THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 November 2013

Sớm 15-16g, muộn 19-20g ngày 6-11 bão 13 đổ bộ vào bờ ?!



05/11/2013 21:08 (GMT + 7)
TTO - Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, chiều 5-11 ATNĐ  đã ở sát phía Đông quần đảo Trường Sa và tiếp tục di chuyển với tốc độ rất nhanh (25-30km/g) theo hướng Tây, hơi dịch về hướng Tây Tây Bắc hướng vào các tỉnh Nam Trung bộ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến phòng chống bão chiều 5-11 - Ả̉nh: T.Phùng

Cùng với di chuyển nhanh, ATNĐ vào gần bờ càng mạnh và có khả năng mạnh lên thành bão số 13 có sức gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 khi cách bờ khoảng 100km. Với tốc độ di chuyển nhanh, ông Tăng cho biết nếu sớm thì 15-16 giờ, muộn thì 19-20 giờ ngày 6-11 bão số 13 sẽ đổ bộ vào bờ. Vì vậy việc phòng chống phải hoàn tất trước 13 giờ ngày 6-11 khi bão cách bờ khoảng 100km.
Với diễn biến trên, ông Tăng cho biết từ Phú Yên đến Cà Mau sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 13. Đồng thời, dông, lốc xoáy sẽ xuất hiện nhiều nơi trong khu vực này. Ngay cả vùng biển Kiên Giang cũng phải đề phòng vì có mô hình số cho thấy sau khi qua đất liền nước ta, bão suy yếu thành ATNĐ nhưng sẽ tái sinh thành bão ở vịnh Thái Lan.
Theo ông Tăng, mưa do bão gây ra không chủ yếu từ 100-300mm tập trung ở khu vực ảnh hưởng trực tiếp của tâm bão. Tuy nhiên, mưa tập trung trong thời gian ngắn từ trưa chiều ngày 6-11 đến hết 7-11. Điều đáng lưu ý thời điểm bão đổ bộ trúng vào thời điểm triều cường lớn nhất của tháng 11 nên các khu vực ven biển, đặc biệt là TP HCM đề phòng ngập lớn do mưa bão kết hợp với triều cường.
Ông Tăng cho biết sau khi bão số 13 tan, cơn bão mạnh cấp 12, giật cấp 14 mang tên Haiyan (Hải Âu) cũng sẽ vào biển Đông vào chiều tối 8-11 và có nguy cơ ảnh hưởng tới nước ta. Tiếp đó ngày 13, 14-11 có nhiều khả năng hình thành cơn bão mới ở Nam biển Đông.
Trước diễn biến của bão, lãnh đạo các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau đều cho biết đã triển khai phương án kêu gọi tàu thuyền vào trú tránh bão, phương án sơ tán dân và đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các vùng biển; kiểm tra, đề phòng sự cố hồ đập khi mưa lớn.
Để giảm thiểu thiệt hại của bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền trú bão và triển khai các phương án phòng chống trên bờ. Các địa phương phải nắm chắc vị trí từng tàu thuyền trú tránh bão để có phương án giải quyết sự cố kịp thời; cấm biển, tổ chức neo đậu, tránh tàu thuyền chìm do va đập, không để người trên tàu thuyền trong khu neo đậu.
"Thời gian phòng chống chỉ còn trong sáng 6-11"
Đồng thời phải rà soát lại phương án sơ tán dân, thông báo cho người dân biết những nơi an toàn, công trình kiên cố để trú tránh khi bão mạnh cho người dân chủ động khi sơ tán; vận động người dân, doanh nghiệp chằng chống nhà cửa, trụ sở trước khi bão vào. “Thời gian phòng chống chỉ còn trong sáng 6-11 nên phải làm khẩn trương, đến 13 giờ phải hoàn tất. Vùng ít bị bão đổ bộ càng phải lưu ý khi có bão”- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng nhận định mưa có thể nghiêm trọng hơn dự báo nên phải sẵn sàng phòng chống ngập lụt trong mọi tình huống. Với 55 hồ chứa thiếu an toàn từ Đà Nẵng đến Bà Rịa – Vũng Tàu và 51 hồ chứa không đảm bảo an toàn ở Tây Nguyên, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh cử cán bộ đến trực tiếp kiểm tra, có phương án xử lý sự cố.
Cùng với việc kiểm soát, hướng dẫn đi lại ở các nơi ngập nước, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an toàn quyền cấm đường, không cho xe ô tô chở người chạy trên đường khi có gió mạnh do bão đổ bộ. Cuối cuộc họp Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cử đoàn công tác và các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão phối hợp với các quân khu kiểm tra tình hình phòng chống.
* Đến chiều 5-11, lực lượng Biên phòng và các địa phương đã thông báo, kêu gọi 133.485 tàu thuyền cùng 582.782 người biết diễn biến của ATNĐ để phòng tránh. Trong đó ở khu vực nguy hiểm từ giữa biển Đông và Trường Sa có 905 tàu thuyền và 11.750 người. Ngoài ra có 158 tàu xin vào trú bão ở Malaysia. Về trường hợp tàu cá của Khánh Hoà số hiệu KH 96778 cùng 12 người bị hỏng máy, thủng ván ở khu vực gần bãi Phúc Tần (vùng DK1), Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã điều phương tiện đi cứu nạn.
Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, tính đến ngày 5-11 số cơn bão và ATNĐ năm nay đã vượt kỷ lục của năm 1964 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Hải cho biết, thông thường trên biển Đông trung bình mỗi năm có 10-11 cơn bão và ATNĐ. Nhưng năm 2013 đã lên đến 13 cơn bão (cả ATNĐ sắp thành bão số 13) và 4 ATNĐ khác. Trong khi kỷ lục năm 1964 có 16 cơn bão và ATNĐ. Bên cạnh đó phía Tây Bắc Thái Bình Dương trung bình mỗi năm có 28-30 cơn bão nhưng năm nay đã xuất hiện 31 cơn. Kỷ lục bão xuất hiện trên Tây Bắc Thái Bình Dương nhiều nhất trong tháng 10 là 6 cơn vào 10-1989 nhưng đã bị phá vỡ khi tháng 10-2013 xuất hiện 7 cơn.
"Thông thường mỗi năm thường có một cơn bão mạnh cấp 12 trở lên đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng năm nay đã có hai cơn bão mạnh đổ bộ vào miền Trung (bão số 10 và 11). Ghi nhận ở nước ta thời gian gần đây thì so với số lượng bão của năm 1964 thì chưa tăng lên nhiều nhưng số cơn bão mạnh tăng lên.
Đồng thời số cơn bão ảnh hưởng tới Nam Bộ nhiều hơn trước, tần suất dày hơn. Trước đó phải 20-30 năm mới có bão vào Nam Bộ nhưng từ năm 1997 tới đây đã xuất hiện bão Linda rồi năm 2006 có cơn Durian và Parma năm 2009. Trong khi đó năm 2012 chỉ có 1 cơn bão vào miền Trung còn năm nay đã có 3 cơn đổ bộ” - ông Hải cho biết.
TUẤN PHÙNG