THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 May 2013

Thực thi quyền lập hội



Luật sư Nguyễn Văn Đài - Trong những năm qua, phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của người Việt ở trong và ngoài nước đã có bước phát triển đáng kể. Đã có rất nhiều những thỉnh nguyện thư, kiến nghị được gửi cho các cơ quan Nhà nước Việt Nam, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước. Những việc làm đó đã thu hút được sự tham gia và ủng hộ của đông đảo đồng bào ở trong và ngoài nước.

Đã đến lúc, những người đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền ở trong và ngoài nước cần liên kết với nhau để thực thi các quyền con người về chính trị đã được Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ghi nhận. Một trong những quyền con người về chính trị căn bản nhất mà chúng ta nên thực hiện lúc này là quyền lập hội.

Về mặt pháp lý, quyền lập hội được qui định tại điều 69 Hiến pháp Việt Nam 1992, điều 22 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết. Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi ngày 11-4-2013, quyền lập hội tiếp tục được thừa nhận tại điều 26.

Về mặt thực tiễn, những người mong muốn tham gia lập hội đều là những người đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, hoặc có mục đích tạo dựng các cơ chế dân sự để bảo vệ lợi ích tập thể của mình. Do vậy, khi tiến hành thành lập hội theo luật pháp của Việt Nam, chúng ta có thể sẽ bị chính quyền gây khó khăn mà không thực hiện được.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thành lập được Hội, có các sinh hoạt của các thành viên trong Hội mà chưa cần xin phép theo qui định của pháp luật của Việt Nam?

Sự phát triển của công nghệ thông tin cung cấp cho chúng ta rất nhiều phương tiện để thực hiện các quyền của mình. Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, các phần mềm như Skype, Paltalk, tạo ra cho chúng ta một không gian mạng để giao lưu với nhau mà không bị cản trở về lãnh thổ, không gian, thời gian,… Các dịch vụ trên đều nằm bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Do vậy, việc thành lập các hội đoàn, tổ chức chính trị,… trên không gian mạng của quốc tế hoàn toàn không bị pháp luật Việt Nam cấm, và không phải xin phép.

Ví dụ cụ thể: “Hội Anh Em Dân Chủ” có tên tiếng Anh là Brotherhood Association For Democracy(BAFD) do những người Việt Nam ở trong và ngoài nước được thành lập trên mạng xã hội Facebook. Do vậy “Hội Anh Em Dân Chủ” chỉ cần tuân thủ các qui định của facebook và luật pháp của Hoa Kỳ. Các sinh hoạt giữa các thành viên của Hội như trao đổi thông tin, huấn luyện,… đều diễn ra trên không gian mạng, pháp luật Việt Nam không có qui định cấm và cũng không phải xin phép về vấn đề này. Khi các thành viên của Hội muốn gặp mặt, họ có thể cùng nhau tham dự các đám cưới, sinh nhật, tiệc chiêu đãi, picnic,… pháp luật không cấm và không phải xin phép.

Tại sao cần phải thành lập nhiều hội, tổ chức chính trị vào lúc này?

Vai trò lịch sử của các kiến nghị, các thỉnh nguyện thư, các lời kêu gọi sắp kết thúc. Cuộc vận động cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam cần phải bước sang một trang mới. Các cá nhân vốn hoạt động độc lập, nay đến lúc cần phải liên kết với nhau để hình thành nên các tổ chức chặt chẽ hơn. Bước đầu, nên hình thành các hội đoàn, tổ chức chính trị trên không gian mạng để không phải xin phép. Chỉ với hình thức này, nếu các thành viên biết cách tổ chức và hoạt động thì sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho phong trào dân chủ. Khi các tổ chức Hội đã lớn mạnh và có số lượng thành viên đông đảo, thì có thể liên kết, liên minh với nhau để tạo sức mạnh, hoặc hình thành lên một chức lớn hơn.

Trước đây, các cá nhân hoạt động độc lập thì tùy theo cảm hứng mà làm. Nay, khi đứng cùng trong một tổ chức, tuy chỉ là trên không gian mạng nhưng phải bắt đầu làm quen với việc hoạt động có tổ chức. Khi chưa có tổ chức, mọi phát ngôn, hành động chỉ ảnh hưởng tới mỗi cá nhân, nhưng khi ở trong một tổ chức thì mọi phát ngôn, hành động của các thành viên đều phải cân nhắc nếu không sẽ ảnh hưởng đến tập thể, tổ chức. Điều này sẽ giúp cho mỗi thành viên có ý thức tổ chức kỷ luật khi hoạt động trong Hội đoàn.

Khi các cá nhân cùng đứng trong một tổ chức, làm việc và cùng trao đổi với nhau thì sẽ hiểu biết về nhau nhiều hơn, giúp nhau khắc phục điểm yếu, cùng khuyến khích những ưu điểm của nhau. Các thành viên tùy theo khả năng của mỗi người mà được phân công những công việc phù hợp. Từ đó phát huy được hiệu quả của tính làm việc tập thể. Mọi thành viên cùng nhau thống nhất hành động sẽ đem lại hiệu quả hơn mỗi cá nhân.

Công nghệ thông tin sẽ giúp cho các thành viên có mối liên hệ và liên kết chặt chẽ trong mọi công việc. Từ việc trao đổi thông tin cho đến công tác huấn luyện. Tìm hiểu và kết nạp thành viên mới,...

Tóm lại, trước khi đi đến việc thành lập một tổ chức chính trị có văn phòng, trụ sở tại Việt Nam. những người đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở trong và ngoài nước cần phải liên kết với nhau để hình thành nên các hội đoàn, các tổ chức chính trị trên không gian mạng. 

Trong hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội, hoạt động chính trị,… cá nhân, tổ chức nào sử dụng hiệu quả những tiện ích mà công nghệ thông tin đem lại thì sẽ nắm được nhiều cơ hội thành công.