THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 November 2013

Việt Nam dồn dập hứng bão trong 9 ngày liên tiếp!

SỐNG MỚI - 06/11/2013

Biển Đông đã trở thành một trong những vùng biển nhiễu động nhất năm 2013, khi không chỉ tiềm ẩn các xung đột gây bất ổn mà còn là “điểm tập kết” của nhiều trận bão lớn. Chưa hết năm, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn đã ghi nhận sự xuất hiện của 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đây. Đây được xem là con số chưa từng có trong vòng 49 năm qua.


Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, sáng ngày 5/11, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương đã vượt qua vùng biển Philippines đi vào Biển Đông, đang mạnh lên thành cơn bão số 13 dội thẳng vào Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, dự kiến sẽ gây lụt lớn trên diện rộng khi hệ thống thoát nước ở đây vốn đã xuống cấp từ nhiều năm qua, trong khi các cánh rừng đã xơ xác đi nhiều.
 
“Bão số 13 có thể đổ bộ vào khoảng 3-4 giờ chiều mai, hoặc muộn hơn có thể là 7-8 giờ tối”, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết. Dự kiến cơn bão này chỉ mất hơn 1 ngày kể từ thời điểm đi vào Biển Đông là sẽ đổ bộ vào đất liền. Khu vực đổ bộ của bão được xác định là các tỉnh ven biển từ Phú Yên tới Cà Mau, các tỉnh khu vực Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, …). Khi đổ bộ, bão sẽ mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
 
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay và ngày mai (6/11), trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
 
Ngay sau cơn bão này, đến chiều và đêm 8/11, siêu bão Haiyan (hay còn gọi là Yolanda) với sức gió có thể lên đến 240km/h sẽ tiến vào Biển Đông, trở thành bão số 14. Người dân Philippines đã được cảnh báo bão có thể gây đổ cây, phá hoại những công trình chất lượng kém, và gây sạt lở, ngập úng trên diện rộng, thậm chí vào sâu trong nội địa, với mực nước có thể lên đến 500 mm, dẫn đến khả năng cao phải đi tản dân ở một số vùng đất thấp chịu ảnh hưởng trực tiếp. Theo Aljazeera, cơn bão này được xem như có sức đe dọa tương đương với siêu bão Mike (hay còn gọi là Ruping) đã khiến 748 người thiệt mạng cùng 220 triệu USD thiệt hại về vật chất cho người dân Philippines hồi năm 1990. Hiện các đơn vị có trách nhiệm của Philippines đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực và nước sạch để chu cấp cho những người dân tị nạn. Dù được cho là sẽ giảm sức đe dọa sau khi đi qua Philippines, song nó vẫn đủ sức gây nguy hiểm cho bất cứ tàu thuyền nào hoạt động trên con đường bão đi qua. 
 
Sau khi bão số 14 tan, nhiều khả năng vào ngày 13-14/11, lại một cơn bão nữa có thể xuất hiện và quấy nhiễu cuộc sống của người dân sống trong khu vực phía Nam Biển Đông. 
 
Theo ông Lê Thanh Hải, thông thường một năm Biển Đông chỉ có từ 10-11 cơn bão, nhưng riêng trong năm nay đã có 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, số cơn bão mạnh với cấp 12 trở lên đi vào nước ta thông thường chỉ có 1 cơn/năm nhưng năm nay đã có đến 2 cơn (bão số 10 và 11) gây thiệt hại và hậu quả nghiêm trọng cho người dân. Riêng Việt Nam, chỉ trong vòng 9 ngày (từ 5/11 đến 14/11) người dân phải hứng chịu 3 cơn bão liên tiếp, khiến cho hệ thống cơ sở hạ tầng vốn đã xuống cấp lại càng thêm lung lay. Điều đáng ngại là bão đang có xu hướng chếch về phía nam - vùng biển có đường dẫn không ổn định nên rất khó dự báo cường độ, sự phức tạp của bão.
 
Đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong những trận bão như thế này luôn là những người dân lam lũ thường phải sống trong những căn nhà thiếu kết cấu chắc chắn, hoặc ở vùng quá thấp trong khi hệ thống thoát nước, kể cả tự nhiên lẫn nhân tạo, đều ngập ngụa trong hàng loạt chất thải khó phân hủy từ sinh hoạt và hoạt động kinh doanh của con người. Tất cả những gì quen thuộc và an toàn đối với họ có thể bị phá hủy hoặc cuốn trôi theo dòng nước dữ, bao gồm cả nhà cửa, trường học, thậm chí người thân của họ.
 
Cảnh báo lũ
 
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, từ đêm nay và ngày mai (6/11), trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
 
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng vùng đồng bằng các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, khu vực nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, riêng miền tây Nam Bộ sẽ ngập úng do mưa và triều cường.