THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 August 2013

Nợ xấu ngân hàng: Công khai hay ém nhẹm?




NOXAU-KHUNGHOANG


Hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm. Đa số các bản báo cáo đều đẹp, nhưng không “che” được lợi nhuận của ngành “buôn tiền” vẫn đang tiếp tục giật lùi.
Nhưng riêng nợ xấu thì lại được công bố theo hướng có lợi để thoát khỏi “vòng kim cô” xử lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngân hàng lãi do đầu tư chứng khoán

Tỷ lệ nợ xấu trong quý II của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã vượt quá khỏi mức cho phép, chạm ngưỡng 5,2% thay vì 3,5% trong quý I. Tương tự, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) trong quý II cũng ở mốc 6%, vượt 1,75% so với quý I. Ngoài ra, còn có một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trên 3%, bắt buộc phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).
Xu hướng nợ xấu đang phình to tại các tổ chức tín dụng. Điều này khiến cho hoạt động “buôn tiền” trở nên khó khăn, lãi mang về ít. So với cùng kỳ, Ngân hàng Bưu điện liên Việt (LienViet Post bank) lãi 600 tỷ đồng trước thuế. Khoản lời lãi này, chủ yếu đến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Trên thực tế, LienViet Post bank là những nhà đầu tư gom mạnh trái phiếu trong nửa năm qua.
Theo số liệu vừa được Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) công bố, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này là 189,3 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng thu nhập của ngân hàng này cũng chủ yếu đến từ chứng khoán.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tín dụng của Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) chỉ tăng 0,37%, song lợi nhuận sau thuế quý II của Vietinbank cũng tăng gấp 3,5 lần so với quý II năm ngoái. Thu nhập của ngân hàng này chủ yếu từ hoạt động dịch vụ; riêng đầu tư vào chứng khoán mang về cho ngân hàng khoản lãi trên 90 tỷ đồng.

Tù mù số liệu

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đều có xu hướng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, như chuyển tiền, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo lãnh, tư vấn… Đây là giải pháp tất yếu trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm hiện nay, nhằm phần nào bù đắp được khoản lợi nhuận thiếu hụt do tín dụng suy giảm. Hơn nữa, trong bối cảnh dư thừa vốn, do khó lòng cạnh tranh với ngân hàng lớn về tín dụng, thì phát triển dịch vụ là giải pháp duy nhất của ngân hàng nhỏ.
Trở lại với câu chuyện nợ xấu. Bên cạnh số ít ngân hành dám công khai gặp khó với nợ xấu thì phần còn lại vẫn tìm cách “ém nhẹm nợ xấu”, hoặc công bố nhưng ở ngưỡng an toàn dưới 3%. Trong khi đó, cơ quan giám sát của NHNN khẳng định, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam hiện nay ở mức lớn.
Vậy nợ xấu đang ở đâu? Nợ được phân thành 5 nhóm và từ nhóm 3 đến nhóm 5 mới bị coi là nợ xấu. Nhưng nhờ tái cơ cấu, doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ nên nợ nhóm 3 được đẩy lên nhóm 2, nợ nhóm 4 lên nợ nhóm 2. Nợ xấu được giảm đi rõ song bản chất của những khoản nợ đó vẫn không vì vậy mà bớt xấu đi.
Điểm chung trong báo cáo tài chính của các ngân hàng vừa công bố, chính là nợ xấu đều tăng lên so với năm ngoái. Tính tại thời điểm ngày 30-6, Vietinbank có tổng cộng 7.027 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,1% tổng dư nợ. Con số này cũng cao hơn rất nhiều so với nợ xấu 4.890 tỷ đồng hồi cuối năm 2012 và tỷ lệ khi đó là 1,46%; Vietcombank cũng không kém cạnh, có tổng cộng 6.687 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,81% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong khi cuối năm 2012, ngân hàng này chỉ có 5.791 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 2,4%. Nhưng các TCTD đều không đưa ra con số cụ thể nợ xấu có khả năng mất vốn là bao nhiêu. Vì vậy, khó quy được về giá trị tuyệt đối của nợ xấu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) khẳng định, việc các ngân hàng che giấu nợ xấu sẽ khiến cho chương trình hành động xử lý nợ xấu của NHNN gặp khó. Những khoản nợ xấu chậm xử lý theo đó ngày càng chồng chất lên nhau, gây mất rất nhiều chi phí và cơ hội. Vì thế, theo ông Đức, cần phải minh bạch con số nợ xấu, khi tình hình còn chưa quá muộn.
Theo Đại Đoàn Kết