THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 March 2013

Google ấn tượng với học sinh Việt Nam !



(Dân trí) - Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm của Google đã rất “ngạc nhiên và ấn tượng” với trình độ tin học của các em học sinh, đồng thời cho rằng “các em học sinh lớp 11 của Việt Nam có thể vượt qua kỳ thi sát hạch trong tuyển dụng của Google”.

Google ấn tượng với học sinh Việt Nam

Các em học sinh trường tiểu học Bế Văn Đàn (Thanh Khê, Đà Nẵng) đang chơi máy tính khi kỹ sư phần mềm của Google đến thăm quan.

Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm của Google, đã có chuyến đi đến Việt Nam và thăm một số lớp học ở trường tiểu học Bế Văn Đàn (Thanh Khê, Đà Nẵng). Sau đó, trên trang blog của mình, kỹ sư phần mềm Neil Fraser của Google đã kể rất chi tiết về việc làm thế nào nhóm học sinh Việt Nam đang học lớp 11 có thể vượt qua nhiều phần khó khăn nhất trong cuộc phỏng vấn của Google mà không gặp khó khăn gì.

“Chẳng có gì phải nghi ngờ khi một nửa những em học sinh học lớp 11 có thể vượt qua quy trình phỏng vấn của Google”, Neil Fraser viết.

Neil Fraser cho biết trong một chuyến đi gần đây đến Việt Nam, ông đã đến thăm một số lớp học ở trường Bế Văn Đàn, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, từ lớp 2 đến lớp 11, để hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo khoa học máy tính ở Việt Nam. Khỏi cần phải nói những gì ông phát hiện ra vừa ngạc nhiên vừa ấn tượng.

Ở lớp 3, mỗi học sinh sẽ học cách dùng Windows. Fraser cũng nói rất thật lòng rằng hầu hết người dân Việt Nam sử dụng Windows XP, do chi phí mua phần mềm mới quá cao so với các hộ gia đình. Song điều đó không ngăn cản các em học sinh học cách đánh máy không cần nhìn vào bàn phím, học tiếng Anh và dùng Microsoft Word rất thành thạo.

Đến lớp 4, các em học sinh lại học viết mã bằng Logo, ngôn ngữ lập trình máy tính đa hệ được dùng trong hệ thống giáo dục. Theo Fraser đánh giá, chương trình học này thực sự vượt xa trình độ kỹ năng và chương trình giảng dạy tại nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có cả Mỹ. Sau đó, Fraser đã đến một lớp 11 và nhận thấy các em học sinh đang giải những bài tập lập trình Pascal rất khó. Thế nhưng toàn bộ các em học sinh trong lớp đều có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Sau đó, Fraser đã trở về Mỹ và yêu cầu một kỹ sư phần mềm cao cấp khác ở Google đánh giá về độ khó của các bài tập của các em học sinh lớp 11 so với các bài kiểm tra của riêng Google, đặc biệt là các bài kiểm tra trong phỏng vấn tuyển dụng.

Người kỹ sư cấp cao kia đã nói rằng những bài tập này thuộc vào hàng một phần ba những bài thi khó nhất trong các kỳ thi phỏng vấn xin việc vào Google. Chính vì thế, Fraser cho rằng “học sinh lớp 11 ở Việt Nam có thể vượt qua được kỳ thi phỏng vấn tuyển dụng tại Google”.

Theo bình luận của trang The Next Web, suy nghĩ trên của Fraser chỉ mang tính tương đối, bởi vì “không có cách nào để biết liệu một câu hỏi, bài tập như thế có xuất hiện trong kỳ thi của Google hay không, hay có em học sinh nào có thể thực sự vượt qua các phần của kỳ thi Google. Hơn nữa, đây là chuyến tham quan nhanh đến một lớp học có những em học sinh xuất sắc tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, The Next Web bình luận một điều cũng không thể phủ nhận rằng là nền giáo dục Việt Nam đã sản sinh ra những nhà lập trình đẳng cấp thế giới.

Trên blog cá nhân của mình, Neil Fraser cũng cho biết trong chuyến đi đó, Neil Fraser đã dành thời gian viết một bộ phần mềm tự dạy học để dành tặng cho nhà trường, đồng thời dành tặng số tiền 1.200 USD cho trường tiểu học Bế Văn Đàn để tài trợ trả tiền lương cho giáo viên dạy bộ môn Tin học cho học sinh của trường.

Hoàng An
Theo The Next Web