THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 September 2013

Tiền nào của không ấy !



(Dân trí) - bây giờ phải sửa câu tục ngữ “Tiền nào của ấy” thành “Tiền nào của không ấy” cho phù hợp với thời nay, rứt khoát là phải sửa ...

Đường vừa làm xong đã hư đoạn qua phường Yên Thế, TP Pleiku
Đường vừa làm xong đã hư đoạn qua phường Yên Thế, TP Pleiku
Bạn tôi ấn tờ báo vào tay tôi:
 
- Xem đi, ông xem đi, tin mới đăng báo, nóng hôi hổi, Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14) được xem là một trong những con đường huyết mạch của nước ta. Chính vì vậy, con đường này được nhà nước rất quan tâm đầu tư nâng cấp và làm lại, nhưng một số đoạn đường trên QL14 đoạn từ TP Kon Tum (Kon Tum) đến TP Pleiku (Gia Lai) trên suốt chiều dài 45km, chủ đầu tư thi công rất cẩu thả, vừa làm xong đã xuống cấp ngay lập tức. Có đoạn được chủ đầu tư “vá” bằng đá sỏi, có đoạn được “vá” bằng… đất khiến con đường huyết mạch trở thành cơn ác mộng đối với người tham gia giao thông. Sao tiền Nhà nước đầu tư vào cả đống mà sản phẩm cho ra lại kém thế nhỉ.
 
            Tôi bảo:
 
- Hi hi .... tưởng gì. Chuyện đó thường xuyên xẩy ra, có chi là lạ. Cách đây vài ngày, báo đã chả đưa tin Tuyến đường nối TP Cần Thơ- TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) có chiều dài khoảng 47km, mặt đường rộng 11,5m, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến gần 3.500 tỷ đồng.  Đến nay mới chỉ hơn 1 năm đưa vào sử dụng mà trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng lở lói với nhiều ổ gà liên tiếp nhau, có một số mố cầu bị sụt lún, đường xuống cấp đến khó tin. Lý nào Nhà nước bỏ ra cả đống tiền 3.500 tỷ đồng để đắng cay nhận  47 km con đường này sấp sỉ chiều dài bằng con đường quốc lộ 14 nói trên với chất lượng thảm hại cũng tương tự thế sao?
 
Bạn tôi ngạc nhiên:
 
- Ơ… ơ …câu tục ngữ “Tiền nào của ấy”, ý nói giá trị đồng tiền luôn tương xứng với chất lượng sản phẩm hàng hóa, các cụ xưa đã nói thế, lẽ nào bây giờ lại là sai.
 
Tôi bảo:
 
- Câu ấy bây giờ sai quá đi chứ. Thì cứ xem chuyện lùm xum vừa rồi ở thành phố nọ, Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Công viên cây xanh, Công ty Chiếu sáng công cộng thành phố mỗi năm nhận từ ngân sách thành phố hàng trăm tỷ đồng các gói dịch vụ phục vụ công ích, nhưng Công ty Thoát nước đô thị thực hiện nhiệm vụ nạo vét cống làm sao mà hễ cứ trời mưa là đường lại ngập mênh mông, người dân thành phố sau mỗi trận mưa lớn lại phải lội nước bì bõm; Công ty Công viên cây xanh bảo dưỡng cây xanh trên đường phố và công viên thế nào mà cứ hễ mưa gió là cây xanh ngã đổ, đè lên xe cộ, phương tiện trên đường gây nguy hiểm cho tài sản, tính mạng của người dân và gây ách tắc giao thông nghiêm trọng; Còn Công ty Chiếu sáng công cộng ở đây thì nhận các gói dịch vụ xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống đèn chiếu sáng trên đường và các khu vực công cộng, đảm bảo đường phố luôn sáng đèn cho người đi đường an toàn, nhưng có nhiều vụ xẩy ra người dân trên đường đi do không có đèn đường không sáng, cũng chẳng có đèn cảnh báo nên đã bị thương do lao thẳng xe ổ trâu, ổ voi, hố công trình nằm ngay trên đường. Ấy vậy mà lãnh đạo các công ty trên hưởng lương cao ngất trời, trên dưới hai trăm triệu mỗi tháng. Vì thế tôi nghĩ bây giờ phải sửa câu tục ngữ “Tiền nào của ấy” thành “Tiền nào của không ấy” cho phù hợp với thời nay, rứt khoát là phải sửa, ông ạ! 
 
Bạn tôi buồn:
 
- Tôi là giáo viên văn, vẫn dạy học sinh rằng cha ông mình xưa đã sản sinh ra một kho tàng tục ngữ mang tính tổng kết và tính triết lý sâu sắc về nhiều lĩnh vực khác nhau vốn liên quan chặt chẽ với đời sống sinh hoạt con người, ấy thế mà nhẽ nào bây giờ có những câu tục ngữ bị đảo lộn hết thì nói với học sinh sao đây?! Hu hu ...

Nguyễn Đoàn