THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 October 2013

Nhân tài lận đận!


( NLĐ ) Chủ Nhật, 06/10/2013 19:30

Nhiều địa phương thời gian qua đã ban hành các chính sách ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc. Thế nhưng, trong khi việc “trải thảm đỏ đón nhân tài” được thực hiện không mấy mặn mà thì chính nguồn nhân lực địa phương lại bị bỏ phí

Nhiều năm nay, ngành y tế Ninh Thuận luôn đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao. Chính quyền Ninh Thuận từng chiêu mộ nhân tài bằng việc ban hành một số chế độ ưu đãi cho người có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên nếu tình nguyện về tỉnh công tác. Tuy nhiên, nhiều người sau một thời gian về đây làm việc đã thất vọng bỏ đi.
Ưu đãi nửa vời
Năm 2012, tiến sĩ - bác sĩ Lê Trọng Sanh, nguyên trưởng khoa một bệnh viện lớn phía Nam, tình nguyện về Ninh Thuận công tác, được bổ nhiệm làm phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh. Theo chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của địa phương, ngoài khoản trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng, ông còn được hỗ trợ đất ở, mua nhà trả góp… Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện bác sĩ Sanh chỉ được trợ cấp 80 triệu đồng. Ông vẫn phải thuê một căn phòng lầu 3 chung cư để ở, những chế độ khác thì vẫn đang… chờ xem xét!
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trọng Sanh tình nguyện về Ninh Thuận công tác nhưng hiện vẫn ở nhà thuê, những chế độ khác vẫn đang… chờ xem xét! Ảnh:LÊ TRƯỜNG
Do chính sách đãi ngộ chưa tương xứng nên trong số 27 cán bộ y tế tình nguyện về Ninh Thuận công tác, đã có 3 bác sĩ sau khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh 2 năm thì trả lại tiền hỗ trợ, chuyển đi nơi khác với lý do thu nhập không đủ trang trải đời sống. “Từ năm 2008 đến nay, tỉnh có 74 sinh viên vào học ĐH y, dược nhưng số tình nguyện về địa phương sau khi tốt nghiệp rất ít. Chúng tôi luôn tìm cách động viên nhưng hầu hết các em không mặn mà về tỉnh vì cho rằng chế độ ưu đãi quá thấp” - ông Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận, băn khoăn.
Tốt nghiệp Trường ĐH Lâm nghiệp, năm 2005, anh Trần Văn Việt về làm việc tại Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Quyết định 30 năm 2001 của UBND tỉnh). Sau một thời gian công tác, anh được đơn vị tạo điều kiện đi học thạc sĩ ở Úc. Năm 2012, hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh về lại chi cục. Sau nhiều năm làm việc theo diện thu hút nguồn nhân lực, hiện anh vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng tạm, chưa được xét vào biên chế.
Cũng tại Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An, chị Hoàng Thị Hồng Phúc, thạc sĩ chuyên ngành lâm học, được tuyển dụng năm 2006 theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chị luôn hoàn thành tốt công việc, được bầu chọn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012. “Chi cục đã có tờ trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ để chuyển lên UBND tỉnh xem xét đưa tôi vào biên chế. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà đến nay, tôi vẫn chỉ là nhân viên làm việc theo diện hợp đồng thu hút nhân lực” - chị băn khoăn.
Dứt áo ra đi
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền, Phó Khoa Xã hội Trường ĐH Sài Gòn, là người Phú Yên. Năm 2007, sau khi lấy bằng tiến sĩ văn học, ông Hiền có nguyện vọng được làm việc ở quê nhà nhưng không thể. “Lúc đầu, tôi quyết tâm về công tác ở một cơ quan nào đó của tỉnh phù hợp với năng lực của mình. Tuy nhiên, chứng kiến quá nhiều nhiêu khê trong việc tuyển dụng và bố trí nhân sự của tỉnh thời điểm đó, tôi nản lòng nên phải vào TP HCM” - tiến sĩ Hiền nói.
“Nam tiến” không lâu, tiến sĩ Hiền dễ dàng được nhận vào Trường ĐH Văn Hiến, rồi sau chuyển sang Trường ĐH Sài Gòn. Theo ông, trong việc thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, cơ chế tuyển dụng và điều kiện làm việc rất quan trọng, nếu không khéo thì sẽ gây nên sự lãng phí nhân tài.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho rằng do tỉnh chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng nên ngay cả “nhân tài trong nhà” cũng bỏ đi. “Theo nghị quyết của tỉnh, đến năm 2015, Phú Yên sẽ có 60 tiến sĩ được đào tạo. Với cơ chế hiện nay, học xong, họ đều bỏ đi hết. Ngay Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh có 8 học sinh nay là tiến sĩ nhưng chẳng ai chịu về quê nhà làm việc” - ông Đàm cho biết.
Ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ai biết chuyện của kỹ sư Nguyễn Văn Vũ cũng đều không khỏi cám cảnh. Trong căn nhà ọp ẹp, trống hoác, không có tài sản gì đáng giá, anh Vũ kể: “Năm 2001, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM loại khá, tôi được nhận vào làm ổn định ở một công ty chuyên sản xuất máy lọc nước ở TP. Tám năm sau, tôi quyết định về Quảng Ngãi, vừa mong cống hiến cho quê nhà vừa để gần gũi gia đình”.
Thoạt tiên, Vũ xin vào làm ở một công ty xây dựng để chờ công việc phù hợp hơn. Chỉ vài tháng sau, công ty này phá sản, anh thất nghiệp đến nay. “Ngày nào tôi cũng đến trung tâm giới thiệu việc làm hay lên mạng tìm việc rồi mang hồ sơ gõ cửa từ các đơn vị nhà nước đến công ty tư nhân nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Về quê tưởng đâu góp được chút công sức nhưng ngay cả kế mưu sinh giờ cũng khó tìm, kiểu này chắc tôi sẽ quay lại TP HCM” - Vũ buồn bã.
Kỳ tới: Vật vã chờ việc
Không dễ nhận người
Tháng 5-2013, Quảng Ngãi ban hành quyết định thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến tỉnh công tác. Theo đó, ngoài nhà cửa thì giáo sư được hỗ trợ 350 triệu đồng, tiến sĩ 250 triệu đồng, người tốt nghiệp ĐH chính quy 100 triệu đồng… Nếu xét nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhiều ngành nghề của Quảng Ngãi đang rất cần người, nhất là y tế, giáo dục. Thế nhưng, để nhận một sinh viên tốt nghiệp chính quy vừa ra trường đến công tác không phải chuyện dễ dàng. Ngành y tế Quảng Ngãi mỗi năm chỉ tuyển 5-7 bác sĩ, không đủ thay thế cho những người nghỉ hưu; còn ngành giáo dục luôn kêu thiếu người, nhất là ở vùng cao, nhưng khi có người tìm đến thì lại không chịu nhận.
Năm 2011, anh Nguyễn Văn Kỳ tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn chuyên ngành ngữ văn. Từ khi tốt nghiệp, Kỳ đi xin việc khắp nơi ở Quảng Ngãi nhưng vẫn không được nhận vào trường nào. “Nghe tỉnh thiếu giáo viên vùng sâu, hơn 2 năm qua, mình cầm hồ sơ đến xin được giảng dạy nhưng không trường nào nhận. Sao họ kêu thiếu người nhưng để nhận vào làm việc lại quá khó như vậy?” - anh tỏ ra khó hiểu.

NHÓM PHÓNG VIÊN