THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 October 2013

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: ‘Sờ vào đâu cũng lãng phí, thất thoát’



nguyensinhhung-luat

Đó là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên họp Ủy ban Thường vụ QH hôm qua tại Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: 'Sờ vào đâu cũng lãng phí, thất thoát'
Kết quả thanh tra ngành điện cho thấy nhiều sai phạm, lãng phí trong đầu tư – Ảnh: Ngọc Thắng
Phiên họp thảo luận tình hình kinh tế – xã hội 3 năm (2011-2013), kết quả năm 2013 và kế hoạch năm 2014.
Bao cấp mãi lấy gì đầu tư ? 

Sờ vào đâu cũng lãng phí thất thoát, hiệu quả chưa cao. Cần phải phân tích sâu hơn về đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp, đầu tư xã hội vì tất cả đều có chuyện
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết tốc độ tăng trưởng GDP 3 năm qua có cố gắng lớn nhưng khó đạt được so với kế hoạch 5 năm QH đã thông qua. Nhiều chỉ tiêu không đạt đều là chỉ tiêu quan trọng, tỷ lệ bội chi cao, vốn đầu tư chủ yếu dựa vào vốn tín dụng. Thị trường bất động sản vẫn đóng băng, thị trường chứng khoán phát triển thiếu lành mạnh. Hạn chế nội tại của doanh nghiệp (DN) nhà nước chưa được khắc phục, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, DN khó tiếp cận vốn, số lượng DN giải thể, dừng hoạt động cao… “Đặc biệt nợ xấu vẫn còn cao, việc thành lập VAMC thực chất chỉ chuyển nợ từ ngân hàng sang công ty để làm sạch bảng cân đối tài sản của các  ngân hàng, chưa xử lý được. Đây chính là mấu chốt của vấn đề khiến DN không tiếp cận được vốn”, ông Vinh nói.
Liên quan đến nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn cho rằng nếu nhà nước cứ bao cấp mãi nhiều dịch vụ thì sẽ không có nguồn lực để đầu tư. Bộ trưởng KH-ĐT cũng “phê” Đề án giáo dục vừa được xây dựng rất hay nhưng giải pháp nguồn lực thực hiện không có. “Phải làm thế nào để Bộ Tài chính cấp tiền mới quan trọng. Vấn đề của nền kinh tế hiện nay là xã hội hóa, chỗ nào bao cấp, chỗ nào không. Như giáo dục mầm non trước xã hội hóa nay lại quay trở lại bao cấp. Cái này là ngập ngừng không thống nhất, tính chất bao cấp nặng nề… Trước Đại hội Đảng, Bộ sẽ có báo cáo đầy đủ cải cách thể chế kinh tế, đột phá tạo chuyển biến khác biệt”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Bội chi chắc chắn phải tăng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho biết nền kinh tế trong 3 năm qua có nhiều điểm sáng khi lạm phát được giữ vững, cán cân thương mại tích cực… Tuy nhiên, ngân sách lại đang rơi vào thời kỳ quá khó khăn. Tỷ lệ động viên GDP từ các sắc thuế mọi năm lên tới 25%, thậm chí 27% thì nay giảm xuống chỉ còn gần 20,6%, năm 2014 theo dự báo chỉ còn khoảng 16%. Điều này chứng tỏ DN đang đổ vỡ, phá sản giải thể tăng cao và còn quá nhiều khó khăn. Nhưng nghịch lý, theo ông Hiển, trong báo cáo tình trạng lao động thất nghiệp vẫn không tăng là điều cần phải nhìn nhận lại. Dẫn báo cáo Bộ Tài chính, ông Phùng Quốc Hiển nêu: “Trong quý 2 có 66% DN không kê khai được thuế thu nhập, tức là không có lãi. 79% có kê khai về thuế giá trị gia tăng nhưng không phát sinh. Đó là hệ lụy cần tính toán”.
Về tỷ lệ bội chi đang chiếm 4,8% GDP, theo ông Phùng Quốc Hiển, với tình hình như hiện nay thì có thể khẳng định chắc chắn năm 2014 không thể giữ được ở mức này như QH đã giao, chắc chắn sẽ phải tăng lên. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksror Phước lo ngại việc nới trần bội chi có thể gây ra lạm phát, cũng như áp lực nợ công. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất này.
Phải bán cả đất để chi tiêu
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những thành tựu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, kết quả nổi bật trong 3 năm qua rất đáng trân trọng. Dù không tô hồng nhưng cần đánh giá rõ, đặc biệt trên các mặt trận quốc phòng, an ninh, đối ngoại vì có những thời điểm căng thẳng lên tới tột độ.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng chỉ ra hai điểm bất ổn chính. Thứ nhất, cân đối vĩ mô chưa ổn, khi hiệu quả của việc sử dụng đồng tiền không tốt. Chủ tịch QH nói: “Sờ vào đâu cũng lãng phí thất thoát, hiệu quả chưa cao. Cần phải phân tích sâu hơn về đầu tư công, đầu tư của DN, đầu tư xã hội vì tất cả đều có chuyện. Cứ nhìn thu ngân sách là thấy ngay, thu thuế đang từ hai mươi mấy phần trăm GDP xuống còn mười mấy phần trăm”. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại khi ngân sách thất thu, theo Chủ tịch QH, là sẽ không có tiền cân đối cho mục tiêu khác như giáo dục, y tế, văn hóa… Ông cũng phê bình việc đầu tư công dàn trải, mặc dù Chính phủ có quyết định dừng, giãn, hoãn, cắt bớt nhưng “cắt đi vẫn nằm đấy”. “Dự án dở dang vẫn chôn ở đó có phải là lãng phí, không hiệu quả không. Cắt là cắt trên sổ thôi, còn sự thật phơi bày trên đó rồi, tất cả đều cho thấy chưa hiệu quả”, Chủ tịch QH khẳng định.
Yếu tố thứ hai, theo Chủ tịch QH, hiện nay khó khăn do mất cân đối lớn về mặt tài chính. Trước kia, bội chi là để đầu tư nhưng hiện nay bội chi lấn sang chi tiêu, phải bán cả đất để chi tiêu. Chủ tịch QH yêu cầu cần phải làm rõ mức bội chi và mức nợ hiện nay đã tiệm cận tới trần nợ công sẽ có tác động như thế nào tới các lĩnh vực khác? Ngoài ra, cần quan tâm giải quyết cho rõ chất lượng nền kinh tế tập trung vào vấn đề nào, các yếu tố thị trường phải đi nhanh hơn, nếu để tình hình xấu thêm thì nguy hiểm.
THEO THANH NIÊN