ĐĂNG BỞI  - 
Tại TP.HCM đang có hiện tượng nhiều Việt kiều ở nước ngoài trở về nước làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam để nhập hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân, đăng ký kinh doanh, mua nhà đất… như công dân trong nước.
Theo Luật Quốc tịch 2008, Nghị định 78/2009/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành khác, công dân Việt Nam đang định cư tại nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam nếu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết trước đây giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam ghi rõ được dùng để mua nhà tại Việt Nam và đăng ký kinh doanh trong nước, có thời hạn 6 tháng một lần cấp. Giấy này có thời hạn quá ngắn gây trở ngại rất lớn cho Việt kiều. Nay giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam không ghi mục đích và thời hạn sử dụng.
Thế nhưng không phải có giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam là có thể làm “nhiều thứ trong một”. Đại tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM giải thích: Việt kiều đang định cư tại nước ngoài, đã nhập quốc tịch nước sở tại hoặc chưa nhập quốc tịch nước sở tại (có thẻ xanh, thẻ trắng…) mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, ra vào Việt Nam bằng hộ chiếu Việt Nam thì được nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú nếu đủ điều kiện (về nhà ở, về quan hệ gia đình hoặc thời hạn tạm trú, trực tiếp đi làm thủ tục…). Việt kiều nhập hộ khẩu còn được cấp chứng minh nhân dân như công dân trong nước. Nếu nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài thì không được hưởng ưu đãi này. 
Thượng tá Trần Văn Trình, Phó trưởng Công an quận Tân Bình (TP.HCM) xác nhận: “Việt kiều xin nhập hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân thì thủ tục cũng đơn giản, đủ điều kiện là chúng tôi cấp. Đặc biệt phải có giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam và phải trực tiếp đến công an quận nộp hồ sơ, chúng tôi sẽ giải quyết cho nhập hộ khẩu đồng thời cấp chứng minh nhân dân luôn”. 
Tại quận Tân Bình, công an quận này đã giải quyết nhiều trường hợp nhập hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân cho Việt kiều. Trong đó không chỉ có người già mà có rất nhiều người trẻ thất nghiệp ở nước ngoài nên về nước nhập hộ khẩu, xin cấp chứng minh nhân dân để đi làm. Họ vẫn là công dân Việt Nam đồng thời là công dân nước ngoài (hai quốc tịch). Đây là thay đổi lớn từ Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn mang lại.
Lợi dụng cơ chế này, một số Việt kiều đã lách luật bằng cách nhập khẩu một ô tô hạng sang theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương được miễn thuế nhập khẩu rồi về nước bán lại cho người khác lấy lời. Số tiền né thuế đối với một siêu xe có thể lên tới hàng tỉ đồng.
Vừa qua, Cục Hải quan một số tỉnh, thành phố đã ách hồ sơ ô tô nhập khẩu của nhiều Việt kiều để tránh tình trạng trốn thuế nhập khẩu. Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức có văn bản hướng dẫn xử phạt đồng thời buộc tái xuất ô tô diện này. Nếu Việt kiều ở nước ngoài nhiều hơn ở Việt Nam (dù ở Việt Nam họ có hộ khẩu đi chăng nữa) thì cũng không được xem là Việt kiều hồi hương để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu tài sản di chuyển. Việt kiều phải có quyết định cho hồi hương thì mới được đem theo một ô tô về nước diện miễn thuế. 
Việt kiều sắp hết hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam
Theo Điều 18 Nghị định 78/2009/NĐ-CP, Việt kiều chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1.7.2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 1.7.2014. Hết thời hạn này, những đối tượng trên nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam, nếu muốn có quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Minh Trí
(Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hải Quan)