THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 April 2013

Góp ý Hiến pháp qua cái nhìn của một chuyên gia nước ngoài




Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
Góp ý hiến pháp qua cái nhìn của một chuyên gia nước ngoài
(13:31)

Jonanthan London là một nhà xã hội học, chuyên về phát triển so sánh, các vấn đề an sinh xã hội, hiện giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế và châu Á, Đại học Hồng Kông và cũng là thành viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của đại học này.
Ông đã nghiên cứu về Việt Nam từ 20 năm qua, đã tham gia các công trình nghiên cứu của các tổ chức Việt Nam và quốc tế và đã từng sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm, cho nên nói tiếng Việt gần như là người Việt chính gốc. Trên trang mạng New Mandala, chuyên về phân tích tình hình Đông Nam Á, ngày 18/03 vừa qua, giáo sư London đã đăng một bài viết nhan đề « Impatience in Vietnam » ( Nỗi sốt ruột ở Việt Nam ), đưa ra một số nhận xét về phong trào góp ý sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam.
Với tình cảm chân thành dành cho Việt Nam, giáo sư Jonathan London đã nhận trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt với RFI về vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992.
RFI: Thưa ông Jonathan London, ông có nhận xét thế nào về phong trào góp ý Hiến pháp hiện nay? Phải chăng là giới lãnh đạo Việt Nam đang mất sự kiểm soát trên vấn đề góp ý Hiến pháp?
GS Jonathan London: Đánh giá liệu chính quyền Việt Nam có đã mất sự kiểm soát trên tiến trình đóng góp ý kiến Hiến pháp là một vấn đề hết sức tế nhị, nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn là họ đã mất sự kiểm soát về vấn đề góp ý Hiến pháp rồi. Ai mà không công nhận điều đó là không nói thật.
Câu hỏi đặt ra là họ đã mất kiểm soát đến mức độ nào và họ có thể khôi phục sự kiểm soát này như thế nào, cũng như điều đó sẻ ảnh hưởng ra sao đến tình hình chính trị ở Việt Nam trong thời gian tới. Khó đánh giá điều này vì việc góp ý Hiến pháp đang diễn ra trên nhiều quy mô khác nhau ở Việt Nam.
Hiện giờ Nhà nước đang áp dụng các biện pháp, như yêu cầu người dân cam kết ủng hộ Hiến pháp sửa đổi. Nhưng trong khi đó cũng có hiện trạng là hàng ngàn người ký các kiến nghị, tuyên bố, đòi dân chủ tự do.
Tóm lại, đúng là Nhà nước đã mất sự kiểm soát, nhưng chưa biết đến mức độ nào và chưa rõ ảnh hưởng sẽ ra sao đến nền chính trị Việt Nam trong những năm tới.
RFI: Liệu phong trào góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp có sẽ dẫn đến dân chủ hóa phần nào chế độ chính trị Việt Nam?
GS Jonathan London: Tôi có thể trả lời nhiều cách khác nhau. Trên một mức độ nào đó, chẳng hạn Hiến pháp Việt Nam có nói tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được tự do thông tin, tự do hội họp, lập hội, … Nhưng trên thực tế ai cũng biết là những quyền tự do này ở Việt Nam rất là hạn hẹp.
Phong trào cải cách Hiến pháp ở Việt Nam đã thật sự mở rộng phạm vi tranh luận về chính trị ở Việt Nam, góp phần mở rộng tự do ngôn luận ở Việt Nam và trên mạng thì cũng có mở rộng tự do báo chí, tuy rằng trên báo chí chính thức vẫn chưa có điều này.
Những thay đổi này đã rất là đáng kể rồi, vì từ trước đến nay chưa bao giờ thấy những tranh luận chính trị như thế này ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù chúng ta chưa biết là kết quả của phong trào góp ý sửa đổi Hiến pháp sẽ như thế nào. Rất rõ ràng là phong trào này đã mở rộng phạm vi tranh luận ở Việt Nam và không khí tranh luận thật sự sôi nổi.
Hiện nay ở Việt Nam có một số người đưa ý kiến là Hiến pháp phải như thế này mới được, nhưng cách duy nhất để xem đề nghị của họ có được sự ủng hộ của dân chúng đó là hỏi chính người dân để họ có thể thực hiện quyền phúc quyết của họ.
Hiện nay ở Việt Nam đã có một số người đưa ý kiến rằng Hiến pháp phải như thế này mới được, nhưng cách duy nhất để xem đề nghị đó có được người dân ủng hộ hay không là hỏi chính người dân, để họ thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp
RFI: Trong việc sửa đổi Hiến pháp, ngoài việc bảo vệ Điều 4, chế độ Hà Nội vẫn dứt khoát chống lại việc phi chính trị hóa quân đội? Ông có nhận định thế nào về điều này?
GS Jonathan London: Trả lời câu hỏi này rất đơn giản, bởi vì ở nước nào quân đội cũng vẫn là một loại bảo hiểm cho sự tồn tại của chế độ, bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng. Ở các nước dân chủ cũng thế thôi. Chỉ có sự khác biệt là ở các nước dân chủ người dân thật sự có quyền chọn chính phủ của mình một cách thường xuyên và Hiến pháp bảo đảm điều đó. Quân đội ở những nước dân không phải là công cụ để bảo vệ quyền của bất cứ đảng phái nào.
RFI: Nhưng nguy cơ đối với chế độ Việt Nam phải chăng đến từ khủng hoảng kinh tế hơn là những đòi hỏi dân chủ của người dân?
GS Jonathan London: Tôi nghĩ hai vấn đề này lồng ghép với nhau. Từ thời Lê Duẩn và trước đó, nhiều người Việt Nam, kể cả những người trong bộ máy Nhà nước và Đảng, đều mong muốn một Hiến pháp và một xã hội cởi mở hơn. Đọc tác phẩm “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, chúng ta thấy điều đó rất rõ.
Nhưng trên thế giới có nhiều người nhận xét, nếu có sự tăng trưởng kinh tế thì không có vấn đề gì về chính trị, vì những người lãnh đạo trong những nước có tăng trưởng kinh tế có được cái gọi là “tính chính đáng về thành quả “ ( performance legitimacy ).
Ở Việt Nam, trong khoảng hai thập kỷ, nhờ có tăng trưởng kinh tế cao, cho nên đã giải tỏa được những áp lực về những bất cập chính trị. Nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, trong đó có tác động khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài và những vấn đề trong nước có tác động xấu đến tính chính đáng về thành quả của chế độ và đến an sinh xã hội.
Theo nhận thức của nhiều người, kể cả những người trong bộ máy Nhà nước, một phần đáng kể những vấn đề đó là do quản lý kinh tế kém cõi, do hành vi của một số lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo công ty, kể cả lãnh đạo Nhà nước. Còn phải kể những vấn đề tham nhũng, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình,…
Trong bối cảnh bức xúc này, khi có cơ hội góp ý Hiến pháp, người dân rất khó mà giữ im lặng. Bước đầu là nhóm 72 học giả danh tiếng đã đứng lên, tiếp theo là hàng ngàn người hưởng ứng họ và sau đó là đóng góp của Nguyễn Đắc Kiên, đã có tác động bùng nổ.
Ai cũng biết Việt Nam có tiềm năng rất to lớn, vấn đề không phải là cá nhân lãnh đạo này hay cá nhân lãnh đạo kia, mà vấn đề là thể chế của Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu của Việt Nam. Vấn đề là nên cải cách thể chế của Việt Nam như thế nào và đây là sự tranh luận mà Việt Nam vừa bước vào do quá trình góp ý Hiến pháp.
Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức có lịch sử lâu dài, tự hào với truyền thống của mình, nhưng nay họ phải chọn lựa hai con đường: giữ nguyên trạng hay chấp nhận cải cách sâu rộng.
Là một người đã quan sát xã hội Việt Nam qua hai thập niên, tôi thấy giai đoạn mà Việt Nam đang trải qua hiện nay rất là thú vị và rất đáng kể trong lịch sử Việt Nam. Chẳng ai biết kết quả sẽ ra sao, nhưng chắc chắn là Việt Nam trong những tháng vừa qua đã có một số thay đổi rất lớn.
RFI: Xin cám ơn Giáo sư Jonathan London.
Là một tổ chức của Anh quốc chuyên đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận trên thế giới, tổ chức Điều 19 cũng rất quan tâm đến vấn đề góp ý Hiến pháp ở Việt Nam.
Tổ chức này lấy tên từ Điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế: “ Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm quyền tự do duy trì quan điểm mà không bị can thiệp vào và quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá thông tin và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.”
Ngày 25/02 vừa qua, tổ chức Điều 19 đã đăng trên mạng một tuyên bố, tựa đề ” Vietnam: Proposed Constitutional Amendments Go Against International Law” ( Việt Nam: Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp đi ngược lại luật quốc tế ), với nhận định chung rằng, những điểm được đề nghị cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không đủ để bảo vệ các quyền căn bản của con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và thông tin.
Tổ chức Điều 19 hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam sửa đổi Hiến pháp và phổ biến rộng rãi bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân. Tổ chức này xem đây là cơ hội để họ đóng góp những phân tích về sửa đổi Hiến pháp Việt Nam và hy vọng đây sẽ là cách để giúp chính phủ Việt Nam hiểu rõ hơn những nghĩa vụ của nước này chiếu theo luật quốc tế về nhân quyền.
Trước hết, tổ chức Điều 19 nêu lên một số điểm mà họ cho là tích cực trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là lời mở đầu khẳng định sự “tôn trọng và bảo đảm quyền con người, phát huy dân chủ, một chính phủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Chương 2 cũng khẳng định là “quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”
Nhưng theo tổ chức Điều 19, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã không nêu rõ quy chế pháp lý của các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn và Việt Nam có nghĩa vụ phải thi hành thông qua luật quốc gia. Điều 19 nhắc lại Việt Nam là nước thành viên Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, công ước bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin.
Theo nhận định của tổ chức Điều 19, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ bảo vệ rất hạn chế các quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, vì Điều 26 viết : “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Tổ chức Điều 19 sợ rằng có quá nhiều quyền được nêu lên trong một điều khoản, cho nên họ đề nghị là phải tách việc bảo vệ các quyền đó ra thành từng phần riêng.
Tổ chức Điều 19 đề nghị là mỗi quyền tự do nói trên phải được bảo đảm cho tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc. Họ cũng cho rằng quyền tự do bày tỏ chính kiến phải được bảo vệ mà không có một sự hạn chế nào. Mặt khác, quyền tự do ngôn luận phải bao gồm quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá thông tin.
Tổ chức Điều 19 cũng đề nghị là quyền tự do báo chí phải được định nghĩa một cách toàn diện hơn, tức là phải bao gồm việc bảo vệ tính độc lập và tự do của truyền thông, bảo đảm tính độc lập về biên tập, bảo vệ quyền của phóng viên bảo mật nguồn tin, bảo đảm tính độc lập và đa nguyên của hệ thống phát thanh truyền hình. . . Cũng theo tổ chức Điều 19, quyền tự do lập hội phải bao gồm quyền thành lập các công đoàn độc lập.
Tổ chức Điều 19 cũng nhận thấy là trong dự thảo Hiến pháp có quá nhiều hạn chế đối với toàn bộ các quyền được nêu lên trong chương 2 và như vậy là không đúng với tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn như Điều 15 ghi rằng quyền con người, quyền công dân “ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.”. Đìều 16 lại ghi thêm; ” Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.” Theo tổ chức Điều 19, khái niệm “ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.” quá mơ hồ và không tương hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong phần kết luận, tổ chức Điều 19 nhấn mạnh rằng sửa đổi Hiến pháp Việt Nam phải là cơ hội để củng cố các quyền căn bản của con người hơn là để hạn chế những quyền đó. Cho nên, tổ chức này kêu gọi Quốc hội Việt Nam xem xét các khuyến cáo của họ, để bảo đảm cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do ngôn luận và thông tin.
Theo RFI


Các con số về thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc không khớp nhau




Các phẫu thuật viên ghép tạng của Mỹ nói rằng cần có nhiều nhận thức hơn nữa về việc lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc.  Tổ chức y tế Các bác sĩ Chống lại Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức đã tổ chức một diễn đàn hôm thứ Năm tại Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Pittsburgh.  Họ đã trình bày những phát hiện về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng được nhà nước cho phép ở Trung Quốc.



Các con số về thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc không khớp nhau 
Dana Churchill, Đại diện Tổ chức y tế Các bác sĩ Chống lại Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, nói:
“Ethan Gutmann, một nhà báo và một tác giả nổi tiếng ước tính rằng đã có hơn 65.000 người tập Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giết chết để lấy nội tạng.”
Pháp Luân Công là một môn tập luyện tinh thần Trung Quốc.  Từ năm 1999, chế độ cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch đàn áp đối với những người tập môn này.  Năm 2006, có những cáo buộc nổi lên rằng các học viên Pháp Luân Công bị giam trong tù và trại lao động đang bị giết chết để lấy nội tạng.
Nguyên Nghị sĩ Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas là những người đầu tiên tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về những cáo buộc này.  Họ đã phát hiện ra một sự khác biệt lớn giữa việc tăng đột ngột các ca ghép tạng ở Trung Quốc từ năm 1999 và thiếu sự giải thích chính thức về nguồn gốc của tạng được dùng.  Họ kết luận rằng các bệnh viện của nhà nước ở Trung Quốc trên thực tế đang dùng các học viên Pháp Luân Công và những tù nhân lương tâm khác làm nguồn tạng.
Christopher Hughes, Bác sĩ, Giám đốc Phẫu thuật ghép gan, Trung tâm Y khoa Đại học Pittsburgh, nói:
“Như ông Matas nói, những con số không khớp nhau, những nội tạng này phải đến từ đâu đó, và cần phải xác định nguồn gốc của chúng, và tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế cần phải hiểu là những tạng này đến từ đâu.”
Viện ghép tạng Thomas E. Starzl thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Pittsburgh là nơi tiên phong trong ngành ghép tạng.  Viện này đào tạo cho các phẫu thuật viên đến từ khắp nơi trên thế giới, gồm cả Trung Quốc.
Nicholas Solic, cựu nhân viên, Sở Y tế Hạt Allegheny, Pennsylvania, nói:
“Phải có một hiểu biết chung rằng rất nhiều phẫu thuật viên mà họ đang đào tạo, hoặc việc đào tạo của họ cả ở đây và ở Trung Quốc, hẳn là có liên quan đến việc [thu hoạch nội tạng] này.”
BS. Christopher Hughes nói rằng Trung tâm Y khoa Đại học Pittsburgh sẽ thảo luận về cách xử lý với các phẫu thuật viên đến từ Trung Quốc.
Henkie P. Tan, Bác sĩ Ghép tạng, Đại học Pittsburgh, nói:
“Tất cả mọi người, bất cứ vị trí ghép tạng nào, bất cứ nhân viên ghép tạng nào, cũng phản đối việc này.  Nhẽ ra việc này không bao giờ được diễn ra, chúng tôi ngạc nhiên rằng nó đang diễn ra, không còn nghi ngờ gì nữa, nó không nên diễn ra. Nó phải dừng lại.”
Chính quyền Trung Quốc công khai thừa nhận là họ sử dụng các tử tù làm nguồn tạng, nhưng đã phủ nhận việc dùng các tù nhân lương tâm.  Tuy nhiên, chính quyền này cho đến nay vẫn chưa bác lại những bằng chứng cụ thể được nêu lên trong những bản báo cáo của hai ông Kilgour và Matas.
Theo NTDTV

Chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản



Nhớ, năm 1978, lúc đang học năm thứ ba ở trường Đại học Sư phạm, tôi và các bạn trong lớp đi thực tập ở trường cấp 3 Tân Lý Tây thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đó là một xã nhỏ, chưa tới mười ngàn dân, lúc ấy còn khá nghèo, hầu hết các nhà vệ sinh đều nằm chênh vênh trên các hồ cá tra. Thấy sinh viên từ thành phố về, dân chúng có vẻ rất vui. Ủy ban nhân dân xã tổ chức một buổi tiếp đón khá nồng hậu ngay trong buổi tối đầu tiên lúc chúng tôi mới đến. Chủ tịch xã đứng lên phát biểu. Ông là một nông dân, có lẽ, trước 1975, vốn là du kích. Đứng trước hơn 100 đứa sinh viên, ông không giấu được sự lúng túng, nói năng cứ lấp vấp, lập bập, không đầu không đuôi gì cả. Nội dung chính vẫn là ca ngợi tính chất ưu việt của chế độ mới, những điều có lẽ ông nghe được trong các buổi học tập chính trị hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng vui nhất là, để nhấn mạnh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, ông cứ lặp đi lặp lại là “chúng ta không giống bọn Mác-xít độc tài và tàn bạo giết hại cả hàng triệu người”. Bọn chúng tôi biết là ông nhầm giữa Mác-xít và Phát-xít. Nhưng không đứa nào dám cười. Chỉ sau đó, mấy đứa miền Nam mới thì thầm với nhau: “Thì Mác-xít hay Phát-xít cũng vậy thôi!”
Chuyện cũ, cách đây đã hơn 35 năm, tưởng đã quên, bỗng dưng lại sống dậy khi mới đây, tình cờ đọc lại cuốn Intellectuals and Society (Basic Books, 2011) của Thomas Sowell, tôi bắt gặp một đoạn Sowell so sánh chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít (bao gồm cả Nazism) ở Đức. Một bên được xem là cực tả và một bên được xem là cực hữu; hai bên lúc nào cũng kết tội nhau và muốn tiêu diệt nhau (với Cộng sản, chủ nghĩa Phát-xít là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc; với Hitler, Cộng sản và Do Thái là hai kẻ thù chính), nhưng theo Sowell, giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít có rất ít sự khác biệt, trừ trong lãnh vực tu từ. Những người Phát-xít, từ Ý đến Đức, đều công khai tuyên bố theo chủ nghĩa dân tộc; những người Cộng sản, trên lý thuyết, biểu dương chủ nghĩa quốc tế, nhưng trên thực tế, vẫn luôn luôn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, cũng đều nhắm, trước hết, đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc của họ. Và cả hai đều là những chế độ độc tài vô cùng tàn bạo. (tr. 99-101)
Một nhận xét tương tự được Vladimir Tismaneanu phân tích kỹ lưỡng hơn trong cuốn The Devil in History do University of California Press xuất bản năm 2012. Cái được gọi là “quỷ dữ” (devil) ấy được Tismaneanu nêu đích danh: chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít. Cả hai đều gắn liền với những quan điểm không tưởng về tương lai. Cả hai đều muốn chống lại các giá trị của giai cấp trưởng giả và dân chủ tự do. Cả hai đều muốn làm cách mạng triệt để bằng cách xóa bỏ truyền thống để xây dựng một hệ thống chính trị, xã hội và văn hóa hoàn toàn mới; nhưng khi làm như vậy, cả hai đều xóa nhòa ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu. Cả hai đều nhân danh tinh thần nhân đạo nhưng lại biến con người thành những con số để tha hồ giết chết hoặc đày đọa họ mà không hề có chút áy náy nào cả. Cả hai đều đề cao bạo động, một bên là tác giả của Gulags và một bên của Auschwitz, đều chiếm kỷ lục về tội sát nhân và diệt chủng: Trong hơn mười năm (1933-1945), chủ nghĩa Phát-xít giết hại khoảng 25 triệu người và trong vòng hơn 70 năm (1917-1990), chủ nghĩa Cộng sản giết hại khoảng từ 80 đến 100 triệu người.
Nhận xét ấy cũng được hai sử gia, một người Pháp và một người Đức, Francois Furet và Ernst Nolte, phân tích trong cuốn Fascism and Communism (University of Nebraska Press, 2004)Nó cũng lại được mổ xẻ trong cuốn Fascism, Communism and the Consolidation of Democracy: A Comparison of European Dictatorships do Gerhard Besier biên tập (LIT Verlag, 2006), cuốn Lenin, Stalin and Hitler: The Age of Social Catastrophe của Robert Gellately (Vintage, 2008); quan trọng nhất, trong cuốn The Origins of Totalitarianism của Hannah Arendt (được xuất bản lần đầu từ năm 1951), trong đó, ở phần ba, bà tập trung chủ yếu vào hai hiện tượng: chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít. Tất cả, từ nhiều góc độ khác nhau, hoặc chính trị hoặc lịch sử hoặc ý thức hệ, đều đi đến kết luận giống nhau: cả chủ nghĩa Phát-xít lẫn chủ nghĩa Cộng sản đều, nói theo Richard Overy, “nhà nước của sự khiếp hãi” hay “nhà nước của khủng bố” (states of terror), theo Eduard Kuznetsov và Dorin Tudoran, một “nền văn minh tội phạm” (criminal civilization), hoặc nói theo Leszek Kolakowski, một triết gia người Ba Lan, là sự đầu thai của quỷ dữ trong lịch sử, “một con quỷ sáng chế ra những nhà nước ý thức hệ (ideological states), nghĩa là, thứ nhà nước tự cho tính chính đáng của nó được đặt trên sự kiện là chủ nhân của nó cũng đồng thời là chủ nhân của chân lý. Nếu bạn chống lại nhà nước hay hệ thống nhà nước ấy, bạn sẽ bị xem là kẻ thù của chân lý.” (Dẫn theo Vladimir Tismaneanu, tr. 2-3, 11 & 26).
Về phương diện luật pháp, năm 2010, Quốc hội Hungary thông qua đạo luật cấm phủ nhận tội ác diệt chủng ở Holocaust của Nazi, sau đó, lại thông qua đạo luật cấm phủ nhận các tội ác của chủ nghĩa Cộng sản: Những người vi phạm, hoặc bằng cách phủ nhận hoặc bằng cách nghi vấn các tội ác ấy, có thể bị phạt từ một đến ba năm tù. Với Quốc Hội Hungary, tội ác của chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản ngang nhau.
Theo Timothy Snyder, việc so sánh chủ nghĩa Nazi (một biến thể của chủ nghĩa Phát-xít tại Đức) và chủ nghĩa Stalin (một hình ảnh tiêu biểu của chủ nghĩa Cộng sản) là điều cần thiết: Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn không những về hai hiện tượng khủng khiếp nhất của thế kỷ 20 mà còn về thời đại của chúng ta và kể cả bản thân chúng ta nữa. (Như trên, tr. 19)
Đó là thời đại, nói theo Nietzsche, “Thượng đế đã chết” và con người muốn thay thế Thượng đế để xây dựng những “thành phố của Thượng đế” (city of Gods) ngay trên trần gian này. Họ muốn thay đổi lịch sử, một bên, với giai cấp, một bên với chủng tộc. Họ sùng bái lãnh tụ, và bằng mọi cách, biến lãnh tụ thành thần linh, qua đó, biến đảng phái thành một thứ tôn giáo mới và xây dựng một chế độ toàn trị, khống chế toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của con người. Họ muốn thay đổi cả bản chất của con người bằng các biện pháp tuyên tuyền, nhồi sọ và khủng bố. Bất kể ngôn ngữ hay ho họ thường sử dụng, những “con người mới” họ muốn sản xuất chỉ là những công cụ mù quáng chỉ biết vâng dạ trước lãnh tụ và vì lãnh tụ, sẵn sàng giết người, kể cả đồng bào và người thân của mình, một cách không gớm tay.
Đó là thời đại của khoa học và kỹ thuật, của văn minh và tiến bộ vượt bậc, của lý trí và của rất nhiều lý tưởng nhưng đồng thời cũng là một thời đại của sự cuồng tín và mê tín, của sự thắng thế của thứ lý trí công cụ (instrumental reason) trên lý trí phê phán (critical reason), của sự độc tôn của sức mạnh và bạo lực. Hậu quả cuối cùng của tất cả những nghịch lý ấy là cả hàng trăm triệu người bị giết chết.
Dĩ nhiên, giữa chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản có không ít khác biệt. Chủ nghĩa Phát-xít chỉ xây dựng sức mạnh trên một người, người-được-thần-thánh-hóa (ở Đức là Adolf Hitler; ở Ý là Benito Mussolini); chủ nghĩa Cộng sản xây dựng sức mạnh trên cả việc thần thánh hóa lãnh tụ lẫn việc thiêng liêng hóa đảng phái, như một thứ thiên mệnh. Chủ nghĩa Phát-xít đề cao chủ nghĩa dân tộc trong khi chủ nghĩa Cộng sản lại đề cao chủ nghĩa quốc tế và sử dụng chủ nghĩa quốc tế để phục vụ cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Hệ thống tuyên truyền của Cộng sản tinh vi và khôn khéo hơn Phát-xít: Trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ đề cao thù hận, chủ nghĩa Cộng sản đề cao tình yêu và nhân danh tình yêu, kích động thù hận; trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ nói đến việc trả thù, chủ nghĩa Cộng sản nhấn mạnh việc giải phóng, dù để đạt được mục tiêu giải phóng, họ sử dụng chuyên chính vô sản để trả thù. Cộng sản cũng có nhiều tham vọng hơn Phát-xít: Trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ muốn quản lý hành động của con người, chủ nghĩa Cộng sản muốn quản lý cả tư tưởng và tình cảm thầm kín nhất của con người. Hậu quả là Cộng sản đa nghi hơn Phát-xít: Phát-xít thường chỉ giết những người bị họ xem là kẻ thù chứ hiếm khi thanh trừng trong nội bộ; Cộng sản, đặc biệt Cộng sản ở Nga dưới thời Stalin, vừa tàn sát kẻ thù vừa tàn sát các đồng chí của mình.
Đằng sau chủ nghĩa Phát-xít chỉ có vài tín lý đơn giản như một thứ tín ngưỡng dân gian; đằng sau chủ nghĩa Cộng sản là cả một hệ thống triết học phức tạp đủ để mê hoặc giới trí thức và văn nghệ sĩ: Hệ quả là có một thứ văn học nghệ thuật Cộng sản chứ không có thứ văn học nghệ thuật Phát-xít. Tuy nhiên, sự tồn tại của thứ văn học nghệ thuật Cộng sản không phải là một điều tốt: nó chỉ gieo rắc sự mê tín và cuồng tín, dung dưỡng các ảo tưởng, và cuối cùng, kéo dài thảm họa: Trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ kéo dài hơn một thập niên, chủ nghĩa Cộng sản kéo đến hơn bảy thập niên; trong khi hầu như mọi người đều nhận ra tội ác của chủ nghĩa Phát-xít, không ít người vẫn còn ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng sản; trong khi chủ nghĩa Phát-xít đã trở thành quá khứ, chủ nghĩa Cộng sản vẫn ở trong thì hiện tại, ít nhất là ở năm nước: Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam.
Chữ “Việt Nam”, xuất hiện trong ngữ cảnh ấy, quả là một điều đau đớn.
Lý do chính khiến tôi viết bài này là vì tôi biết, ở Việt Nam hiện nay, có không ít người, kể cả trong giới trí thức, chưa nhận ra chủ nghĩa Cộng sản, tự bản chất, rất gần với chủ nghĩa Phát-xít, điều mà họ luôn luôn nguyền rủa.
Nguyễn Hưng Quốc – Theo VOA

VIDEO - Cảnh sát cơ động Thái Nguyên bắt dân quỳ tát vào mặt 7/4/2013








Ngày  7/4/2013, Cảnh sát cơ động Thái Nguyên đã chận xe gắn máy BKS 20-H1 066.05.  Người chạy xe vi phạm lỗi chở 3 và không đội mũ bảo hiểm.

Theo phản ánh của người dân,   Cảnh sát cơ động Thái Nguyên đã đánh, tát, túm cổ áo người vi phạm, và bắt cả 3 người quỳ xuống đường xin lỗi.  Mỗi người bị bắt quỳ quay mặt hướng qua các góc khác nhau.

Mặc dù video được quay từ xa nhưng ở giây thứ 6 có thể thấy rõ đồng chí CSCĐ vung đà lấy sức giáng cái tát vào mặt nạn nhân đang quỳ gối.

Sau đó mặc cho người vi phạm lạy lục và người dân phản ứng, CSCĐ vẫn không cho nạn nhân đứng lên vì:
“ĐÂY LÀ VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG”

Sau khi phát hiện bị ghi hình, 1 đồng chí CSCĐ đã can thiệp để giật lấy clip.

Người dân bất bình tập trung phản ứng quyết liệt, CSCĐ  Thái Nguyên đã gọi phone yêu cầu bổ sung lực lượng hỗ trợ.


nạn nhân quỳ lạy

congan-thainguyen-quygoi6
giây thứ 6, đồng chí CSCĐ vung đà lấy sức giáng cái tát vào mặt nạn nhân đang quỳ gối.

Cán bộ cấp cao nhà nước cũng phàn nàn về “Sorry Airline”



Nhắc đến Vietnam Airline (VNA), hẳn nhiều người sẽ mỉm cười nghĩ đến diễn viên hài Công Lý với “Bài ca Sorry Airline” nổi tiếng.
Người khác sẽ thở dài trước những chướng tai gai mắt. Hoặc tệ hơn, sẽ chửi thề
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu hôm 4/4/2013 bất ngờ ký một công văn gửi VNA và một số Hãng Hàng không khác yêu cầu “chấn chỉnh thái độ và chất lượng phục vụ hành khách trên các chuyến bay và tại các Cảng Hàng không”.
Công văn này có nhắc tới “chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên Hàng không trên một số chuyến bay và tình trạng hủy chuyến bay..”, dù là trong phòng khách VIP.
Có lẽ là không vô tình, công văn không nêu đích danh, nhưng nhắc tới “kể cả một số hành khách là khách ưu tiên và cán bộ cấp cao Nhà nước”.
Nhắc đến VNA, hẳn nhiều người sẽ mỉm cười nghĩ đến diễn viên hài Công Lý với “Bài ca Sorry Airline” nổi tiếng. Người khác sẽ thở dài trước những trướng tai gai mắt.
Hoặc tệ hơn, sẽ chửi thề.
Người cần phải cảm ơn, không phải là Thứ trưởng Tiêu, khi cái công văn chấn chỉnh này giờ là quá chậm trễ, và cũng chẳng ai tin là văn hóa sẽ được tạo lập luôn và ngay chỉ sau một mệnh lệnh hành chính chung chung.
Người cần cảm ơn chính là vị “Cán bộ Cao cấp Nhà nước” nào đó, khi ông bị đối xử và có phản ứng về những điều người dân vẫn bị đối xử và không bao giờ dám phản ứng, nếu không muốn bị gô cổ, phạt tiền, thậm chí, bị “cấm bay”.
Nếu bạn không nhớ, thì xin nhắc lại, người từng bị còng tay như tội phạm là một HLV tuyển Taekwondo Quốc gia chứ không phải diện quần thoa, hay thư sinh trói gà không chặt như đa số “khách bị hành”.
Hồi đầu năm 2011, sau vụ còng tay, cư dân mạng đã sáng tác ra một nội quy mới, dành cho khách hàng của “Hãng Sorry Airline”, đến giờ vẫn là câu chuyện cười ra nước mắt:
1. Khi bạn không gọi đồ ăn, nếu Tiếp viên mang đến cho bạn, bạn bắt buộc phải ăn vì nếu không sẽ bị khép vào tội “Dám bật lại Tiếp viên”.
2. Khi hành khác đã lên máy bay nếu muốn xuống phải được sự đồng ý của Tiếp viên, nếu không sẽ phải xuống theo phương song song với mặt đất.
3. Khi hành khách trọn đời không muốn bay với Sorry Airline, hãy lên báo và có ý kiến “góp ý, xây dựng”.
4. Đừng bao giờ cố gắng tranh cãi với Sorry Airline, hoặc bạn sai hoặc Sorry Airline luôn đúng.
5. 80% tiếp viên của Sorry Airline là bất lịch sự, 20% còn lại thì không biết “lịch sự” nghĩa là gì.
6. Nếu bạn bay với Sorry Airline và chuyến bay của bạn đến sân bay đích đúng giờ, bạn nên xem lại đồng hồ, có thể bạn đã bị trễ chuyến 24 tiếng.
Thưa thứ trưởng Tiêu, những điều ông hôm nay ra công văn chấn chỉnh đã ít nhất tồn tại từ bấy giờ.
Lê la sân bay đã trở thành “Chuyện thường ngày ở huyện”.
18% số chuyến bay bị chậm, hủy. 540 chuyến bay phải “sorry” chỉ trong mấy ngày tết. Và, với một giọng dịu dàng nhất, chúng ta được giải thích là do “Lỗi kỹ thuật”.
Xin lỗi là một hành vi văn hóa, đáng được trân trọng, nhưng một lời xin lỗi sáo rỗng, với một lý do nhạt toẹt “sự cố kỹ thuật” nói đi nói lại cả vạn lần, tạo ra sự bất bình, ức chế đến nỗi người ta gán luôn cho hàng hàng không là “Sorry Airline” thì nói thật, đó không còn là văn hóa nữa.
Êm ái quá, êm ái đến phát sởn da gà. Cười nhạt quá, lạnh quá, đôi khi nó giống với việc nhe răng.
Liệu có văn hóa nào tạo lập trên sự độc quyền?..
Có người nói lối hành xử của ngành Hàng không y như ngành điện, lơ mơ là cắt điện liền, không nói nhiều.
Và lối hành xử đó chỉ có thể tồn tại khi khách hàng của những ngành này không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác.
Trong những lời đàm tiếu về “Sorry Airlines”, có những điều hoàn toàn nghiêm túc: “Từ Sorry Airlines, Hiệp hội Hàng không thế giới đưa ra định nghĩa mới về hãng Hãng không mẫu mực như sau: “Một hãng Hàng không mẫu mực là hãng hàng không biết tha thứ cho khách hàng khi… chính họ sai”; “Sorry Airline không có thời gian để sửa hình ảnh của mình bởi vì họ quá bận rộn trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước”..
Khi người dân đàm tiếu, diễu nhại, có nghĩa họ không còn tin vào sự nghiêm túc nữa rồi…
Theo Đào Tuấn Blog

Nguồn gốc từ y tá lên thủ tướng



Thăng Long (Danlambao) - Lâu nay bạn đọc thường vẫn hỏi nhau một trong những câu hỏi, mà cho đến gần đây chưa có câu trả lời thỏa đáng, có chăng thì cũng chỉ là những lời đồn thổi khó thuyết phục vì xét ra cũng là thiếu lôgich: Tại sao Nguyễn tấn Dũng, với nhân thân (công khai) có thế nói rằng không có gì nổi bật, nếu như không muốn nói là quá tầm thường, mà lại leo cao, trèo sâu nhanh đến như vậy?.

Hôm nay, Thăng Long tôi xin cùng phân tích với quí vị để trả lời cho câu hỏi nêu trên (mọi người chớ có cho rằng tôi là... thầy bói đấy nhé). Chúng ta cùng ngược lại thời gian cách nay hơn 20 năm, lúc đó không hiểu từ đâu bỗng thấy xuất hiện một tài liệu nặc danh (chỉ đề là: một lão thành cách mạng, biết không còn sống được bao lâu, nên chỉ muốn các đồng chí biết một sự thật mà tôi và một số đồng chí khác đã trực tiếp chứng kiến) câu chuyện như sau: 

Năm 1948 một nữ cán bộ khu chín ra khu bốn cũ (vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh) công tác, có gặp và rồi có tình cảm với đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Sau đó thì nữ đồng chí này có thai, được khoảng trên ba tháng gì đó thì phải nhận nhiệm vụ quay về miền nam tiếp tục công tác rồi sau đó sinh ra một cháu trai. Theo lời dặn của anh Thanh, đặt tên cháu là Nguyễn Tấn Dũng... 

Ảnh - Nguyễn Chí Thanh

Tài liệu vừa trích dẫn, chưa biết đúng-sai thế nào nhưng nó cũng làm dư luận xôn xao một thời gian dài và quả thật, gần như ngay lập tức trên chính trường bỗng xuất hiện một nhân vật lạ hoắc mang tên Nguyễn Tấn Dũng (mà lần lượt "kinh qua" nhiều chức vụ "chuyên trị" làm cấp phó và cấp trưởng nhỏ ở nhiều cơ quan khác nhau... rồi bây giờ đang là thủ tướng nhiệm kỳ hai). 

Xâu chuỗi các sự kiện, người ta đặt ra câu hỏi: ông Nguyễn Chí Thanh đã chết từ rất lâu rồi, lại không thể đủ uy tín và tầm cỡ như ông Hồ (ám chỉ trường hợp Nông Đức Mạnh). Hơn nữa vào thời điểm đó dù Nguyễn Chí Vịnh có ra tay giúp người anh cùng cha khác mẹ (tạm cho là như vậy) thì cũng khó thuyết phục, bởi vì lúc đó Vịnh cũng "chưa là cái gì" cả dù y có là trùm tổng cục 2, vì bên trên toàn là loại"cây đa cây đề", cũng không dễ để y tự tung tự tác như thời gian sau này... 

Vậy thì do đâu mà Dũng lại được cả "tứ trụ triều đình" thời bấy giờ nhất lòng nâng đỡ và ủng hộ đến mức bất thường đến thế? Câu hỏi là quá khó để trả lời thì lại thấy xuất hiện một lời đồn mới là "Nguyễn Tấn Dũng chính là hậu duệ của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tức là thuộc dòng dõi ông Hồ. Lời đồn thổi này quả thực cũng có lý (thiên hạ đem ra để so sánh với trường hợp lên nhanh của Nông Đức Mạnh). Xét về mọi mặt, lời đồn này có thể còn "si nhê" hơn là cho rằng y thuộc dòng dõi Nguyễn Chí Thanh... Nhưng, khi chúng ta bình tĩnh lại mà suy xét thì lại cay đắng nhận ra rằng: Tất cả chỉ là một trong những "quả lừa" mà đảng cộng sản và những kẻ nhân danh nó cho Dân chúng "ăn" liên tục mà thôi!!! 

Bây giờ, chúng ta xét trường hợp cụ Phó bảng trước: Nếu Nguyễn Tấn Dũng là hậu duệ, xét về tuổi tác thì phải là hàng cháu chắt mà cha, con ông Hồ lại đã chết từ rất lâu rồi. Hơn nữa bản thân ông Hồ cũng lại chết trước khi thống nhất đất nước những sáu năm thì làm sao biết được Nguyễn Tấn Dũng là ai để mà "dặn dò" hậu thế nâng đỡ? (trong khi Nông Đức Mạnh thì họ đã biết từ lâu rồi...). Giả sử có người "biết chuyện" báo cáo với trung ương thì liệu có ai tin? Cụ phó bảng trước khi chết cũng không thể biết trước được sau này mình lại có hậu duệ tên là Tấn Dũng để mà viết di chúc hay làm sẵn gia phả? Quả là điều không tưởng nếu như không muốn nói là quá vớ vẩn. Do đó ta hãy loại bỏ trường hợp này, vì nó quá phi lý! 

Vậy còn trường hợp Nguyễn Chí Thanh có phải là cha Nguyễn Tấn Dũng? Ta xét quá trình công tác của ông Thanh thì thấy rằng: Ông Nguyễn Chí Thanh mãi đến sau chiến dịch biên giới 1950 mới vào công tác tại khu bốn cũ (tức là vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Trong khi đó thì ai cũng biết là Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949, thế thì mẹ y có bầu với ai đó chứ làm sao mà đỗ thừa cho ông Thanh được? Sự vô lý còn ở chỗ, ai cũng biết là "Bộ tham mưu" của Việt minh nằm hết ở chiến khu Việt Bắc, chứ đâu có ở khu bốn cũ mà người nữ cán bộ từ mãi tận trong Nam ra đó thì công tác cái nỗi gì? Không lẽ ra chỉ để "gặp" người chưa quen biết rồi đẻ ra Nguyễn tấn Dũng?... Hơn nữa, thời đó thì làm gì đã có nhiều ô tô để cấp riêng cho bà cán bộ đó, dù là có bầu với (ông Thanh); do đó, bà phải đi bộ như những người khác, mà từng ấy cây số, lại đã có bầu trên ba tháng mà phải đi bộ đầy hiểm nguy gian khổ như thế mà bà không đẻ non dọc đường thì mới là chuyện lạ, không lẽ cố mà lết về đến tận Kiên Giang mới chịu cho Nguyễn tấn Dũng chui ra? 


Xét về hình thể, rõ ràng ta thấy rằng ông Nguyễn Chí Thanh là người nhỏ thó. Khuôn mặt và dáng người Nguyễn Chí Vịnh là khá giống cha còn Nguyễn Tấn Dũng lại khác hoàn toàn từ dáng người cho đến khuôn mặt... Từ tất cả những dẫn chứng nêu trên, ta có thể nói rằng Nguyễn Chí Thanh không hề có thằng con nào như thế và việc gán cho ông suy cho cùng cũng chỉ là cái trò "gắp lửa bỏ tay người" để đánh lừa dư luận mà thôi!. 

Vậy thì Nguyễn Tấn Dũng là con ai mà lại lên nhanh đến thế?Kẻ đó chính là "Thái thượng hoàng" Lê Đức Anh. Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước tuy chỉ làm chủ tịch nước nhưng lại được đàn anh là Lê Đức Thọ bảo kê và "dìu dắt" (lúc này Lê Đức Thọ như Thái thượng hoàng) chính y đã ép thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định nâng cấp cục 2 thành tổng cục 2 trực thuộc bộ chính trị, cho theo dõi toàn bộ ban chấp hành trung ương để giúp y nắm gáy mọi người nhằm dễ bề khuynh loát chính trường và thời gian này con đường hoạn lộ của gã con hoang của y cũng thực sự bắt đầu. 

Trước tiên, ta hãy xét quá trình hoạt động của Lê Đức Anh. Không tính thời gian y làm cai đồn điền cho mật thám Pháp thì suốt trong những năm theo Việt Minh chống Pháp cũng như sau này, trước năm 1975 thì chưa bao giờ y ra khỏi vùng gọi là Quân khu 9 (tức là mấy tỉnh cực nam của tổ quốc). Trong đó, dĩ nhiên bao gồm cả vùng đất đã sinh ra và nuôi dưỡng Nguyễn Tấn Dũng! 

Xét về hình tướng thì cha con y rõ ràng có những nét vô cùng tương đồng: cùng cao lớn, khuôn mặt và các chi tiết như mũi, gò má, cằm, trán v.v... Chúng ta đem so sánh hình ảnh chụp công khai của cha, con y thì sẽ tự đối chiếu ra thôi, có khó gì? 


Cho nên đã có nhiều bạn thấy thằng Nguyễn Thanh Nghị rất giống Lê Đức Anh thì cũng không có gì là lạ, vì xưa nay cháu có nét giống ông nội là chuyện thường tình. 

Nói về một điều khá lạ nữa cũng liên quan đến cha, con y là mỗi khi xảy ra một sự việc nào đó, hễ mà thái thượng hoàng cha lên tiếng công khai thì y như rằng được thằng con "chấp hành" ngay còn người khác có là cỡ nào nói thì cũng chẳng "xi nhê" gì (ta lấy ví dụ gần nhất là vụ Tiên Lãng thì thấy rõ liền...). 

Tội ác của cha, con y đối với Dân tộc như đã và đang xảy ra thì rất nhiều người đã biết, nhưng vụ bị mang tiếng với quốc tế vì xâm chiếm Campuchia dẫn đến bị cấm vận trong hơn 10 năm thì có lẽ ít người biết một cách tường tận: "Nếu đánh trả Khơ me đỏ theo cách của Tướng Giáp thì ngày nay làm gì còn Khơ me đỏ để tòa án quốc tế mất thời giờ xét xử!..." Tại sao BBC lại bình luận như vậy? Họ ngồi trong phòng có điều hòa rồi võ đoán chăng? Xin thưa là không, mà là họ nói rất đúng! 

Ảnh - Lê Đức Anh

Trước tiên, chúng ta phải khẳng định rằng việc đánh trả Khơ me đỏ xâm lược và giết hại dã man đồng bào ta là đúng! Vấn đề là ở cách đánh như thế nào.? Chúng ta đều đã biết là sau năm 1975 Quân đội VNCH đã để lại gần như nguyên vẹn mọi khí tài thuộc tất cả các quân binh chủng Hải-Lục-Không quân... Ta dùng trực thăng vận đổ quân bao vây toàn bộ biên giới Thái Lan-Campuchia, phía biển dùng tàu chiến các loại & tàu đổ bộ bao vây toàn bộ các hải cảng (ví dụ cảng sihanucvin...) Dùng bộ binh, tăng, thiết giáp, pháo binh tấn công dọc biên giới VN-Campuchia và Lào - Campuchia vậy thử hỏi Khơ me đỏ nếu không đầu hàng thì chạy đi đâu? Đó chính là cách đánh của Tướng Võ Nguyên Giáp mà BBC đã bình luận ở trên! Vậy mà tiếc thay, tập đoàn Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Văn Tiến Dũng không những không nghe mà lại cử Lê Đức Anh (kẻ cơ hội chỉ quen đánh trộm kiểu du kích) làm tư lệnh chiến trường... 

Kết quả là không những không thể giải quyết đánh nhanh thắng nhanh (là binh pháp sơ đẳng khi phải chiến đấu trên đất nước đối phương) mà phải kéo dài sự chiếm đóng bất đắc dĩ kéo theo cái chết "bất đắc kỳ tử" của hàng chục ngàn binh sĩ đêm đêm làm mồi cho du kích Khơ me đỏ. Đã thế lại còn đẩy Dân tộc lâm vào cảnh đói nghèo vì kiệt quệ do chiến tranh quá kéo dài, danh dự-uy tín của Quốc Gia trở về con số không to tướng... Ấy vậy mà sau vụ Xiêm Riệp (Lê Đức Anh chỉ đạo giết hại rất nhiều đảng viên Khơ me vô tội...) Lê Đức Anh về nước lên làm bộ trưởng quốc phòng thay Văn Tiến Dũng, rồi từ đó lên chủ tịch nước như chúng ta đã biết. Thời gian này y cùng "bộ tứ" khom lưng cúi đầu dâng đất, dâng biển qua hiệp định Thành Đô ô nhục để giữ chế độ độc tài đảng trị... Tội ác này của tập đoàn cộng sản VN rồi đây sẽ có ngày Nhân Dân sẽ phán xét phân minh!... 


Công an TP.HCM tùy tiện sách nhiễu công dân



Đăng bởi lúc
VRNs (08.04.2013) - Sài Gòn – Một giáo dân sống tại Sài Gòn sau khi tham gia ký tên ủng hộ bản góp ý Hiến pháp của Hội đồng Giám mục VN một thời gian thì ngày 5/4/2013 CA khu vực đến nhà đưa tờ giấy có tiêu đề ‘BẢN KHAI NHÂN KHẨU – dùng cho người từ đủ 14 tuổi trở lên’ và yêu cầu điền thông tin, nộp ngay ngày hôm sau. Người nhận hỏi: “vì sao cả nhà 6 người mà chỉ có một mình tôi phải khai tờ này? Vả lại tôi có hộ khẩu thường trú tại nhà này từ thời chính quyền VNCH đến nay, tôi cũng không có nhu cầu gì liên quan đến hộ khẩu, cư trú?”. Anh CA cho biết để bổ sung lý lịch nhân khẩu. Tờ này là “Mẫu HK01 ban hành theo QĐ số 698/2007/QĐ-BCA (C11) ngày 1/7/2007”. Ngoài ra, anh CA khu vực đã tự ý viết sẵn họ và tên của người nhận vào (chữ thường) và còn yêu cầu dán hình bằng cách viết tay chữ “hình” ở góc phải phía trên tờ khai. 

Người giáo dân này đã nhờ Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn hướng dẫn và thắc mắc “Có phải do mình tham gia ký tên… mà bị sách nhiễu buộc làm Tờ khai này hay không?”. Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn đã trả lời:
(i) Tờ “Bản khai nhân khẩu…” này là giấy tờ cần có trong hồ sơ đăng ký thường trú (điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư số 52/2010 của Bộ CA), nó được lưu trữ và bảo quản trong hồ sơ khi công dân thực hiện công việc “đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, đổi, cấp lại, hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu” (Điều 10 Thông tư số 80/2011 của Bộ CA). Ngoài ra, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 81/2011 của Bộ CA (thay thế Quyết định số 698/2007 của Bộ Trưởng Bộ CA) qui định rõ: “Bản khai nhân khẩu (ký hiệu là HK01) được dùng để kê khai nhân khẩu khi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú”. Như vậy, nếu không có nhu cầu thực hiện các việc trên thì công dân có quyền từ chối lập “Bản khai nhân khẩu…” CA khu vực yêu cầu phải khai “Bản khai nhân khẩu…” – trong trường hợp cụ thể này – là vi phạm Luật Cư trú. Cụ thể là: “… 2. Lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 3. … cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc… quản lý cư trú… 5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú…” (Điều 8 Luật Cư trú).
Chưa kể việc tùy tiện ghi chữ “hình” trên “Bản khai nhân khẩu…” và tự ý viết họ tên công dân bằng chữ thường (không phải chữ in hoa) là trái với qui định tại khoản 1, khoản 4 Điều 5 và điểm a, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 81/2011 của Bộ CA.

(ii) Về có hay không việc giáo dân này “bị sách nhiễu do ký tên ủng hộ Bản góp ý Hiến Pháp của Hội đồng Giám mục VN” chúng tôi không khẳng định khi chưa đủ cơ sở. Tuy nhiên việc “ký tên…” của Giáo dân là thực hiện Quyền Công dân, là “ý thức trách nhiệm công dân…”, và thực hiện ước mong của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh hiến pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam”. Hành vi “sách nhiễu…” (nếu có) của bất kỳ ai là sai trái…

Sau khi được hướng dẫn, sáng ngày 06/04/2013 người giáo dân này cho biết, khoảng 9g30 anh CAKV đến nhà để thu tờ BẢN KHAI NHÂN KHẨU. Người giáo dân này đã lịch sự mời anh ta vào nhà ngồi và nói cho anh ta biết về tính không hợp pháp của việc yêu cầu lập Bản khai nhân khẩu này… Anh CAKV tỏ vẻ lúng túng… và ấp úng rằng đây là để quản lý con người ở khu vực (trong khi sáng hôm trước lại nói là để bổ túc lý lịch nhân khẩu!). Cuối cùng anh thú nhận đây là lệnh từ CA quận yêu cầu! Người giáo dân này cũng nói rõ: nếu các anh cần thông tin thì hồ sơ gốc các anh đã có trong tay, chỉ cần vào mở xem là thấy cả.
Khi được cho biết mẫu Bản khai nhân khẩu này các anh yêu cầu phải có hình và đã tự viết tên đương sự không phải chữ IN HOA là đã làm sai quy định theo hướng dẫn của Bộ CA. Nghe đến “sai quy định” lập tức anh ta cáo từ ra về và không quên xin lại tờ giấy Bản khai nhân khẩu ấy. 
 VP. CL-HB