THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 October 2013

"Có thạc sĩ loại gì thì cũng thất nghiệp cả thôi"!

ĐẤT VIỆT - 09/10/2013- Vẫn mộng tưởng về một tương lai tươi sáng với những cánh cửa rộng mở để tìm kiếm một công việc ổn định sau khi có tấm bằng thạc sĩ, thế nhưng nhiều bạn trẻ đã vỡ mộng ngay khi cầm hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan. 

Về quê làm ruộng 
 
Gần nửa năm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi ngành Kiểm toán - Kế toán, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Phạm Trang (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) cố bám trụ Hà Nội xin việc nhưng bất thành. Trở về quê, gửi hồ sơ hàng loạt các sở ban ngành trong những đợt tuyển dụng, Trang không hiểu sao hồ sơ vẫn bị loại.
 
“Tôi gửi đến gần chục hồ sơ rồi. Có nơi cũng hẹn phỏng vấn, thi tuyển, nhưng đều thất bại”, Trang ngán ngẩm.
 
Cô kể lại câu chuyện của mình: "Học xong đại học, tôi ôn luyện và thi đỗ cao học. Ngày đỗ cao học cả gia đình tôi vui lắm. Ai cũng biết học lên tốn tiền bạc nhưng nhìn cả nhà vất vả vì thiếu học, mọi người đều quyết tâm tạo điều kiện cho tôi". 
 
Toàn bộ học phí, Trang được ba mẹ dành dụm gửi cho. Hơn 2 năm học tập, Trang không làm gia đình thất vọng khi tốt nghiệp với tấm bằng đỏ.
 
cc
Tấm bằng thạc sĩ loại giỏi của Trang. (Tên nhân vật đã được thay đổi)
 
Thế nhưng hành trình xin việc càng thêm khắc nghiệt ngay khi cầm trên tay tấm bằng cao học loại giỏi. Gần nửa năm trời, cô thạc sĩ trẻ cũng mang hồ sơ đi gõ cửa hết chỗ này đến chỗ khác.

Về quê nộp bao nhiêu hồ sơ, cũng thi tuyển nhưng không có kết quả gì. 
 
Ban đầu cứ nghĩ hồ sơ của mình đẹp với bằng cấp không kém ai, thì không khó khăn gì. Thế nhưng, vì gia đình không có quan hệ, nhà nghèo nên mọi hồ sơ nộp đi đều không có hồi âm. "Cứ nghĩ về quê với tấm bằng đó thì dễ ổn định hơn, nhưng em đã nhầm", cô bùi ngùi.   
 
Cô chia sẻ: "Tôi cũng nộp hồ sơ, thi tuyển, phỏng vấn vào Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh Hà Tĩnh thuộc Sở tài chính nhưng vẫn không qua. Tôi không rõ tại sao mình không đạt, có 6 người phỏng vấn, thấy câu trả lời thì cũng ngang ngang nhau, đầu vào thi lý thuyết thì tôi đạt điểm cao nhất, tôi đã chắc mình sẽ đạt nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược". 
 
Trong thời gian tới, dù chán chường nhưng cô vẫn tiếp tục nộp thêm hồ sơ: "Tôi đang nghe thông tin Ngân hàng nhà nước tuyển dụng thì tôi cũng lại tiếp tục nộp hồ sơ để thi tiếp. Lúc đầu cứ nghĩ có bằng sẽ dễ xin hơn, vì ở Hà Tĩnh có chương trình thu hút nhân tài, đặc biệt là bằng Thạc sĩ loại giỏi như tôi, nên tôi cũng nộp lên Sở nội vụ một bộ hồ sơ, nhưng mà nộp từ tháng 8 năm trước đến giờ chưa có hồi âm". 
 
Trang cho biết thêm: "Hầu hết bạn tôi học cùng khóa tốt nghiệp, thì cũng xin làm việc thời vụ tại Hà Nội, để đợi xin việc. Cùng chỉ tiêu tuyển dụng nhưng mỗi nơi mỗi khác. Ở đâu, họ cũng khen hồ sơ đẹp, nhưng chẳng thấy kết quả, vì giờ con ông cháu cha cũng nhiều lắm".
 
Cô cũng chia sẻ thêm: "Giờ về nhà bố mẹ nhìn thấy con mà cũng sốt ruột, mang tiếng học thạc sĩ mà giờ vẫn ở nhà chăm lợn, chăm đàn gà cho bố mẹ". 
 
Ở nhà chăm con, đi dạy thời vụ 
 
Bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành Lịch Sử Việt Nam - Đại học sư phạm Thái Nguyên với tấm bằng đỏ năm 2010, hai năm nay Phan Hằng vẫn đang lận đận xin việc.
 
Khi cầm hồ sơ ra trường, Hằng hồ hởi với mơ ước sẽ được đứng trên bục giảng chứ không muốn làm trái nghề. Sau nhiều đêm thức trắng lên mạng tìm kiếm thông tin trường có nhu cầu tuyển giáo viên, nơi nào có chính sách thu hút cho thạc sĩ, Hằng lại tức tốc lên đường nộp hồ sơ, 2 năm kéo dài với những bộ hồ sơ nộp nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. 
 
Hằng bộc bạch: "Nếu biết trước học rồi mà khó xin việc đến thế, chắc tôi không đăng ký học lên thạc sĩ. Tốn tiền lại khó xin việc". 
 
Rất nhiều sinh viên học xong thạc sĩ chưa xin được việc
Rất nhiều sinh viên học xong thạc sĩ chưa xin được việc (Ảnh minh họa)
 
Theo lời Hằng thì nhiều nơi từ chối hồ sơ mà cũng không rõ lí do: "Tôi cũng đã đi nộp hồ sơ và thi tuyển không dưới chục trường ở Hà Nội rồi, cũng thi tuyển đó, bài làm thi thấy tự tin nhưng kết quả thì không như mình mong đợi".
 
Hằng nhắc lại câu chuyện khiến mình nhớ nhất đó là khi đi nộp hồ sơ tại trường Đại học Tài nguyên Môi trường, số lượng người đăng kỳ thì đông, chưa đăng ký đã nghe được tin là có cơ cấu cả rồi, thi cho có lệ thôi.
 
Gia đình thì ở xa, bố mẹ cũng đã già, đi học Cao học là cả một sự cố gắng không ngừng nghỉ. Trong suốt thời gian đi học, Hằng đi gia sư bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống với đồng lương kiếm được lúc đó được 1 triệu đồng. 
 
Cứ nghĩ học xong Đại học mọi chuyện sẽ tốt hơn, thế nhưng điều may chưa thấy chỉ biết không xin được việc. Hằng cho biết: "Hai năm tìm việc không được, con gái có tuổi, nên tôi phải xoay hướng sang ổn định chuyện gia thất, lấy chồng, sinh con, ở nhà tề gia nội trợ, cho đến bây giờ, con gái cũng đã gần 2 tuổi mà việc vẫn chưa xin được".
 
Bên cạnh đó, tôi cũng đi dạy thêm buổi tối từ 7h - 9h tối, nhưng chỉ là khi nào trường có lớp học thì gọi đi dạy, nhiều lúc thấy chán nản, mà dậy thì cũng không phải chuyên ngành của mình, tôi được chuyển hướng sang dạy các môn chính trị như Triết học, Kinh tế chính trị..."  
 
Hằng chia sẻ: "Giờ ở nhà nhiều lúc thấy mình vô dụng, bao nhiêu kiến thức hao mòn hết, quanh quẩn lau dọn nhà cửa, nghĩ lại công bố mẹ cho con ăn học chừng ấy năm, giờ chỉ ở nhà để chăm con, tấm bằng thì vẫn để đó, bạn bè hỏi cũng không dám nói mình làm gì".
 
Theo lời Hằng kể thì hiện tại bạn bè có người chuyển hướng sang kinh doanh, người thì ở nhà lấy chồng, một số ít thì đi làm giáo viên cấp 3, cấp 2. 
 
Hằng trầm ngâm: "Thực tế bây giờ xã hội nó vậy, năng lực có nhưng xin không đúng chỗ, thì có thạc sĩ loại gì thì cũng thất nghiệp cả thôi". 
 
Việt Nam: 1 năm gần 90.000 thạc sỹ ra trường
 
Theo thống kê chính thức từ Bộ GDĐT, năm học 2011-2012, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo được 89.923 học viên cao học, đồng nghĩa với việc số lượng đào tạo trình độ thạc sĩ đang gia tăng mạnh trong những năm trở lại đây. 
 
Có năm số tuyển mới còn gấp đôi số được cấp bằng. Trong năm 2009-2010, số thạc sĩ được cấp bằng trong các trường ĐH, học viện cả nước là 10.740 người, nhưng số tuyển mới là hơn 23.000 và quy mô đào tạo của trình độ này lên đến hơn 54.000 người.
 
Như vậy, chỉ trong một năm, khoảng gần 90.000 thạc sĩ ra trường. Cộng với những thạc sĩ và tiến sĩ của những năm trước và với đà phấn đấu về bằng cấp hiện nay, tấm bằng thạc sĩ dần trở nên đại trà.
 
Thùy Minh