Huyền Như, do vụ án đang trong quá trình xử lý và chưa có kết luận, nhưng hy vọng thời gian tới ACB sẽ thu hồi được số tiền ủy thác này.
Ông Kỳ giải bày với cổ đông về vụ 714 tỷ đồng. Ảnh: LT
Trong khi đó, cuối buổi đại hội, ông Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó chủ tịch ngân hàng ACB, là một trong 4 cựu lãnh đạo của ngân hàng đã bị khởi tố liên quan đến vụ ủy thác trên đã có lời giãi bày trước cổ đông.
Theo đó, ông Kỳ cho biết giai đoạn 2010, nguồn tiền tồn quỹ quá lớn và nhà băng phải trả lãi huy động trong khi không có đầu ra, do cho vay gặp khó và kênh liên ngân hàng bị tắc. Sau nhiều cuộc họp để tìm đầu ra cho tín dụng, nhưng Hội đồng quản trị vẫn chưa có giải pháp. Đến cuộc họp liên tịch ngày 22/3/2010, nguyên Tổng giám đốc Lý Xuân Hải báo cáo về hướng ra đối với khoản tiền thừa, đó là chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền.
Lúc đó, theo lời ông Kỳ thì bản thân ông Hải và ban pháp chế của ngân hàng đều cho rằng không phạm luật nên thường trực HĐQT đã chấp thuận cho ban điều hành thực hiện. Còn việc ủy thác bao nhiêu và vào ngân hàng nào, lãi suất mấy phần trăm là thuộc phạm vi của ban điều hành. Trong thực tế, theo ông Kỳ, khoản tiền đó đã mang lại thu nhập hơn 1.600 tỷ đồng cho ACB.
Cũng theo vị cựu Phó chủ tịch này, Hội đồng quản trị đồng ý thông qua cũng do nhận thức rằng chủ tưởng này không sai luật, lại phù hợp với điều lệ của luật các tổ chức tín dụng năm 2007 cũng như điều lệ của ACB đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.
"Thời kỳ này việc gửi tiền trên rất phổ biến, ví dụ như vụ Huyền Như lừa đảo và rất nhiều ngân hàng bị giống như ACB", ông nói. Ông Kỳ nhấn mạnh, chủ trương trên của Hội đồng quản trị cũng không phải vì lý do cá nhân mà vì để tránh thua lỗ cho ngân hàng. Hoạt động ủy thác cũng đã được được hạch toán đầy đủ, lợi nhuận vào hoạt động kinh doanh của nhà băng và có đóng đủ thuế, phần lợi nhuận cũng đã được chia cho cổ đông.
Ông Kỳ cho biết thêm, số tiền lãi phát sinh kể cả phần chênh lệch lãi suất đều được các nhân viên nhận ủy thác nộp đầy đủ cho ACB, được hạch toán đầy đủ vào sổ sách. Tất cả các chứng từ này đều được ACB cung cấp cho cơ quan điều tra.
"Các thành viên Hội đồng quản trị cũ làm việc không vì tư lợi nhưng đã bị khởi tố. Do đó, nếu chẳng may 718 tỷ đồng ACB gửi tại Vietinbank không thu hồi được do liên quan đến vụ Huyền Như thì thường trực HĐQT xin quý cổ đông chia sẻ và cảm thông", ông Kỳ bộc bạch.
Kết thúc bài phát biểu của ông Lê Vũ Kỳ, đại diện Ban kiểm soát xác nhận những khoản tiền ủy thác và tiền lãi mà ông Kỳ đề cập là đúng sự thật. Lãi tiền gửi phát sinh và chênh lệch lãi suất đã được nộp và hạch toán đầy đủ vào các kỳ báo cáo tài chính của ACB.
Lệ Thanh