THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 December 2013

KHI TỔNG BÍ THƯ "XÀO NẤU" LÒNG DÂN

000_Par926989-305.jpg
Kết quả biểu quyết thông qua hiến pháp mới hôm 28/11/2013
RFA files
RFA- 06/12/2013
Dù đã biết việc Sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ là một trò hề, với mục đích nhằm một lần nữa hợp thức hóa cương lĩnh của đảng CSVN, dưới cái vỏ bọc một bản Hiến pháp mới, với thời gian hai năm rưỡi chuẩn bị, kha khá tiền bạc và đã có sự tham gia đóng góp ý kiến sâu rộng đông đảo của dân chúng. Nhưng tôi cũng không khỏi ngậm ngùi và tiếc, khi được tin bản Hiến pháp Sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 28.11.2013.
Việc một bản Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua mà hầu hết các nội dung quan trọng về các vấn đề chính trị, kinh tế... hầu như vẫn giữ nguyên khi so với bản Hiến pháp cũ. Trong lúc chỉ cách đây ít lâu đảng CSVN và chính quyền đã rầm rộ phát động một cuộc vận động để dân chúng tham gia góp ý vào bản Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi. Điều đó đã được đánh giá là một việc làm vô nghĩa và quan trọng hơn các ý kiến tâm huyết của dân chúng tham gia góp ý đã không được đoái hoài. Đây là một biểu hiện của thái độ coi thường nhân dân của đảng CSVN nói chung và các lãnh tụ của họ nói riêng.
Nó không chỉ là việc trước vài ngày Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp Sửa đổi, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định "Dự thảo Hiến pháp tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân dân" và cho biết Quốc hội sẽ làm việc hết mình để thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào ngày 28.11. Phản bác luồng dư luận cho rằng hầu hết các ý kiến đóng góp của nhân dân đã bị bác bỏ, theo ông Nguyễn Sinh Hùng thì “Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm việc cần mẫn, khiêm tốn, cầu thị để tiếp thu cho được ý kiến của đại biểu Quốc hội và tinh hoa trí tuệ của nhân dân. Có một số ý kiến đề nghị nhưng đó chỉ là một số ý kiến thôi nên chúng tôi không tiếp thu được”.
Thực tâm tôi bức xúc với phát biểu của ông Chủ tịch Quốc hội, khi ông cho rằng bằng tinh hoa trí tuệ của nhân dân, nên Việt Nam đã có một bản Hiến pháp mới hầu như y nguyên như bản Hiến pháp đang sử dụng. Và tin rằng tinh hoa trí tuệ của nhân dân chắc chắn không tồi tệ đến mức như vậy, đồng thời xin các ông đừng có vơ nhân dân (trong đó có cả tôi) vào trò hề lừa bịp của các ông.
Tương tự, ngay sau khi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) ít phút, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn báo chí và một lần nữa khẳng định "Hiến pháp được thông qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng dân". Ông Tổng Bí thư thổ lộ điều nói trên trong tâm trạng mà báo chí mô tả cho là "thật sự vui mừng, xúc động nhưng không bất ngờ vì thấy QH bày tỏ chính kiến của mình thống nhất rất cao với bản Hiến pháp (sửa đổi) phản ánh tính đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng". Suy nghĩ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phản ảnh một nỗi lo sợ của ông Trọng nói riêng và đảng CSVN nói chung khi các Đại biểu Quốc hội sẽ "lật kèo". Đây là một thực tế có thực và nó đã diễn ra trong hội trường Quốc hội ngày 28.11.2013 vào thời điểm các đại biểu Quốc hội bấm nút để thông qua bản Hiến pháp Sửa đổi này.
Vào chương trình thời sự trưa, VTV còn cho hiện lên hình ảnh với con số kết quả cực đẹp thể hiện sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, vào phút cuối của chương trình truyền hình của họ. Nhưng đáng tiếc đây là chuyện bị coi là  “xào nấu” số liệu của bảng điện tử.
Có thể thấy kết quả đó đẹp hơn cả kết quả mà chính VTV và các cơ quan truyền thông báo chí đã công bố trước chỉ đó ít lâu. Một kết quả có lẽ không làm hài lòng các lãnh tụ của đảng CSVN, vì nó thể hiện sự thiếu đồng thuận của cả hệ thống chính trị đã không theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng:
Nếu chỉ có sự khác biệt, chênh lệch 02 đại biểu không tham gia biểu quyết ít ỏi như trên thì xét thấy chả có gì là lạ và đáng quan tâm. Vì gần 500 đại biểu Quốc hội trong đó trên dưới 90% là đảng viên đảng CSVN thì lỗi nhỏ này có thể giải thích bàng lỗi mang tính kỹ thuật, hoặc do ai đó lơ đễnh nên đã bấm nhầm. Nhưng không phải như vậy. Trong điều kiện truyền hình trực tiếp thì có những cái mà họ (đảng CSVN) có muốn dấu cũ không thể dấu được vì họ nên nhớ có rất nhiều con mắt tập trung theo dõi để phát hiện sự xảo trá thiếu trung thực.
Chính vì thế nó đã khiến cho không ít người nghi ngờ về tính trung thực của kết quả biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới. Không nghi ngờ sao được, khi cùng một việc biểu quyết lại cho công bố hai kết quả không giống nhau. Một điều không thể cho phép, khi thông tin việc các đại biểu Quốc hội thông qua một văn bản pháp lý có tầm quan trọng vào hàng bậc nhất đối với một quốc gia. Vậy mà sự vô lý ấy vẫn có thể hiện hữu trong cái gọi là Quốc hội của nước Cộng hòa XHCN Việt nam, một cơ quan quyền lực cao nhất.
81-250.jpg
Một kết quả biểu quyết do VTV và các cơ quan truyền thông báo chí công bố khác với kết quả đưa ra sau đó.
Điều gì đã xảy ra và vì sao vào lúc 12h trưa nay 28.11.2013, trong chương trình Thời sự của VTV1, diễn biến được hiển thị trên màn hình trong quá trình bỏ phiếu đã không xuất hiện, mà chỉ có hình ảnh về kết quả cuối cùng? Câu trả lời xin được nhường lại cho bạn đọc và những người có trách nhiệm. Người ta thường nói "Một sự bất tín thì vạn sự bất tin". Vậy mà cùng một sự việc diễn ra ở cùng một thời điểm được truyền hình trực tiếp trên toàn cầu, nhưng VTV lại cho khán giả xem hai kết quả khác nhau thì có đáng để tin không? Trong thời đại kỹ thuật như hiện nay thì việc cho ra các kết quả đã định sẵn là hoàn toàn có thể và người ta thừa sức làm được mà khó có ai có thể biết. Nhưng với điều kiện không được làm một cách cẩu thả như chúng ta đã thấy ở ngày bỏ phiếu biểu quyết Hiến pháp.
Điều đó khiến chúng ta có quyền nghi ngờ vào phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, khi cho rằng "...biểu quyết thông qua Hiến pháp lần này là sự thống nhất của cả Quốc hội, phản ánh ý chí của nhân dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng tư tưởng, định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Đảng. Chỉ đạo rất chặt chẽ và có định hướng nhưng không gò ép, áp đặt, hoàn toàn thoải mái, thảo luận dân chủ. Như thế là có sự gặp nhau rất lớn ở ý tưởng về sửa đổi Hiến pháp lần này. Cho nên, nói ý Đảng, lòng dân là rất đúng, hoàn toàn phù hợp, không gượng ép. Đảng không ép và dân rất thoải mái chấp nhận bởi vì nó hợp lý - là chân lý thì mọi người đều chấp nhận."
Theo thông tin từ Diễn đàn Xã hội Dân sự cho biết, tại thời điểm Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, với 486 phiếu tán thành, 2 ”không biểu quyết”, 0 có ý kiến “không tán thành”. Tuy nhiên, trong thời gian chưa đến 60 giây trong quá trình bỏ phiếu, trên bản điện tử hiển thị có những diễn biến khó hiểu, đã có lúc ghi nhận có 3 ý kiến “không tán thành”, 21 “không biểu quyết” … Và theo họ đánh giá là phải chăng đã có đại biểu nhanh chóng thay đổi quyết định trong thời gian bỏ phiếu ngắn ngủi, hay đã có sự tác động của… máy móc?
Khoan hãy bỏ qua chuyện các Đại biểu Quốc hội Việt nam có thực sự là đại biểu của nhân dân và do nhân dân lựa chọn ra hay không? Hay các ông bà nghị ấy chỉ là những con người do đảng chọn ra để làm vai trò những kẻ trung gian nhằm hợp thức hóa các nghị quyết của đảng CSVN dưới danh nghĩa của cơ quan lập pháp. Mà chỉ nói đến vấn đề "ý Đảng, lòng dân", điều mà đã vắng bóng nhiều năm qua trong các văn kiện và truyền thông của đảng từ thời kỳ sau đổi mới đến nay. Có lẽ do sự trở lại không đúng lúc và hơi khiên cưỡng, nên đã làm cho người ta cảm thấy có cái gì nghe chừng không ổn trong phát biểu của ông Tổng Bí thư cho dù đảng đã không gượng ép.
Từ việc Quốc hội  tuân theo sự chỉ đạo rất chặt chẽ và có định hướng, đúng tư tưởng và định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Đảng (cố ý hay vô tình). Tuy nhiên, việc chế biến kết quả biểu quyết đã không khéo, nếu không nói là cẩu thả đã khiến cho không ít người hoài nghi về tính trung thực. Nhưng cái kết quả biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới chập chờn kia, cũng đã khiến nhiều người nghĩ rằng lòng dân bây giờ cũng rất chập chờn.
Cái kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp chập chờn, cái mà blogger Hiệu Minh đã chua chát cho là kết quả của hành động xào nấu. Không hiểu ngẫu nhiên hay chỉ là sự tình cờ, mà ba cái: lời phát biểu của Tổng Bí thư, xuất phát từ việc "xào nấu" kết quả biểu quyết và lòng dân. Điều đó đã khiến người ta  liên hệ đến hình ảnh một ông Tổng Bí thư đảng và món lòng dân do ông tự chế biến rồi mang ra để dụ dỗ quần chúng nhân dân.
Người ta hổ dữ không ăn thịt con, con người không ăn thịt đồng loại, ta thường nghe nói đến món lòng gà, lòng lợn và lòng bò chứ ít ai sử dụng món lòng người. Chắc chỉ có phường vô lương mới tận dụng đến thứ lòng dân để nhằm bao biện cho những việc làm coi thường nhân dân như vậy.
Nếu như thế, họ chỉ xứng đáng hưởng cái "nội dung" của lòng người dân, cái mà ở Việt nam người ta vẫn dùng để bón ruộng.
© Kami
*Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm của RFA