THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 November 2013

Phát hành bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu




Thứ sáu, 2013-11-29 01:38:11 - Nguồn: ThanhNien.com.vn
Chiều 28.11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 - 2016.
Theo đó, Quốc hội nhất trí cho phép Chính phủ phát hành bổ sung vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016 là 170.000 tỉ đồng để đầu tư bốn nhóm dự án công trình: Thứ nhất các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên là 61.680 tỉ đồng.
Thứ hai, các dự án dở dang trong danh mục vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 sau khi rà soát nhưng còn thiếu 73.320 tỉ đồng. Nguyên tắc phân bổ sẽ ưu tiên hoàn thành dứt điểm các dự án, công trình còn thiếu vốn dưới 100 tỉ đồng/dự án; các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước 31.12.2013...
Thứ ba, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 15.000 tỉ đồng. Cuối cùng là dùng làm vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay ODA 20.000 tỉ đồng.  
Anh Vũ

Bỏ thuế suất 25% đối với chuyển nhượng BĐS



Thứ sáu, 2013-11-29 01:38:11 - Nguồn: ThanhNien.com.vn
Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng 2% trên giá vốn, không áp dụng  25% trên lợi nhuận.
Bỏ thuế suất 25% đối với chuyển nhượng BĐS
Thuế thu nhập cá nhân đối với bất động sản gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Đ.Sơn
Hạn chế tiêu cực
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng kiến nghị trên để tránh thất thu thuế, hạn chế tiêu cực trong thu thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận tiện đơn giản trong xác định, kê khai thuế của cá nhân và việc thu thuế của cơ quan thuế. Trên thực tế, nhiều trường hợp chuyển nhượng, việc xác định giá vốn là rất khó khăn. Nhiều khoản chi phí lãi vay, phí tư vấn, môi giới, quản lý… không thể được ghi nhận hợp lý vào giá vốn làm người bán thiệt thòi; giá trị bất động sản (BĐS) biến động theo thời gian do lạm phát, do các hoạt động đầu tư cải tạo làm gia tăng giá trị của BĐS... Vì thế, nếu áp dụng cả hai mức thuế suất 2% và 25% sẽ xảy ra tình huống, cùng một khu vực địa điểm, do cùng một cơ quan thuế giải quyết, nhưng có trường hợp áp dụng mức thuế suất 2%, có trường hợp áp dụng mức thuế suất 25%. Việc áp dụng 2 mức thuế có thể dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong việc xác định và kê khai thuế, thu thuế.
 
Cả 2 mức thuế suất 2% hay 25% đều có điểm bất lợi đối với người nộp thuế. Mức thuế suất 2% trên giá bán thì lỗ hay lời gì người bán nhà cũng phải đóng; còn mức 25% trên lợi nhuận thì trong trường hợp nhà đất không xác định được chi phí, hoặc lạm phát 20 - 30 năm sau mới bán... cũng bất lợi cho người đóng thuế. Luật nhân văn thì cần quy định rõ người dân tự chọn mức thuế suất thực hiện đóng thuế
Luật sư Võ Thanh Hùng
Trước đó, vào tháng 8.2013, UBND TP.HCM cũng đã đưa ra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận áp dụng một mức thuế suất Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS là 2% trên giá chuyển nhượng để tạo điều kiện cho việc tính và thu thuế chuyển nhượng BĐS.
Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM, nhận xét: “Bỏ mức thuế suất 25% trên lãi là đúng. Để 2 mức thuế suất đối với BĐS như hiện nay, cán bộ thuế tùy theo cảm nhận của mình mà giải quyết hồ sơ. Cơ quan quản lý như công an, kiểm toán nhà nước, thanh tra... thường dựa vào mức thu thuế cao thì áp dụng mức thuế suất đó, dẫn đến tạo áp lực cho cơ quan thuế. Áp dụng một mức thuế suất 2% trên giá bán cũng giống như trường hợp trước đây áp dụng tiền sử dụng đất, dù có lỗ người dân cũng đóng”.
Anh Quang, một nhà đầu tư BĐS nói rằng, thuế thu nhập quá cao đã khiến người dân phải lách luật tránh thuế, hoặc bằng cách giảm giá trị hợp đồng, hoặc chung chi cho cán bộ thuế. Khi chấp nhận giảm giá trị hợp đồng, người mua sẽ gặp rất nhiều rắc rối về sau.
Để người dân tự chọn
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Tấc Đất Tấc Vàng, đây là TNCN nên nếu người kinh doanh có lời thì mới phải đóng thuế. Nếu người dân bán lỗ nhưng vẫn đóng 2% thì số tiền 2% này gọi là TNCN từ chuyển nhượng BĐS liệu có hợp lý? Vì vậy, nên có quy định nếu người dân chứng minh được mình bán lỗ thì không nên đánh thuế.
Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang đặt vấn đề: Chính cách suy nghĩ, hành thu của cơ quan luôn muốn áp mức thuế suất nào có số thu cao dẫn tới những tranh cãi về 2 mức thuế nói trên. Vì vậy, hãy trao quyền chọn mức thuế suất 2% hay 25% cho người nộp thuế”. Trong khi đó, luật sư Võ Thanh Hùng - Giám đốc Công ty luật TNHH Tâm Điểm Luật lại cho rằng: “Cả 2 mức thuế suất 2% hay 25% đều có điểm bất lợi đối với người nộp thuế. Mức thuế suất 2% trên giá bán thì lỗ hay lời gì người bán nhà cũng phải đóng; còn mức 25% trên lợi nhuận thì trong trường hợp nhà đất không xác định được chi phí, hoặc lạm phát 20 - 30 năm sau mới bán... cũng bất lợi cho người đóng thuế. Luật nhân văn thì cần quy định rõ người dân tự chọn mức thuế suất thực hiện đóng thuế”.
Đình Sơn - Thanh Xuân

Hai tấn băng vệ sinh chứa hạt lạ vừa bị bắt giữ tại Đồng Nai

2013-11-29 00:32:11 - Nguồn: Afamily.vn
Những miếng băng này khi thử cho thấm nước đã nổi đầy hạt nhựa li ti, nhầy nhụa như keo dán.
Sáng 28/11, đội Quản lý thị trường cơ động thuộc Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Cảnh sát giao thông chặn bắt một xe tải được nghi chở hàng gian, hàng giả đang lưu thông trên Quốc lộ 1A (đoạn phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Qua kiểm tra xe, lực lượng chức năng đã bất ngờ phát hiện trên xe chở 60 bao tải đựng gần 270.000 miếng băng vệ sinh (cân nặng trên 2 tấn) không có nguồn gốc, không nhãn mác.
Hai tấn băng vệ sinh chứa hạt lạ vừa bị bắt giữ tại Đồng Nai 1
Tấm băng có chứa đầy hạt nhựa bên trong.
Tài xế Phùng Văn Tiến (37 tuổi, ngụ Hà Nội) khai được thuê chở số hàng trên tại một bãi chứa hàng ở Hà Nội đưa về điểm hẹn tại khu vực Bến xe An Sương (TPHCM) để giao hàng.
Theo Quản lý thị trường, khả năng các bao tải đựng những miếng băng vệ sinh không nhãn mác đưa vào TP.HCM sẽ được nhóm người làm hàng gian, hàng giả đóng gói, giả nhãn mác của các thương hiệu bán ra thị trường. Các miếng băng này sau khi cho thử thấm nước thì nổi từng hạt nhựa li ti và nhầy nhụa như keo dán.

Cô giáo và người dân đánh nhau ngay trên bục giảng


Thứ Năm, 28/11/2013 15:15

(NLĐO)- Một cô giáo tiểu học 45 tuổi đang dạy học thì bị người hàng xóm hơn 31 tuổi xông vào lớp. Cả hai lời qua tiếng lại rồi lao vào ẩu đả nhau ngay trên bục giảng lớp học trước sự chứng kiến của hàng chục em học sinh lớp 2.



Trường Tiểu học Thạch Kênh, nơi xảy ra vụ việc

Các cơ quan chức năng của huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) ngày 27-11 xác nhận đang làm rõ một vụ việc tai tiếng trong ngành giáo dục địa phương. Sự việc này xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng ngày 14-11, lúc đó cô Phạm Thị Nga (SN 1968) đang dạy tiết 2, môn Toán tại lớp 2A, trường Tiểu học Thạch Kênh (xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thì chị Nguyễn Thị Bích Hằng (SN 1982) xông vào lớp. Cả hai lời qua tiếng lại và xảy ra xô xát ngay tại lớp học. 

Trận ẩu đả khiến cả hai người đều bị thâm tím mặt mày.

Theo tìm hiểu, cô Nga và chị Hằng vốn là hàng xóm, cùng trú tại xóm Hòa Hợp, xã Thạch Kênh. Từ lâu, 2 gia đình đã có mâu thuẫn với nhau trong việc xả chất thải gây mất vệ sinh.

Trước đó, ngày 13-11 giữa chị Hằng và cô Nga xảy ra bất đồng. Ngày hôm sau, chị Hằng đã tìm đến tận nơi cô Nga dạy, mục đích là để báo với ban giám hiệu về việc xô xát với chị trước đó. Nhưng một lần nữa, vụ việc không được giải quyết êm thấm mà tiếp tục xảy ra xô xát trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ học sinh lớp 2A và nhiều giáo viên của trường tiểu học Thạch Kênh.

Rất nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra bất bình trước sự việc. Một phụ huynh xin được giấu tên nói: “Lẽ ra sự việc này cô Nga và chị Hằng không nên để bọn trẻ chứng kiến. Sự việc lại xảy ra ngay trong giờ học như thế sẽ để lại ấn tượng không tốt cho các cháu”.

Ông Lê Đình Phú, trưởng thôn Hòa Hợp, cho biết: “2 gia đình đã có mâu thuẫn từ trước do bức xúc xung quanh chuyện nhà cô Nga thường xuyên xả rác thải gây mất vệ sinh tại khu vực trước cửa nhà chị Hằng. Cán bộ thôn đã nhiều lần nhắc nhở, đề nghị 2 gia đình nên giải quyết êm thấm và hợp lý hợp tình, đảm bảo an ninh trật tự, nếp sống văn hóa dân cư nhưng rồi mâu thuẫn vẫn cứ kéo dài”.
Chị Hằng bức xúc cho rằng cô Nga xả thải gây mất vệ sinh khu vực trước cổng nhà chị
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo trường Tiểu học Thạch Kênh cũng thừa nhận có sự việc xô xát ngay trong lớp học giữa cô giáo Nga với chị Hằng vào sáng ngày 14-11. Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Kênh, nói: “Sự việc này xảy ra nhà trường rất lấy làm tiếc. Đáng nhẽ, những bức xúc mâu thuẫn trong hàng xóm láng giềng nên đưa về nhà giải quyết, tránh cho các em thấy những hành vi không đẹp như thế này. Và khi sự việc xảy ra, với tư cách là người đứng trên bục giảng cô Nga nên kiềm chế và xử lý khôn khéo hơn”. 

Cũng theo lãnh đạo trường, hiện cô Nga đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Không chỉ dừng lại ở việc ẩu đả, cô giáo Phạm Thị Nga còn tố cáo mất 1 khuyên tai vàng tây và 1 dây chuyền vàng 3 chỉ trong lúc xảy ra xô xát. Công an huyện đã vào cuộc để điều tra sự việc.

Cô Nguyễn Thanh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà cho biết: “Sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã cử cán bộ phụ trách xuống nắm rõ tình hình và phối hợp với công an để làm rõ sự việc. Đồng thời chúng tôi cũng cử công đoàn đến động viên cô Nga sớm ổn định sức khỏe để làm việc với cơ quan chức năng”
.

Tin - ảnh: Ly An

Nỗi hãi hùng của 2 chị em bị ép đẻ thuê ở Trung Quốc


Thứ Năm, 28/11/2013 15:25

(NLĐO)- Sau 2 tháng bị nhốt và chịu nhiều trận đòn roi, đe dọa tinh thần, người chị 30 tuổi đành nhắm mắt về ở với 1 người đàn ông Trung Quốc. Được gia đình báo công an, cả 2 chị em đã được giải thoát khỏi việc bị ép lấy chồng, đẻ thuê ở Trung Quốc.

Chị N.T.P cho biết bị ép lấy chồng, đẻ thuê cho người Trung Quốc

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 27-11, Tiểu đội Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thanh Hóa, vừa tổ chức giải cứu thành công 2 phụ nữ là N.T.H (SN 1983) và N.T.P (SN 1990) là con và cháu của ông N.V.L (SN 1960), ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, bị một phụ nữ tên là Đào Thị Vân, ngụ xã Quảng Phú, TP Thanh Hóa lừa bán sang Trung Quốc từ tháng 6-2013.

Sáng ngày 28-11, tìm về gia đình 2 nạn nhân bị lừa bán qua Trung Quốc, dù đã hơn 10 ngày trôi qua sau khi được trở về với gia đình, nhưng 2 chị em H. và P. vẫn chưa hết hoảng loạn khi nhớ về những ngày tháng bị nhốt, đánh đập, hành hạ nơi xứ người.

Theo bà P.T.N (SN 1964, mẹ của chị N.T.H) thì khoảng giữa tháng 6-2013, H. và P. có đi xem bói ở nhà bà Th. (xã Quảng Định, TP Thanh Hóa). Sau một vài lần xem bói, 2 người có kể cho bà Th. nghe về cuộc sống nghèo khó, công việc lại không có. Bà Th. Cho biết có quen một người tên là Đào Thị Vân ở xã Quảng Phú, hiện đang sống ở Trung Quốc, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở địa phương qua đó làm ăn.

Nghe mùi mẫn, trong lúc công việc không có, hai chị H. và P. đã xin gia đình qua bên đó xem thế nào, nếu không có việc thì xem như đi du lịch một chuyến cho biết đây đó. “Thấy có cái gì đó không ổn, lúc đầu gia đình chúng tôi đã phản đối, nhưng thấy các con muốn đi nên cũng đành chiều theo ý con” - bà N. cho biết.

Vẻ mặt còn hoảng sợ, chị N.T.P nhớ lại “Khi đến cửa khẩu Móng Cái, xe ôm chở ra một bến đò, rồi đưa chúng em qua sông sang Trung Quốc. Đi ô tô khoảng một ngày trời thì đến nhà bà Vân ở tỉnh Quảng Đông. Không giống như những gì bà ấy hứa rằng qua đây đi làm xưởng may và hái hoa quả, thu nhập cao, ổn định mà bà ấy đưa chúng em lên tầng 3 nhốt lại”.

Ngày nào bà Vân cũng đưa đàn ông đến xem mặt rồi ép H. và P. lấy họ, nhưng 2 chị em không đồng ý mà nói muốn lấy chồng thì phải đưa bố mẹ qua xem và tổ chức đám cưới đàng hoàng. Bà Vân đánh đập, hành hạ, bỏ đói không cho 2 chị em ăn uống. 

“Ngày nào bà Vân cũng ép em phải lấy người này, người kia, rằng họ rất giàu có, cuộc sống sung túc, nhưng em nói sợ lắm, không đồng ý và muốn về nhà. Thế là bà ấy, em chồng rồi con trai lao vào đánh đập chúng em. Bà ấy dọa không bao giờ cho em về nước và sẽ gả em cho một người đàn ông đã 70 tuổi” - chị P kể lại.

Sau 2 tháng bị nhốt, 2 chị em không chịu được đòn roi và muốn tìm cách thoát về nước nên H. đã đồng ý để bà Vân bán làm vợ một người đàn ông tên là A Sân (33 tuổi) với giá 15 ngàn nhân dân tệ (khoảng 52 triệu đồng tiền Việt Nam). 

Nhưng ở với nhau được 12 ngày, A Sân đã mang chị H. trả lại cho bà Vân và đòi lại tiền, vì biết chị H. thường xuyên liên lạc về nhà, A Sân sợ mất cả “chì lẫn chài”. 

Sau đó, bà Vân đã ép chị H. phải đẻ thuê cho một người đàn ông khoảng 60 tuổi, với giá 60 triệu đồng nhưng phải đẻ được con trai họ mới trả tiền. Tuy nhiên, chưa ép được H. đi đẻ thuê thì biết tin gia đình 2 chị ở nhà đã làm đơn báo công an. Sợ bị lộ, bà Vân đã ép 2 gia đình nộp 25 triệu đồng/người tiền chuộc rồi mới cho về nước.
Người thân 2 chị em bàng hoàng kể lại sự việc

Sau khi ông N.V.L và ông N.V.C là bố của 2 chị H. và P. mang tiền xuống nhà bà Đào Thị Tuyền (chị gái của bà Vân) ở xã Quảng Phú, TP Thanh Hóa nộp tiền chuộc thì bà Vân đã đưa 2 chị ra cửa khẩu Móng Cái cho về nước. 

“Tưởng về đến Việt Nam là thoát nạn, ai ngờ khi đặt chân về nước chúng em bị 4 người nhà bà Vân (2 nam, 2 nữ) ép lên xe taxi đang đợi sẵn để đi ra bến xe. Rồi họ đưa 2 chị em lên một chiếc xe ô tô 52 chỗ về Thanh Hóa, khi lên ô tô 4 người này không rời chúng em nửa bước. Một người tên Thành xưng là cảnh sát hình sự, người này nói với cả xe 2 chị em là trộm cắp, lừa đảo đang được giải về Việt Nam để xử lý, nên không được ai cho mượn điện thoại” - chị P nhớ lại.

Đến gần 6 giờ sáng ngày 22-11, 2 chị em H và P được đưa về đến đường tránh TP Thanh Hóa, 4 người nhà bà Vân đưa họ xuống xe và bắt lên taxi nhưng 2 chị em không chịu. Sau đó 2 bên xảy ra xô xát, lúc này có một người đàn ông đi đổ xăng thấy xô xát đã đứng ra can ngăn, đồng thời cho chị em H. và P. mượn điện thoại liên lạc về nhà. Khoảng 20 phút sau, công an ập đến bắt quả tang và đưa tất cả về cơ quan công an.

Bà L.T.T (SN 1967, mẹ của P.) cho biết khoảng 10 ngày sau khi con gái và cháu đi, bà thấy H. điện về nói bị lừa sang đây đi làm vợ, đi đẻ thuê. “Lúc này tôi lo lắm, không ngày nào ngủ được, sợ con qua đó sẽ mãi không về, điện thoại cho bà Vân cũng không liên lạc được nữa. Thế rồi anh chồng tôi (là ông N.V.L - PV) đã làm đơn tố cáo xin công an giúp đỡ. Lúc này bà Vân sợ lộ nên mới điện về yêu cầu tiền chuộc mới cho chúng nó về. Ban đầu bà ấy đòi mỗi nhà nộp hơn 50 triệu đồng, rồi cuối cùng rút xuống còn 25 triệu. Nhà tôi không có tiền phải bán cả xe máy, vay mượn làng xóm để lấy tiền chuộc con” - bà T. bật khóc.

Theo gia đình 2 nạn nhân thì bà Vân trước đây cũng từng bị lừa bán qua Trung Quốc năm 14 tuổi, giờ bà đã có gia đình sống ở bên đó. Bà có về quê và đưa rất nhiều người qua bên đó đi lấy chồng Trung Quốc.

Cũng theo chị P. thì từ hôm về nước đến giờ, bà Vân có điện về cho chị với những lời lẽ đe dọa thách thức. “Bà ấy nói “muốn bắt qua Trung Quốc mà bắt nè”, rồi bà ấy nói anh em nhà bà ấy không biết gì đâu, người nào làm người ấy chịu” - chị P. nói.
Bài - ảnh: Tuấn Minh

Thưởng Tết: Cố gắng bằng năm ngoái!


Thứ Năm, 28/11/2013 23:45

Trong khi các doanh nghiệp dân doanh đang nghe ngóng tình hình để quyết mức thưởng Tết thì đa phần các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chốt mức 1 tháng lương cơ bản

Tác động của suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2013 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn. Đơn hàng ít, giá gia công thấp, thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) lại cận Tết buộc DN phải cân nhắc kỹ việc thưởng Tết cho người lao động.
Phổ biến 1 tháng lương cơ bản
Khảo sát sơ bộ của Báo Người Lao Động cho thấy mức thưởng Tết bình quân của đa số DN có vốn nước ngoài (FDI) là 1 tháng lương cơ bản. Ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Ever Win (100% vốn Đài Loan; KCN Bình Chiểu, TP HCM), cho biết: “Năm nay do đơn hàng giảm 30% khiến việc làm, thu nhập của công nhân (CN) bị ảnh hưởng. Việc tăngLTT cũng khiến chi phí đóng BHXH, BHYT, BHTN tăng. Dù vậy, DN vẫn cố gắng bảo đảm thưởng Tết 1 tháng lương cơ bản, bình quân 3 triệu đồng/người. Mỗi CN còn được nhận quà Tết trị giá 500.000 đồng của ban giám đốc và CĐ cơ sở. 50 CN có hoàn cảnh khó khăn nhất được tặng vé xe về quê ăn Tết”.
Dự kiến mức thưởng Tết tại Công ty Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi, TP HCM) 
là 1 tháng lương cơ bản Ảnh: 
KHÁNH AN
 
Cũng khó khăn không kém nhưng Công ty Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM) vẫn bảo đảm thưởng Tết 1 tháng lương cơ bản cho CN. Năm ngoái, chi phí thưởng Tết cho 10.000 CN khoảng 25 tỉ đồng. Năm nay, do LTT điều chỉnh, ước tính tổng chi phí thưởng Tết hơn 28 tỉ đồng. “Cạnh tranh quyết liệt về đơn hàng, đơn giá gia công khiến tình hình sản xuất gặp khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, để giữ CN, ban giám đốc thỏa thuận với CĐ cơ sở duy trì mức thưởng Tết bằng năm ngoái” - ông Võ Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Hansae Việt Nam, xác nhận.
Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (tỉnh Bình Dương) nhiều năm liền chăm lo Tết chu đáo cho công nhân Ảnh: VĨNH TÙNG
Còn tại Công ty Phúc Thắng (100% vốn Hàn Quốc; KCN Sóng Thần I, tỉnh Bình Dương) năm nay ngoài mức thưởng 1 tháng lương cơ bản, công ty còn xét thưởng thâm niên. Công ty DI (KCX Linh Trung II, TP HCM) cũng thưởng Tết cho 1.600 CN như mọi năm là 1 tháng lương cơ bản. Ngoài ra, CĐ còn tặng mỗi CN một phần quà Tết (gồm dầu ăn, gạo, đường, bột ngọt…) trị giá khoảng 200.000 đồng. Đáng lưu ý, đây là những DN có xây dựng thỏa ước lao động tập thể và việc thưởng Tết là thỏa thuận giữa ban giám đốc và CĐ cơ sở.
DN dân doanh: Vẫn còn cân nhắc
Nếu như DN FDI được dự đoán khá “dễ thở” thì các DN khu vực dân doanh khá chật vật. “Từ đầu tháng 11, chúng tôi đã thăm dò tình hình chăm lo Tết tại các DN trên địa bàn quận. Nhiều DN gặp khó khăn, cố gắng thưởng Tết bằng năm ngoái đã là khá” - bà Phan Thị Lan- Chủ tịch LĐLĐ quận 6, TP HCM - nhận định.
Nghe ngóng trước khi đưa ra mức thưởng là tình hình chung tại nhiều DN. Lý giải điều này, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Công ty Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM), nói: “Trước mắt, chúng tôi phải điều chỉnh LTT theo quy định, sau đó mới tính đến việc thưởng Tết”.
Giám đốc các ngành dịch vụ liên quan đến bất động sản cũng than khó do thị trường gần như đóng băng. Đại diện một số cán bộ CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM cho biết phải đến trung tuần tháng 12-2013 mới biết chính xác mức thưởng Tết.
Nếu như năm ngoái, các DN dệt may, giày da gặp nhiều khó khăn thì năm nay, tình hình có vẻ sáng sủa hơn. Theo ông Hà Duy Hưng, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng, mức thưởng Tết năm nay chắc chắn không thấp hơn năm ngoái. “Lúc DN khó khăn, CN chấp nhận giảm thu nhập để chia sẻ. DN làm ăn được thì không có lý do gì để né thưởng Tết” - ông Hưng bày tỏ.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc điều chỉnh LTT không ảnh hưởng nhiều đến thưởng Tết bởi nhiều DN đã trả cao hơn mức LTT hiện tại. Nếu thỏa ước lao động tập thể của DN đã quy định thưởng Tết nhưng vì lý do nào đó mà không thưởng thì phải thương lượng lại với người lao động.
KHÁNH AN - THANH NGA

Hậu quả ngày càng nặng nề


Thứ Năm, 28/11/2013 23:45

TS Phạm Đức Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một trong số ít quốc gia phải gánh chịu hậu quả tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Phóng viên: Báo Người Lao Độngvừa có loạt bài phản ánh về những hậu quả đã lộ diện của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo ông, đâu là nguyên nhân chính gây ra những tình trạng này?
- Ông Phạm Đức Thi:
Nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi khí hậu là sự tăng nồng độ các nhà kính gây nên nóng tầng đối lưu và nguội tầng bình lưu. Chỉ từ sau cách mạng công nghiệp (1965) đến nay, nồng độ nhiều loại nhà kính trong khí quyển mới tăng lên và tăng liên tục. Lượng CO2 tăng 31%, mê-tan tăng gấp 2 lần và N2O tăng 17%.
TS Phạm Đức Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Nguyên nhân chủ yếu tăng CO2 là do đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí và phá hủy rừng. Trong đó, việc sử dụng các nhiên liệu đóng góp 80%-85% lượng khí CO2 tăng thêm trong khí quyển khiến tổng lượng CO2 trong bầu khí quyển tăng 0,5%-1%/năm. Đốt các loại nhiên liệu, sử dụng phân hóa học, sản xuất các chất hóa học, tiêu thụ nhiên liệu, phá rừng... làm tăng khoảng 15% lượng N2O vốn có trong khí quyển. Đó là hệ quả của quá trình phát triển công nghiệp gây nên sự thay đổi môi trường lớn nhất mà con người phải chịu đựng.
Những biểu hiện nào chứng tỏ khí hậu đã biến đổi mạnh?
- Nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng lên rõ rệt trong giai đoạn 1920-1940, giảm dần khoảng giữa những năm 1960 và ấm lên từ sau năm 1975 đến nay. Đây là thời kỳ nhiệt độ ấm nhất trong vòng 600 năm trở lại đây. Mưa cũng có những biến động đáng kể, tuy xu thế không rõ rệt như nhiệt độ.
Tương ứng với sự tăng của nhiệt độ toàn cầu, mực nước trung bình của đại dương cũng tăng lên 10-25 cm. Xu thế tăng của mực nước như vậy là lớn. Sự tan băng ở các vùng núi cao, giảm tuyết ở Bắc bán cầu và tăng nhiệt độ đã làm cho mực nước biển dâng cao. Cùng với xu thế tăng nhiệt độ toàn cầu là sự phân bố các dị thường của nhiệt độ.
Một trong những căn nhà của người dân miền Trung bị san phẳng trong cơn bão số 10 vừa qua Ảnh:HỮU TÀI
Riêng Việt Nam, BĐKH sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào?
- Theo dự đoán, Việt Nam là một trong số ít nước phải chịu hậu quả tác động nặng nề nhất của BĐKH. Riêng ĐBSCL, nếu mực nước biển dâng như dự báo vào năm 2030 sẽ khiến khoảng 45% diện tích đất có nguy cơ nhiễm mặn nặng, mùa màng thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt và úng ngập. Nếu mực nước biển dâng 1 m mà không có các hoạt động ứng phó, phần lớn diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập nhiều thời gian trong năm, thiệt hại tài sản ước tính lên tới 17 tỉ USD.
Những biểu hiện cụ thể nào về hiện tượng BĐKH ở Việt Nam?
- BĐKH đã khiến thiên tai - đặc biệt là bão lũ, hạn hán - ngày càng ác liệt. Các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra bất thường với sự gia tăng tần suất xuất hiện và cường độ.
Nhiệt độ trung bình/năm trong vòng 50 năm qua đã tăng khoảng 0,5%. Theo dự báo, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình/năm có thể tăng lên 2,6 độ C ở Tây Bắc, 2,5 độ C ở Đông Bắc, 2,4 độ C ở đồng bằng Bắc Bộ, 2,8 độ C ở Bắc Trung Bộ, 1,9 độ C ở Nam Trung Bộ, 1,6 độ C ở Tây Nguyên và 2 độ C ở Nam Bộ so với trung bình của thời kỳ 1980 -1999.
Lượng mưa gia tăng vào mùa mưa và giảm vào mùa khô, số ngày mưa phùn giảm rõ rệt. Cuối thế kỷ XXI, lượng mưa có thể tăng khoảng 7%-8%/năm ở Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và 2%-3% ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Lượng mưa các tháng cao điểm của mùa mưa sẽ tăng 10%-15% ở phía Bắc và Nam Trung Bộ. Trong khi đó, lượng mưa mùa khô sẽ giảm 4%-7% ở Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ; khoảng 10% ở Bắc Trung Bộ và các vùng khí hậu phía Nam giảm tới 10%-15% so với thời kỳ 1980-1999. Mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn.
Tần số hoạt động của không khí lạnh ở Bắc Bộ giảm rõ rệt trong 3 thập kỷ, từ 288 đợt giai đoạn 1971-1980 xuống còn 249 đợt giai đoạn 1991-2000. Tuy số ngày rét đậm, rét hại trung bình giảm nhưng có năm xảy ra đợt rét đậm kéo dài với cường độ mạnh kỷ lục (đầu năm 2008).
Số đợt nắng nóng trong thập kỷ 1991-2000 nhiều hơn, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ. Hai đợt nắng nóng kéo dài giữa tháng 6 và đầu tháng 7-2010 làm nhiệt độ tối cao tuyệt đối đạt trên 40 độ C trên diện rộng là một ví dụ.
Đường đi của bão có xu hướng dịch chuyển về phía Nam và mùa bão dịch chuyển vào các tháng cuối năm. Lũ đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên hơn ở miền Trung và miền Nam.
Vậy Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ quả gì do ảnh hưởng của BĐKH?
- Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước, trong khi lượng bốc hơi nước của các hồ ao, sông suối tăng. Hậu quả là sự suy thoái tài nguyên nước cả về lượng và chất sẽ trầm trọng hơn.
Sự gia tăng thiên tai và các hiện tượng cực đoan của thời tiết sẽ ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới nông, lâm nghiệp, thủy hải sản. Nhiều loại bệnh sẽ gia tăng dưới tác động của sự thay đổi chế độ nhiệt độ, độ ẩm và môi trường.
Ngoài ra, BĐKH còn tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, an ninh môi trường, an ninh quốc gia, làm xuất hiện khả năng có làn sóng tị nạn môi trường, sự xâm lấn của sinh vật lạ và sinh vật biến đổi gien...
Con người tác động đến 90%
Theo ông Phạm Đức Thi, BĐKH là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình và dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. Nguyên nhân là do các quá trình tự nhiên hoặc do con người gây ra đối với các thành phần khí quyển.
Tác động của con người đóng góp đến 90% vào tình trạng BĐKH hiện nay. Riêng năm 2012, con người đóng góp 50% vào việc xuất hiện các hiện tượng khí tượng cực đoan.
Thùy Dương thực hiện

Lũ lớn: Trách nhiệm của ai?


Thứ Năm, 28/11/2013 23:45

Nguyên nhân khiến 47 người thiệt mạng sau đợt mưa lũ giữa tháng 11 vừa qua được các cơ quan chức năng lý giải bằng việc xả lũ đúng quy trình và biến đổi khí hậu

Gần 2 tuần trôi qua, hậu quả và dư chấn của trận lũ kinh hoàng vẫn ám ảnh người dân miền Trung và dư luận cả nước bởi những thiệt hại kinh hoàng về mạng người và của cải. Thế nhưng, vẫn chưa có đơn vị hay cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm, bồi thường và thậm chí là một lời xin lỗi.
Tại trời!
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì một cuộc họp về quy trình xả lũ thủy điện. Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Năng lượng khẳng định các thủy điện lớn ở miền Trung đã vận hành đúng quy trình, không gây thêm lũ cho hạ du mà còn góp phần cắt giảm đỉnh lũ dù các hồ này không có chức năng chống lũ. Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cũng khẳng định các nhà máy thủy điện xả lũ đúng theo quy trình. Lũ lụt miền Trung do hậu quả của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão số 15 khiến tổng lượng mưa lớn từ 300- 500 mm làm cho việc chống lũ ở khu vực này bị động.
Nhà ông Nguyễn Văn Minh ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sạt lở nặng sau đợt lũ lớn Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Những nhận xét này khiến ông Nguyễn Hoài Pháp, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - khu vực được xem là “rốn lũ” - rất bức xúc. “Khi chúng tôi nghe thông báo thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ thì nước đã về tới rồi, lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Cho đến tối thì nhà của tôi đã ngập đến 1,5 m. Cơn mưa hôm đó không lớn, chúng tôi từng chứng kiến những cơn mưa lớn hơn nhiều nhưng nước cũng ngập sông, ngập lạch chứ không ngập đến nóc nhà như trận này. Trừ năm 2009 cũng có một trận ngập tương tự do thủy điện A Vương xả lũ mà thôi. Thủy điện Đắk Mi 4 xả đến 3.900 m3/giây thì làng mạc nào chịu nổi mà bảo là xả đúng quy trình?” - ông Pháp dẫn chứng.
Mưa nhỏ sinh lũ lớn: Vô lý!
Đỉnh lũ lịch sử tại miền Trung - Tây Nguyên năm 1999 do những cơn mưa từ 800 mm trở lên, thậm chí có lúc lên đến 1.700 mm, kéo dài đến 4-5 ngày. Cơn “đại hồng thủy” vừa qua khiến mực nước các sông cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 rất nhiều, do đó lý giải bằng cơn mưa 300-500 mm sinh lũ lớn là không hợp lý.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, có 2 trường hợp xảy ra khi lũ về. Nếu dự đoán đúng, các đơn vị vận hành sẽ xả nước trước đó, chừa một phần dung tích hồ để chứa lũ, cắt lũ cho hạ du. Nếu sợ không đủ nước phát điện mà cứ tích nước thì khi lũ về bắt buộc phải xả không chỉ nước lũ mà còn cả lượng nước tích trong hồ, đây chính là nguyên nhân gây lũ nhân tạo.
“Quá nhiều hồ chứa trên sông cũng tác động lớn đến dòng chảy, lũ mạnh hơn là điều đương nhiên. Lũ nhân tạo nước dâng rất nhanh, còn lũ tự nhiên thì nước lên chậm. Người dân phân biệt rõ điều này hơn ai hết chứ không phải vô cớ họ đổ cho thủy điện. Tôi cho rằng 3 bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi Trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm trong trận lũ vừa qua, cần tổ chức kiểm tra lại số liệu tại các hồ chứa để xác định mức độ ảnh hưởng đến đâu” - TS Tứ phân tích.
Bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), cũng khẳng định thủy điện không thể vô can trong trận lũ tàn khốc vừa qua. “Cứ cho rằng thủy điện xả đúng quy trình thì liệu cái quy trình đó đã đúng chưa, đã phù hợp với thực tế chưa. Nhiều đơn vị vận hành thủy điện cho biết đôi khi gọi về xã thông báo xả lũ nhưng chẳng ai nghe máy. Thủy điện nào cũng bảo đúng quy trình rồi mạnh ai nấy xả, thế là bao nhiêu nước bên dưới dân gánh hết” - bà Sửu bức xúc.
Theo bà Sửu, cần có đơn vị chỉ huy tại chỗ để chỉ đạo các hồ chứa xả lũ hợp lý cũng như phối hợp chặt chẽ thông tin với địa phương. “Chứ năm nào cũng “đúng quy trình” rồi dân chết mặc dân như thế này thì đau xót lắm!” - bà Sửu nói. Chưa kể việc xây dựng thủy điện đã phá diện tích rừng rất lớn, không có rừng giữ nước và cản nước, nước lũ về nhanh và nhiều hơn là điều tất yếu.
Vừa qua, VRN đã có công văn kiến nghị Quốc hội về việc quy hoạch và quản lý các dự án thủy điện Việt Nam. Theo đó, tạm thời đình chỉ các dự án đã được cấp phép nhưng đang có những vấn đề tác động chưa được làm rõ, đặc biệt là các dự án ở vùng miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, nên xem xét trì hoãn việc xây dựng các dự án trong quy hoạch chưa có đánh giá đầy đủ về chi phí môi trường - xã hội.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão trung ương, mưa, lũ tại miền Trung vừa qua đã khiến 47 người chết và 66 người bị thương; gần 1.700 căn nhà hư hỏng và 425.573 căn bị ngập; 5.851 ha lúa, hoa màu, hồ nuôi trồng thủy sản hư hại; sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, đê, kè...
Gánh 272,19 triệu m3 nước trong 1 ngày
Theo báo cáo xả lũ của 3 hồ chứa thủy điện nằm trên đầu nguồn sông Vu Gia, chỉ trong ngày 15-11, 3 thủy điện Đắk Mi 4, Sông Côn 2 và A Vương đua nhau xả lũ xuống hạ du. Lưu lượng xả lũ lớn nhất là thủy điện Đắk Mi 4, với 3.900 m3/giây. Kế đến là thủy điện A Vương với lưu lượng 898 m3/giây và Sông Côn 2 với 578 m3/giây. Theo tính toán, chỉ trong hơn 1 ngày, tổng lượng nước xả của 3 hồ chứa thủy điện này đổ xuống vùng hạ du lên đến 272,19 triệu m3.
Trong khi đó, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nằm đầu nguồn sông Thu Bồn, lúc 11 giờ ngày 15-11, đã xả với lưu lượng 3.622 m3/giây và xả liên tục trong 38 giờ với tổng lưu lượng lên đến 362,24 triệu m3 nước.
Tr.Thường

THU SƯƠNG