THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 September 2013

ASEAN, TQ nên giải quyết tranh chấp biển đảo không bằng võ lực!...

VOA - 29/09/2013

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa) chủ tọa cuộc họp Ngoại trưởng các nước ASEAN tại New York 27/9/13
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa) chủ tọa cuộc họp Ngoại trưởng các nước ASEAN tại New York 27/9/13

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nên giải quyết tranh chấp biển đảo mà không có vấn đề đe dọa hay sử dụng vũ lực. Thông tín viên VOA Scott Stearns tường thuật, từ trụ sở Liên hiệp quốc, về những nỗ lực của Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ hơn với Indonesia nhằm giúp làm trung gian hòa giải trước những tuyên bố đối nghịch về lãnh hải giữa các nước.

Ngoại trưởng Kerry nói Đông Nam Á là khu vực với  một số hải cảng nhộn nhịp nhất thế giới cũng như các tuyến hàng hải quan trọng nhất, do đó sự ổn định có tầm quan trọng rất lớn đối với sự thịnh vượng của các nước bên ngoài. Ông nói:

"Khu vực này có tầm mức quan trọng cho khắp thế giới. Đó là một trong những lý do Hoa Kỳ tận tâm hỗ trợ về vấn đề an ninh hàng hải, việc tự do qua lại trong các vùng biển này, cũng như giải quyết các mối tranh chấp trong sự tôn trọng lãnh thổ, đồng thời đạt được bộ quy tắc ứng xử cho khu vực."

Lên tiếng trong phiên họp giữa Ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, Ngoại trưởng Kerry nói rằng bộ quy tắc ứng xử rất quan trọng cho các hoạt động thương mại hợp pháp không bị ngăn trở. Ông nói:

" Đó là lý do vì sao Trung Quốc và ASEAN nên xúc tiến càng nhanh càng tốt để đạt được bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp không có sự đe dọa, không bị ép buộc, và không sử dụng vũ lực.

Trung Quốc đang đối mặt với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông từ các nước Philippines, Malaysia , Việt Nam , Brunei, và Đài Loan. Theo nhà phân tích về châu Á Michael Auslin thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute thì các cuộc tranh chấp ảnh hưởng đến những nước thành viên trong khối ASEAN một cách khác biệt, đang làm giảm tính cấp bách của bộ quy tắc ứng xử. Ông nói:

“Quý vị không có được sự nhất trí của khối ASEAN đàng sau hậu trường, rằng đây là vấn đề ưu tiên trên hết của chúng tôi. Một số nước nghĩ rằng nó rất quan trọng. Còn một số khác thì cho rằng nó không quan trọng đến vậy, và vì vậy vấn đề càng kéo dài thì càng dễ cho chúng ta tránh một ngày phải tính đến với Trung Quốc.”

Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin nhận định rằng như một phần trong chiến lược “Xoay trục về châu Á” Hoa Kỳ đang tăng cường các hoạt động quân sự và thương mại, góp phần mang lại ổn định. Ông nói:

" Chúng tôi rất cảm kích chính phủ Hoa Kỳ về một khu vực Đông Nam Á vững mạnh, an ninh và thịnh vượng. Lập trường tích cực của Hoa Kỳ đã phát huy hòa bình, ổn định và thịnh vượng."

Trong khuôn khổ của các cuộc hội đàm bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Kerry đã gặp Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia.

Nhà phân tích Michael Aulin nói Indonesia là nước chính yếu góp phần vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông:

"Từ phía đông của Ấn Độ Dương đến phía tây Thái Bình Dương, chúng ta không có vị trí chiến lược nào hơn như vậy, nói về những vấn đề quan ngại phải đối phó. Dù đó là vấn đề vi phạm bản quyền, dù đó là vấn đề phổ biến võ khí, vấn đề buôn ma túy, vấn đề gia tăng của lực lượng hải quân và quân đội Trung Quốc hay những vấn đề đại loại như vậy, thì Indonesia chính là nước có vị trí trung tâm.”

Washington sắp bán cho Indonesia 8 máy bay trực thăng chiến đấu Apache với giá 500 triệu USD, một sự nâng cấp quân sự mà Indonesia nói rằng phản ánh các khoản đầu tư quân sự lớn hơn trên khắp khu vực.

Ông Auslin nói Philippines, nước có những tuyên bố về chủ quyền trên biển gây cấn nhất với Trung Quốc, đang hiện đại hóa lực lượng hải quân, khiến cho sự can dự của Indonesia lại càng quan trọng hơn. Phân tích gia Auslin nhận định:

"Có những bất đồng sâu sắc trong nội bộ ASEAN. Chẳng hạn quan điểm của Philippines về các vấn đề lãnh thổ rất khác biệt so với Indonesia. Và lý do khiến Indonesia có thể giữ vai trò trung gian là vì họ không có bất kỳ sự tranh chấp lãnh thổ nào với Trung Quốc . "

Philippines đang viện dẫn Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển chống lại Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh khước từ sự thúc đẩy của Philippines đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế giải quyết.