THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 September 2013

Phải sửa cả chính sách đất đai lẫn thể chế !...

SÀI GÒN - (NV) .- Giới cầm quyền phải tỉnh ngộ, sớm thay đổi cả thể chế chính trị lẫn chính sách về đất đai, nếu không thì tình hình sẽ rất nguy hiểm.
Dân nghèo biểu tình chống nhà nước cướp đất, làm giàu cho lũ tư bản đỏ và bọn quan lại tham nhũng. (Hình: Cầu Nhật Tân Blog)
Đó là cảnh báo của luật sư Trần Quốc Thuận, một đảng viên có 45 tuổi Đảng, đồng thời là người từng đảm nhận vai trò Phó Văn phòng Quốc hội CSVN trong 14 năm, nay đang mở văn phòng hành nghề luật sư ở Sài Gòn.
Ông Thuận đưa ra cảnh báo này trong cuộc trao đổi với BBC khi Quốc hội của chế độ sắp sửa tiến hành hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong các ngày 25 và 26 tháng 9 để thảo luận về dự luật đất đai mới.
Luật đất đai hiện hành ở Việt Nam đã được nhà cầm quyền độc tài tại Hà Nội thừa nhận là không còn thích hợp nên là nguyên nhân của 70% vụ khiếu nại, tố cáo vừa kéo dài, vừa đông người, thậm chí trở thành nguyên nhân của nhiều vụ bạo động và càng ngày càng làm chế độ lúng túng.
Cũng vì vậy, nhà cầm quyền CSVN quyết định soạn – ban hành một bộ luật mới về đất đai. Dự luật đất đai đã từng được “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần vì không thể kết thúc cuộc tranh cãi về việc xác lập quyền sở hữu đất đai. Trong khi chế độ Hà Nội vẫn muốn duy trì qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” thì một số viên chức và đặc biệt là đa số nhân sĩ, trí thức và dân chúng phản bác kịch liệt.
Lúc đầu chế độ Hà Nội dự tính, sửa xong luật đất đai mới sửa hiến pháp song do ý định duy trì qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” bị chỉ trích gay gắt, phải thay đổi ý định, họ muốn sửa (đưa Quốc hội thông qua) cả hai (hiến pháp và luật đất đai) một lượt vào kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng tới.      
Trao đổi với BBC về dự luật đất đai, ông Trần Quốc Thuận khẳng định, việc duy trì qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” sẽ không thể “giải quyết tận gốc” các vấn đề nan giải về kinh tế - xã hội. Vị luật sư này cảnh báo, nếu đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu toàn dân thì điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.
Cả cái hiến pháp lẫn luật đất đai hiện hành cho phép thu hồi đất để “phát triển kinh tế xã hội”. Nếu hiến pháp mới và luật đất đai mới vẫn duy trì điều đó thì “rất dễ sợ” bởi nhiều viên chức sẽ tiếp tục lợi dụng điều đó để làm giàu.
Ông Thuận nhận định, qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” là một mối lợi lớn mà các viên chức không dễ gì buông bỏ. Duy trì qui định này chỉ nhằm có cơ sở để chiếm đoạt quyền lợi cho mình, cho gia đình của mình, con cháu của mình và gia tộc của mình.
Dân chúng tỉnh Hà Đông mang băng rôn (trong ảnh) treo trước trụ sở tiếp dân của nhà cầm quyền CSVN tại Hà Nội. Bối cảnh xã hội khiến chế độ Hà Nội buộc phải sửa luật đất đai song dự luật đất đai khó có thể tiến bộ như mọi người mong muốn. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)
Khi bình luận về dự luật đất đai, ông Thuận nói thêm là chính bản chất của thể chế chính trị hiện nay đã dẫn đến những hậu quả, trong đó có “sở hữu toàn dân về đất đai”, có “chuyên chính vô sản”, áp chế dân chủ, điều hành tùy tiện, dẫn tới quốc nạn là tình trạng tham nhũng không thể cứu chữa.
Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần có “sự thay đổi mềm”, thay đổi trong hòa bình từ một chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ. Nếu không sẽ tiếp tục có những người như ông Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình.
Vụ ông Đặng Ngọc Viết mang súng vào trụ sở tỉnh Thái Bình, bắn năm cán bộ của Trung tâm Phát triển qũy đất, sau đó tự sát được xem là lời cảnh báo chính quyền.
Chiều 11 tháng 9, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, tìm tới phòng làm việc của Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh Thái Bình, nằm trong trụ sở chính quyền tỉnh, lần lượt bắn từng người, trong đó, có hai là Phó Giám đốc, ba là cán bộ của Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh Thái Bình. Tối 11 tháng 9, một trong số năm nạn nhân tử vong. Cũng tối 11 tháng 9, ông Viết tự sát tại một ngôi chùa ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Theo Công an Thái Bình, khi Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh Thái Bình tổ chức thu hồi đất cho một dự án ở phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, ông Viết đã đồng ý nhận tiền bồi thường cho việc tái định cư nhưng sau đó đổi ý, yêu cầu cấp đất để gia đình ông có chỗ ở, Trung tâm Phát triển qũy đất tỉnh Thái Bình từ chối. Đó là mâu thuẫn dẫn tới vụ án.
Lúc đó, ông Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học, người đã từng khảo sát về cuộc nổi dậy của hàng chục ngàn nông dân Thái Bình hồi 1997, cho rằng, đó là biểu hiện của việc người dân bị dồn đến cùng đường.
Theo ông Tương Lai, trường hợp ông Viết hay trường hợp anh em ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, cho thấy, người dân bị dồn nén tới mức buộc phải hành động như thế vì không còn cách nào khác.
Ông Tương Lai dẫn thêm phản ứng của giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên và vụ đàn áp những phản ứng này để kết luận: Bạo lực đang gia tăng và dẫn tới những đột biến không thể lường trước. Vị giáo sư cựu Viện trưởng Viện Xã hội học cho rằng, khi chính quyền và dân cùng lấy bạo lực làm phương tiện để xử lý các vấn đề thì rõ ràng cả hai bên đều đã lâm vào tình trạng bế tắc.
Phía kẻ cầm quyền thì bối rối, bất lực, không tự̣ tin vào tính chính danh, chính nghĩa của mình nên dùng bạo lực để đàn áp. Phía dân thì dù biết rõ là đối đầu với chính quyền sẽ đi tù hay mất mạng nhưng bởi bị đẩy tới cùng đường, họ mất sự sáng suốt và hành động bột phát. Hành động bột phát cho thấy những uất ức đã tích lũy từ lâu và bây giờ là lúc bộc lộ.
Về nguồn gốc của mẫu thuẫn, giáo sư Tương Lai cũng nhấn mạnh, “đất đai là vấn đề của mọi vấn đề”. Do tấc đất là tấc vàng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và “người ta” cũng biết là “không bền” nên cố “ngoạm” nhanh rồi “chuồn”, do vậy “họ” đã dùng mọi thủ đoạn để “ngoạm” nó bằng mọi danh nghĩa.
Nếu hiến pháp mới vẫn xác lập đất đai là sở hữu toàn dân và không có tam quyền phân lập thì sẽ “không giải quyết được gì”. Trong khi lẽ ra, cần thực hiện các kiến nghị về sửa đổi hiến pháp một cách mạnh mẽ trung thực. Tương tự, nếu không giải quyết một cách cơ bản các quy định trong luật đất đai thì không thể bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội được.
Vụ ông Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình không chỉ được những người như giáo sư Tương Lai cảnh báo.  Hôm 12 tháng 9, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, để thảo luận về dự luật đất đai mới, nhiều thành viên của Ủy ban này đã lấy vụ ông Viết bắn năm cán bộ tại Thái Bình như một dẫn chứng để yêu cầu phải xem xét kỹ các qui định về thu hồi đất và bồi thường.
Chủ tịch Quốc hội CSVN thừa nhận, luật đất đai liên quan mật thiết đến đời sống dân chúng và có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Các vụ khiếu kiện về đất đai, chống đối thu hồi đất như vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình có dấu hiệu gia tăng và cho thấy mâu thuẫn leo thang có thể biến thành bạo lực, gây ra hậu quả khó lường. (G.Đ.)