THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 May 2013

Tàu Trung Quốc quá ngang ngược!


Thứ Tư, 29/05/2013 23:55

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 29-5 xung quanh chuyện tàu Trung Quốc cản trở ngư dân Việt Nam gần đây

* Phóng viên: Bộ Ngoại giao đã ra công hàm phản đối vụ va chạm nghiêm trọng trên biển Đông vừa rồi giữa tàu cá Việt Nam và tàu Trung Quốc, trong khi phía Trung Quốc lại có những luận điệu ngang ngược.  Vậy thưa ông, tiếp theo ta sẽ có những động thái gì để giải quyết vụ này?
 - Bộ trưởng Phạm Bình Minh:
 
Ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rõ đó là vùng đánh bắt của Việt Nam, việc tàu Trung Quốc cản trở ngư dân ta đánh bắt là vi phạm các nguyên tắc.
* Phải chăng va chạm trên biển với Trung Quốc ngày càng nhiều, nghiêm trọng hơn và Trung Quốc ngày càng có biểu hiện ngang ngược?
 
- Nguyên tắc của ta là bảo vệ ngư dân, những hành vi cản trở ngư dân như vậy là rất nghiêm trọng. Sau khi vụ việc xảy ra, ta đã phản đối. Nếu có những vi phạm vào vùng biển của Việt Nam thì các lực lượng chức năng của ta sẽ có trách nhiệm bảo vệ.
 
Tàu cá Quảng Ngãi trở về sau chuyến biển gặp nhiều khó khăn 
Ảnh: TỬ TRỰC
* Có lẽ đây là kỳ họp Quốc hội đầu tiên mà báo cáo tổng hợp ý kiến Đại biểu Quốc hội tại tổ đề cập nhiều đến vấn đề biển Đông, yêu cầu Chính phủ có thái độ cương quyết hơn, ông có chia sẻ gì với các đại biểu?
 - Gần đây, tình hình biển Đông căng thẳng hơn. Đối với các tranh chấp trên biển Đông, lập trường của Việt Nam rất rõ là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Ngư dân Việt Nam có quyền đánh cá trên các vùng biển của mình và được bảo vệ một cách hợp pháp.
* Nhưng phải chăng việc dùng giải pháp ngoại giao như lâu nay xem ra vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và người dân?
 - Ta đang dùng tất cả các biện pháp để bảo vệ ngư dân. Trong đó, đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và được nhiều nước sử dụng.
* Nếu không ở cương vị bộ trưởng ngoại giao mà là đại biểu Quốc hội thì ông có cảm thấy lo ngại về tình hình biển Đông?
 - Tất nhiên là có. Đại biểu Quốc hội lo tất cả các vấn đề của đất nước, trong đó có biển Đông.
* Thủ tướng tham gia Đối thoại Shangri-La lần này có đề cập vấn đề biển Đông không, thưa ông?
 - Việt Nam đã tham gia diễn đàn này nhiều năm nhưng lần này, thủ tướng là cấp cao nhất Việt Nam tham gia. Tại Shangri-La, Thủ tướng có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc liên quan đến đường lối, chính sách của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng sẽ có một số cuộc gặp song phương đang được sắp xếp.
Chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực và sẽ bàn đến tất cả các vấn đề liên quan, chắc là sẽ có vấn đề biển Đông.
* Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ về phần biển Đông còn mờ nhạt, không cung cấp  đủ thông tin cử tri quan tâm.
 - Chính phủ sẽ có báo cáo bổ sung, tùy thuộc vào sự sắp xếp của Quốc hội sẽ có trong chương trình kỳ họp.
 
Cần quyết đoán hơn
Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ năm 2012 và những tháng đầu năm 2013. Báo cáo đánh giá nhìn chung công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nước ta chưa có chiến lược phát triển quốc phòng, an ninh, nhất là trên biển. Tình hình biển Đông đang rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát mọi vấn đề xảy ra. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ lại chưa thể hiện rõ về vấn đề biển Đông, chưa đánh giá đúng bản chất của công tác đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo nhiều ý kiến, cần mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng.
Có ý kiến đề xuất cần đặc biệt quan tâm đến quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có giải pháp quyết đoán hơn trong quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp.
T.Dũng
 
Hàng chục tàu cá bị xua đuổi, bắt bớ
Trưa 29-5, tại ngư trường cách bờ biển Đà Nẵng 70 hải lý, trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Chiến (29 tuổi, thuyền trưởng, chủ tàu QB 93768, trú huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) cho biết lúc 4 giờ ngày 28-5, khi đang hành nghề trên vùng biển của Việt Nam, tàu của ông bị tàu Trung Quốc dùng vũ khí, vòi rồng khống chế và áp tải về nước họ. “Cứ mỗi lần chúng tôi chạy về hướng Đà Nẵng, tàu Trung Quốc dùng loa thông báo, phun nước và vượt lên dùng súng bắn đe dọa, yêu cầu chạy về hướng Trung Quốc” - ông Chiến kể lại. Đến 13 giờ cùng ngày, tàu Trung Quốc mới thôi khống chế, áp giải tàu QB 93768.
Trước đó, sáng 22-5, tàu cá QNg 90917 TS của ngư dân Trần Văn Quang (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) cùng 14 ngư dân khác cập cảng Sa Cần sau gần 1 tháng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến đi biển này của ngư dân Trần Văn Quang cũng bị tàu Trung Quốc ngăn cản, tông vào khiến thân tàu bị hư hỏng nặng.
Cũng theo anh Quang, từ đầu năm đến nay, tàu của anh có 3 chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa nhưng đều bị tàu Trung Quốc xua đuổi, ngăn cản hoạt động.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, có hơn 20 vụ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc quấy rối, xua đuổi, bắt bớ…
T.Trực - Q.Tám

 
THẾ DŨNG ghi