THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 May 2013

Ls Nguyễn Duy Bình gửi thư ngỏ TT Nguyễn Tấn Dũng: UBND tỉnh Đắk Nông KHÔNG CHẤP HÀNH luật pháp



1.  THƯ NGỎ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT
(V/v:đề nghị trực tiếp hoặc chỉ đạo giải quyết hiếu nại, tố cáo của công dân trong việc UBND tỉnh Đăk Nông thu hồi đất, giao đất có dấu hiệu trái pháp luật; thiếu trách nhiệm, bao che tội phạm;Doanh nghiệp sử dụng xã hội đen, vũ khí quân dụng trái phép để trấn áp, xâm phạm tính mạng, hũy hoại tài sản, chiếm đoạt tài sản của nhân dân)
Kính gửi: CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Tôi tên là:
1. Nguyễn Duy Bình Chức vụ: Luật sư – thuộc Đoàn luật sư TP.HCM
Công tác tại: Văn phòng luật sư VƯƠNG TRẦN – ĐLS. TP.HCM
Địa chỉ: số 26, đường 379, Kp.6, P.Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Tp.HCM.
Là Luật sư trợ giúp pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 124 hộ dân trong vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan tới việc thu hồi đất, giao đất có dấu hiệu trái pháp luật của UBND tỉnh Đăk Nông và hành vi vi phạm pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc.

NỘI DUNG VỤ VIỆC:

Vào tháng 08 năm 2011, Văn phòng luật sư VƯƠNG TRẦN chúng tôi nhận được yêu cầu trợ gúp pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp từ 124 hộ dân hiện có đất trồng trọt, cư trú tại tiểu khu 1536, thuộc xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Theo đơn khiếu nại, tố cáo thì Doanh nghiệp tư nhân PHẠM QUỐC do ông Phạm Quốc Chiến làm chủ, đã lợi dụng việc giao đất, giao rừng có dấu hiệu trái pháp luật để sử dụng lực lượng bảo vệ mang tính chất xã hội đen, sử dụng vũ khí trái phép: súng quân dụng, mã tấu, gậy gộc, bình xịt hơi cay để trấn áp đuổi người dân ra khỏi nhà, vườn rẫy của mình, giật sập 76 căn nhà của đồng bào dân tộc, tổ chức phá hoại hoa màu để lấy đất trồng cao su khi chưa thực hiện nghĩa vụ bồi thường, hổ trợ theo quy định của pháp luật.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc và xét tình cảnh của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Văn phòng chúng tôi đã cử tôi và Luật sư Phạm Văn Vui trực tiếp phụ trách vụ việc.
Ngày 28/08/2011, chúng tôi có mặt tại UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để tìm hiểu vụ việc và làm việc với UBND huyện. Sau khi chúng tôi phản ánh, phân tích hành vi vi phạm của Doanh nghiệp Phạm Quốc và đề nghị phía chính quyền có biện pháp xử lý thì ông Bằng – chánh văn phòng đã hứa chỉ đạo đình chỉ hoạt động của dự án và đề xuất UBND tỉnh kiểm tra, xử lý. Ngay sau đó, để kiểm chứng thông tin từ người dân cung cấp, ông Bằng đã chỉ đạo cho công an huyện, xã phối hợp với chúng tôi xuống tận Doanh nghiệp để thị sát. Khi thị sát thực tế, chúng tôi nhận thấy thông tin cung cấp từ người dân là hoàn toàn chính xác. Toàn cảnh vùng đất khoảng hơn 300 ha bao gồm: phần đất trồng Điều và Cà Phê khoảng 50ha – cây Điều được trồng từ những năm 2004 trở về trước; phần đất trồng Mì khoảng 200 ha. Trong đó, một phần rẩy Mì của dân sắp đến vụ thu hoạch đã bị phía Doanh nghiệp Phạm Quốc dùng máy ủi san phẳng để làm đường; xung quanh vùng đất này còn bị doanh nghiệp tổ chức cho máy múc đào hào sâu để ngăn người dân vào nhà và rẫy của mình; 76 căn nhà gổ, mái lợp tranh của đồng bào đã bị phía doanh nghiệp cho máy ủi kéo sập. Nghiêm trọng hơn là toàn bộ người dân không được vào rẩy chăm sóc cây trồng và thu hoạch mùa màng. Khi tiếp chúng tôi, phía doanh nghiệp thông báo chỉ mới bồi hoàn cho 13 hộ dân và tổ chức trồng cao su trên diện tích đó.
Sau khi yêu cầu UBND huyện tổ chức kiểm tra, chỉ đạo xử lý hành vi vi phạm, ngăn chặn hành vi phạm tội tiếp diễn và nhận được lời hứa đình chỉ dự án từ UBND huyện Tuy Đức thì vào những ngày tiếp theo chúng tôi nhận được thông tin phía doanh nghiệp Phạm Quốc tiếp tục cho bảo vệ chặt phá gần hết những vườn Điều, Cà Phê nói trên nhưng vẫn không được phía Ủy ban và Công an huyện Tuy Đức ngăn chặn, xử lý. Trước tình hình nghiêm trọng đó người dân đã khiếu nại, tố cáo lên Ủy ban và Công an tỉnh Đăk Nông.
Những ngày đầu tháng 9/2011, chúng tôi trực tiếp liên hệ UBND tỉnh để yêu cầu giải quyết vụ việc, được phía Sở nông nhiệp cung cấp văn bản số 3322/UBND- NN, ban hành ngày 09/09/2011 về việc trả lời đơn khiếu kiện của công dân trong một số dự án khác (kèm theo văn bản) nhưng không đề cập đến vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến doanh nghiệp Phạm Quốc. Song song với việc cung cấp văn bản trên, Sở Nông Nghiệp cũng thông báo hiện UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra 1228 gồm 12 quan chức đầu ngành của tỉnh, trong đó Giám đốc Sở nông nghiệp làm trưởng đoàn và Giám đốc Sở công an làm phó đoàn để kiểm tra, xử lý vụ việc theo văn bản 3322 nói trên. Sau khi chúng tôi đề nghị đưa doanh nghiệp Phạm Quốc vào danh sách kiểm tra, xử lý theo tình hình Vi phạm pháp luật nghiêm trọng xẩy ra, vào ngày 26/09/2011, phía UBND tỉnh ban hành công văn số 3503/UBND-NN, trong đó có nội dung tiến hành kiểm tra và xử lý hành vi thuê người chặt phá cây trồng của một số doanh nghiệp khác trên cùng địa bàn nhưng vẫn không đề cập đến hành xâm phạm về tài sản, quyền tự do, dân chủ của công dân do phía doanh nghiệp Phạm Quốc thực hiện. Theo văn bản này, doanh nghiệp Phạm Quốc chỉ bị yêu cầu trồng lại rừng và bồi thường thiệt hại do rừng bị phá.
Sau nhiều lần ráo riết đề nghị, phía Đoàn kiểm tra 1228 chỉ cử 02 nhân viên thanh tra Sở nông nghiệp (không thuộc thành phần đoàn kiểm tra) xuống kiểm tra qua loa và còn ép người dân giao trả đất, bênh vực doanh nghiệp khi họ không có thẩm quyền xử lý và cơ quan chức năng chưa có thủ tục thu hồi, cưỡng chế phần đất thuộc dự án này. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu bao che, ép dân, chúng tôi tiếp tục đề nghị phía UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh lại để xác định thiệt hại cho người dân. Vào ngày 28/11/2011, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, phía UBND huyện Tuy Đức đã phối hợp với công an tỉnh, huyện cùng thanh tra xuống địa bàn doanh nghiệp Phạm Quốc để kiểm tra. Khi Thanh tra và Công an đang ngồi trên lán trại doanh nghiệp, cách đó khoảng 200m người dân đồng bào dân tộc S.tiêng đi hái rau, vào căn nhà còn lại chưa bị giật sập để nấu cơm đã bị hàng chục bảo vệ doanh nghiệp dùng hơi cay, súng chặn đường và ngay sau đó một bảo vệ đã dùng súng quân dụng R.15 bắn 3 phát, trong đó có một phát trúng vào bụng ông Điểu Dú. Khi nge tiếng súng và trình báo, công an đã xuống ngay hiện trường nhưng cũng không tổ chức truy đuổi tội phạm và không lập biên bản vụ việc xẩy ra. Về phía người bị hại, sau đó được chính quyền đưa đi cấp cứu nhưng cũng không tránh khỏi cái chết vào ngày hôm sau 29/11/2011.
Sau vụ việc giết người diễn ra, vào ngày 10/12/2011, người dân nhận được “báo cáo” số 1100/BC-SNN của Sở nông nghiệp tỉnh Đăk Nông ban hành ngày 28/11/2011 có nội dung: do trời mưa nên đoàn kiểm tra 1228 không thể xuống kiểm tra mà giao cho thanh tra sở nông nghiệp cùng một số cán bộ các ngành kiểm tra. Nội dung báo cáo kết luận một số vấn đề mang tính chung chung, bao biện và không đúng với hiện trạng như chúng tôi đã dự báo từ trước, đặc biệt là thiệt hại do phía doanh nghiệp gây ra cho người dân. Theo báo cáo thì “cây mì chưa bị chặt phá” ; số cây Điều bị chặt phá được trồng năm 2010; 79 hộ dân đã nhận tiền hổ trợ Mì từ phía doanh nghiệp. Trong lúc đó theo hiện trạng, thực tế doanh nghiệp đã dùng máy ủi, phá một diện tích Mì rất lớn để làm đường và số hộ nhận tiền hổ trợ Mì – thực chất là bán Mì chỉ là 24 hộ và hơn 30 ha Điều trồng từ những năm 2004 trở về trước bị chặt phá hoàn toàn. Mặt khác, văn bản thỏa thuận có xác nhận của UBND xã Đak Ngo có dấu hiệu xác nhận sai sự thật và sai nguyên tắc cũng không được phía thanh tra làm rõ. Như vậy, cho đến nay phía doanh nghiệp Phạm Quốc hoàn toàn chưa thực hiện bồi thường, hổ trợ thiệt hại cho người dân theo các Quyết định số 1149/QĐ-UBND và 1150/QĐ-UBND ngày 29-8-2008 của UBND tỉnh Đăk Nông. Phần tiền hổ trợ Mì cho 24 hộ dân thực chất đó chỉ là tiền bán Mì của dân chứ không phải là bồi thường, hổ trợ thiệt hại về đất theo các quyết định nói trên. Việc sở nông nghiệp dùng từ “hổ trợ tiền Mì” là một cách ngụy biện và cố ý bao che hành vi vi phạm nghiêm trọng của phía doanh nghiệp Phạm Quốc. Mì là tài sản do mồ hôi, công sức của dân tạo lập nên và họ có quyền khai thác, hưởng lợi, cần gì doanh nghiệp hổ trợ. Hổ trợ trong trường hợp này phải là hổ trợ về công khai phá đất, và tài sản bị thiệt hại do không thể tiếp tục khai thác lâu dài như cây Điều và Cà Phê.
Bên cạnh những hành vi trên, Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc, cụ thể là ông Phạm Quốc Chiến đã công nhiên chiếm đoạt tài sản của người dân với giá trị lên đến 2-3 tỷ đồng từ việc bán Mì của dân. Cụ thể, vào ngày 12-8-2011, ông Chiến đã ký hợp đồng bán 30ha mì thuộc khoảnh 5, tiểu khu 1536 cho ông Nguyễn Văn Chung với giá 450 triệu đồng và bán cho một đối tượng khác diện tích còn lại với giá hơn 2 tỷ đồng. Mặt khác, theo thông tin từ người dân và lời thoại tại băng ghi âm do người dân thu thập được thì phía Phạm Quốc đã bán 60 ha đất dự án cho một ông đại tá trong quân đội. Đây là thông tin mới nhất trong chuổi các hành vi vi phạm pháp luật mà phía Doanh nghiệp Phạm Quốc thực hiện từ trước tới nay nhưng chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn làm ngơ, bao che không chịu điều tra, xác minh và xử lý.
Sau cái chết oan khuất trên, phía Công an tỉnh cũng đã khởi tố vụ án nhưng chủ doanh nghiệp là ông Phạm Quốc Chiến đến nay cũng đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật dù dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về một loạt tội cũng đã rất rõ ràng. Theo Giám đốc công an tỉnh thì đang chờ thu thập chứng cứ!?. Theo lời kể của người dân thì phía Công an huyện Tuy Đức còn trả lời kẻ bắn người không phải là người của doanh nghiệp nên chủ doanh nghiệp không liên quan. Trong lúc đó, ông Điểu Dú chết đi để lại người vợ ốm yếu, cha mẹ già và 3 con nhỏ; phía người bị hại đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền bồi thường, hổ trợ nào từ phía doanh nghiệp. Đến nay kẻ trực tiếp bắn chết người cũng đang bặt vô âm tín và nguy cơ bỏ lọt tội phạm, dìm tắt vụ việc đang có chiều hướng xẩy ra. Đứng trước hiện trạng pháp luật, chủ trương, chính sách của Quốc Hội, Đảng và Nhà nước bị vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi không còn cách nào khác phải đề nghị đến cơ quan hành pháp cao nhất, cơ quan bảo vệ pháp luật rat ay giải quyết nhằm bảo vệ pháp luật, ổn định trật tự, an ninh xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân lao động.
Từ diễn biến vụ việc như trên chúng tôi nhận thấy:

1.  Về phía UBND các cấp:

Thứ nhất: Việc thu hồi đất, phê duyệt dự án, giao đất của UBND tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu trái pháp luật:
Theo quy định của pháp luật hiện hành UBND tỉnh muốn giao đất cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện thủ tục thu hồi đất và các thủ tục khác liên quan tới người sử dụng đất, giải quyết quyền lợi cho người dân theo đúng quy định của Luật đất đai, Luật bảo vệ tài nguyên rừng và các văn bản quy định hiện hành. Trong vụ việc này phía UBND tỉnh, lâm trường Quảng Tín chưa giải quyết các thủ tục liên quan tới người đang trực tiếp sử dụng đất mà đã ra Quyết định thu hồi đất, Quyết định giao đất cho doanh nghiệp Phạm Quốc là một vi phạm nghiêm trọng về quy trình, thủ tục thu hồi đất, bỏ qua quyền lợi, nghĩa vụ của dân. Mặt khác, nếu cho rằng người dân lấn chiếm trái phép đất rừng thì phải có Biên bản vi phạm, Quyết định xử phạt, Quyết định cưỡng chế hoặc Quyết định khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật hành chính. Trong vụ việc này, phần lớn diện tích đất trồng trọt của người dân do mua bán bằng giấy tay qua rất nhiều chủ sử dụng chưa được làm rõ; hơn 50 ha đất trồng Điều, Cà Phê đã được người dân sử dụng, trồng trọt vào những năm trước 2004 – trước khi lập và phê duyệt dự án cần phải được để lại cho người dân sử dụng hoặc có chính sách bồi thường, hổ trợ riêng theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, UBND tỉnh không thể gộp chung các phần đất trên và vội vàng phê duyệt dự án khi chưa có xác minh, thẩm định đầy đủ, chính xác từng loại đất; chưa có phương án đền bù, hổ trợ cụ thể từ phía doanh nghiệp. Việc UBND tỉnh chưa tổ chức thu hồi, cưỡng chế; vội vàng phê duyệt dự án; ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp là một quyết định, hành vi tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ, tính mạng và tài sản của nhân dân. Dù nhân dân sử dụng đất có nguồn gốc từ đất rừng, lấn chiếm đất rừng thì cũng phải căn cứ vào quá trình sử dụng đất, tình trạng canh tác, đời sống nông dân và chủ trương, chính sách của nhà nước để giải quyết hợp tình, hợp lý, tạo điều kiện cho họ có đất canh tác nuôi sống bản thân và gia đình; giảm bớt tình trạng phân hóa giàu ngèo đang diễn ra khốc liệt trong xã hội; duy trì và ổn định trật tự xã hội. Dù người dân có lấn chiếm đất rừng thì tài sản, cây trồng, hoa lợi vẫn là của chính họ và không ai có quyền xâm phạm đến khối tài sản do mồ hôi, công sức của họ tạo lập nên. Xét về khía cạnh an ninh, trật tự xã hội, chính những sai trái của chính quyền sở tại trong việc giao đất, giao rừng cho 35 dự án trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã tạo điều kiện cho tội phạm nảy nở, hoành hành cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn, để lại hậu quả thật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và tạo điều kiện cho các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo nhân dân chống phá nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Trách nhiệm thuộc về ai? chúng tôi mong Chính phủ, Thủ tướng chính phủ có biện pháp chỉ đạo, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Thứ hai: Chủ trương giao đất của UBND tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu cố ý làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước:
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân để phục hồi lại diện tích rừng bị tàn phá, hũy hoại, chứ không phải để một cá nhân hay tổ chức trồng cao su phục vụ lợi ích cho riêng mình, trong lúc tầng lớp nông dân ngèo như ở trường hợp này thiếu đất canh tác nghiêm trọng. Theo phản ánh của dư luận, báo chí và theo tôi được biết thì hầu hết khoảng 35 dự án trên địa bàn này đều được sử dụng với mục đích trồng cao su mà chưa có một dự án nào trồng rừng. Cái gọi là dự án “Nông lâm kết hợp” thực chất là một cách làm trái quy định của nhà nước và luồn lách, ngụy trang để phục vụ lợi ích riêng cho một cá nhân, tổ chức mà thôi!. Mặt khác, nếu giao đất để phục hồi rừng hoặc trồng cây công nghiệp sao lại không giao khoán cho dân ngèo để tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho họ mà lại giao cho doanh nghiệp?! Người dân ngèo luôn luôn mong chờ được nhà nước giao khoán rừng, điều đó hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay. Mặt khác, nếu quy tội cho người dân phá rừng cũng không chính xác. Thực tế cho thấy, khi người dân vào phát rẩy, trồng trọt thì rừng đã bị các đầu nậu triệt phá chỉ còn lại rừng ngèo. Khi người dân khai phá, trồng trọt, phía lâm trường, doanh nghiệp cứ để mặc không ngăn cản, chỉ đến khi rừng trở thành những vùng đất màu mỡ thì nhà nước lại thu hồi giao cho doanh nghiệp và doanh nghiệp lợi dụng để trồng cây công nghiệp chứ đâu phải trồng rừng. Chính chủ trương, cách làm lệch lạc, sai trái này đã dẫn đến một sự kiện lịch sử “nhổ Điều trồng Cao Su” sau sự kiện giặc Nhật “nhổ lúa trồng đay” trước cách mạng tháng tám!. Sự kiện trước đem lại lợi ích cho đế quốc, còn sự kiện này đem lại lợi ích cho tầng lớp nhà giàu, tư sản. Từ thực tế đó người dân xét thấy bất công, phát sinh khiếu nại cũng là một lẽ thường tình.
Thứ ba: Chính quyền các cấp tại Đăk Nông thiếu trách nhiệm trong việc xử lý và ngăn ngừa tội phạm, có dấu hiệu bao che tội phạm dù đã được người dân trình báo, tố cáo và chúng tôi đề nghị ngăn chặn, xử lý:
Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, kể từ khi phía doanh nghiệp Phạm Quốc có hành vi phạm pháp luật, người dân đã tố cáo và chúng tôi đã lập tức yêu cầu các cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh ra tay ngăn chặn, xử lý nhưng vụ việc vẫn không được điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Chính vì vụ việc có dấu hiệu làm ngơ, bao che, thiếu trách nhiệm từ các cơ quan chứ năng, các vị có thẩm quyền nên hành vi phạm tội ngày càng tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó được chứng minh bằng hành vi giết người xấy ra vào ngày 28/11/2011 của bảo vệ doanh nghiệp phạm Quốc. Vậy trong vụ việc này ai là người chịu trách nhiệm? Chủ tịch UBND tỉnh, huyện và Lãnh đạo công an tỉnh, công an huyện là những người phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này chứ không ai khác.

2. Về phía Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc:

Căn cứ vào những hành vi vi phạm, Phía doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc có dấu hiệu phạm những tội sau theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành:
- Tội tàng trử, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng – theo điều 230 – BLHS:
Theo lời tố cáo của người dân phía doanh nghiệp đã trực tiếp sử dụng súng R.15 để trấn áp người dân trong cả một thời gian dài và đỉnh điểm là sự việc bắn chết người vào ngày 28/11/2011. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc không được phép tàng trử, sử dụng vũ khí quân dụng.
- Tội xâm phạm chổ ở của công dân theo điều 124 – BLHS:
Phía doanh nghiệp Phạm quốc đã dùng vũ lực đuổi (trấn áp) người dân ra khỏi nhà và vườn rẫy của mình trong cả một thời gian dài.
- Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản – theo điều 143 –BLHS:
Theo hiện trường vụ việc, phía Doanh nghiệp Phạm Quốc đã cho người và phương tiện ủi, chặt phá cả mấy chục ha Mì, Điều, Cà Phê của người dân khi pháp luật không cho phép thực hiện những hành vi đó.
- Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản – theo điều 137 – BLHS:
Hợp đồng mua bán ký kết giữa ông Phạm Quốc Chiến – chủ doanh nghiệp Doanh nhiệp tư nhân phạm quốc và ông Nguyễn Văn Chung vào ngày 12/08/2011 cho thấy ông Phạm Quốc Chiến đã công nhiên lấy của người dân 30 ha Mì để bán trái phép khi mình không phải là chủ sở hữu tài sản. Mặt khác, theo thông tin từ người dân, ông Phạm Quốc Chiến còn bán Mì của dân cho nhiều người khác lấy cả mấy tỷ đồng.
- Tội giết người theo điều 93 – BLHS:
Hành vi bắn chết người của nhân viên bảo vệ doanh nghiệp là hành vi giết người mà pháp luật hình sự đã quy định rõ tại diều 93 – BLHS.

Từ những cơ sở trên chúng tôi xin đề nghị:

Thứ nhất: Căn cứ vào việc thu hồi đất, giao đất của UBND tỉnh Đăk Nông không đúng quy định của pháp luật và trái với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước (bao gồm tất cả các dự án trên địa bàn), chúng tôi đề nghị đến Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung Ương chỉ đạo, kiểm tra và xử lý người có thẩm quyền giao đất tại địa phương tỉnh Đắk Nông nhằm bảo vệ chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước, bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và lấy lại lòng tin nơi nhân dân; tránh việc nhân dân bị các thế lực thù địch bên ngoài dụ dỗ, lôi kéo làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương nói riêng, vùng Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Thú hai: Căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chúng tôi xin đề nghị nhà nước thu hồi lại những phần đất trên và giao đất, giao rừng cho hàng ngàn hộ dân ngèo để họ có điều kiện kiếm sống, không phân biệt nơi họ cư trú. Căn cứ vào nạn giang hồ doanh nghiệp đang tổ chức trấn áp, hoành hành cả một khu vực rộng lớn cả mấy chục dự án trên địa bàn; căn cứ vào quyền tự do, dân chủ, tính mạng và tài sản của nhân dân đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng; căn cứ vào pháp luật, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước đang bị vi phạm và thái độ làm ngơ, bao che từ phía chính quyền địa phương, chúng tôi nhận thấy nhà nước cần ra tay chấn chỉnh kịp thời, bảo vệ kỷ cương , phép nước, tránh những hậu quả nghiêm trọng khôn lường về sau. Nếu giải quyết tốt các vấn đề này không những đem lại quyền sống, quyền tài sản, quyền tự do, dân chủ cho nhân dân mà còn khẳng định được bản chất của nhà nước pháp quyền, do dân và vì dân; cũng cố, lấy lại lòng tin nơi dân với Đảng, với chính quyền, góp phần bảo vệ vững chắc chế độ Xã hội Chủ nghĩa.
Thứ ba: Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Qúy lãnh đạo tổ chức chỉ đạo điều tra, xác minh làm rõ các hành vi có dấu hiệu phạm tội của ông Phạm Quốc Chiến và tập đoàn tội phạm do ông ta quản lý; xử lý nghiêm minh kẻ phạm tội nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, pháp luật của nhà nước Xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền sống, quyền tài sản, quyền tự do dân chủ của nhân dân nói chung và thân nhân người bị hại nói riêng.
Thứ tư: Chúng tôi yêu cầu Nhà Nước tổ chức giám sát, chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý những cá nhân, tập thể trong bộ máy chính quyền từ xã đến tỉnh tại Đak Nông đã thiếu trách nhiệm và cố ý bao che hành vi phạm tôi của phía Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc trong thời gian vừa qua nhằm làm trong sạch, vững mạnh đội ngủ Đảng và Cán bộ, Công chức ở địa phương, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với chính quyền sở tại.
Tôi xin tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về đề nghị của mình. Cá nhân mỗi chúng tôi là một Luật sư, một công dân bình thường trong xã hội cũng đã đem hết tâm lực của mình để mong tìm lại chút công lý, hạnh phúc cho nhân dân nhưng đứng trước tình hình nghiêm trọng này cũng không làm được gì hơn là trông chờ vào sự sáng suốt, công minh của Chính quyền và Quý lãnh đạo cao nhất.
Kính mong Chính phủ và Quý lãnh đạo hết sức quan tâm và giúp đỡ và giải quyết đúng pháp luật! Chúng tôi xin chân thành cám ơn!

2.  Đắk Nông:  Án mạng từ thuê giang hồ giữ đất

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=703&id=443290

daknong-dat2
BẢO VỆ HAY XÃ HỘI ĐEN?
Có mặt tại tòa soạn Báo Công an TPHCM vào những ngày cuối tháng 11-2011, nhiều người dân ngụ tại các xã: Bình Minh, Thống Nhất, Bo Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khẩn thiết cầu cứu tòa soạn hãy cứu họ, bởi bao nhiêu công sức, tiền bạc và cả tính mạng của những người dân nơi đây đang bị xâm hại, đe dọa một cách nghiêm trọng. Ông Lương Minh C. (ngụ tại thôn 3, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng) bức xúc kể lại: “Chúng tôi là những người dân nghèo từ phía bắc vào đây lập nghiệp. Vì miếng cơm manh áo, ngày ngày khai khẩn đất rừng để trồng trọt (điều, mì, mè, đậu…) làm kế sinh nhai. Chúng tôi biết rằng việc mình lấn chiếm đất rừng là sai, nhưng với cách làm của các doanh nghiệp thì quả thật không thể chấp nhận được. Họ chưa bồi hoàn, thỏa thuận với người dân đã tự tung tự tác cho người phá rẫy, giật sập nhà cửa, lán trại, thậm chí còn đốt cả những bao đậu, mè của chúng tôi. Tính mạng của người dân đã và đang bị đe dọa bởi những kẻ xăm mình (tự xưng là bảo vệ cho các công ty, doanh nghiệp)…”.
Vài ngày sau khi nhận đơn, tòa soạn Báo Công an TPHCM nhận được tin báo một người dân đã bị những bảo vệ của Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc bắn vào trưa 28-11-2011 (nạn nhân đã tử vong sau đó một ngày) ngay tại khu đất mà doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho.

Đại diện người dân tại Báo CATP
Chiều 30-11-2011, chúng tôi có mặt tại gia đình của nạn nhân là anh Điểu Mrú (SN 1981, ngụ tại thôn Đắk La, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) để tìm hiểu sự việc. Điểu Sên (anh ruột nạn nhân) kể lại: “Sáng 28-11-2011, chúng tôi được chính quyền mời lên Công ty Phạm Quốc để làm việc liên quan đến việc hỗ trợ tiền cho người dân. Sự việc diễn ra đến trưa, một nhóm người đi vào khu vực rẫy của mình (mục đích để hái rau, coi mì) bị các bảo vệ cản lại và xảy ra cãi vã. Những bảo vệ này đã dùng gậy, bình xịt hơi cay tấn công người dân, không cho vào khu vực rẫy. Mọi người hoảng hốt khi tại nơi đó nổ liên tiếp 3 phát súng. Cùng lúc đó, Điểu Mrú loạng choạng chạy ra, chưa đầy 10m thì gục ngã. Thấy em mình bị vậy, Điểu Sên cùng vài người cố gắng vác Điểu Mrú qua suối và đưa đi cấp cứu tại BV tỉnh Đắk Nông. Do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong vào lúc 3 giờ chiều 29-11-2011. Các bảo vệ của Công ty Phạm Quốc tham gia vào vụ việc trên đã bỏ trốn ngay sau đó…”.
Sáng 1-12-2011, tiếp xúc với phóng viên Báo CATP, đại tá Võ Văn Đủ – Giám đốc CA tỉnh Đắk Nông – cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban giám đốc đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc, nhanh chóng truy bắt đối tượng gây án. Hiện cơ quan điều tra CA tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án hình sự trên. Đối với giám đốc Công ty Phạm Quốc, chúng tôi sẽ xử lý theo pháp luật khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ…”.

Rẫy của người dân bị Cty Phạm Quốc chiếm đoạt bán cho người khác
XEM THƯỜNG PHÁP LUẬT
Tìm hiểu về sự việc trên, chúng tôi được biết nguyên nhân xuất phát từ việc UBND tỉnh Đắk Nông có chủ trương cho các công ty, doanh nghiệp thuê đất trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo quyết định số 1149/QĐ-UBND và 1150/QĐ-UBND ngày 29-8-2008 về việc thu hồi và giao 318,7ha đất của Công ty lâm nghiệp Quảng Tín, địa chỉ xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông tại các khoảnh 5, 8 và 9 tiểu khu 1536 thuộc địa giới hành chính xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc (gọi tắt là Công ty Phạm Quốc) thuê để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Căn cứ vào quyết định trên, Công ty Phạm Quốc (trụ sở chính tại thôn 3, xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) được chuyển mục đích sử dụng diện tích đất lâm nghiệp không còn rừng, đất trống và đất nương rẫy sang trồng nông lâm nghiệp. Trong quyết định cũng ghi rõ, đối với các hộ dân đang xâm canh trong khu vực dự án, Công ty Phạm Quốc phải thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho các hộ theo những phương án đã trình duyệt trước đó. Trong trường hợp các hộ dân không đồng ý nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng thì căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông về giải quyết đất xâm canh tại thông báo số 66/TB-UBND ngày 13-8-2008 để thực hiện (!?).
Không biết Công ty Phạm Quốc căn cứ vào điều nào, khoản nào từ các quyết định, thông báo của UBND tỉnh Đắk Nông, nhưng liên tục từ khi nhận đất đã có những động thái quá khích, xem thường tính mạng, tài sản của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ khi nhận đất, Công ty Phạm Quốc do ông Phạm Quốc Chiến (SN 1962, trú tại khu phố 4, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) làm giám đốc đã thuê hơn 30 người ăn mặc hầm hố, xăm mình, sử dụng súng, dao, mã tấu và cả lựu đạn, bình xịt hơi cay để “giữ” đất. Việc này đã dẫn đến nhiều vụ đánh nhau giữa bà con nông dân với các đối tượng trên. Theo lời kể của người dân thì cách đây khoảng 20 ngày, hai anh em con ông Tráng A V. (ngụ ở thôn Đoàn Kết, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) vào khu vực rẫy để bắt ong đã bị các “bảo vệ” đánh chấn thương và dùng súng uy hiếp. Ngoài ra, còn xảy ra nhiều vụ bắn nhau, đánh nhau ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Mới đây nhất chính là vụ bắn chết anh Điểu Mrú vào trưa 28-11-2011.
Với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và UBND tỉnh Đắk Nông trong việc giao đất và yêu cầu thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân đang xâm canh trên khu đất này, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp để người dân được thu hồi hoa màu nhằm tránh thiệt hại tối thiểu cho những hộ xâm canh. Nhưng phía Công ty Phạm Quốc đã phớt lờ, coi thường pháp luật, xem nhẹ mồ hôi, công sức của người dân. Không những thế, Công ty Phạm Quốc, cụ thể là ông Phạm Quốc Chiến đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người dân với giá trị lên đến 2-3 tỷ đồng từ việc bán mì, cây điều… Cụ thể vào ngày 12-8-2011, ông Chiến đã bán 30ha mì thuộc khoảnh 5, tiểu khu 1536 cho ông N.V.C với giá 450 triệu đồng và một đối tác khác hơn 2 tỷ đồng từ các rẫy mì của các hộ dân xâm canh.
Từ nhiều sai phạm này, rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông nhanh chóng vào cuộc và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những vi phạm nghiêm trọng (từ hành chính đến hình sự) của Công ty Phạm Quốc nói chung và ông Phạm Quốc Chiến nói riêng, để trả lại công bằng cho người dân tại khu đất mà Công ty Phạm Quốc đã thuê, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng nhiều mặt đến địa phương.

3.  Cần xử lý nghiêm các DN làm phát sinh khiếu kiện kéo dài

http://www.cand.com.vn/vi-VN/kinhte/2013/4/197693.cand
Chính quyền địa phương tiếp nhận đơn tố cáo của các hộ dân ở Tuy Đức.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số doanh nghiệp đã có những hành xử tùy tiện, không chấp hành các quy định chung của tỉnh cũng như pháp luật của Nhà nước…
Tính đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho 36 tổ chức, doanh nghiệp thuê hơn 66.653ha đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tuy Đức để thực hiện các dự án phát triển nông – lâm nghiệp.
Do tình trạng xâm canh đất lâm nghiệp đã diễn ra lâu nay, nên trước khi cho thuê đất, UBND tỉnh đã quy định khá rõ ràng: “Khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, doanh nghiệp phải tiến hành thương lượng, đền bù, hỗ trợ về nhà cửa, tài sản trên đất cho các hộ dân đang xâm canh. Nếu trong trường hợp các hộ dân xâm canh không đồng ý nhận tiền hỗ trợ, không chịu bàn giao mặt bằng thì doanh nghiệp phải báo cáo với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng khác để có phương án vận động di dời hoặc cưỡng chế, tuyệt đối không được hành động một cách tùy tiện như phá hoại tài sản của dân, tự ý tổ chức cưỡng chế…”.
Quy định là vậy, nhưng trong thời gian qua, một số doanh nghiệp không những không chấp hành mà còn tự ý tổ chức cưỡng chế, phá hoại tài sản của người dân để giải phóng mặt bằng nhằm mục đích giữ đất. Điển hình như vào tháng 4/2012, UBND huyện Tuy Đức đã thành lập đoàn cưỡng chế để tiến hành giải tỏa các hộ dân xâm canh trên đất của Công ty TNHH Lê Gia (xã Đắk Ngo) thuê. Do công ty này chưa thỏa thuận, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ xâm canh cũng như chưa giải quyết một số quyền lợi chính đáng của người dân nên khi giải tỏa đến lô số 4, khoảnh 7, đoàn cưỡng chế đã dừng lại để xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng.
Thế nhưng, sau khi đoàn cưỡng chế rời khỏi hiện trường, Công ty TNHH Lê Gia đã tự ý tổ chức lực lượng để cưỡng chế, phá hoại cây trồng của người dân. Theo xác minh của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Lê Gia đã tự ý chặt phá tổng cộng 72 cây điều của một số hộ dân tại xã Đắk Ngo gây thiệt hại khá lớn về mặt kinh tế. Ngay sau vụ việc, các hộ dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo về hành vi của Công ty TNHH Lê Gia nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm.
Cũng trong thời gian qua, đã có 47 hộ dân trú tại xã Đắk Ngo gửi đơn đến các cơ quan chức năng để tố cáo DNTN Phạm Quốc (Gia Nghĩa) đã dùng “xã hội đen” để đốt phá tài sản, cây trồng của dân mà không đền bù, hỗ trợ theo quy định. Theo Báo cáo số 1100/SNN-TTr ngày 28/11/2012 của Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Nông thì những nội dung tố cáo của người dân là hoàn toàn đúng sự thật.
Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 4695/UBND-NN ngày 13/12/2012 chỉ đạo, DNTN Phạm Quốc phải chấm dứt ngay việc tự ý đốt phá tài sản của dân; phải có trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường giá trị thiệt hại những tài sản đã phá hoại của dân… Và trong năm 2012, Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã nhận được 36 đơn thư của người dân tố cáo DNTN Phạm Quốc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, trong năm 2012, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo Sở NN và PTNT tiến hành kiểm tra, xác minh tổng cộng 35 đơn thư của người dân phản ánh việc một số tổ chức, doanh nghiệp như: Công ty TNHH Hoàng Thiên, Hợp tác xã Hiệp Thành, Công ty TNHH Bảo Châu, DNTN Đại Phát Lộc… đã có hành vi phá hoại hoa màu, tài sản, đốt phá nhà cửa của dân. Sau một thời gian kiểm tra, xác minh, Sở NN và PTNT đã có Báo cáo số 936/BC-ĐKT ngày 12/11/20012 với nội dung khẳng định: “Việc người dân tố cáo là đúng sự thật!”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi thì mặc dù đã hành xử tùy tiện, không tuân thủ quy định của tỉnh, pháp luật Nhà nước, gây thiệt hại về quyền lợi của người dân và làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một doanh nghiệp nào bị xử lý hoặc phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng địa phương cần có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm những sai phạm của các doanh nghiệp này. Không để kéo dài dẫn đến người dân khiếu kiện vượt cấp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và ổn định đời sống của người dân